“12 Ly 7” Huyền Thoại Có Quân Số đông Nhất Việt Nam

+Aa- like comment Sức mạnh quân sự Việt Nam “12 ly 7” huyền thoại có quân số đông nhất Việt Nam 04/02/2021 05:46

DShK-38 là khẩu đại liên được dùng trong cả tác chiến mặt đất lẫn tác chiến phòng không tầm thấp của Liên Xô. Đối với Quân đội Việt Nam, DShK-38 được biết đến với cái tên ngắn gọn là súng phòng không 12,7 mm.

Được đưa vào biên chế của Hồng quân Liên Xô từ năm 1959. DShK có vai trò chính, là vũ khí phòng không của Hồng quân Liên Xô trong Chiến trnh thế giới thứ 2 và còn sử dụng trong nhiều vai trò khác nhau. Ngoài ra, súng còn được trang bị trở thành hỏa lực chính của loại xe tăng và trên các xe bọc thép chở quân.
DShK là một súng đại liên, hoạt động bằng cơ chế trích khí. Bên ngoài nòng súng được xẻ rãnh để tăng khả năng làm mát cho nòng súng, đầu nòng súng được gắn vòng giảm giật cỡ lớn. Súng sử dụng dây đạn có 50 viên, cứ 3 hoặc 5 viên đạn xuyên sẽ có 1 viên đạn lửa có tác dụng dẫn đường trong xạ kích ban đêm hoặc trong môi trường ánh sáng yếu.
Về lý thuyết, đạn 12.7 mm có thể xuyên thép dày 15mm ở cự ly 500m. Một khẩu đại liên DShK hoàn chỉnh bao gồm một giá 3 chân và giá bánh xe, một hệ thống ngắm phòng không, một giảm giật của thiết bị ngắm có thể tháo rời, thân súng và bệ đỡ thân súng; tổng trọng lượng súng nặng khoảng 137kg.
Từ năm 1950, súng máy DShK được Trung Quốc viện trợ cho Quân đội Việt Nam, thông qua các gói hàng viện trợ do Liên Xô; DShK nhanh chóng trở thành vũ khí phòng không tầm thấp, cũng như vũ khí yểm trợ bộ binh tiêu chuẩn trong các đại đoàn chủ lực và các tiểu đoàn phòng không của Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến.
Trong kháng chiến chống Pháp, DShK được sử dụng làm hỏa lực cấp trung đoàn và tiểu đoàn bộ binh của QĐND Việt Nam. Trước năm 1954, số lượng súng máy DShK phục vụ trong biên chế của quân đội ta vẫn còn hạn chế vì nó còn phụ thuộc vào nguồn vũ khí, đạn dược được viện trợ từ Trung Quốc.
Mỗi một trung đoàn hoặc tiểu đoàn bộ binh chỉ có từ 1 đến 3 khẩu, và cũng không đủ để trang bị cho toàn bộ lực lượng của QĐND Việt Nam. Đến năm 1954, thì trong biên chế của trung đoàn phòng không 367 thuộc Đại đoàn 351, đã có sáu tiểu đoàn phòng không, trang bị tổng cộng là 72 khẩu DShK.
Trung đoàn 367 đã tham gia vào Chiến dịch Điện Biên Phủ và những khẩu DShK đã bắn hạ 13 trên tổng số 62 máy bay của quân Pháp. Đồng thời, DShK cũng gây thiệt hại nặng nề cho rất nhiều máy bay khác của không quân Pháp ở Điện Biên Phủ.
DShK cùng với những khẩu pháo phòng không tự động 61-K 37 mm, giúp cho những người lính Việt Minh khống chế gần như toàn bộ bầu trời Điện Biên Phủ, gây ra rất nhiều khó khăn và thiệt hại cho các hoạt động tiếp viện, trinh thám, hay đánh phá bằng máy bay của không quân Pháp.
Trong kháng chiến chống Mỹ, số lượng DShK trong QĐND Việt Nam đã tăng lên rất nhiều và đồng thời Quân chủng Phòng không-Không quân của QĐND Việt Nam, cũng ngày một trở nên lớn mạnh, chính quy hơn trước rất nhiều lần.
DShK trang bị cho cấp trung đoàn từ 5 đến 7 khẩu hoặc được tổ chức thành các đại đội hỏa lực phòng không riêng biệt, sử dụng hỗn hợp hai loại súng máy là DShK 12,7 mm và súng máy hạng nặng KPV-5 14,5 mm. Hiện nay, DShK được biên chế thành các trung đội hỏa lực trực thuộc các Tiểu đoàn bộ binh chính quy của QĐND Việt Nam.
Súng đại liên DShK còn được gắn trên xe bọc thép BTR-40, BTR-50, trên tháp pháo xe tăng T-54/55 do pháo thủ thứ hai hoặc chỉ huy xe trực tiếp điều khiển. Vừa dùng làm hỏa lực yểm trợ tầm gần cho bộ binh, vừa dùng làm hỏa lực phòng không tầm thấp. Ngoài ra DShK còn được trang bị trên các tàu tuần tiễu cỡ nhỏ hoặc xuồng phóng lôi.
Trong tác chiến phòng không thời Chiến tranh Chống Mỹ cứu nước, nhiều đơn vị hỏa lực cấp đại đội đến tiểu đoàn phòng không sử dụng súng máy DShK 12,7 mm kết hợp với các loại súng máy cỡ lớn như ZPU-1, ZPU-2, ZPU-4; tạo nên lưới lửa dày đặc, tiêu diệt máy bay đối phương rất hiệu quả.
Điển hình là cụm điểm cao 175, Trung đoàn cao xạ 252, thuộc Sư đoàn phòng không 363, Hải Phòng chốt giữ. Trong biên chế của một tiểu đoàn gồm có ba đại đội phòng không; trong đó, một đại đội được trang bị 12 khẩu DShK 12,7 mm và 2 đại đội được biên chế 18 khẩu ZPU-2 và ZPU-4.
Trong Chiến dịch 12 ngày đêm, tháng 12/1972 các đơn vị trong Trung đoàn đã chiến đấu tốt; DShK phát huy hiệu quả hỏa lực, cùng với các hỏa lực phòng không trong Trung đoàn, đã bắn rơi 5 máy bay tiêm kích các loại A-6, A-7, F-8H và một chiếc F-111 của không quân Mỹ, chứng minh được sức mạnh của khẩu súng đại liên này. 

Tiến Minh

Tags: Bài mới Đọc nhiều

Từ khóa » Súng Máy Phòng Không 12ly7