11 Loại Rau Tốt Cho Bà Bầu Lẫn Thai Nhi, Mẹ đã Rõ? - Hello Bacsi
Có thể bạn quan tâm
Việc cẩn trọng hơn trong chế độ ăn uống là một trong những điều mà phụ nữ thường phải cân nhắc khi biết mình có thai. Những loại thực phẩm nào tốt cho thai kỳ hay ăn rau có tốt cho bà bầu không là những câu hỏi mà nhiều mẹ bầu rất băn khoăn.
Thực tế là những gì mà thai phụ ăn đều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự phát triển của thai nhi trong bụng. Vì thế, bạn sẽ cần đến một chế độ ăn uống thật khoa học để cung cấp đủ dưỡng chất cho cả mẹ lẫn con.
Tất nhiên rằng, các loại rau củ quả cũng đóng vai trò không thể thiếu trong thực đơn hằng ngày. Hello Bacsi chia sẻ với bạn danh mục 11 loại rau tốt cho bà bầu, cũng như mẹo để thêm chất xơ vào bữa ăn hiệu quả.
Tầm quan trọng của rau với thai kỳ và 11 loại rau tốt cho bà bầu
Trong thời gian mang thai, việc duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh là rất quan trọng. Điều này có nghĩa rằng bạn phải chọn đúng loại thực phẩm, dùng đủ lượng, cũng như đúng thời điểm. Việc chọn lựa không đúng không chỉ gây hại cho mẹ mà còn có thể ảnh hưởng xấu đến cả thai nhi nữa.
Một chế độ ăn đúng và đa dạng sẽ không thể thiếu vắng sự có mặt của các loại rau củ quả. Việc bổ sung nhóm thực phẩm này vào chế độ ăn giúp mẹ bầu tránh được các biến chứng như tiểu đường thai kỳ, cũng như tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng. Đồng thời, nếu mẹ bầu bổ sung nhiều rau xanh cũng giúp trẻ đạt được cân nặng tối ưu sau khi sinh, giảm thiểu các nguy cơ thiếu máu, điều hòa huyết áp và kiểm soát cân nặng cho mẹ.
Có rất nhiều loại rau cung cấp cho cơ thể một nguồn dưỡng chất dồi dào. Dưới đây là danh sách 11 loại rau tốt cho bà bầu mà bạn cần bổ sung trong suốt thai kỳ của mình:
- Khoai lang: Loại rau ăn củ này là nguồn bổ sung tuyệt vời các vitamin A, B và C
- Măng tây: Chúng chứa một lượng lớn vitamin A, B, E và K
- Đậu que: Đậu que là loại rau ăn quả cung cấp vitamin C và K cùng lượng chất xơ tốt cho bà bầu
- Củ cải đường: Củ cải đường rất giàu vitamin và chất xơ. Bên cạnh đó, nó còn hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch cho cả mẹ bầu và thai nhi
- Ớt chuông: Cũng như củ cải đường, ớt chuông cung cấp dồi dào lượng vitamin và chất xơ cần thiết cho thai kỳ
- Bí đao: Loại rau ăn quả này rất giàu vitamin, protein và thiamin (vitamin B1) tốt cho việc chuyển hóa đường, cũng như chống lại cảm giác tê phù khi mang thai
- Cà chua: Loại rau ăn quả có màu săc bắt mắt này rất giàu vitamin C, K và biotin giúp chống lại tình trạng rụng tóc khi mang thai hiệu quả
- Bông cải xanh: Loại thực phẩm này vô cùng có lợi bởi nó bổ sung vitamin C, K và folate (một dưỡng chất cực kỳ cần thiết cho sự hình thành và phát triển hệ thần kinh của thai nhi). Mẹ bầu tiêu thụ bông cải xanh cũng chứng minh có lợi trong việc giảm táo bón
- Escarole (rau diếp đắng hay rau cúc đắng): Loại rau này rất tốt cho bà bầu do có nhiều vitamin A và C, cũng như nổi tiếng với công dụng chữa đau đầu và hỗ trợ tiêu hóa tốt
- Mùi tây: Mùi tây có nhiều protein, vitamin E đặc biệt là riboflavin ngăn ngừa chứng dị tật ống thần kinh ở thai nhi
- Rau bó xôi: Loại rau này cung cấp nhiều chất xơ, carotenoids và folate. Mẹ bầu tiêu thụ rau bó xôi còn giúp thanh lọc hệ tiêu hóa, giảm đường, mỡ trong máu, giúp kiểm soát cân nặng tốt hơn.
