12 Thánh Cô Trong Tứ Phủ - Văn Hóa Tâm Linh

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Tứ Phủ Thánh Cô là 12 Thánh Cô trong Tứ Phủ. Trong 12 vị Thánh Cô thì có 4 vị thánh cô thường xuyên ngự đồng là: Cô Đôi Thượng Ngàn, Cô Bơ Thoải, Cô Chín Sòng Sơn và Cô Bé Đông Cuông.

Tứ Phủ Thánh Cô - 12 thánh cô trong Tứ Phủ

Tượng Tứ Phủ Thánh Cô sơn son thếp vàng

1. Cô Đệ Nhất Thượng Thiên

Cô vốn là con Vua Cha dưới Thủy Tề dưới Thoải Cung, được phong là Thiên Cung Công Chúa trên Thiên Đình. Có người nói rằng cô cũng với Cô Chín hầu cận bên cạnh Mẫu Đệ Nhất Thiên Tiên (tức Mẫu Liễu Hạnh) lại có nơi quan niệm cô là Tiên Cô kề cận, tay biên tay chép kề bên Chầu Đệ Nhất Thượng Thiên (tuy nhiên do có quan niệm là Mẫu Đệ Nhất cũng chính là chầu cho nên hai ý kiến này hầu như là thống nhất với nhau). Cô giá ngự trong cung tòa, cận bên Mẫu cho nên khi đến các đền phủ người ta thường có lời tấu để cô kêu thay lạy đỡ trước cửa Vua Mẫu Đình Thần Tứ Phủ. Khi thanh nhàn cô cưỡi gió cưỡi mây rong chơi khắp chốn, từ Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa cho đến tận Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Gia Định…

Cô là tiên cô thần thông lục trí, cô chấm đồng người nết na thảo hiền rồi đem về tiến Mẫu trong Đền Mẫu Sòng Sơn. Cô Nhất khá ít khi ngự đồng, chỉ những người sát căn cô mới hay hầu cô hoặc trong các dịp khai đàn mở phủ Cô Nhất về chứng đồng tân lính mới. Khi ngự về Cô Nhất mặc áo màu đỏ (áo gấm hoặc áo lụa thêu phượng), đầu đội khăn đóng (khăn vành dây), thắt khăn và vỉ lét đỏ. Cô làm lễ khai cuông rồi múa quạt. Cô Đệ Nhất thường được thờ vào ban Tứ Phủ Thánh Cô ở trong các bản đền.

Cũng có một số người nói rằng có đền cô là Đền Cô Nhất ở trong đất Nghệ An giáp Thanh Hóa với món đặc sản bánh ngào.

2. Cô Đôi Thượng Ngàn

Cô Đôi Thượng Ngàn vốn là con Vua Đế Thích trên Thiên Cung, được phong là Sơn Tinh Công Chúa. Sau cô giáng sinh xuống đất Ninh Bình làm con gái nhà một chúa đất ở chốn sơn lâm.

Thần tích về Cô Đôi Thượng Ngàn: Khi ấy tỉnh Ninh Bình có một vị quan lang họ Hà người Mường, ông nổi tiếng khắp vùng về nhân đức, phát tâm thiện nguyện, cứu giúp dân nghèo. Hai ông bà đã vào chạc ngũ tuần, nhưng vẫn chưa có một mụn con cho vui cửa vui nhà. Hai ông bà bèn lập đàn tế trời, cầu khẩn. Ngọc Hoàng trên thiên giới cảm cách mà nghe được những lời này mới sai cô xuống hạ giới, đầu thai làm con ông bà để thưởng cho cái đức độ, tiết tháo của ông. Mười hai tháng sau bà bẩm thụ thiên khí mà có thai, sinh ra cô. Khi cô sinh hạ có một đôi chim khách đến đậu trước cửa nhà cô mà hót mãi không thôi, như mừng đấng tiên nữ giáng sinh phàm trần. Năm cô lên bốn tuổi, gia định vị quan lang chuyển tới làm quan ở Huyện Cao Phong, châu Mai Đà, tỉnh Hưng Hóa. Ở trên vùng cao, nước sinh hoạt thiếu thốn, dưới chân núi Đầu Rồng lại có con suối nước thần, nước trong mát quanh năm, người dân ở đó thường ra suối gánh nước về dùng, cô cũng thường ra đó gánh nước về giúp đỡ ông bà.

Thời gian thấm thoát đã trôi qua, năm đó cô mười hai tuổi mà đã xinh đẹp tuyệt trần da trắng, tóc mượt, mặt tròn, lưng ong thon thả. Đức Mẫu Thượng Ngàn muốn thử lòng người trần gian, độ cho người có tâm, bèn hóa thành một bà lão đói khát, bệnh tật nằm lả ở gốc cây đa dưới chân núi Rồng. Bà nằm đó kêu rên từng tiếng khó nhọc, cầu mong sự giúp đỡ của mọi người qua lại, thế nhưng chẳng ai chịu ra tay cứu giúp bà. Đúng vừa lúc cô ra suối gánh nước thấy bà lão đáng thương, cô động lòng thương cảm bèn quỳ xuống vực bà ngồi dậy, cho bà uống nước. Bất chợt tự nhiên trời đất tối xầm, mây đen kéo tới, gió bụi cuốn lên mù mịt bà lão hiện thành Tiên Chúa Thượng Ngàn và nói với cô: “Ta là đức Diệu Tín Thiền Sư Lê Mại Đại Vương (tức Mẫu Thượng Ngàn), thấy con là người ngoan ngoãn, hiền lành, đức độ. Kiếp trước con là tiên nữ trên tiên giới, nghe lệnh Ngọc Hoàng mà hạ phàm báo ân cha mẹ. Nay ta độ cho con thành tiên trở về bên hầu cận bên cạnh ta, để cứu giúp nhân gian”. Đoạn Thánh Mẫu rút cây gậy khắc đầu rồng bên mình ra trao cho cô. Cô nhận cây gậy rồi trở về nhà, bốn ngày sau thì hóa.

