13 Tác Dụng Của Rau đay – Vị Thuốc Chữa được Nhiều Bệnh - VOH

Mục lục
  1. Rau đay là gì?
  2. Những tác dụng của rau đay đối với sức khỏe
    1. Giúp nhuận tràng, trị táo bón
    2. Giúp thanh nhiệt, giải độc
    3. Thông tiểu
    4. Tốt cho tim mạch
    5. Kháng viêm
    6. Bảo vệ sức khỏe mắt
    7. Thúc đẩy giảm cân
    8. Cải thiện giấc ngủ
    9. Cải thiện hội chứng chân không yên
    10. Duy trì răng và nướu khỏe mạch
    11. Chống lại cảm cúm
    12. Ngăn ngừa thiếu máu
    13. Hỗ trợ sự phát triển của da
  3. Bà bầu ăn rau đay tốt không?
  4. Một số bài thuốc từ lá rau đay
    1. Chữa táo bón
    2. Chữa cảm nắng nhẹ
    3. Sau khi ít sữa
    4. Giải nhiệt
    5. Sơ cứu vết thương do rắn cắn
  5. Một số món ngon từ rau đay
  6. Ăn nhiều rau đay có tốt không?
  7. Thành phần dinh dưỡng từ rau đay

Có rất nhiều người không biết đến cây rau đay, nhưng đây lại là loại rau ăn rất ngon, đôi khi còn sử dụng như một loại gia vị giúp làm tăng hương vị cho các món ăn.

1. Rau đay là gì?

Rau đay có tên khoa học là Corchorus Olitorius, là loại thực vật thuộc họ Đay, có nguồn gốc từ các khu vực nhiệt đới, được trồng nhiều ở các quốc gia châu Á, một số vùng châu Phi và Trung Đông

Cây rau đay trồng làm rau cao phổ biến từ 50 – 100cm, nếu để mọc hoang, nó còn cao hơn chiều cao này. Thân cây rau đay thường màu tím ngắt hoặc màu trắng tím. Hoa mọc ở kẽ lá, có màu vàng, nhỏ xíu. Quả tròn, dọc quả có khía chia ra thành múi. Lá hình trứng, nhọn ở đầu, góc lá hình tròn, có cuống ngắn, 2 bên mép có răng cưa nhỏ.

tac-dung-cua-rau-day-voh-0
Rau đay chủ yếu được dùng làm thực phẩm hoặc dược liệu chữa bệnh (Nguồn: Internet)

Lá chính là bộ phận được sử dụng nhiều nhất trên cây rau đay, chủ yếu được dùng làm thực phẩm hoặc dược liệu. Bên cạnh đó, người ta cũng có thể thu hoạch hạt rau đay để làm giống hoặc làm thuốc chữa bệnh.

2. Những tác dụng của rau đay đối với sức khỏe

Có thể nói, rau đay không chỉ giúp các món ăn trở nên ngon và hấp dẫn hơn, mà chúng còn mang lại rất nhiều lợi ích về mặt y học. Nhờ có thành phần dinh dưỡng đa dạng nên rau đay mang đến rất nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe như:

2.1 Giúp nhuận tràng, trị táo bón

Một trong những công dụng của rau đay là giúp nhuận tràng, trị táo bón. Lý do là vì rau đay có chứa nhiều nước nên nó có thể giúp làm mềm phân. Trong rau đay cũng có nhiều polysaccharid nên sẽ làm tăng lưu chuyển ruột, chống ứ đọng phân.

Rau đay là loại rau chứa rất nhiều chất nhầy, một chất có tác dụng bôi trơn khiến cho phân dễ bị tống đẩy ra ngoài hơn. Trong thành phần rau đay lại có nhiều đường sucrose và inositol, các đường này không hấp thu mà lại giữ nước làm phân nở to nhưng lại rất mềm.

Do đó, người bệnh táo bón ăn rau đay sẽ rất dễ đi đại tiện và có thể khắc phục được tình trạng này.

