11/9 - Ngày Thay đổi Nước Mỹ Và Thế Giới - VnExpress

Đó là khi tên khủng bố Mohamed Atta khống chế chuyến bay số 11 của hãng hàng không American Airlines lao thẳng vào tòa tháp phía bắc của Trung tâm Thương mại Thế giới ở thành phố New York. Trong gần hai giờ sau đó, những chiếc máy bay khác lao vào tòa tháp nam của Trung tâm Thương mại Thế giới và Lầu Năm Góc.

Khi khói vẫn bốc lên từ tòa tháp đôi đổ sụp ở Manhattan và Lầu Năm Góc, chính sách đối nội và đối ngoại của nước Mỹ cũng bắt đầu thay đổi, tác động mạnh mẽ đến cả thế giới.

Vụ tấn công chấn động thế giới 20 năm trước Vụ tấn công chấn động thế giới 20 năm trước

Ngày nước Mỹ bị tấn công. Video: USA Today.

Mong muốn chống khủng bố mãnh liệt đã đưa Mỹ tới cuộc chiến 20 năm ở Afghanistan, chiến tranh dài một thập kỷ ở Iraq và các chiến dịch tiêu diệt khủng bố khác trên toàn cầu. Chính sách đối ngoại và quốc phòng Mỹ cũng tập trung chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và tham gia các cuộc chiến tranh toàn cầu lớn.

Trung Đông quay cuồng giữa những cuộc chiến, xung đột và thay đổi chế độ. Syria bị tàn phá nặng nề và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ra đời, trỗi dậy rồi sụp đổ. Australia, đồng minh thân cận của Mỹ và là một mục tiêu của chủ nghĩa khủng bố, trở nên quyết liệt hơn và tham gia vào liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu trong các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq.

Khi những cuộc chiến dài hơi do Mỹ phát động nổ ra, vụ khủng bố cũng mang đến những tác động lâu dài đối với tâm lý và cách sống của người Mỹ. Với tất cả người Mỹ dưới 23 tuổi, khoảng 25% dân số, ngày 11/9 là lịch sử chứ không phải trải nghiệm, hay có thể nói họ không có ký ức về ngày hôm đó. Một thế hệ trẻ không sinh ra vào thời điểm xảy ra vụ khủng bố, nhưng đang cố gắng tìm kiếm mọi điều về nó, theo Joe Pfeifer, cựu lính cứu hỏa New York.

Nhân viên cứu hỏa giữa đống đổ nát gần Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York hôm 11/9/2001. Ảnh: Reuters.

Nhân viên cứu hỏa giữa đống đổ nát gần Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York hôm 11/9/2001. Ảnh: Reuters.

"Họ không sống ở thời điểm đó mà chỉ thấy trên phim ảnh. Với họ, đó là một sự kiện lịch sử", Pfeifer nói.

Dù nhiều người không trực tiếp trải qua ngày kinh hoàng đó, họ vẫn đang sống với những hậu quả của nó. Những nỗi đau khổ, sợ hãi của ngày hôm đó vẫn âm ỉ phía dưới vỏ bọc của cuộc sống thường ngày.

Ngoại trừ một số bộ phim như Trung tâm Thương mại Thế giới và Chuyến bay 93 của Oliver Stone vào năm 2006, Hollywood hầu như tránh xa chủ đề này. Ngay cả những bộ phim đó cũng từng bị nhiều thân nhân nạn nhân chỉ trích.

"Tôi từng có nhiều cuộc nói chuyện với nhiều nhà làm phim, nhưng những bộ phim đó không bao giờ được thực hiện. Tôi nghĩ vụ khủng bố ngày 11/9 là nỗi đau quá lớn đối với những người đã trải qua nó. Còn đối với những nhà sản xuất, tôi nghĩ họ sẽ cảm thấy rất đau đớn khi xem nó", Pfeifer, người may mắn thoát chết trong vụ khủng bố, nói.

Tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York bốc khói sau vụ tấn công ngày 11/9/2001. Ảnh: Reuters.

Tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York bốc khói sau vụ tấn công ngày 11/9/2001. Ảnh: Reuters.