Đền chính của Cô Đôi Thượng Ngàn

Nổi lên trên cả là hai ngôi đền thờ cô thuộc địa phận Nho Quan, tỉnh Ninh Bình và huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) gắn với truyền thuyết sinh hóa của Cô. Đền Bồng Lai (còn gọi là đền Bồng Lai Hạ) ở Nho Quan, Ninh Bình là nơi Cô được giáng sinh và Đền Bồng Lai Thượng ở Cao Phong, Hòa Bình là nơi Cô hóa.

Cô Đôi Thượng Ngàn còn được thờ tại Đền Cô cách đền Mẫu Đông Cuông khoảng 500m. Ngôi đền này được xây dựng với quan niệm rằng cô là tỳ nữ bên cạnh Mẫu Thượng Ngàn. Khu du lịch tâm linh Hàn Sơn – Thanh Hóa cũng có một ngôi đền thờ Cô. Ngoài ra, Cô Đôi Thượng Ngàn chủ yếu được phối thờ tại các cung Tứ Phủ Thánh Cô hoặc một ban riêng ở các đền phủ.

Truyền thuyết khác về Cô Đôi Thượng Ngàn

Sau này Cô Đôi Thượng Ngàn quyết chí đi theo hầu Đức Diệu Tín Thuyền Sư Lê Mại Đại Vương (chính là Mẫu Thượng Ngàn, Bà Chúa Sơn Trang) học đạo phép để giúp dân. Rồi khi về thiên, cô được theo hầu cận ngay bên cạnh Mẫu Thượng Ngàn Đông Cuông Tuần Quán được Mẫu Bà truyền cho vạn phép, giao cho cô dạy người rừng biết thống nhất về ngôn ngữ (nên có khi còn gọi là Cô Đôi Đông Cuông), cũng có người cho rằng cô về theo hầu cận Chầu Đệ Nhị. Lúc thanh nhàn Cô Đôi Thượng Ngàn về ngự cảnh sơn lâm núi rừng ở đất Ninh Bình quê nhà, trong ba gian đền mát, cô cùng các bạn tiên nàng ca hát vui thú tháng ngày trên sườn dốc Bò, có khi cô biến hiện ra người thiếu nữ xinh đẹp, luận đàm văn thơ cùng các bậc danh sĩ, tương truyền cô cũng rất giỏi văn thơ, làm biết bao kẻ phải mến phục.

Cô Đôi Thượng Ngàn cũng là tiên cô cai quản kho lộc Sơn Lâm Sơn Trang, người trần gian ai nhất tâm thì thường được Cô Đôi ban thưởng, nhược bằng có nợ mà không mau trả lễ cô lại bắt đền nặng hơn. Cô Đôi Thượng Ngàn rất hay ngự về đồng, vì danh tiếng cô lừng lẫy ai ai cũng biết đến, đệ tử cô đông vô số và cô cũng hay bắt đồng.

Khi cô về ngự thường mặc áo lá xanh hoặc quầy đen và áo xanh (ngắn đến hông), trên đầu có dùng khăn (khăn von hoặc khăn vấn) kết thành hình đóa hoa, cũng có một số nơi dâng cô áo xanh, đội khăn đóng (khăn vành dây) và thắt lét xanh, hai bên có cài hai đóa hoa. Cô về đồng thường khai cuông rồi múa mồi, múa tay tiên hái tài hái lộc cho đồng tử.

3. Cô Ba Thoải Cung (Cô Bơ Bông)

Cô Bơ Bông (hay còn gọi là Cô Ba Thoải Cung) vốn là con Thủy Tề ở dưới Thoải Cung, được phong là Thoải Cung Công Chúa. Có người còn nói rằng, Cô Bơ Bông là con gái vua Long Vương rất xinh đẹp nết na nên được Đức Vương Mẫu (có người cho rằng đó là Mẫu Cửu Trùng Thiên) cho theo hầu cận, chầu chực trong cung cấm.

Sau này Cô Bơ Thoải giáng sinh vào thời Lê Trung Hưng, tương truyền sự tích như sau: Đức Thái Bà nằm mộng thấy có người con gái xinh đẹp, dáng ngọc thướt tha, tóc mượt mắt sáng, má hồng, môi đỏ, cổ cao ba ngấn, mặc áo trắng đến trước sập nằm dâng lên người một viên minh châu rồi nói rằng mình vốn là Thủy Cung Tiên Nữ, nay vâng lệnh cao minh lên phàm trần đầu thai vào nhà đó, sau này để giúp vua giúp nước, thì Thái Bà thụ thai.

