12 Nguyên Nhân Hoa Hồng Bị Vàng Lá Và Hướng Xử Lý Hiệu Quả

Hoa hồng bị vàng lá là tình trạng rất phổ biến, hầu như ai đã trồng hoa hồng cũng phải trải qua. Có nhiều nguyên do dẫn tới tình trạng hoa hồng bị vàng lá. Dưới đây là 12 nguyên nhân phổ biến.

Cây hoa hồng không hề dễ chết khi bị vàng lá, có thể nó sẽ bị suy nhưng vẫn có thể cứu vãn nếu bạn biết xử lý đúng cách. Đa phần người mới trồng khi gặp tình trạng hoa hồng bị vàng lá đều mất bình tĩnh do chưa nắm rõ nguyên nhân, cũng như hướng xử lý, từ đó làm cho tình trạng thêm nghiêm trọng. Nếu bạn không biết vì sao cây hoa hồng bị vàng lá thì hãy theo dõi bài viết này.

Nội dung bài viết

1 – Hoa hồng bị vàng lá rụng lá do động rễ

  • Hiện tượng

Động rễ là thuật ngữ mà các “dân nghiện hồng” thường hay dùng để nói về trường hợp bộ rễ bị tổn hại do quá trình vận chuyển, thay chậu hoặc một lý do cố hữu nào đó. Khi phần lớn lượng rễ tơ bị đứt gãy, cây sẽ bị suy giảm khả năng hút nước và dinh dưỡng, không còn đáp ứng đủ cho bộ phận phía trên như cành, lá, nụ và hoa.

hoa hong bi vang la do dong re

Lúc này, bộ phận lá sẽ có biểu hiện trước tiên, sau đó là tới nụhoa. Một phần lá trên cây sẽ bị vàng (vàng gân lá) và rụng xuống, có thể nụ và hoa vẫn còn tươi. Tuy nhiên, nếu bị động rễ quá nặng thì phần nụ hoa cũng sẽ bị héo, thâm đen và không thể nở thành hoa. Trường hợp cây hoa hồng bị vàng lá do động rễ rất phổ biến đối với người chơi hoa hồng.

  • Hướng xử lý

Nếu cây chỉ bị động rễ nhẹ thì rất dễ xử lý, chỉ cần đặt cây tại vị trí có đủ ánh sáng (nắng trực tiếp), sau đó tưới nước bình thường, nếu không biết làm gì thì không nền làm gì, sau đó chờ một thời gian là cây sẽ tự động hồi phục. Khi nhận thấy cây bắt đầu ra tược nhánh mới thì có thể bón phân trở lại. Lúc này, nhu cầu về dinh dưỡng để phát triển bộ rễ của cây rất cao, nên cung cấp ngay để đảm bảo cây khỏe mạnh.

Nếu bị động rễ nặng hơn, lá rụng nhiều hơn, nụ bị héo thì nên cắt tỉa bớt cành, đặc biệt không nên giữ lại tược non, nụ hoa và hoa. Tuy nhiên, không nên cắt quá tay mà chỉ nên tập trung loại bỏ cành bệnh (cành đen hoặc vàng), cành tăm (cành nhỏ), cành không có lá (cành vô dụng), còn những cành khỏe mành thì cần phải giữ lại để cây vẫn còn khả năng quang hợp và hút nước, giúp bật mầm mới khỏe mạnh trở lại.

Trường hợp khi cây hoa hồng bị động rễ mức nặng tới rất nặng, phần lớn lá sẽ bị vàng ngay hôm sau. Đây là hiện tượng hết sức bình thường, nếu bị nặng thì thời gian dưỡng sẽ lâu hơn chứ cây chưa bị chết, nó vẫn còn nhựa sống bên trong. Khi gặp trường hợp này bạn chỉ cần bình bĩnh và dưỡng lại theo bài viết sau.