2.2 Giúp thanh nhiệt, giải độc

Thanh nhiệt giải độc được xem là một tác dụng điển hình của rau đay. Vì rau đau có nhiều nước, chứa nhiều chất nhầy lại có nhiều đường nên rất có lợi trong việc giải nhiệt. Tính hàn của rau đay cũng giúp hóa giải một số tình trạng nóng trong.

2.3 Thông tiểu

Rau đay có hoạt chất vận động tim mạch nên có tác dụng làm tăng số lượng nước tiểu, và có tác dụng kháng viêm nên giải quyết viêm nhiễm đường tiểu. Đồng thời, ăn rau đay cũng có tác dụng tiêu thũng nên nước tiểu sẽ dễ dàng ra ngoài.

2.4 Tốt cho tim mạch

Trong lá rau đay người ta tìm thấy một hoạt chất thuốc có tên là capsaicin. Đây là một chất có tác dụng tương tự như với các glycosid cường tim vốn được sử dụng làm thuốc chống suy tim.

Xem thêm: Mách bạn ăn thêm 19 thực phẩm này để có một trái tim khỏe mạnh

2.5 Kháng viêm

Trong chất nhầy của rau đay người ta tìm thấy rất nhiều axit hữu cơ như: coumaric, ferulic, vanillic, hydroxybenzoic,…những hoạt chất này có tác dụng kháng viêm cực tốt. Vì thế, ăn rau đay sẽ giúp ngăn ngừa bệnh tật an toàn và ít tác dụng hơn dùng thuốc.

2.6 Bảo vệ sức khỏe mắt

Rau đay là một nguồn cung cấp dồi dào các vitamin B6, folate và các vitamin khác, do đó, ăn rau đay có tác dụng cải thiện sức khỏe của mắt, ngăn ngừa các bệnh về mắt và rối loạn mắt. Đồng thời, có thể giúp làm chậm sự phát triển của một số bệnh về mắt, bao gồm cả thoái hóa cơ do tuổi tác.

2.7 Thúc đẩy giảm cân

Hàm lượng chất xơ cao trong rau đay là một yếu tố cần thiết cho những người muốn giảm cân, vì đây là thực phẩm giúp cải thiện tiêu hóa và giữ cơ thể cảm thấy no lâu.

2.8 Cải thiện giấc ngủ

Những người bị rối loạn giấc ngủ, ngưng thở khi ngủ và mất ngủ thì việc bổ sung rau đay rất hữu ích vì loại rau này rất giàu magie, khoáng chất này hỗ trợ điều trị và cải thiện giấc ngủ. Magie hỗ trợ giải phóng các hormone thư giãn và làm dịu các dây thần kinh.

2.9 Cải thiện hội chứng chân không yên

tac-dung-cua-rau-day-voh-1
Ăn rau đay có thể giúp cải thiện triệu chứng của hội chứng chân không yên (Nguồn: Internet)

Cây rau đay chứa 2.7mg sắt, nên ăn rau đay thường xuyên sẽ giúp bạn cải thiện tình trạng bệnh. Hội chứng chân không yên là do tình trạng thiếu chất sắt nên việc bổ sung rau này trong các bữa ăn là thật sự cần thiết, vừa cung cấp chất dinh dưỡng và vừa có tác dụng chữa bệnh.

2.10 Duy trì răng và nướu khỏe mạch

Một lợi ích khác của việc ăn rau đay là sẽ giúp xương hàm chắc và khỏe. Khi xương hàm chắc khỏe sẽ giữ cho các nướu khỏe mạnh, răng kín chặt và ngăn chặn sự phát triển của các vi khuẩn xấu.

2.11 Chống lại cảm cúm

Hàm lượng vitamin C trong rau đay sẽ giúp tăng cường hệ thống miễn dịch chống lại các bệnh do virus như cảm cúm.

Xem thêm: Ngoài cam, chanh, bạn có thể bổ sung vitamin C cho cơ thể bằng các thực phẩm này

2.12 Ngăn ngừa thiếu máu

Rau đay được xếp vào nhóm những loại thực phẩm giàu chất sắt, nên ăn rau đay sẽ giúp bạn ngăn ngừa thiếu máu hiệu quả. Những người bị thiếu máu do thiếu sắt nên thường xuyên bổ sung thực phẩm này để cải thiện vấn đề sức khỏe của mình.