Đến ngày 2/8 thì bỗng trên trời mây xanh uốn lượn, nơi Thủy Cung nhã nhạc vang lên, đúng lúc đó, Thái Bà hạ sinh ra được một người con gái, xem ra thì nhan sắc mười phần đúng như trước kia đã thấy chiêm bao. Thấy sự lạ kì vậy nên bà chắc hẳn con mình là bậc thần nữ giáng hạ, sau này sẽ ra tay phù đời nên hết lòng nuôi nấng dạy dỗ bảo ban. Cô lớn lên trở thành người thiếu nữ xinh đẹp, tưởng như ví với các bậc tài nữ từ ngàn xưa, lại giỏi văn thơ đàn hát. Đến khi cô vừa độ trăng tròn thì cũng là lúc nước nhà phải chịu ách đô hộ của giặc Minh, cô cùng thân mẫu lánh vào phía sâu vùng Hà Trung Thanh Hóa, nơi ngã ba bến Đò Lèn, Phong Mục. Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, cô đã có công giúp vua Lê trong những năm đầu kháng chiến (và có nơi còn nói rằng cô cũng hiển ứng giúp nhà Lê trong công cuộc “Phù Lê Dẹp Mạc” sau này).

Trong dân gian vẫn còn lưu truyền lại câu chuyện sau: Vào những năm đầu khởi nghĩa, quân ta (ý nói nghĩa quân do vua Lê Lợi chỉ huy) vẫn còn yếu về lực lượng, thường xuyên bị địch truy đuổi, một lần Lê Lợi (có sách nói là Lê Lai) bị địch đuổi đến ngã ba sông Thác Hàn ở Hà Trung thì gặp Cô Bơ đang tỉa ngô liền xin cô giúp đỡ, cô bảo người lấy quần áo nông dân mặc vào, còn áo bào thì đem vùi xuống dưới ruộng ngô rồi cũng cô xuống ruộng giả như đang tỉa ngô. Vừa lúc đó thì quân giặc kéo đến, chúng hỏi cô có thấy ai chạy qua đo không thì cô bảo rằng chỉ có cô và anh trai (do Lê Lợi đóng giả) đang tỉa ngô, thấy vậy quân giặc bỏ đi. Lê Lợi rất biết ơn cô, hẹn ngày sau đại thắng khải hoàn sẽ rước cô về Triều Đình phong công và phong cô làm phi tử. Sau đó cô cũng không quản gian nguy, bí mật chèo thuyền trên ngã ba sông, chở quân sĩ qua sông, có khi là chở cả quân nhu quân lương. Có thể nói trong kháng chiến chống Minh thì công lao của cô là không nhỏ. Đến ngày khúc hát khải hoàn cất lên thì vua Lê mới nhớ đến người thiếu nữ năm xưa ở đất Hà Trung, liền sai quân đến đón, nhưng đến nơi thì cô đã thác tự bao giờ, còn nghe các bô lão kể lại là ngày qua ngày cô đã một lòng đợi chờ, không chịu kết duyên cùng ai, cho đến khi thác hóa vẫn một lòng kiên trinh.

Người ta cho rằng, Cô Bơ được lệnh Vua Cha giáng trần để giúp vua, đến chí kì mãn hạn thì có xe loan lên đón rước cô về Thủy Cung. Sau đó cô hiển linh giúp dân chúng ở vùng ngã ba sông, độ cho thuyền bè qua lại được thuận buồm xuôi gió vậy nên cô còn có danh hiệu là Cô Bơ Bông (do tích cô giáng ở ngã ba sông) hay Cô Bơ Thác Hàn (theo tên gọi ở nơi quê nhà). Ai hữu sự đến kêu van cửa cô đều được như ý nên danh tiếng cô vang lừng khắp nơi nơi Cô Bơ luôn giá ngự về đồng, già trẻ, từ đồng tân đến đồng cựu, hầu như ai cũng hầu về Cô Bơ Bông. Khi cô giáng vào ai, dù già hay trẻ thì sắc mặt đều trở nên hồng hào tươi tốt, đẹp đẽ lạ thường. Khi cô ngự đồng, cô thường mặc áo trắng, đầu đội khăn đóng (khăn vành dây) có thắt lét trắng (có khi dùng thắt dải lưng hồng) rồi cô cầm đôi mái chèo, bẻ lái dạo chơi khắp nơi. Lúc chèo thuyền có khi có còn khoác thêm chiếc áo choàng trắng, trên khăn có cài ba nén hương, bên hông có dắt tiền đò, rồi khi chèo thuyền xong, cô lại cầm dải lụa để đi đo gió đo nước đo mây. Lúc cô an tọa người ta thường xin cô thuốc để trị bệnh, vậy nên Cô Bơ ngự về thường hay làm phép “thần phù” để ban thuốc chữa bệnh. Vì theo quan niệm nguyên xưa Cô Bơ Bông hầu cận Mẫu Thoải, lại theo sự tích nơi quê nhà cô là ở đất Hà Trung, Thanh Hóa, ngã ba Bông bến đò Lèn nên đền cô được lập ở đó, gần đền Mẫu Thác Hàn (chính là Mẫu Thoải), gọi tên là Đền Cô Bơ Bông thuộc xã Hà Sơn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, trước đây đường đi vào rất khó khăn, nhưng hiện giờ đã được tu sửa nên giao thông đã dễ dàng hơn

Đền Cô Bơ là nơi thắng cảnh “trên bến dưới thuyền”, nơi giao của Ngũ huyện kê: “Một tiếng gà gáy năm huyện đều nghe” cũng với danh tiếng anh linh của tiên cô nên khách thập phương đến chiêm bái, cầu xin nhân duyên, khoa cử, làm ăn rất đông đúc. Thuyền bè dưới bến sông qua lại đều phải đốt vàng mã kêu cô, rồi những người đến kêu cầu đều dâng cô nón trắng hài cườm, võng lụa thuyền rồng.