Những vết sẹo tâm lý của vụ khủng bố cũng có thể được thấy qua việc khu tưởng niệm 11/9 tìm cách tái hiện lại sự kiện mà không khiến khách tham quan bị tổn thương. Bảo tàng Tưởng niệm 11/9 được mở cửa năm 2014 đã kể lại câu chuyện về bốn chuyến bay khủng bố tại các khu vực riêng biệt, cho phép du khách có thể tránh một trong những câu chuyện nếu muốn. Khu trưng bày ảnh về vụ khủng bố, như bức ảnh "Người đàn ông rơi" nổi tiếng, cũng được tách biệt để mọi người tự lựa chọn có muốn xem hay không.

Các dịp kỷ niệm trong suốt 19 năm qua luôn được tổ chức theo cùng một cách. Trong buổi tưởng niệm kéo dài 102 phút, tên của 2983 người chết được đọc lên, cùng những khoảnh khắc mặc niệm vào đúng thời gian bốn chiếc máy bay rơi và tòa tháp đôi sụp đổ.

Hai hồ nước phản chiếu đã được xây dựng với thác nước bao quanh tại đúng vị trí tháp bắc và tháp nam của Trung tâm Thương mại Thế giới. Tên của những nạn nhân được khắc trên các tấm bảng bằng đồng bao quanh hồ. Hoa hồng trắng luôn được đặt trên tên của nạn nhân vào mỗi dịp sinh nhật.

Tháp Tự do, hay Trung tâm Thương mại Thế giới số 1, đã được xây mới gần hai hồ nước để thay thế tòa tháp đôi vào năm 2014. Khu tưởng niệm đã trở thành một trong những điểm tham quan nổi tiếng nhất ở Mỹ, với hơn 7 triệu du khách mỗi năm. Các đài tưởng niệm bên ngoài Lầu Năm Góc và ở Pennsylvania, nơi Chuyến bay 93 của United Airlines bị rơi, cũng là điểm đến thu hút. Những địa điểm này dường như trở thành nơi hành hương của người Mỹ hàng năm.

Di sản rõ ràng nhất mà vụ khủng bố 11/9 để lại chính là cách nó làm thay đổi cán cân tự do dân sự và an ninh trên toàn nước Mỹ. An ninh hàng không đã được siết chặt kể từ đó.

Hai tháng sau vụ khủng bố, quốc hội Mỹ thành lập Cục An ninh Vận tải. Kiểm soát an ninh ở sân bay được tăng cường. Hành khách phải tháo giày, thắt lưng, lấy máy tính và chất lỏng khỏi túi xách, đi qua máy quét toàn thân trước khi lên máy bay. Hành lý cũng được máy quét kiểm tra, trong khi danh sách hành khách luôn được đối chiếu với danh sách cấm bay của FBI.

Ngoài ra, Mỹ cũng ra Đạo luật Yêu nước chỉ 6 tuần sau vụ tấn công, trao quyền nhiều hơn cho các cơ quan tình báo để phát hiện những nghi phạm khủng bố.

Các nhóm tự do dân sự đã tiến hành chiến dịch suốt hai thập kỷ để loại bỏ những gì họ cho là vi phạm quyền tự do, nhưng quy định luật pháp cứng rắn hơn vẫn được thực thi. Bất chấp một số chỉ trích, các điều luật cũng như biện pháp giám sát vẫn được siết chặt và Mỹ đã không có thêm vụ khủng bố lớn nào kể từ sau vụ 11/9.

Vụ khủng bố 11/9 cũng làm thay đổi chính sách của Mỹ về nhập cư. Bộ An ninh Nội địa đã được thiết lập vài tháng sau vụ khủng bố để giúp ngăn chặn nguy cơ tấn công, giám sát an ninh biên giới và nhập cư. Nhiệm vụ bất thành văn của cơ quan này là đảm bảo không một nhóm khủng bố nào như những tên không tặc ngày 11/9 đặt chân đến Mỹ mà không bị phát hiện. Các chính quyền Mỹ dưới thời tổng thống George W. Bush, Barack Obama và Donald Trump đều theo đuổi chính sách nhập cư cứng rắn và hạn chế hơn.

"Nhập cư sau vụ 11/9 không chỉ đơn thuần là câu hỏi về di cư, mà đó là vấn đề an ninh", David Leblang, giáo sư chính trị tại Đại học Virginia, nói. "Điều đó đã thay đổi đáng kể bản chất của quy định nhập cư".