Trên đây là một số gợi ý từ Hello Bacsi, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn sử dụng bất kỳ loại rau củ quả nào mình yêu thích. Nếu e ngại việc dùng loại rau đó liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe thai kỳ của mình hay không, hãy đừng ngần ngại chia sẻ điều đó với bác sĩ sản khoa bạn nhé.
Lượng rau củ quả mà bà bầu cần cho mỗi ngày là bao nhiêu?
Các thai phụ thường cảm thấy đói bụng hơn bình thường, vì lúc này họ không chỉ ăn cho riêng mình nữa. Lời khuyên cho bạn là nên chia nhỏ bữa ăn của mình ra để tránh cảm giác đói. Việc ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày cũng hạn chế các vấn đề tiêu hóa thường gặp trong thai kỳ.
Lượng rau củ quả cần thiết tiêu thụ trong ngày nên rơi vào khoảng 500g. Tùy theo rau ăn quả, rau ăn lá hay ăn củ mà bạn có thể ăn sống, nấu chín hay chế biến thành các món hầm, luộc, nướng. Rau củ quả là một nguồn cung cấp năng lượng, vitamin, khoáng chất cũng như chất xơ vô cùng phong phú. Chúng ta có thể bổ sung vitamin bằng viên uống nhưng không thể làm điều tương tự đối với chất xơ, vì chất xơ chỉ phát huy lợi ích tốt nhất khi chúng ta ăn rau củ quả trực tiếp.
Ngoài việc ăn những loại rau tốt cho bà bầu, cũng như đảm bảo một chế độ ăn uống cân bằng, một điều quan trọng khác nữa là bạn nên tập thể dục đều đặn cũng như đảm bảo ngủ đủ giấc.
Mách mẹ bầu những bí quyết đơn giản để thêm chất xơ vào bữa ăn
Dưới đây là một số phương pháp đơn giản mà bạn có thể kết hợp rau củ quả vào bữa ăn hằng ngày của mình để làm tăng thêm cảm giác thú vị và ngon miệng hơn:
- Trộn và nấu các loại rau củ quả mà bạn yêu thích cùng với những loại mà bạn không thích (nhưng có lợi cho bạn ít nhất là trong giai đoạn bầu bí này), thêm món nước sốt khoái khẩu và bạn đã có ngay bữa ăn ngon cho mình!
- Nếu bạn thích thức ăn cay, món cà ri rau củ sẽ là lựa chọn tốt cho bạn. Mức độ cay của món ăn phụ thuộc vào sở thích của bạn, vì gia vị cay không gây hại cho bé. Cần lứu ý là nếu bạn đang gặp chứng ợ nóng nên giảm độ cay ở mức thấp. Cà chua hoặc mì ống trộn rau cải bó xôi cũng là những lựa chọn thay thế tốt.
- Bạn có thể thử làm món đậu que nướng hoặc hấp chấm với nước sốt để có món ăn vặt thú vị.
- Món súp kem rau củ tự làm ở nhà cũng là một lựa chọn khôn ngoan để có thể bổ sung nhiều rau hơn vào khẩu phần ăn.
- Nếu việc ăn rau trực tiếp khiến bạn thấy buồn nôn, nhạt miệng, hãy thử làm món súp với hành lá, cần tây và dầu ô liu.
- Có rất nhiều các loại rau củ tốt cho bà bầu như khoai lang và cải con nhưng có không ít bà bầu lại không mấy ưa chuộng chúng. Tuy nhiên, mẹ bầu hãy cứ thử dùng một lần và biết đâu cuối cùng bạn lại có cảm tình với chúng.