Một thần tích khác về Cô Bơ Bông

Theo cuốn “Lê Triều Thần Phả Ngoại Biên” được lưu giữ tại Thái Miếu họ Lê có ghi chép về thần tích cô Bơ Bông tóm tắt như sau:

Vào khoảng năm 1432, vua Lê Lợi có một đêm mộng thấy một nữ thủy thần báo mộng: “Ta là con gái vua Thủy tề đây. Nhà vua còn nhớ là nợ ta một lời hẹn ước hay không? Bây giờ nghiệp đế vương đã thành sao chưa thấy trả”. Vua Lê Lợi giật mình tỉnh dậy mới nhớ lại chuyện cũ. Ngày xưa, vào những năm đầu khởi nghĩa, Lê Lợi bị địch đuổi đến ngã ba sông Thác Hàn ở Hà Trung thì gặp cô gái xinh đẹp, đoan trang đang tỉa ngô được cô cứu thoát.

Vua Lê Lợi để tỏ biết ơn cô, có nói với cô rằng: ” Ta có một cháu trai tuấn tú, khôi ngô, văn võ song toàn. Sau này kháng chiến thành công ta sẽ gả cháu ta cho cô.” Người mà Lê Lợi nhắc đến chính là tướng quân Lê Khôi, cháu trai của Lê Lợi (Tướng Lê Khôi chính là một trong các hiện thân của Quan Hoàng Mười được thờ tại đền Củi ngày nay). Cô gái ấy chính là hiện thân của Cô Bơ.

Tương truyền rằng, sau thắng lợi, Vua Lê Lợi có quay lại tìm cô gái nhưng không thấy. Như vậy lời hứa gả cô cho tướng Lê Khôi đã không được thực hiện. Sau giấc mơ, biết cô gái tỉa ngô nơi xưa chính là con gái vua thủy tề, hiện thân lên cõi trần để giúp vua xây dựng nghiệp lớn, vua Lê Lợi đã phong cô là “Thượng Đằng Thần” và cho xây dựng đền Cô, để tưởng nhớ công lao của Cô.

4. Cô Tư Ỷ La, Cô Tư Địa Phủ

Cô Tư Ỷ La cũng vốn là con vua Đế Thích chính cung. Theo lệnh vua cha, cô theo hầu Mẫu Thượng Ngàn tại đất Tuyên Quang. Về sau, nơi Mẫu giá ngự đó, người ta lập đền Mẫu Ỷ La nên cô cũng được gọi là Cô Tư Ỷ La. Tương truyền rằng, Mẫu bà rất yêu quý, thường cho Cô Tư kề cận bên mình. Vậy nên đúng như các tư liệu ghi lại thì chính xác là Cô Tư hầu cận Mẫu Thượng Ngàn chứ không phải cô hầu cận Chầu Bà Đệ Tứ Khâm Sai như chúng ta vẫn thường nghĩ. Ngoài ra Cô Tư còn có một danh hiệu khác là Cô Tư Tứ Tổng Tây Hồ. Qua ước đoán, có thể suy ra rằng danh hiệu này là do Cô Tư đã từng giáng hiện tại đất Tây Hồ, Hà Nội rong chơi, và điển hình nhất là hiện nay vẫn có ban thờ Cô Tư tại đình Tứ Liên; một ngôi đình cổ nằm ở gần Phủ Tây Hồ, Hà Nội.

Trong hàng Tứ Phủ Tiên Cô, Cô Tư Ỷ La thường hiếm khi thấy ngự về đồng nên nếu nói về y phục cũng như cung cách khi hầu giá Cô Tư hiện giờ là rất khó. Tuy nhiên theo phỏng đoán của người viết thì có thể khi hầu giá Cô Tư Ỷ La thường mặc xiêm áo màu vàng nhạt, cô có thể khai cuông và múa mồi hầu Mẫu (đây chỉ là ý kiến cá nhân đưa ra để mọi người tham khảo). Hiện nay Cô Tư vẫn được coi là thờ chính cung hầu Mẫu Thượng Ngàn trong đền Mẫu Ỷ La thuộc thị xã Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang. Ngoài ra, như đã nói ở trên, Cô Tư còn được thờ vọng trong Đình Tứ Liên (xưa gọi là Đình làng Ngoại Châu), phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội. Khi các thanh đồng hầu tráng mạn đến giá Cô Tư,

