12 Lời Khuyên Cần Biết Cho Luyện Tập Vẽ Giải Phẫu Người - IDesign
Có thể bạn quan tâm
Khi bạn nắm rõ lý thuyết về giải phẫu, việc vẽ hình dáng cơ thể người sẽ không còn là mối lo ngại nữa.
Bài viết này, iDesign sẽ cung cấp cho bạn 12 lời khuyên, quy tắc trong giải phẫu học để bạn có thể học cách vẽ người chính xác và tự tin hơn nhé.
1. Hãy suy nghĩ trước khi đặt bút vẽ
Giải phẫu rất cụ thể và sự khác biệt giữa bản vẽ “đúng” và bản vẽ “sai” thường rất khó nhận thấy. Nếu các bản vẽ của bạn giống như vẽ nguệch ngoạc và bạn không tuân theo một trật tự bất kỳ nào, đó là bởi vì bộ não của bạn đang bận rộn trong việc xử lý hình ảnh, dẫn đến không nhận thấy các lỗi giải phẫu. Nếu bạn muốn tìm hiểu hay đang học về giải phẫu, lời khuyên là bạn nên có một nền tảng tốt trong các kỹ năng vẽ cơ bản, và sử dụng công cụ ấy thật phù hợp.
2. Bắt đầu từ những kết cấu đơn giản
Những cử động hay điệu bộ của cơ thể luôn tăng điểm nhấn cho mọi hình vẽ. Và giải phẫu nên là một lớp vẽ mới, như là thêm một phương pháp để thể hiện những cử chỉ, chứ không phải một sự thay thế hoàn toàn. Các cách thức giải phẫu nên được thiết kế để theo dõi và khám phá các hình dáng điệu bộ.
3. Ghi nhớ các hình dạng cơ bản
Cơ thể con người là dạng kết cấu gồm các đường cong và những thứ trông mềm oặt. Tuy nhiên, sẽ thật tệ nếu bản vẽ của bạn trông nhợt nhạt, kém thu hút. Dù rằng bạn có thể sao chép chính xác những gì bạn thấy, nhưng nếu bản vẽ không có sự hiểu biết và thiếu độ chính xác thì hẳn những lỗi sai ấy sẽ dễ dàng bị nhận ra.
Một cách tiếp cận tốt hơn là hãy học cách phân tích cơ thể thành các hình học căn bản. Đây là lý do tại sao các bài học về khuôn mẫu đơn giản luôn cần thiết cho tất cả các lĩnh vực của cơ thể. Các khuôn mẫu cơ bản đủ để bạn có thể ghi nhớ chúng, và áp dụng bất cứ khi nào bạn cần.
4. Chú ý đến bộ xương
Rất dễ để phát hiện ra một người vẽ không hề biết gì về bộ xương, dù chỉ là nghía qua hình vẽ đã được đắp da đầy đủ. Đó là khi cơ bắp không được đặt đúng vị trí của kết cấu. Bộ xương vốn phức tạp, nhưng khác với cơ bắp và mỡ, đó là nơi hiếm có sự thay đổi trong cấu trúc, hình dạng. Hiểu và nắm rõ được cách bộ xương vận hành sẽ giúp việc xây dựng cơ thể dễ dàng hơn, ngoài ra còn giúp bạn hiểu cách hoạt động của cơ thể và đặt các cơ đúng vị trí.
Hãy dành thời gian tìm hiểu về bộ xương, đó là điều không chỉ có lợi cho chính tác phẩm của bạn mà còn giúp ích cho sự nghiệp tương lai.
5. Kiểm tra – sửa và sửa, sửa
Sau khi hoàn thành một tác phẩm, hãy quan sát một cách tỉ mỉ để xem xét phần nào bạn cần cải thiện. Bạn có thể nhờ bạn bè, người cố vấn hoặc một nhóm cộng đồng vẽ trợ giúp. Sau đó, kiểm tra các điểm cần chú ý và chỉnh sửa lại bản vẽ của mình. Sẽ chẳng thể nào tiến bộ nếu bạn chỉ sửa bằng mắt, chính tay bạn phải là người cẩn thận sửa những lỗi đó. Bạn có thể áp dụng cách này cho bài tập về nhà, hoặc thậm chí với những bài vẽ bạn tưởng đã “hoàn thiện” trong vài tháng hoặc nhiều năm trước. Chắc chắn khi xem lại bạn sẽ thấy có nhiều điểm không ưng mắt lắm đấy. Hãy kiên nhẫn xem lại và sửa nhé.
6. Đừng chỉ đọc về nó
Tìm hiểu về giải phẫu thông qua việc đọc tài liệu và nghe lời giảng có thể giúp bạn hiểu về mặt trí tuệ, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bạn có thể vẽ nó. Với bất kỳ người nghệ sĩ nào, kiến thức giải phẫu không thể dừng ở việc hiểu. Bạn phải học cách thực hành để tác phẩm thêm phần thú vị và các chi tiết chính xác hơn. Cách duy nhất để cải thiện điều đó là vẽ. Vẽ thật nhiều!