2 – Tưới không đủ nước, không đúng cách

Hoa hồng bị vàng lá có thể đến từ việc tưới nước. Cụ thể, là do cây không được tưới nước thường xuyên, để gốc cây quá khô, chu kì tưới không đều đặn, tưới không đủ ướt toàn bộ chậu, khiến cho bộ rễ “bị chột”. Trường hợp này không đáng lo ngại và cách xử lý cũng khá đơn giản, chỉ cần tưới nước trở lại đều đặn thì cây sẽ hồi phục.

hoa hong bi vang la 4

Tuy nhiên, hiện tượng bị vàng lá do bị stress thiếu nước sẽ dễ dẫn tới nhiều loại bệnh hại khác, do hệ thống miễn dịch của cây đang bị suy yếu trầm trọng. Lúc này cần chú ý giữ cho độ ẩm vừa phải, dọn dẹp vệ sinh quanh gốc, đồng thời phun phòng nấm bệnh, côn trùng để cây vượt mau chóng hồi phục.

3 – Bị thiếu nắng

Đa phần các giống hoa hồng đều cần rất nhiều nắng, càng nhiều càng tốt và phải là nắng trực tiếp thì cây mới khỏe mạnh, lá xanh mướt, ít bị sâu bênh tấn công. Tuy nhiên, vẫn có một số dòng hoa hồng có thể chịu được bóng râm (nắng tán xạ) nhưng nhìn chung vẫn cần nhiều ánh sáng.

Trường hợp bạn trồng tại nơi khuất sáng hoàn toàn, cây hoa hồng sẽ không thể thực hiện chức năng quang hợp đầy đủ, lúc này chúng không tạo ra chất hữu cơ mà ngược lại còn làm tiêu tốn. Giống như người đang “nhịn ăn”, chỉ có uống để sống, lâu dần sẽ bị sụt giảm cân nặng.

Tình trạng thiếu nắng lâu ngày trêm cây hoa hồng cũng tương tự như vậy, bộ lá dần mất đi màu xanh, rồi dần chuyển sang màu vàng, lá mềm hơn và không còn cứng cáp như trước. Nếu để tình trạng thiếu nắng kéo dài có thể làm rụng lá hoàn toàn, sau đó là đen thân dần và kéo theo rất nhiều vấn đề bệnh hại.

Hướng xử lý:

Tất nhiên là cần phải đưa ra ngoài nắng trở lại rồi. Tuy nhiên, không nên đưa cây hoa hồng ra nắng trực tiếp ngay sau khi để lâu ngày trong tối, vì nó sẽ bị sốc ngay. Cần phải để cho cây quen dần với nắng trực tiếp bằng cách đặt tại nơi có ánh sáng tán xạ trước.

Khi đang bị thiếu nắng, cây hoa hồng bị suy giảm chức năng đề kháng đáng kể, nên cần phải phun phòng bệnh để tránh bị nấm khuẩn gây hại tấn công. Không nên bón phân NPK vào lúc này. Nên sử dụng bón phân kích rễ humic vào gốc và phun Superthrive để cây mau hồi phục.

4 – Thay đổi thời tiết

Khi có sự thay đổi thời tiết đột ngột từ môi trường lạnh sang nóng, cây hoa hồng sẽ bị vàng và rụng lá vài ngày sau đó. Đây là một hiện tượng phản ứng lại khi cây gặp stress tương tự như bị thiếu nước.

Trước tiên lá vàng sẽ xuất hiện đồng loạt từ gốc, sau đó lan dần lên những phần lá phía trên ngọn. Thân nhánh rất mềm và yếu. Nếu chỉ bị sốc nhẹ thì sẽ vẫn giữ được phần lá phía trên và có thể dưỡng lại được.

Hướng xử lý: Để cây mau chóng hồi phục thì cần phải đặt cây tại nơi mát mẻ, nhưng phải có ánh sáng đầy đủ. Sau đó, phun phân bón lá B1 (hoặc tương tự), khoảng 5 – 7 ngày thì cây sẽ hồi lại, có thể đưa ra nắng trở lại.

hoa hong bi vang la soc nhiet

5 – Chuyển dinh dưỡng nuôi lá non

Không phải hiện tượng cây hoa hồng bị vàng lá nào cũng đáng lo ngại. Vì rất có thể cây đang tự điều chỉnh lại nguồn dinh dưỡng của chính nó. Cụ thể, khi cây đang phát quá nhiều mầm mới, nó sẽ tập trung một lượng lớn chất dinh dưỡng để nuôi những mầm non mới nay, mà bộ rễ thì lại không có đủ để đáp ứng nhu cầu của cây.