2.13 Hỗ trợ sự phát triển của da

Rau đay chứa rất nhiều vitamin A, đây là vitamin rất cần thiết cho sự phát triển của các tế bào biểu mô bên ngoài lẫn bên trong và giúp ngăn ngừa ung thư da.

Ngoài ra, vitamin A còn thúc đẩy quá trình hồi phục chữa lành vết thương, tái tạo da và ngăn ngưa các tình trạng da khác nhau như da kém, mụn trứng cá, nếp nhăn, giữ làn da luôn khỏe mạnh.

Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng cho thấy rau đay có nhiều giá trị thực phẩm – thuốc khác nhau. Phân tích hóa chất trong lá rau đay, người ta thấy có nhiều chất flavonoid, saponin, tannin, steroid, triterpenoid.

Đặc biệt, trong số các hóa chất tìm được người ta thấy có hai chất mang hoạt tính chức năng mạnh là phytol và monogalactosyldiacylglycerol (chống khối u). Ở phần ngọn non có rất nhiều polysaccharid và lignin (đây là các chất mang hoạt tính estrogen thực vật).

3. Bà bầu ăn rau đay tốt không?

Vì là loại rau giàu dưỡng chất nên nhiều người rất thích ăn rau đay, trong đó có cả phụ nữ mang thai. Và các nghiên cứu cũng đã ghi nhận, trong trường hợp bình thường thì mẹ bầu có thể thêm rau đay trong thai kỳ của mình.

tac-dung-cua-rau-day-voh-2
Bà bầu sức khỏe bình thường có thể thêm rau đay về chế độ ăn của mình (Nguồn: Internet)

Bà bầu ăn rau đay có thể giúp cải thiện tình trạng thiếu máu thai kỳ, thanh nhiệt cơ thể, giảm táo bón, kháng viêm, lợi tiểu, giúp ngủ ngon...

Đặc biệt, rau đay có nhiều nước nên có tác dụng làm tăng thể tích sữa, giúp lợi sữa, có nhiều chất nhầy nên sẽ giúp sữa của mẹ bầu về nhiều hơn.

Xem thêm: Bà bầu ăn rau đay có dễ sinh không?

Ngoài ra, trong danh sách các loại rau nên chế biến cho trẻ ăn dặm thì rau đay cũng là một thực phẩm không nên bỏ qua. Rau đay giàu thành phần dưỡng nên rất thích hợp cho trẻ đang ở trong độ tuổi ăn dặm.

4. Một số bài thuốc từ lá rau đay

Bên cạnh các nghiên cứu y học hiện đại, rau đay cũng được sử dụng nhiều trong các bài thuốc y học cổ truyền, dân gian. Dưới đây là một số bài thuốc từ rau đay thường được áp dụng:

4.1 Chữa táo bón

Lấy 20g lá rau đay sắc lên lấy nước uống làm 2 – 3 lần trong ngày. Uống 5 – 7 ngày

Rau đay, rau mồng tơi (lượng bằng nhau), nấu canh ăn ngày 1 lần trong 5 – 7 ngày.

Rau đay, rau mồng tơi, rau lang, rau má, mỗi thứ 50g, nấu canh ăn 1 ngày/lần trong 5 – 7 ngày.

4.2 Chữa cảm nắng nhẹ

Lấy khoảng một nắm rau đay tươi, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt uống, còn bã đắp vào 2 bên thái dương. Thực hiện vài lần trong ngày. Hoặc có thể lấy từ 20g hạt rau đay sắc uống nóng cho toát mồ hôi ra,

4.3 Sau khi ít sữa

Tuần đầu tiên sau sinh, mỗi ngày ăn từ 150 – 200g rau đay nấu canh vào các bữa ăn chính. Các tuần sau, mỗi tuần ăn 2 lần, mỗi lần ăn từ 200 – 250g rau đay, sữa sẽ ra đều và rất tốt.

