12 Tác Dụng Của Cây Cỏ Mực (nhọ Nồi) - Hello Bacsi

Cây cỏ mực hay còn gọi là cỏ nhọ nồi, hạn liên thảo, kim lăng thảo, mọc dại ở rất nhiều nơi trên đất nước ta. Đây là một thảo dược đem lại nhiều lợi ích sức khỏe tuyệt vời cho cơ thể mà không phải ai cũng biết. Vậy, cỏ mực có tác dụng gì?

Cỏ mực, tên khoa học là Eclipta prostrata, họ Cúc (Asteraceae), được sử dụng từ rất lâu trong nhiều bài thuốc truyền thống ở các nước châu Á, nhằm điều trị các bệnh lý về gan, tiêu hoá, nhiễm trùng… Một số nơi còn dùng cỏ mực trong lĩnh vực mỹ phẩm hoặc dùng làm thuốc nhuộm tóc. Sở dĩ cỏ mực có tên gọi như vậy là bởi vì khi vò nát lá tươi sẽ có nước chảy ra màu đen như mực.

Trước đây, khoa học cho rằng tác dụng của cây nhọ nồi không nhiều. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra những lợi ích tiềm ẩn của loài thảo dược này. Nếu chưa biết rõ cỏ mực trị bệnh gì thì mời bạn đọc tham khảo bài viết sau đây.

12 tác dụng của cây cỏ mực (nhọ nồi)

1. Cây cỏ mực có tác dụng gì với gan?

Cây cỏ mực có tác dụng gì? Tốt cho gan

  • Từ lâu, các bác sĩ y học cổ truyền người Ấn Độ đã công nhận những tác dụng cây cỏ mực đối với gan. Đó là nhờ hàm lượng cao flavonoid và các hoạt chất sinh học khác, chẳng hạn như wedelolactone. Họ cũng sử dụng cỏ nhọ nồi điều trị bệnh về gan như viêm gan vàng da, giúp tăng cường chức năng gan.
  • Một nghiên cứu trên chuột cũng ghi nhận chức năng bảo vệ gan tốt của cỏ mực. Các nhà khoa học đã tiêm chất độc cho gan (CCl4) vào những con chuột. Kết quả là nhóm chuột được uống dịch chiết lá cỏ mực có tỷ lệ tử vong là 22%, trong khi đó nhóm chuột không điều trị có tỷ lệ tử vong là 77%.
  • Nghiên cứu đăng tải trên thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ năm 2015 cho thấy dịch chiết ethanol của cỏ mực giúp tăng trọng lượng gan, thúc đẩy hoạt động của các enzyme chống oxy hóa trong gan.
Một trong những tác dụng của cỏ mực lên gan là loại thảo dược này có khả năng bảo vệ gan khỏi các tác hại bởi các chất độc của thực phẩm, rượu bia; đồng thời giúp tái tạo lại tế bào gan.

2. Tác dụng của cỏ mực trong việc kháng khuẩn

Công dụng này đã được chứng minh bằng khoa học. Năm 2011, một nghiên cứu khoa học trên diện rộng đã kiểm tra tác dụng kháng khuẩn của nhiều dược liệu, trong đó có cây cỏ mực. Nó có hiệu quả chống lại 9 loại vi khuẩn khác nhau. Đáng kể nhất là những vi khuẩn như tụ cầu khuẩn vàng, khuẩn E.coli – những tác nhân thường gặp gây viêm tiết niệu và mụn nhọt ngoài da.

Cây nhọ nồi có tác dụng gì? Từ xa xưa, Y học cổ truyền nhiều nước châu Á cũng đã dùng cây nhọ nồi để chống nhiễm trùng, chẳng hạn như trị nhiễm trùng đường tiết niệu, mụn nhọt đầu đinh, chứng tưa lưỡi (nấm lưỡi) ở trẻ.