Lúc này, nguồn dinh dưỡng sẽ được vận chuyển từ những lá già sang cho lá non, làm cho một số lá già bị vàng đi. Đây cũng chỉ là một hiện tượng tự nhiên giúp thực vật tồn tại, nó không có gì đáng lo ngại cả, nên cần phải tác động gì thêm, cứ để nó thuận theo tự nhiên là được.

6 – Vàng lá gân xanh

Hiện tượng cây hoa hồng bị vàng lá gân xanh là một trường hợp cực kì phổ biến, dù rằng được chăm sóc rất cẩn thẩn và kỹ lưỡng nhưng đôi lúc vẫn không thể tránh khỏi. Trường hợp này hoàn toàn không phải do cây bị bệnh nấm rễ nào cả, mà nó là biểu hiện của việc thiếu vi lượng trên lá. Tại sao nó không phải là do bệnh gây nên?

Nên nhớ rằng, khi cây hoa hồng bị vàng lá gân xanh thì nó vẫn có khả năng ra hoa bình thường, thậm chí là nở ra đẹp. Vậy thì không thể kết luận là do bệnh nấm rễ gây nên. Đơn giản, là do cây hoa hồng đang bị thiếu vi lượng, dẫn tới nó không thể tổng hợp được chất diệp lục, khiến cho bộ lá bị mất màu xanh.

hoa hong bi vang la gan xanh 1

Nếu hiện tượng này xuất hiện trên lá non thì là do thiếu nguyên tố Sắt (Fe), còn xuất hiện trên lá già là do thiếu nguyên tố Magie (Mg). Muốn xử lý trường hợp này một cách hiệu quả thì bạn cần phải tìm hiểu xem tại sao cây hoa hồng lại bị thiếu vi lượng. Dưới đây là một số trường hợp khiến cho cây bị thiếu vi lượng.

  • Mất tính mất cân đối dinh dưỡng, có thể do bón quá mức một nguyên tố nào đó, điển hình là bón quá nhiều phân Lân sẽ làm ức chế khả năng hấp thu Sắt của cây.
  • Độ pH của giá thể (hoặc đất) quá cao hoặc quá thấp. Khi bón quá nhiều phân bón hóa học trong thời gian dài sẽ làm thay đổi độ pH trong giá thể, khiến cho cây không thể hấp thụ vi lượng.
  • Giá thể lâu ngày sử dụng nên không còn đảm bảo được độ thông thoángtơi xốp nữa. Do đó, bộ rễ không có đủ khí oxi để hấp thu vi lượng.

Hướng xử lý: Nếu là giá thể đã quá cũ thì tốt nhất là nên thay ngay, sau đó tưới humic và kết hợp phân bón lá vi lượng để cây mau phục hồi. Thực tế khi thay giá thể mới (đặc biệt có chứ phân bò) là đủ để lá cây hồi phục lại màu xanh. Thời gian “hồi xanh” hoàn toàn mất khoảng 30-45 ngày.

7 – Bón quá nhiều Trichoderma

Trichoderma là chủng nấm đối kháng được sử dụng rất phổ biến trên cây hoa hồng, nó có tác dụng kiểm soát các loại bệnh hại, giúp phòng ngừa một số loại bệnh hại trên cây hoa hồng. Tuy nhiên, nếu ta lạm dụng và bón quá nhiều nấm đối kháng Trichoderma, có thể khiến cho cây hoa hồng bị vàng lá mức độ nhẹ.

Nguyên do là nấm đối kháng Trichoderma cũng tiêu thụ khí oxy nên khi bón quá nhiều vào gốc, đặc biệt là khi bón vào giá thể lâu ngày không còn thoáng khí, sẽ xảy ra trường hợp cạnh tranh khí oxy trực tiếp giữa Trichoderma với rễ. Điều này khiến cho cây hoa hồng gặp trở ngại trong việc hút nước và dinh dưỡng, gây ra tình trạng stress, bị vàng lá.