7. Quên đi những khuôn mẫu “người tuyết”
Đừng vẽ các khối tròn đối xứng ở mọi vị trí. Điều đó không chỉ làm cho bản vẽ của bạn trông thô cứng mà còn rất nhàm chán đấy. Các đường nét có xu hướng xếp zigzag dọc cơ thể, tạo ra một dòng chảy năng động và linh hoạt. Hơn nữa, các cơ thường hoạt động theo cặp: khi một bên gập người thì bên kia đang nghỉ ngơi
8. Đừng ôm lấy các chi tiết
Hãy nhớ rằng: không phải mọi xương, gân và cơ đều phải diễn nét trong mỗi bản vẽ. Bởi vì các chi tiết giải phẫu sai điểm có thể làm cho một bản vẽ trông cứng nhắc và không thực. Chỉ nên chọn các chi tiết hỗ trợ hình ảnh tổng thể giúp tác phẩm đạt được sự toàn diện. Tóm lại, bạn có thể chọn các chi tiết ở cận tiêu điểm và tiếp tục phát triển cử chỉ, điệu bộ theo kết cấu.
9. Hãy kiên nhẫn
Học giải phẫu là một quá trình không thể vội vã. Hãy dành thời gian của bạn trên mọi bản vẽ và với mọi bộ phận của cơ thể. Bạn càng không thể tìm hiểu mọi thứ chỉ trong lần đầu tiên. Bạn sẽ phải nhìn lại sản phẩm của mình để xem xét những lỗi sai và bổ sung vào kinh nghiệm, lặp đi lặp lại việc này trong suốt khoảng thời gian làm nghề. Đừng hy vọng trở thành một bậc thầy ngay lập tức. Điều đầu tiên chính là hãy không ngừng học hỏi.
10. Hãy định hướng mục tiêu trong việc luyện tập của bạn
Có rất nhiều điều để nghiên cứu về giải phẫu cũng như có thể nghiên cứu từ nhiều góc độ khác nhau. Ví dụ: nếu bạn đang luyện tập cử chỉ thì giải phẫu cần có ngữ cảnh thích hợp. Định dạng hình dáng của tư thế và sau đó tập trung vào việc phác họa giải phẫu. Nếu bạn đang nghiên cứu từ hình dạng cơ bản, hãy sử dụng đường viền chéo và tô bóng để đo lường kích thước hình vẽ. Tập trung vào việc xây dựng các bộ phận cơ thể bằng cách sử dụng các hình học đơn giản và tránh các kết cấu cơ thể mà bạn chưa nắm vững. Chọn một mục tiêu và chỉ tập trung vào nó, đảm bảo bạn sẽ tận dụng tối đa thời gian luyện tập của mình.
11. Thử sức với các bài tập đa dạng
Tập sao chép lại bản vẽ giải phẫu, vẽ ký họa đời thực, vẽ sao chép từ ảnh chụp, vẽ từ trí tưởng tượng của bạn, vẽ lại từ các bản vẽ gốc, điêu khắc… Đó không chỉ là một niềm vui, mà nó còn giúp não của bạn xử lý thông tin theo nhiều cách khác nhau và nạp thêm nhiều kiến thức có ích khác.
12. Nắm vững thuật ngữ
Có rất nhiều điều phải nhớ khi nghiên cứu giải phẫu, và nếu bạn là một newbie không nắm vững lý thuyết, khả năng cao là bạn sẽ phải ngốn lượng thông tin thuật ngữ khổng lồ vào những ngày đầu. Các thuật ngữ như medial (trong) và lateral (ngoài), abduction (dạng) và adduction (khép), origin (gốc) và insertion (chèn), subcutaneous (dưới da) vân vân… Hãy xem xét việc tạo các flashcards hoặc các phương pháp nghiên cứu học thuật để hỗ trợ bạn ghi nhớ các thuật ngữ phổ biến thường dùng nhé!
Khi bạn có thể nói về giải phẫu một cách lưu loát, đồng nghĩa với việc bạn có thể suy nghĩ về giải phẫu thật trôi chảy, điều đó sẽ cải thiện thời gian vẽ của bạn rất nhiều. Đây là bài học quan trọng nhất về giải phẫu cho các họa sĩ, và chắc chắn cũng sẽ hữu ích cho bất cứ ai muốn tìm hiểu giải phẫu học. iDesign tin rằng bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn rất nhiều khi bạn biết các thuật ngữ này đấy.
Tác giả: Stan Prokopenko Người dịch: Lynnette DinhNguồn: Creativebloq
Từ khóa » Học Vẽ Anatomy
-
Cách Học GIẢI PHẪU ( Anatomy ) - YouTube
-
[Sketch Tutorials] Hướng Dẫn Vẽ Anatomy - YouTube
-
[Khóa Học Online] ANATOMY - Giải Phẫu Học ứng Dụng - YouTube
-
Lớp Học Vẽ Giải Phẫu (Anatomy Drawing) Xịn Sò ở Thái Lan Trở Nên ...
-
Cách Học GIẢI PHẪU ( Anatomy ) | Tự Học Vẽ Tranh đẹp Tại Nhà
-
55 Anatomy ý Tưởng | Phác Thảo, Nghệ Thuật, Nhật Ký Nghệ Thuật
-
Cơ Sở Giải Phẫu Người: Các Tỷ Lệ Cơ Bản Của Cơ Thể
-
Hướng Dẫn Vẽ Chi Tiết ANATOMY... - Tự Học Vẽ Với Photoshop
-
Cách Vẽ Tỉ Lệ Cơ Thể Người ( Anatomy ) | Kiến Thức Học Vẽ đẹp
-
Chuỗi Video Miễn Phí Dành Cho Người Mới Tập Vẽ đến Từ Dẫu Phải ...
-
Top 11 Cách Luyện Anatomy Mới Nhất Năm 2022 - EZCach
-
Anatomy - Sân Si Studio
-
Tự Học Anatomy | Zcongnghe Chia Sẽ Thông Tin Hữu ích Free