3. Cỏ mực giảm đau

  • Nước cỏ mực tươi thường được dùng để trị đau răng, trị viêm nha chu, đau lưng, giúp làm lành vết thương trong các bài thuốc cổ truyền Ấn Độ.
  • Hàng loạt thí nghiệm giảm đau khác nhau trên chuột cho thấy cỏ mực có tác dụng tương đương với thuốc giảm đau codein aspirin.
  • Các nghiên cứu khác đã tìm ra tác dụng của cây cỏ mực là giảm đau nhờ dịch chiết ethanol và hợp chất alkaloid của nó.
Những bằng chứng này gợi ý việc sử dụng cỏ nhọ nồi thay thế cho các thuốc giảm đau thông thường, đặc biệt phù hợp cho các đối tượng chống chỉ định sử dụng thuốc giảm đau như người có bệnh lý dạ dày – tá tràng, suy gan, suy thận…

4. Điều trị rối loạn tiêu hóa

Cây cỏ mực có tác dụng gì? Tốt cho tiêu hóa

Cỏ mực trị bệnh gì? Theo các bài thuốc cổ truyền Ấn Độ, ăn cỏ mực tươi có thể trị bệnh khó chịu dạ dày. Nó cũng được sử dụng thành công để điều trị những bệnh rối loạn tiêu hóa như chứng táo bón khó tiêu. Loài cây này giúp hồi phục sự cân bằng của hệ tiêu hóa.

Theo nghiên cứu gần đây cho thấy, cỏ mực có chứa nhiều hoạt chất có khả năng trung hoà axit và cải thiện đáng kể các triệu chứng khó chịu do viêm loét dạ dày- tá tràng gây ra như ợ chua, ợ hơi, nóng rát thượng vị… Các hoạt chất đó có thể kể đến như: 

  • Tanin: khi vào trong đường tiêu hoá sẽ tạo nên một lớp màng bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi sự tấn công của dịch vị và vi khuẩn. 
  • Vitamin K: cải thiện cơn đau dạ dày nhanh chóng, ngăn chặn tình trạng chảy máu dạ dày nếu có, đặc biệt tốt trong hỗ trợ làm liền vết loét dạ dày. 
  • Carotene và Flavonozit: trung hòa axit dạ dày, làm giảm đáng kể các triệu chứng do dư axit gây ra như ợ chua, nóng rát thượng vị, ngăn chặn tình trạng viêm loét dạ dày do tiết axit quá mức.
Công dụng cây cỏ mực trong việc điều trị các bệnh lý dạ dày đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu.

Uống cỏ mực nhiều có sao không? Đây là vị thuốc có tính hàn nên người bệnh không nên sử dụng cỏ mực để điều trị bệnh lý dạ dày trong các trường hợp:

  • Thường xuyên đi ngoài phân lỏng, hay sống phân
  • Người cơ địa hư nhược
  • Người mắc viêm đại tràng mạn tính
  • Phụ nữ có thai và cho con bú.

Trường hợp người bệnh đang dùng thuốc chống đông máu, trước và sau phẫu thuật muốn dùng cỏ mực phải cân nhắc thêm ý kiến bác sĩ.

5. Cỏ mực có tác dụng gì trong bệnh viêm đường hô hấp

Cây nhọ nồi chứa thành phần làm tan đờm, kháng viêm do đó có khả năng trị các cơn ho khan, ho có đờm do cảm lạnh thông thường, bệnh cúm và nhiễm trùng đường hô hấp. Nhờ có chứa thành phần kháng khuẩn, cỏ mực vừa giảm ho đờm vừa chống nhiễm trùng.