5. Cô Năm Suối Lân

Cô Năm Suối Lân vốn là tiên nữ trên trời, theo lệnh cô giáng trần là người thiếu nữ dân tộc Nùng ở xứ Lạng. Có tích lại kể rằng Cô Năm là người thị nữ thân cận bên Chầu Năm Suối Lân (lúc sinh thời khi chầu còn là công chúa) nên cô cũng được tôn hiệu là Cô Năm Suối Lân hay Cô Năm Sông Hoá. Sau này được sắc phong hiển thánh, Cô Năm vẫn được coi là tiên cô kề cận bên cửa Chầu Năm, cô được coi là tiên cô trông giữ bản đền Suối Lân. Ngoài ra cô còn được coi là vị thánh trấn tại cửa rừng Suối Lân (cung rừng này một cửa vào là cửa Suối Lân do Cô Năm Suối Lân trấn giữ, cửa ra là cửa Thất Khê do Cô Bé Đèo Kẻng trấn giữ), vậy nên, ai đi chiêm bái trên đất Lạng đều phải qua bái yết cửa Chầu Năm và Cô Năm Suối Lân. Dòng Suối Lân do Cô Năm cai quản bốn mùa trong xanh, nước thông về sông Hoá, tương truyền rằng đây là dòng suối thiêng của cô, nước suối xanh mát bốn mùa không bao giờ cạn, nếu ai có bệnh tật đến xin nước suối cửa cô, uống vào sẽ thuyên giảm, nhược bằng, người nào không biết mà xuống suối tắm hay rửa chân tay, làm ô uế dòng suối của cô sẽ bị cô hành cho sốt nóng mê sảng. Phép anh linh của Cô Năm Suối Lân còn được biết qua việc nếu có kẻ nào báng nhạo cô sẽ “xát lá han” làm cho kẻ đó luôn ngứa ngáy không yên, rồi cô cho đi lạc đường rừng.

Trong hàng thánh cô, thường thấy Cô Năm Suối Lân ít khi ngự đồng hơn Cô Sáu Lục Cung, thường chỉ người nào có sát căn quả về cửa Cô Năm hoặc khi về đền Suối Lân thì có thấy thỉnh bóng Cô Năm ngự đồng. Khi hầu về giá Cô Năm Suối Lân, thường người ta mặc xiêm y như màu áo của Chầu Năm (nhưng là áo ngắn vạt), đó có thể là màu xanh thiên thanh hoặc xanh lá cây, cô chít khăn củ ấu, bên mình có túi vóc, dao quai. Ngự đồng cô khai cuông rồi múa mồi. Hiện nay Cô Năm Suối Lân được phụng thờ là thánh cô trấn giữ cửa Suối Lân Sông Hoá, cung thờ cô được đặt cạnh ngay đền chính của cửa Chầu Năm Suối Lân (huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn).

6. Cô Sáu Lục Cung, Cô Sáu Sơn Trang

Cô Sáu Lục Cung hay Cô Sáu Sơn Trang cũng vốn là thánh cô nguyên tích là người Nùng ở đất Hữu Lũng, Lạng Sơn. Có thuyết thì nói rằng Cô Sáu là tiên cô kề cận bên cửa Chúa Thượng Ngàn ở đất Trang Châu (chưa xác định rõ), còn lại đa phần đều thống nhất rằng Cô Sáu là người kề cận Chầu Lục Cung Nương nên cô mới được gọi là Cô Sáu Lục Cung hay còn có danh khác là Cô Sáu Sơn Trang.

Khi nhân dân lập đền thờ phụng Chầu Bà, vẫn thỉnh Cô Sáu là cô trấn bản đền Lục Cung. Ngoài ra, theo một số tích cũ kể lại, Cô Sáu Lục Cung sinh thời là người con gái xinh đẹp nết na, lại có tài chữa bệnh, cô thường đi khắp rừng sâu núi thẳm để hái thuốc cứu người vậy nên khi hiển thánh, Cô Sáu vẫn thường được muôn dân tôn là tiên cô có tài chữa bệnh cứu người, dân chúng khắp nơi về cửa cô để xin thuốc tiên trị bệnh. Cô Sáu Sơn Trang cũng nổi tiếng đành hanh trên đời, nghiêm khắc trừng trị kẻ nào nhạo báng cửa cô.

Trong hàng Tứ Phủ Thánh Cô, Cô Sáu Lục Cung rất hay về ngự đồng. Các thanh đồng đạo quan thường thỉnh bóng Cô Sáu Sơn Trang ngự đồng không chỉ có khi về đền Lục Cung, về đất Lạng Sơn mà cả khi khai đàn mở phủ hay trong cả những dịp hầu vui, đón tiệc tiên thánh. Cô Sáu ngự đồng thường mặc áo lam hoặc áo tím chàm (ngắn vạt rộng tay). Cô ngự đồng khai cuông rồi múa mồi như các tiên cô trên Thượng Ngàn khác. Hiện nay Cô Sáu Lục Cung chính là thánh cô trấn giữ bản đền Lục Cung Chín Tư, cung thờ cô được xây ngay cạnh chính cung đền Chầu Lục Cung Nương (Chín Tư, Hữu Lũng, Lạng Sơn).

7. Cô Bảy Tân La, Cô Bảy Kim Giao, Cô Bảy Mỏ Bạch

Cô Bảy Kim Giao còn gọi là Cô Bảy Mỏ Bạch. Cô vốn cũng là một tiên cô người dân tộc Mọi ở đền Kim Giao, Mỏ Bạch, Thái Nguyên. Theo một số tích nói rằng cô cũng là người kề cận bên Chầu Bảy nên cũng được gọi là Cô Bảy Kim Giao hay còn có hiệu khác là Cô Bảy Tân La ( khi cô được theo hầu cận Chầu Bảy tại đền Tân La). Tương truyền rằng cô cũng là vị thánh cô có công giúp người dân Mọi biết trồng trọt chăn nuôi rồi cô cũng có công trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc. Vậy theo một số tài liệu thì chính xác Cô Bảy là Cô Bảy Kim Giao hay Cô Bảy Tân La (theo hầu Chầu Bảy Kim Giao) chứ không phải là Cô Bảy Tân An (theo hầu Ông Bảy Bảo Hà ) như một số người vẫn nói. Còn có sự tích nói rằng, đêm đêm cô thường hội họp cùng các bạn tiên nàng, mắc võng đào giữa hai cây kim giao rồi cùng đàn hát.