Hướng xử lý: Giảm lượng nước tưới để không làm cho đất quá ẩm ướt, khiến tình trạng thiếu oxy thêm nghiêm trọng, sau đó để cây tự hồi phục. Nếu tình trạng quá nghiêm trọng có thể thay giá thể.

8 – Hoa hồng bị vàng lá do úng nước

Khi nồng độ oxy trong đất giảm xuống dưới 5% thì cây hoa hồng sẽ chuyển sang trạng thái hô hấp yếm khí, nghĩa là cây sẽ bắt đầu sử dụng năng lượng, dẫn đến tình trạng không đủ năng lượng để hút nước và chất khoáng nữa. Đồng thời hô hấp yếm khí cũng sinh ra chất độc gây tổn hại tới bộ rễ. Nếu để tình trạng này kéo dài có thể làm cho bộ rễ bị chết hoàn toàn.

Những trường hợp như ngập nước, đất bị nén chặt, bí hơi hoặc quá ẩm ướt có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu oxy kéo dài trong đất, làm cho cây hoa hồng bị vàng lá. Khi cây hoa hồng bị úng nước thường sẽ có hiện tượng vàng lá, có vệt thâm như bị dập, lá xanh cũng bị héo rủ chứ không căng khỏe.

Hướng xử lý

Nếu chỉ bị úng nước nhẹ thì có thể cắt tỉa, tưới kích rễ và đặt nơi mát mẻ để cây hồi phục lại. Tuy nhiên, khi để cây hoa hồng bị úng nước kéo dài thì hầu như không thể cứu vẫn được nữa, do tình trạng hỏng rễ, chết cây diễn ra rất nhanh.

9 – Ngộ độc phân bón

Khi nồng độ muối trong đất quá cao vượt quá nồng độ dịch bào của rễ sẽ làm cho rễ cây không thể hút được nước. Hiện tượng này được gọi là hạn sinh lý. Nếu bón phân với hàm lượng quá cao hoặc cách bón không đúng, sẽ làm tăng nông độ muối khoáng trong đất, khiến cây hoa hồng không thể hút nước dẫn tới hiện tượng bị vàng lá.

Trường hợp cây hoa hồng bị vàng lá do bị ngộ độc phân bón thường biểu hiện ra ngoài rất nhanh, khoảng thời gian trong vòng 24 tiếng là biết ngày. Xử lý ngộ độc phân bón càng sớm càng tốt, nếu để tình trạng này kéo dài có thể khiến cho cây hoa hồng bị héo thân và không thể cứu vẫn.

Bị cháy phân

Trường hợp bị cháy phân không hẳn là do lượng phân bón dư thừa nó xảy ra khi một phần rễ cây bị “cháy phân” khi tiếp xúc với phân bón nồng độ cao. Ví dụ, khi bị ngập nước thì rễ cây bị ngộp, và sẽ ngoi lên mặt đất để tìm kiếm oxy, khi nước rút đi nếu bón phân ngay thì tại lớp rễ cám sẽ bị cháy, mặc dù lượng phân bón không nhiều.

Ngộ độc thực sự

Là trường hợp bón quá nhiều so với nhu cầu và ngưỡng chịu đựng của cây. Ví dụ như nếu bón quá nhiều phân đạm thì sẽ làm cho lá cây bị vàng, rũ xuống. Đó là triệu chứng khi bón quá mức, làm cho lượng phân bón vượt quá nhu cầu dinh dưỡng của cây hoa hồng, khiến cho cây không thể hấp thu hết và chịu đựng được.

Hướng xử lý

Cây trồng cũng là sinh vật sống nên khi bị nhiễm độc thì sẽ có những phản vệ nhằm hạn chế nhiễm độc. Với người, phản xạ đầu tiên có thể là nôn, thì với cây chúng cũng sẽ được thải nhanh qua mép lá. Nếu kết hợp được khả năng tự vệ của cây với các giải pháp trợ giúp của con người thì việc nhiễm độc sẽ được giảm thiểu.