- Để tăng thêm hương vị, bạn có thể nướng rau củ và nêm nếm với các loại thảo mộc và gia vị khác như húng quế, húng tây, rau mùi và kinh giới cay.
Bạn nên trữ sẵn một lượng rau củ quả nhất định để có thể lấy ra chế biến ngay khi cần. Ngoài ra, với các mẹ bầu đi làm, hãy chuẩn bị bữa trưa cho mình vào tối hôm trước hoặc sáng sớm để bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng và vệ sinh.
Những lưu ý khi sử dụng các loại rau tốt cho bà bầu
- Hãy thử dùng rau sống nếu bạn không mấy ưa thích rau được nấu chín. Cà rốt bào sợi nhỏ, xà lách trộn với bắp cải thái nhỏ hoặc ăn rau sống với nước chấm là những cách tuyệt vời để bổ sung rau trong bữa ăn. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là trái cây và rau củ quả chưa rửa kỹ có thể bị nhiễm toxoplasma, một loại ký sinh trùng có hại cho cả mẹ và em bé. Hãy chắc chắn rằng trái cây và rau quả được rửa sạch dưới vòi nước chảy và tốt nhất là gọt vỏ trước khi ăn.
- Hãy nhớ rằng trong thời kỳ mang thai, khẩu vị của bạn sẽ thay đổi. Do đó, hãy cố gắng thử nhiều loại rau tốt cho bà bầu khác nhau để làm tăng thêm sự đa dạng trong chế độ ăn uống hàng ngày của bạn.
Thực phẩm mà bạn tiêu thụ trong thai kỳ sẽ có ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của bạn, cũng như là đối với thai nhi đang phát triển. Vì vậy, điều quan trọng là phải có một chế độ ăn cân đối. Và các bà mẹ tương lai cũng đừng quên tiêu thụ những loại rau tốt, bổ dưỡng cho cả mẹ và bé nhé. Đơn giản vì đây cũng là nguồn cung cấp nhiều vitamin và dưỡng chất vô cùng cần thiết.
Minh Phú/HELLO BACSI
[embed-health-tool-due-date]
Từ khóa » Các Loại Rau Xanh Bà Bầu Nên ăn
-
Top Những Loại Rau Tốt Cho Bà Bầu Nên Có Trong Bữa ăn Hàng Ngày
-
Bà Bầu Nên ăn Rau Gì để Tốt Cho Sự Phát Triển Của Thai Nhi?
-
Chi Tiết Các Loại Rau, Củ, Quả Bà Bầu Nên ăn Và Không Nên ăn
-
Bà Bầu Nên ăn Rau Gì Tốt Cho Sự Phát Triển Của Thai Nhi? - MarryBaby
-
Ăn Rau Gì Tốt Cho Bà Bầu? | Vinmec
-
Bà Bầu Nên ăn Rau Gì? - Nhà Thuốc Phương Chính
-
Các Loại Rau Tốt Cho Bà Bầu Và Thai Nhi - Thuốc Dân Tộc
-
10 Loại Rau Củ Cực Tốt Cho Bà Bầu để Con Khỏe Từ Trong Bụng Mẹ - 24H
-
Những Loại Rau Tốt Cho Bà Bầu, Thai Nhi Khỏe Mạnh, Hạn Chế Dị Tật ...
-
12 Loại Rau Củ Quả Tốt Cho Bà Bầu An Thai Khỏe Mạnh - Websosanh
-
Những Loại Rau Tốt Cho Bà Bầu Cần Có Trong Bữa ăn Hàng Ngày
-
Những Loại Rau Bà Bầu Không Nên ăn - Nhà Thuốc Long Châu
-
Top 5 Các Loại Rau Tốt Cho Bà Bầu Để Mẹ Khỏe Con Thông Minh
-
Bà Bầu Nên ăn Rau Gì? Kiêng ăn Rau Gì Tốt Cho Thai Nhi - VinID