Trong hội đồng Thánh Cô, Cô Bảy Kim Giao là một trong số các cô ít khi ngự đồng nếu không nói là hầu như không thấy. Vậy nên nếu để nói đến y phục và cung cách hầu giá Cô Bảy là rất khó, theo phỏng đoán của người viết thì có thể giá Cô Bảy Kim Giao mặc áo tím hoặc chàm xanh, cô ngự đồng khai cuông rồi múa mồi. Hiện nay, Cô Bảy vẫn được thờ làm cô bản đền tại chính cung Đền Kim Giao (Thanh Liên, Mỏ Bạch, Thái Nguyên) và còn cả tại đền Tân La ( Dốc Lã, Bảo Khê, Hưng Yên). Khi hầu tráng mạn đến giá Cô Bảy Kim Giao

8. Cô Tám Đồi Chè

Có một số ý kiến thống nhất rằng: Cô Tám Đồi Chè giáng sinh dưới thời Lê Thái Tổ dấy binh khởi nghĩa, cô là người thiếu nữ trồng hái búp chè tại vùng Phong Mục, Hà Trung, Thanh Hoá. Cô cũng có công giúp vua trong công cuộc đánh đuổi giặc ngoại xâm nên khi thác hoá về trời, cô được phong công lập đền thờ, trấn giữ một bên bến song Đò Lèn, Phong Mục. Cô sinh thời là người con gái đảm đang nết na tần tảo, hái búp chè xanh trên đồi thường dung làm thuốc chữa bệnh nên mọi người thường tôn hiệu là Cô Tám Đồi Chè. Khi thanh nhàn, cô thường đủng đỉnh dạo chơi khắp vùng Hà Trung, Thanh Hoá, cũng có khi cô hiện hình bẻ lái con thuyền độc mộc trên dòng sông Mã.

Trong hàng Tứ Phủ Thánh Cô, Cô Tám Đồi Chè hiếm khi về ngự đồng, chỉ có người nào sát về Cô Tám hoặc khi hầu đón tiệc tháng 6 tại các đền ở vùng Thanh Hoá. Cô Tám Đồi Chè ngự đồng thường mặc áo xanh quầy đen ( có nơi là áo tím hoa cà ) . Cô Tám cũng khai quang sau đó múa mồi, sau đó thường là múa tay tiên các điệu như người đi hái chè trên non. Hiện nay đền thờ Cô Tám Đồi Chè được thờ riêng tại đền cô thuộc đất Phong Mục, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá, nếu đi từ đền Cô Bơ sang thì qua đò Lèn, đền cô rất khang trang nhưng ít người biết tới.

9. Cô Chín Sòng Sơn (Cô Chín Cửu Tỉnh, Cô Chín Giếng)

Đền Cô Chín Sòng Sơn tại phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa. Nếu từ Hà Nội về Thanh Hóa thì đền Mẫu Sòng nằm ở bên phải đường thì đền Cô Chín Sòng nằm bên trái. Hai đền chỉ cách nhau khoảng 500 m.

Tương truyền, Cô Chín là hầu cận của Chầu Cửu, Mẫu Cửu. Có tài liệu cho rằng Cô Chín là hầu cận của Mẫu Thoải.

Theo truyền thuyêt, Cô Chín Sòng Sơn vốn là một tiên nữ trên Thiên Đình, có một lần vô tình đánh vỡ một chén ngọc nên Ngọc Hoàng giáng xuống hạ giới để theo hầu Mẫu Liễu Hạnh. Khi được giáng trần Cô đã bôn ba bốn phương khắp ngả trời Nam, sau về đến đất Thanh Hóa thấy cảnh lạ vô biên, cô hài lòng liền hội họp thần nữ năm ba bạn cát, lấy gỗ cây sung làm nhà, còn cây si mắc võng. Nhân dân cầu đảo linh ứng liền lập đền thờ. Có lẽ vì vậy, người ta sau này hay dâng Cô Chín võng đào.

Hiện chưa thấy tài liệu nào là cô giáng sinh vào một nhân vật nào trên trần gian. Như vậy, thân thế của Cô nghiêng về phía thiên thần.

Cô Chín Sòng Sơn là một thánh cô có nhiều quyền phép. Những người có căn Cô Chín thường có khả năng xem bói, chữa bệnh và gọi hồn. Tuy nhiên, trong khi giáng hầu Cô Chín chỉ hay cho thuốc chữa bênh.

Cô Chín rất hay ngự đồng. Hết các thanh đồng khi Hầu Thánh đều có hầu giá Cô Chín. Khi giáng hầu Cô Chín thường mặc áo hồng phơn phớt màu đào phai và cô múa quạt tiến Mẫu. Đôi khi Cô cũng múa cờ tiến Vua, cũng có khi cô thêu hoa dệt lụa, rồi lại múa cánh tiên. Ai cầu đảo cô đều sắm sửa lễ vật: Nón đỏ, hài hoa, vòng hồng hay võng đào.

Có lẽ Cô Chín là một Thánh Cô nổi tiếng nhất trong các Thánh Cô nên hầu hết các đền, phủ đều có thờ Cô. Tại các đền phủ, Cô Chín có thể có ban thờ riêng hoặc thờ chung với Cô Bơ hoặc thờ chung trong Cung Tứ Phủ Thánh Cô; hoặc Cô được thờ ở một Lầu Cô riêng biệt: Cung Cô Chín đền Mẫu Sòng Sơn, cung Cô Chín Phủ Quảng Cung.