Đầu tiên, ngưng ngay việc bón phân và sau đó là dùng nước để rửa bớt để làm cho hàm lượng phân loãng ra. Sau đó, bón phân kích rễ humic vào gốc, đồng thời phun lên lá vitamin B1 hoặc Superthrive để cây mau chóng hồi phục.

10 – Vàng lá do nhện đỏ

Khi bị nhện đỏ tấn công, hoa hồng bị vàng lá không rõ rệt như các trường hợp trên, biểu hiện ra ngoài thường rất chậm, có xuất hiện lấm tấm vàng từng mảng xa nhau, bên trên mặt lá có những nhỏ lấm tấm liti như hạt bụi bám vô. Nặng hơn nữa thì nhện sẽ xuất hiện ngay trên mặt lá, còn lá sẽ bị lấm tấm vàng rất nhiều. Nặng nhất là nhện sẽ chăng tơ kín ngọn cây, lá sẽ khô và có màu vàng đồng xỉn.

hoa hong bi vang la 2

Hướng xử lý: Dùng nước xịt mạnh và kỹ lá ngay khi phát hiện để dập dịch kịp thời và tránh lây lan thêm. Chú ý xịt thật nhiều vào mặt dưới lá để rửa trôi nhện hiệu quả hơn, sau đó cần phải phun lặp lại hằng ngày do trứng bám vào lá rất chắc nên xịt một vài lần sẽ không hết dịch. Có thể pha thêm 1 ml nước rửa bát hoặc sữa tắm với 2 lít nước sạch để tăng hiệu quả.

11 – Hoa hồng bị vàng lá có đốm đen

Cây hoa hồng bị vàng lá đốm đen là do vi khuẩn Xanthomonas sp., Pseudomonas syringae hoặc nấm Cercospora puderi Davis, Alternaria alternate, Colletotrichum capsici gây ra. Bệnh gây hại chủ yếu trên lá hồng, từ lá non đến lá trưởng thành, vết bệnh ban đầu chỉ là một vết nhỏ, màu nâu nhạt, sau đó vết bệnh phát triển theo các gân lá thành dạng đốm có góc cạnh.

hoa hong bi vang la dom den

Những loại khuẩn nấm gây bệnh này thường xuất hiện vào đầu mùa mưa, khi thời tiết thay đổi đột ngột, độ ẩm trong không khí gia tăng. Nếu không được xử lý chúng sẽ lây lan sang toàn bộ cây. Khi lá bị nấm mốc che phủ nghiêm trọng, cây không quang hợp được dần dần sẽ bị rụng là (nhanh lắm nếu không để ý). Khi bị nặng, cây sẽ bị rụng lá hàng loạt và không thể ra hoa được.

Hướng xử lý: Phun các loại thuốc diệt khuẩn và nấm gây bệnh đốm đen trên hoa hồng.

12 – Vàng lá do tuyến trùng

Cuối cùng, nguyên nhân gây ra tình trạng cây hoa hồng bị vàng lá chính là do bị tuyến trùng tấn công, chúng làm cho bộ rễ bị tổn thương, gây ra vết thương hở, sau đó nấm hại Phytophthora, Fusarium xâm nhập làm cho rất nhiều rễ non bị thối. Rễ thối khiến cho cây không hút được nước và dinh dưỡng, đây chính là nguyên do khiến cho phiến lá, gân lá ngả vàng.

Hướng xử lý: Một khi đã bị nấm hại xâm nhập thì rất khó có thể cứu chữa, vì khi biểu hiện đã rõ ràng thì hầu như nấm bệnh đã lan ra khắp nơi. Tình trạng này lại diễn ra trong đất nên lại càng khó xử lý. Nếu xác định là do thối rễ thì nên cách ly và đem vứt bỏ, tránh làm lây lan sang cây khác.

Cua Gạo Garden Team

Từ khóa » Chăm Sóc Hoa Hồng Bị Vàng Lá