Tuy nhiên nên lưu ý rằng, dùng cỏ mực để điều trị viêm đường hô hấp chỉ hiệu quả khi bệnh còn nhẹ, chưa có dấu hiệu bội nhiễm dẫn đến tình trạng khó thở, suy hô hấp. Chỉ nên dùng cỏ mực trong khoảng thời gian khoảng 2 tuần, nếu triệu chứng bệnh nặng lên, hãy đi gặp bác sĩ của bạn để được khám và kê đơn thuốc. Không dùng cỏ mực cho bệnh nhân hay bị tiêu chảy, viêm đại tràng mãn tính, phụ nữ có thai.

6. Cây cỏ mực trị bệnh gì? Chống nhiễm trùng bàng quang

Theo thống kê dịch tễ cho thấy có khoảng 80% nguyên nhân gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu là do vi khuẩn E.coli. 

Cỏ mực là loại thảo dược quen thuộc dùng trong các bài thuốc:
  • Chữa nhiễm trùng đường tiết niệu do tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm, lợi tiểu, cầm máu, giảm đau tốt.
  • Ngăn ngừa biến chứng nhiễm khuẩn huyết trong các trường hợp viêm đường tiết niệu, viêm bàng quang. 

7. Tác dụng của cây cỏ mực rất tốt cho tóc

cây cỏ mực tốt cho tóc

Người ta cho rằng cây cỏ mực thúc đẩy tóc mọc và giữ cho tóc luôn chắc khỏe.

  • Dịch chiết của cây nhọ nồi chứa thành phần methanol là yếu tố giúp kích thích các nang tóc, hứa hẹn tiềm năng điều trị rụng tóc và hói đầu trong tương lai.
  • Thêm vào đó, cỏ mực cũng có tác dụng ngăn tóc bạc sớm.
Theo đó, chỉ cần trộn một ít dược liệu với dầu dưỡng tóc, massage lên tóc và da đầu để ngăn tóc rụng và thúc đẩy tóc mọc nhiều hơn. Hoặc phối hợp cỏ mực, mật ong, rượu gạo để ngăn tóc bạc sớm.

8. Cây nhọ nồi có tác dụng gì? Tốt cho mắt

Cỏ mực là loại cây giàu carotene – chất chống oxy hóa cần thiết để duy trì đôi mắt khỏe mạnh. Nhiều quan điểm cho rằng cỏ mực có thể vô hiệu hóa gốc tự do, nhờ đó ngăn ngừa hình thành bệnh thoái hóa mắt và bệnh đục thủy tinh thể.

Tuy nhiên, nghiên cứu về việc sử dụng cỏ nhọ nồi có thể cải thiện thị lực còn tương đối ít, vì vậy không nên sử dụng cỏ mực để chữa các bệnh về mắt nếu như chưa có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa. 

9. Tốt cho sức khỏe tim mạch

Cây cỏ mực có thể giúp ổn định huyết áp và làm giảm chỉ số cholesterol xấu của cơ thể – điều kiện cần để có một trái tim khỏe mạnh.

  • Các nhà nghiên cứu cho rằng khả năng giúp giảm huyết áp là bởi vì tính chất lợi tiểu của cây nhọ nồi.
  • Riêng về khả năng hạ lipid máu, cũng là nghiên cứu đăng tải trên thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ, trong đó dịch chiết ethanol của cỏ mực giúp giảm cân, tăng khối lượng gan, giảm mỡ máu ở chuột bị tăng mỡ máu.

cây cỏ mực tốt cho tim mạch

10. Cỏ mực chống ung thư

Nghiên cứu năm 2011 tại Ấn Độ đã khám phá ra cỏ mực có khả năng tiêu diệt, ngăn chặn sự sinh sản của tế bào ung thư, có lợi ích rất tích cực trong điều trị ung thư gan. Có tài liệu cho rằng, các hoạt chất có trong cỏ mực làm mất kết nối các phân đoạn DNA từ đó loại bỏ được tế bào ung thư, làm giảm thiểu tác hại của nó lên các tế bào lành tính khác.