Cô Chín ngoài thờ chính tại Đền Cô Chín Sòng Sơn còn có các đền Cô Chín Thượng Bắc Giang, Đền Cô Chín Suối Rồng, đền Cô Chín Tây Thiên….

10. Cô Mười Mỏ Ba (hay Cô Mười Đồng Mỏ)

Cô Mười Đồng Mỏ theo hầu Chầu Mười Mỏ Ba, giúp vua đánh giặc Ngô, khi ngự về cô mặc áo vàng cầm cung kiếm cưỡi trên mình ngựa theo chầu bà xông pha trận mạc, sau này cô cũng được thờ tại đền Chầu Mười.

11. Cô Bé Thượng Ngàn

Cô Bé Thượng Ngàn là Tiên Cô mà tên gọi thường được đặt theo tên các địa danh, các đền thờ. Các vị cô bé đều là những bộ nàng trên Tòa Sơn Trang, hầu Mẫu Thượng Ngàn, có rất nhiều cô bé trên khắp các cửa rừng lớn nhỏ. Các cô về mặc quần áo thổ cẩm, chân quấn xà cạp, đeo kiềng bạc, tay cầm ô, vai đeo gùi. Các cô bé gồm:

Cô Bé Thượng Ngàn (thành phố Lạng Sơn)

Đây là nơi thờ chính cung của Cô bé Thượng Ngàn. Ngôi đền nằm ngay sát sông Kỳ Cùng.

Cô Bé Suối Ngang (Hữu Lũng)

Đây là ngôi đền nằm trong rừng thuộc xã Phố Vị, huyện Hữu Lũng. Hiện chưa tìm được thần tích của Cô Bé Suối Ngang.

Cô Bé Đông Cuông (Yên Bái)

Đây là ngôi đền nằm ngay đường vào đền Mẫu Đông Cuông, chỉ cách đền Mẫu khoảng vài trăm mét. Thần tích của Cô Bé Đông Cuông chưa rõ ràng lắm.

Cô Bé Chí Mìu

Đền Cô Bé Chí Mìu nằm ở bản Chí Mìu, xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Cô bé Chí Mìu là Cô Bé Thượng Ngàn, do đền Cô nằm ở bản Chí Mìu nên mọi người đều gọi cô theo tên địa danh của đền là Cô Bé Chí Mìu. Cô Bé Chí Mìu được coi là một Cô Bé Thượng Ngàn nổi tiếng nhất tron các cô bé Thượng Ngàn.

Cô Bé Tân An (Lào Cai)

Từ rất xa xưa, bên bờ sông Hồng tại thôn Tân An 2 thuộc xã Tân An, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, đã có một ngôi Đền gọi là Đền Cô bé Tân An (còn gọi là Đền Cô Bé Thượng Ngàn), là nơi thờ tự một nữ chúa có tên húy là Hoàng Bà Xa, tương truyền đã cùng cha là đức quan ngài Hoàng Bảy, có công chinh phạt giặc ác, giữ yên bờ cõi, được cư dân vùng Bảo Hà và Khau Ban (địa danh Văn Bàn cổ xưa) suy tôn là vị Thánh Mẫu. Đối diện bên kia sông là đền Bảo Hà (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) – thờ Đức quan ngài Hoàng Bảy. Vì Nguyễn Hoàng Bà Xa là con gái Quan Hoàng Bảy được thờ ở Tân An nên Cô còn được gọi là Cô Bảy Tân An.

Cô Bé Cây Xanh (Bắc Giang)

Cô Bé Cây Xanh theo hầu Mẫu Thượng Ngàn với hiện thân là Quế Mỵ Nương Công chúa. Mỵ Nương Công Chúa là hiện thân của Mẫu Thượng Ngàn tại vùng Suối Mỡ. Hiện chưa tìm được thần tích về Cô Bé Cây Xanh ở đây.

Cô Bé Cây Xanh (Tuyên Quang)

Cô Bé Cây Xanh là người hầu cận mẫu Thượng Ngàn tại bản đền Cây Xanh Tuyên quang. Ngôi đền này còn có tên là Đề Cảnh Xanh. Đền thờ chính của Mẫu Thượng Ngàn. Hiện chưa phát hiện được thần tích về Cô.

Cô Bé Nguyệt Hồ (Bắc Giang)

Cô bé Nguyệt Hồ được thờ tại cung cô tại Đền Nguyệt Hồ. Hiện chưa phát hiện được thần tích về Cô, chỉ biết Cô là hầu cận của Chúa Nguyệt Hồ.

Cô Bé Minh Lương (Tuyên Quang)

Truyền thuyết kể rằng, vào thời nhà Trần (thế kỷ XV), ở tổng Minh Lương, thuộc xã Lang Quán ngày nay có hai vợ chồng, ông chồng là người Dao, bà vợ là người Mường tuổi đã cao mà chưa có con. Ngày ngày ông bà ra ngòi Lịch xúc tôm tép sống lần hồi. Một hôm, ông ở nhà, bà đi xúc tép như mọi ngày, nhưng xúc mãi không được con gì mà chỉ được hai quả trứng lạ. Bực mình, bà xuống hạ nguồn rồi lên tận thượng nguồn ngòi Lịch xúc vẫn chỉ được hai quả trứng ấy. Bà đành mang về thả vào chum nước dưới cầu thang. Ít lâu sau, bà mang thai và sinh ra một cô bé bụ bẫm, đặt tên là Minh Lương. Cùng lúc đó, hai quả trứng thả trong chum nước dưới cầu thang nở ra hai con rắn. Hai con rắn và Cô bé Minh Lương cùng lớn lên, quấn quýt làm bạn với nhau. Một buổi chiều, ông bà đi làm về và nhìn thấy hai con rắn quấn chết cô bé. Sẵn con dao rựa đeo bên người, ông tức giận rút dao vừa chém, vừa nói “Mày hại tao à”. Hai con rắn sợ quá chạy trốn, nhưng một con chậm hơn đã bị chém đứt đuôi. Ông đuổi hai con rắn và nói: “Cụt đi hang Mang, Khoang đi hang Đồng”.

