11 Loài Thiên địch Cực Kỳ Hữu ích Cần Có Trong Vườn

Trong canh tác nông nghiệp thuận tự nhiên, thiên địch cực kỳ quan trọng. Sử dụng thiên địch để kiểm soát côn trùng gây hại là biện pháp được ứng dụng nhiều nhất.

Những sinh vật tự nhiên có ích này sẽ ăn hoặc gây bệnh cho những loài sâu bọ gây hại trong vườn, giúp hạn chế việc sử dụng các hóa chất diệt côn trùng.

Ở bài viết này, WAO chia sẻ một số loài thiên địch cực kỳ hữu ích cho vườn mà các nhà vườn nên bảo tồn, phát triển.

Nội dung bài viết

  • 1. Kiến vàng
  • 2. Bọ rùa thiên địch
  • 3. Nhện
  • 4. Bọ xít ăn thịt
  • 5. Thiên địch ong ký sinh
  • 6. Bọ ngựa
  • 7. Chuồn chuồn
  • 8. Bọ cánh cứng ba khoang
  • 9. Muồm muỗm
  • 10. Bọ đuôi kìm
  • 11. Thiên địch kiến ba khoang

1. Kiến vàng

Kiến vàng được biết đến là một loài thiên địch lợi hại của ruộng vườn. Chúng có khả năng khống chế và tiêu diệt nhiều loại sâu bọ gây hại cho cây trồng như bọ xít, rầy mềm, rệp sáp, các loại sâu vẽ bùa, sâu ăn lá, sâu đục thân cành và các loại sâu đục vỏ trái,…

Bên cạnh đó, kiến vàng còn giúp tiêu diệt rầy chổng cánh, là loài côn trùng môi giới truyền bệnh Greening (bệnh vàng lá gân xanh) nguy hiểm trên cây có múi.

thiên địch kiến vàng
Thiên địch kiến vàng

2. Bọ rùa thiên địch

Bọ rùa nhóm ăn thịt là một loài thiên địch hữu ích, chúng có màu sắc sặc sỡ như đỏ, đỏ cam, cánh bóng vì ăn thịt nhiều, thường có ít chấm trên thân. Thức ăn yêu thích của chúng là các loài sâu bọ kí sinh như rệp vừng, rệp sáp, nhện đỏ,…

Ở trong cả giai đoạn ấu trùng và trưởng thành chúng đều có thể ăn thịt những con côn trùng này, một con bọ rùa sẽ nuốt chửng hàng ngàn con rệp trong đời. Do đó, các khu vườn bị nhện, rệp tấn công sẽ không còn là nỗi lo nếu có sự xuất hiện của thiên địch này.

bọ rùa thiên địch
Bọ rùa thiên địch

3. Nhện

Một số loài nhện như nhện ăn thịt, nhện lùn, nhện nhảy, nhện lưới, nhện linh miêu,… được xem là thiên địch trong vườn vì chúng ăn sâu, rệp, châu chấu, ruồi giấm. Dù sống trên cạn hay dưới nước, nhện đều rất giỏi trong việc săn mồi là các loài sâu bọ, côn trùng khác. Một con nhện trưởng thành có thể ăn tới 15 con mồi mỗi ngày.

Nhện ăn rệp

4. Bọ xít ăn thịt

Một số loài bọ xít trong họ côn trùng Nabidae được xem là thiên địch. Vì chúng là côn trùng săn mồi nên chúng ăn các loài côn trùng gây hại trong vườn như sâu, rầy, rệp, ấu trùng ruồi, các loài côn trùng thân mềm,…

thiên địch bọ xít
Bọ xít

5. Thiên địch ong ký sinh

Một số loài ong ký sinh là thiên địch có thể kể đến như ong kén nhỏ, ong đen, ong xanh mắt đỏ. Chúng đẻ trứng vào thân mình của sâu hoặc trứng sâu. Sau đó trứng ong sẽ phát triển, khiến vậy chủ ký sinh bị chết. Một con ong có thể đẻ được hàng chục trứng một ngày.