Xem thêm: Bí quyết giúp ‘sữa về như suối’ cho bé ti thoải mái, không lo thiếu sữa

4.4 Giải nhiệt

Rau đay nấu với rau mồng tơi, cua đồng ăn với cơm hàng ngày sẽ có tác dụng giải nhiệt, dễ tiêu hóa, bổ sung canxi, thích hợp trong điều kiện thời tiết nóng bức, người mệt mỏi, chán ăn.

4.5 Sơ cứu vết thương do rắn cắn

Dung một nắm ngọn cây rau đay, rửa sạch, giã nát chắt lấy nước cốt. Phần nước cốt pha thêm ít muối cho nạn nhân uống. Phần bã đắp lên vết thương do rắn cắn để cầm máu. Sau đó, đưa nạn nhân đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất càng nhanh càng tốt.

5. Một số món ngon từ rau đay

Lá rau đay không chỉ là loại gia vị giúp dậy mùi món ăn mà còn là nguyên liệu của nhiều món canh ngon, hấp dẫn.

tac-dung-cua-rau-day-voh-3
Các loại canh rau đay thường rất dễ ăn và bổ dưỡng (Nguồn: Internet)

Bạn có thể thử kết hợp rau đay với các nguyên liệu như: cua, tôm, mồng tơi, mướp để chế biến các món canh sau:

  • Canh cua rau đay
  • Canh rau đay nấu tôm khô
  • Canh rau đay mồng tơi và mướp
  • Canh cá rô rau đay
  • Canh rau đay thịt băm

Xem thêm: Rau đay nấu gì ngon? 5 cách chế biến rau đay ngon 'khó cưỡng'

6. Ăn nhiều rau đay có tốt không?

Không có nhiều nghiên cứu ghi nhận về những tác hại của rau đay đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên rằng không nên lạm dụng rau đay trong chế độ ăn uống, bởi không chỉ rau đay, bất kỳ loại thực phẩm nào ăn nhiều cũng điều không có lợi cho sức khỏe.

Ngoài ra, do có đặc tính nhuận trường, vì thế những người đang bị tiêu chảy không nên ăn loại rau này vì nó có thể khiến bệnh thêm trầm trọng hơn

Bên cạnh đó, nếu muốn dùng rau đay như một vị thuốc điều trị bệnh lý thì tốt nhất bạn nên tham khảo thêm ý kiến của thầy thuốc để được hướng dẫn chính xác nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

7. Thành phần dinh dưỡng từ rau đay

Về phương diện y học hiện đại, rau đay là loại rau tương đối giàu dinh dưỡng. Người ta nghiên cứu được trong 100g rau đay sẽ có những thành phần dinh dưỡng sau đây:

  • Nước: 91.4 g
  • Năng lượng: 25 Kcal
  • Chất đạm: 2.8 g
  • Chất béo: 0.3 g
  • Chất đường bột: 3 g
  • Chất xơ: 1.5 g
  • Sắt: 7.7 mg
  • Canxi: 182 mg
  • Magie: 79 mg
  • Photpho: 57 mg
  • Kali: 417 mg
  • Natri: 16 mg
  • Kẽm: 0.79 mg
  • Đồng: 255 µg
  • Selen: 0.9 µg
  • Vitamin C: 77 mg
  • Vitamin B1: 0.13 mg
  • Vitamin B2: 0.26 mg
  • Vitamin PP: 1.1 mg
  • Vitamin B5: 0.072 mg
  • Vitamin B6: 0.6 mg
  • Beta-caroten: 4560 µg

Như vậy, rau đay không chỉ là loại thực phẩm ngon và có công dụng tốt cho sức khỏe con người. Hiện nay rau đay chủ yếu được dùng trong chế biến ẩm thực, do đó, nên thường xuyên bổ sung rau đay trong chế độ ăn uống của mình để nhận về lợi ích sức khỏe.

Từ khóa » Cây Rau đay Trị Bệnh Gì