Ông bà xót thương cô bé, không nỡ chôn, nên đặt cô nằm ở trên sàn. Đến sáng đã thấy mối đùn lên đắp mộ cho cô bé. Dân làng thấy vậy đều cho là cô đã linh hoá nên lập miếu thờ. Thời kỳ giặc Cờ đen, cô bé Minh Lương đã hiển linh giúp quan quân triều đình thoát khỏi rừng rậm, sau đó dũng mãnh dẹp sạch giặc Cờ đen. Sau đó Cô còn hiển linh bốc thuốc, giúp dân chữa bệnh thoát cơn hiểm nghèo.

Cô Bé Thác Bờ (Hòa Bình)

Cô bé Thác Bờ được thờ ở đền Chúa Thác Bờ Vầy Nưa, Đà Bắc, Hòa Bình. Cô bé Thác Bờ tương truyền là hầu cận của Chúa Thác Bờ. Hiện chưa tìm được thần tích về Cô bé nơi đây.

Cô Bé Sóc (Miền Nam)

Còn gọi là Cô Bé Đen, mặc khăn áo đen và hồng. Về đồng múa mồi, dùng nhang chữa bệnh. Cô đánh phấn màu đen, phấn đỏ cô để ban khen cho thanh đông cô. Hay về đồng tại Miền Nam.

Cô Bé Mỏ Than (Tuyên Quang)

Truyện chuyền miệng kể rằng: Thần Kim Quy thấy mỏ quý của vua cha mẫu mẹ tại đền Mỏ Than. Đã rủ cá Kình ở biển Đông về cùng nhau mang hết mỏ quý ra vùng Nam Hải khi đất ở đây chỉ còn là giữa núi và biển, cá Kình đứng gác bên ngoài, thần Kim Quy xuống hang và khi lên tới gần miệng hang thì ông Cóc (ở gần miếu Sơn Thần) đã nghiến răng báo lên thiên đình cho Ngọc Hoàng Thượng Đế, Ngọc Hoàng củ cô Mười xuống. Cô bé cưỡi trên lưng hai con rồng bay xuống thấy khoảng trời u ám có khí lạnh bay lên. Cô nhảy vội xuống với hai vết chân chẹn lên thần Kim Quy, vết chân phải trượt gót mờ, bàn chân trái đè oằn cổ rùa. Bắt rùa hoá đá (Bách gia trăm họ gọi là quy trị bản đền) thần Kim Quy hoá đá thì cà Kình ở biển Đông cũng hoá đá. (Tất cả các cảnh quan của đền quay về nơi phật ngự phương tây riêng có cá Kình quay về phía Đông Bắc).

Nhờ Cô Bé Mỏ Than mà bách gia trăm họ vẫn còn “mỏ tụ đồng” xưa. Đến Pháp tìm ra mỏ than hay còn gọi là vàng đen của đất nước. Hiện nay còn nuôi dưỡng mỏ kim cương non. Cho nên ở chính nơi đây còn tồn tại truyền thuyết Cô Bé Mỏ Than (hay Cô Bé Mỏ Cây Xanh). Cô bắt ông Ba Mươi phủ phục bên mình, cô xin vua cha mẫu mẹ cho cây xanh bao bọc lấy mỏ và bốn mùa toả bóng mát cho cô hoàn thành việc cha việc mẹ.

Ngoài ra cô còn chữa bệnh cho bách gia trăm họ. Nhất là những người dở dại dở điên. Những lúc thư nhàn cô gọi đàn chim ngũ sắc về vây quanh ca hát, lúc đi lúc về cổ thường mang sắc thái màu vàng với âm thanh của tiếng chim vàng anh báo biến, báo hiện. Khi cô đi xa cô thường để lại đôi dải thắt lưng màu đen ở lại (đôi long xà có mào) để giữ đền giữ phủ. Người ta truyền rằng ai nhìn thấy ông rắn có mào là người đó được lên danh lên giá. Nhưng người đó phải là người thực tâm không có tâm tà. Xưa những người đàn bà bụng mang dạ chửa phải đi vòng qua cửa cô cách nữa dặm. bất kể ai qua nơi cô ngự đều phải bỏ nón mũ xin cô thực tâm cô phù hộ. Tà tâm cô cho náo loạn gia trung.

12. Cô Bé Thoải Cung (Cô Bé Thủy Cung)

Cô ngự ở dưới tòa Thoải Cung, Cô rất xinh đẹp, tài giỏi, có thể hô mưa gọi gió… Thần tích về cô hiện chưa sưu tầm được và cũng rõ những nơi nào thờ cô.

Từ khóa » Truyền Thuyết Về Tứ Phủ Thánh Cô