11. Điều trị sốt

Theo y học cổ truyền, cỏ mực là vị thuốc có tính hàn nên có thể:

  • Hạ sốt nhanh chóng, được sử dụng rộng rãi cho những trường hợp trẻ em sốt cao
  • Chữa sốt xuất huyết
  • Sốt phát ban
  • Trúng thử.

12. Tác dụng của cây cỏ mực để cầm máu

Cỏ mực có mặt trong các bài thuốc dân gian nước ta và Trung Quốc để chữa nhiều chứng bệnh do xuất huyết, bao gồm:

  • Chảy máu cam
  • Đại tiểu tiện ra máu
  • Rong kinh, rong huyết
  • Ho ra máu
  • Băng huyết sau sinh. 

Một số bài thuốc trị bệnh từ cây cỏ mực

Sau đây là một số bài thuốc phổ biến ứng dụng các công dụng của cây cỏ mực mà bạn có thể tham khảo:

  • Bài thuốc hạ sốt: 20 gam cỏ nhọ nồi, 20 gam củ sắn dây, 20 gam sài đất, 12 gam ké đầu ngựa, 16 gam cây cối xay, 16 gam cam thảo đất. Sắc lấy nước uống mỗi ngày một thang.
  • Bài thuốc trị sốt xuất huyết nhẹ: Cỏ nhọ nồi 20 gam, lá trắc bá sao đen khô 12 gam, hoa hòe sao đen 12 gam, củ hoặc lá sắn dây 20 gam, cam thảo đất 16 gam. Sắc uống một thang mỗi ngày.
  • Bài thuốc chữa chảy máu cam: Cỏ nhọ nồi 20 gam, hoa hoè sao đen 20 gam, cam thảo đất 16 gam. Sắc lấy nước uống một thang mỗi ngày.
  • Bài thuốc thanh nhiệt lương huyết, cầm máu, trị chảy máu cam, táo bón, viêm mũi dị ứng: Cỏ nhọ nồi 12 gam, đan bì 9 gam, sinh địa 12 gam, trắc bách diệp 12 gam, tri mẫu 9 gam, tiên hạc thảo 12 gam, hỏa ma nhân 12 gam, rễ cỏ tranh 15 gam và hoàng cầm 9 gam. Sắc uống ngày một thang thuốc.
  • Bài thuốc trị viêm họng: 20 gam cỏ nhọ nồi, 12 gam củ rẻ quạt, 20 gam bồ công anh, 16 gam kim ngân hoa, 16 gam cam thảo đất. Sắc lấy nước uống một thang mỗi ngày. Dùng liên tục trong 3 – 5 ngày.
  • Bài thuốc trị bệnh eczema ở trẻ em: Cỏ nhọ nồi 50 gam, sắc lấy nước cô đặc, bôi chỗ vết đau. Sau 2 – 3 ngày bôi là dịch rỉ giảm, đóng vẩy, đỡ ngứa, khoảng một tuần là hết và không bị kích ứng.
  • Bài thuốc chữa gan nhiễm mỡ: Cỏ nhọ nồi 30 gam, trạch tả 15 gam, đương quy 15 gam và nữ trinh tử 20 gam. Trường hợp gan nhiễm mỡ do nghiện rượu thì thêm: cát căn 30 gam, bồ công anh 15 gam và chỉ củ tử (hạt khúng khéng) 15 gam. Người béo phì dẫn đến gan nhiễm mỡ thì thêm: đại hoàng 6 gam và lá sen 15 gam. Sắc lấy nước uống mỗi ngày một thang thuốc.
  • Bài thốc chữa tiểu đường, thể trạng ốm yếu: Cỏ nhọ nồi 10 gam, lư căn tươi 30 gam, ô mai 5 quả, mạch môn đông 10 gam, ngọc trúc 10 gam, nam sa sâm 10 gam, nữ trinh tử 10 gam. Sắc thuốc mỗi ngày uống một thang.
  • Bài thuốc cho phụ nữ mãn kinh, mệt mỏi, nhức đầu, ngủ không ngon giấc: Cỏ nhọ nồi 9 gam, hoàng cầm 9 gam, hồng hoa 9 gam, đương quy 9 gam, xuyên khung 6 gam, hoa cúc 9 gam, bạch thược 12 gam, sinh địa 12 gam, lá dâu 9 gam, ngưu tất 9 gam và nữ trinh tử 9 gam. Sắc uống một thang thuốc một ngày.
  • Bài thuốc chữa viêm cầu thận, viêm thận mạn tính, đau lưng, tiểu tiện khó, đái dắt, kinh nguyệt lâu không sạch: Cỏ nhọ nồi 30 gam, xuyên khung 10 gam, tiểu kế 30 gam, thục địa 10 gam, đương quy 10 gam, bạch thược 15 gam, xích thược 15 gam và bồ hoàng 15 gam. Sắc uống mỗi ngày một thang thuốc.
  • Thuốc bổ âm điều kinh nguyệt: Cỏ nhọ nồi 12 gam, thanh hao 10 gam, nguyên sâm 10 gam, sinh địa 15 gam, bạch thược 10 gam và đan sâm 10 gam. Sắc mỗi ngày uống ngày một thang thuốc.
  • Bài thuốc chữa viêm tuyến tiền liệt: Cỏ nhọ nồi 15 gam, câu kỷ tử 15 gam, thục địa 15 gam, ích trí nhân 10 gam, thỏ ty tử 12 gam, đảng sâm 15 gam, hoàng kỳ 15 gam, tỏa dương 10 gam, nữ trinh tử 12 gam, thổ phục linh 24 gam, đương quy 6 gam, vương bất lưu hành 10 gam. Sắc uống mỗi ngày một thàng.
  • Thang ích khí bổ thận, chữa xuất huyết tử cung: Cỏ nhọ nồi 30 gam, hoàng kỳ 60 gam, bạch thược 15 gam, thục địa 15 gam, sinh địa 15 gam, kinh giới sao 10 gam, nữ trinh tử 15 gam, thăng ma 6 gam, phúc bồn tử 15 gam. Sắc uống ngày một thang thuốc.