Đống đổ nát của tòa tháp phía nam Trung tâm Thương mại Thế giới ngày 11/9/2001. Ảnh: Reuters.

Đống đổ nát của tòa tháp phía nam Trung tâm Thương mại Thế giới ngày 11/9/2001. Ảnh: Reuters.

Một trong những di sản đáng buồn nhất của vụ tấn công 11/9 là số người mắc bệnh vì nhiễm bụi, chất độc hại ngày càng tăng. Những đống đổ nát từ tháp đôi đã phát tán nhiều bụi bê tông, kính vỡ hay chất độc hại như chì, thủy ngân và amiăng ra môi trường. Ít nhất 80.000 người tại địa điểm bị khủng bố và 400.000 người sống, làm việc, học tập tại khu vực phía nam Manhattan đã hít phải khí, bụi độc hại.

"Chúng tôi biết mọi người đang bị nhiễm bệnh khi dọn dẹp đống đổ nát ở hiện trường. Mọi người đều bị rát họng và sổ mũi", John Feal, một công nhân xây dựng, kể lại vào năm 2018.

Feal cho biết ông đã tham dự hơn 180 đám tang kể từ sau vụ 11/9, một phần nhỏ trong số hơn 2.000 người và có thể là 5.000 người đã chết vì ung thư gan, trực tràng và các bệnh khác sau vụ khủng bố.

Một trong những người sống sót nổi tiếng nhất là Marcy Borders, người còn được gọi là "Người phụ nữ tro bụi" với bức ảnh toàn thân phủ bụi trắng xóa sau vụ khủng bố ở tháp đôi. Bà đã chết vì ung thư dạ dày năm 2015, được cho là do hít phải bụi độc hại.

Sau những chiến dịch vận động của Feal và nhiều người khác, năm 2018, quốc hội Mỹ đã thông qua thêm 10,2 tỷ USD trong quỹ bồi thường để đảm bảo tất cả nạn nhân mắc bệnh liên quan tới vụ 11/9 và gia đình của họ đủ trang trải phần đời còn lại.

"Nó sẽ trở nên tồi tệ hơn bởi chúng ta giờ chưa thấy làn sóng ung thư do amiăng, thường được phát hiện sau 20-25 năm", Feal nói.

Một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew chỉ ra 97% người Mỹ có thể nhớ họ đã ở đâu vào thời điểm xảy ra vụ tấn công khủng bố, vượt xa tỷ lệ khảo sát về vụ ám sát tổng thống John F. Kennedy năm 1963 hay vụ tiêu diệt khủng bố Osama bin Laden năm 2011.

Vụ khủng bố 11/9 cũng từng làm trỗi dậy ý thức đoàn kết dân tộc của Mỹ khi cùng nhau vượt qua nỗi đau mất mát chung. Tinh thần đoàn kết này được duy trì trong nhiều tháng sau vụ tấn công. Tuy nhiên, 20 năm sau đó, xã hội Mỹ dần chia rẽ, từ phân hóa giàu nghèo, sắc tộc tới chính trị. Cuộc tấn công Đồi Capitol hôm 6/1 là minh chứng rõ ràng nhất cho những chia rẽ này.

Lễ kỷ niệm 20 năm vụ khủng bố 11/9 cuối tuần này sẽ là cơ hội hiếm có để nhắc nhở người Mỹ về tinh thần đoàn kết. Cho đến nay, lễ tưởng niệm hàng năm luôn là một trong số ít dịp nước Mỹ đồng lòng hoàn toàn. Lý do là bởi 20 năm đã qua, ngày đen tối đó vẫn tiếp tục là nỗi đau âm ỉ của nước Mỹ.

"Ngày 11/9 không bao giờ bị lãng quên", Feal nói.

Thanh Tâm (Theo Australian)

  • Ngày nước Mỹ bị tấn công
  • Bi thương sau bức ảnh 'Người phụ nữ tro bụi' vụ 11/9
  • Sai lầm khiến FBI bắt hụt kẻ bị nghi chủ mưu khủng bố 11/9
  • Nhìn lại vụ khủng bố 11/9 rung chuyển nước Mỹ

Từ khóa » Ngày đen Tối 11/9