14. Ngô Quyền (898 - 944) - Dân Ta Phải Biết Sử Ta

Ngô Quyền là tướng lĩnh, vừa là con rể của Dương Đình Nghệ.

Là người làng Đường Lâm (Hà Tây), con trai Thứ sử Ngô Mân. Ngô Quyền là người có chí lớn, từ bé đã chăm rèn võ nghệ, “Vẻ người khôi ngô, mắt sáng như chớp, dáng đi như cọp, có trí dũng, sức có thể nhấc vạc giơ cao”. Kẻ thù cũng phải cộng nhân ông là người tài giỏi. Tiêu Ích – một viên quan của nhà Hán đã nói “Ngô Quyền là người kiệt hiệt, chớ nên coi thường”. Dưới thời họ Khúc, Ngô Quyền đã tham gia việc xây chính quyền. Sau đó, ông từ Bắc vào Ái Châu (Thanh Hóa) cùng Dương Đình Nghệ mưu công cuộc đánh đuổi quân Nam Hán khôi phục đất nước, Sau chiến thắng năm 931, Ngô Quyền trông coi vùng Ái Châu. Tại đây, Ngô Quyền chăm lo xây dựng lực lượng quân sự, ổn định đời sống kinh tế, chính trị cho nhân dân trong vùng. Sau khi Dương Đình Nghệ chết, những hào trưởng đã hướng về Ngô Quyền và tham gia công cuộc giữ gìn nền độc lập tự chủ của đất nước.

Chiến thắng năm 938 của quân và dân Giao Chỉ chống quân Nam Hán do Ngô Quyền lãnh đạo mang một ý nghĩa quan trọng, đã đè bẹp tham vọng cướp nước và nô dịch của phong kiến phương Bắc, chấm dứt 1000 năm lệ thuộc phong kiến phương Bắc, đặt nền móng lâu dài cho sự nghiệp đấu tranh giữ nước và dựng nước về sau này của dân tộc.

Nhà sử học Ngô Thì Sĩ nhìn lại kỳ công của Ngô Quyền nhận định : “Trận thắng lợi trên sông Bạch Đằng là cơ sở sau này cho việc khôi phục quốc thống. Những chiến công các đời Đinh, Lê, Lý, Trần vẫn còn nhờ vào cái uy danh lẫm liệt để lại ấy… Trận Bạch Đằng này là vũ công cao cả, vang dội đến nghìn thu, há phải chỉ lừng lẫy ở một thời bấy giờ mà thôi đâu”.

Mùa xuân năm 938, sau chiến thắng Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng vương đóng đô ở Cổ Loa (Đông Anh – Hà Nội). Ngô Quyền bắt tay xây dựng một nhà nước độc lập. Việc đầu tiên là phong thưởng các tướng sĩ có công trong cuộc kháng chiến chống giặc Nam Hán. Tùy theo công trạng mà các tướng sĩ được phong tước, cấp ruộng và cấp đất làm thái ấp. Ở triều đình trung ương, Ngô Quyền sắp đặt bộ máy quản lý nhà nước, đặt lại chức tước cho các quan văn võ, quy định lễ nghi triều chính. Ở địa phương, nhà Ngô duy trì vai trò quản lý các hào trưởng, thổ hào. Mặt khác, Ngô Quyền tìm cách liên kết các địa phương, các miền theo  những quy định của chính quyền trung ương nhằm ngăn chặn xu hướng phân ly cát cứ. Nhờ những cố gắng của Ngô Quyền, chỉ trong thời gian ngắn, một cơ cấu quản lý hành chính thống nhất trong cả nước từ trung ương đến địa phương được hình thành, mang tính chất của một nhà nước quân chủ trung ương tập quyền. Bộ máy quản lý của nhà nước họ Ngô trong buổi đầu còn khá đơn giản. Nhà nước cũng chỉ mới quản lý được vùng đồng bằng Bắc Bộ và một phần Bắc Trung bộ ngày nay. Nhiều vùng như miền núi, miền biên giới vẫn ở ngoài tầm kiểm soát hoặc chỉ chịu sự ràng buộc lỏng lẻo còn mang tính tự trị, các hào trưởng vẫn nắm quyền cai quản. Ngô Quyền mất năm 944, ở ngôi được 6 năm.

BAN TUYÊN GIÁO QUẬN ỦY

(Tài liệu tham khảo : Lịch sử Việt Nam, tập 3 của Hội Đồng Khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh – Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Trẻ xuất bản năm 2007).

 

Từ khóa » Ngô Quyền Chết Năm Bao Nhiêu