Những lưu ý khi dùng và tác dụng phụ

Tuy được xem là loại thảo dược lành tính, dùng được cho nhiều bệnh lý khác nhau, tuy nhiên vẫn cần cẩn trọng khi sử dụng loại thuốc này.

  • Tác hại của cây cỏ mực là có thể gây ngứa và khô bộ phận sinh dục.
  • Dùng quá liều có thể gây kích ứng dạ dày, nôn và buồn nôn.
  • Không dùng cho phụ nữ có thai do có nguy cơ gây sảy thai.
  • Không dùng cỏ mực cho người tỳ vị hư hàn, hay đầy bụng, đi ngoài phân lỏng, viêm đại tràng mãn tính.
  • Đối tượng trẻ nhỏ phải hết sức cẩn thận khi dùng, cần hỏi ý kiến bác sĩ về liều lượng, cách dùng.
  • Chỉ nên dùng trong các trường hợp bệnh nhẹ, mới mắc. Nếu tình trạng bệnh nặng lên cần đến cơ sở y tế để được thăm khám.
  • Việc kết hợp nhiều loại dược liệu cần có sự đồng ý của bác sĩ để tránh tương tác gây dị ứng, tác dụng phụ không mong muốn.
Sau bài viết, Hello Bacsi mong rằng bạn sẽ biết thêm nhiều lợi ích của cây cỏ mực – một loài cây thần được xem như “thần dược” tự nhiên và dễ tìm. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu dùng bất kỳ bài thuốc từ loại dược liệu nào để trị bệnh thì cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ, thầy thuốc và kiểm soát liều lượng để đảm bảo an toàn nhé!

[embed-health-tool-bmi]

Từ khóa » Cay Co Muc Phoi Kho