Ngoài ra còn có một loài ong ký sinh nữa là ong đa phôi ký sinh sâu cuốn lá. Loài ong này đẻ một trứng vào trứng của sâu cuốn lá. Nhưng một quả trứng ong ban đầu này nhanh chóng phân chia thành nhiều trứng, có thể nở thành hơn 200 con ong.

Ong ký sinh lên sâu

6. Bọ ngựa

Bọ ngựa cũng là một trong những thiên địch hữu ích trong vườn. Chúng là những kẻ săn mồi hảo hạng, những loài côn trùng lọt vào tầm ngắm của nó thường không còn lối về. Bọ ngựa ăn thịt sâu, ruồi, bướm, ấu trùng côn trùng, bọ cánh cứng,…

thiên địch bọ ngựa
Bọ ngựa

7. Chuồn chuồn

Chuồn chuồn cũng được xem là một loài thiên địch có lợi cho ruộng vườn. Chuồn chuồn có thể bắt mồi cả ở trên không và trên cạn. Thức ăn của chuồn chuồn là các loài côn trùng nhỏ, sâu bọ.

Chuồn chuồn

8. Bọ cánh cứng ba khoang

Bọ cánh cứng ba khoang (tên khoa học là Ophionea nigrofasciata) là một loài côn trùng thân cứng. Ấu trùng có màu đen bóng, trưởng thành có màu nâu đỏ. Bọ cánh cứng ba khoang thường tấn công những ổ sâu cuốn lá và các loại sâu non thuộc bộ cánh vảy.

Chúng xuất hiện nhiều trong vườn và trên ruộng lúa.

Bọ cánh cứng ba khoang

9. Muồm muỗm

Muồm muỗm là loài côn trùng có bề ngoài khá giống với châu chấu hay cào cào nhưng râu của muồm muỗm dài hơn.

Một số loài muồm muỗm ăn thực vật nhưng cũng có một số loài ăn động vật như sâu, côn trùng, ốc sên,…

Muồm muồm

10. Bọ đuôi kìm

Bọ đuôi kìm có màu đen bóng, giữa cái đốt bụng có khoang trắng và có điểm trắng đầu đỉnh râu. Chúng thường sống trên ruộng khô và làm tổ dưới đất ở gốc cây lúa. Loài bọ này chui vào các rãnh sâu đục thân đã đục để tìm sâu non. Đôi khi chúng trèo lên lá để tìm mồi sâu cuốn lá. Chúng có thể ăn 20 – 30 con mồi/ngày.

thiên địch bọ đuôi kìm
Bọ đuôi kìm

11. Thiên địch kiến ba khoang

Kiến ba khoang (tên khoa học là Paederus fucipes) có màu nâu đỏ, giữa lưng có một vạch lớn màu đen chạy ngang qua tạo thành 1 khoang đen. Chúng thường trú ẩn trong bờ cỏ, đống rơm rạ mục nát ngoài ruộng, chúng làm tổ dưới đất và đẻ trứng. Khi ruộng lúa xuất hiện rầy nâu, sâu cuốn lá, chúng tìm đến chui vào tổ sâu ăn thịt từng con.

Trung bình mỗi kiến ba khoang có thể ăn từ 3-5 con sâu non/ngày. Loài kiến này cũng thường xuất hiện trên ruộng cây màu.

Kiến ba khoang

Ngoài ra còn có các loài ruồi ký sinh, ruồi giả ong, thiêu thân xanh,… cũng giúp ích trong việc săn bắt côn trùng có hại.

Để bảo vệ và phát triển các loài thiên địch trong vườn, nhà vườn cần xen canh đa dạng các loại cây trồng, không sử dụng các loại hóa chất diệt cỏ, hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu hóa học.

Đọc tiếp:

Cách bảo vệ và phát triển kiến vàng trong vườn cây ăn trái

Những mẹo thu hút bọ rùa có lợi đến vườn để hạn chế rầy rệp nhện đỏ

Từ khóa » Bọ Xít Thiên địch