16 Tháng Y Bác Sĩ Chiến đấu Với Tử Thần COVID-19: Những Hi Sinh Vô ...

COVID-19 DẠY CON NGƯỜI TA SỐNG CHẬM LẠI, BIẾT TRÂN TRỌNG HƠN NHỮNG ĐIỀU VỐN NGỠ NHƯ BÌNH THƯỜNG. NHƯNG ĐẰNG SAU NHỊP SỐNG BÌNH LẶNG, CHẬM LẠI CỦA NGƯỜI DÂN LẠI LÀ CUỘC CHẠY ĐUA HỐI HẢ, “THẦN TỐC, THẦN TỐC HƠN NỮA” CỦA NHỮNG CHIẾN SĨ ÁO TRẮNG. HỌ ĐÃ ĐÁNH ĐỔI BẰNG MỒ HÔI, BẰNG NHỮNG ĐÊM TRẮNG, BẰNG NHỮNG CHUYẾN ĐI KHÔNG HẸN NGÀY VỀ VÀ ĐÔI KHI BẰNG CẢ TÍNH MẠNG ĐỂ ĐỔI LẤY YÊN BÌNH CHO NGƯỜI DÂN VIỆT NAM

Nhớ lại giai đoạn trước của đại dịch, tôi đã viết bài báo “Những “siêu anh hùng” áo trắng – Họ là có thật”. Nhưng bỗng dưng khoảnh khắc này khi dõi theo hành trình “chống giặc” lắm gian nan, nhiều nước mắt ấy… tôi lại nghĩ họ hơn cả siêu anh hùng. Nhưng dù vậy họ vẫn là con người, biết đau đớn, biết tổn thương, biết kiệt sức, biết mệt và biết khóc… Những ngày trước, hình ảnh trong màn đêm đen đặc vắng hoe có 2 “chiến sĩ” mặc đồ bảo hộ màu trắng kiệt sức nằm ngay vệ đường. Chẳng ai thấy mặt, biết tên những con người dũng cảm đó nhưng ai xem bức ảnh cũng thấy cổ họng chợt nghèn nghẹn và khoé mắt cay cay.

Chủ nhân bức ảnh chia sẻ: "Khi trên đường chạy thể dục, tôi chợt thấy một chiếc xe cứu thương đỗ bên đường, bên cạnh là 2 người mặc đồ trắng toát nằm ngay vệ đường. Tôi chợt nghĩ, hay là một vụ tai nạn, bởi lúc này mới 4h sáng. Tôi mạnh dạn lay một người dậy, tôi hỏi các anh có làm sao không?Có người tỉnh dậy trả lời: "Không ạ, chúng cháu mệt quá không thể đi tiếp được, chúng cháu đang tham gia dập dịch ở huyện Nậm Pồ". "Chúng cháu chỉ cần ngủ khoảng 15 phút là đi tiếp được thôi". Tôi xin lỗi vì đã làm phiền, "các anh ngủ tiếp đi”. Được biết trong bức ảnh xúc động đó là cán bộ y tế tại Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ (Điện Biên) và lái xe làm công việc vận chuyển những trường hợp F0, F1 đến những khu cách ly, điều trị.

Hình ảnh của y bác sĩ ở Điện Biên chẳng phải là chuyện hiếm, bởi ngành y tế đang căng mình chống dịch ở mọi miền Tổ quốc. Có rất nhiều lời thương cảm từ người dân: Thương lắm các chiến sĩ áo trắng…. Ứa nước mắt… Xót xa quá!

Trong đợt cao điểm dịch ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh nhiều cán bộ, y bác sĩ tình nguyện xin về vùng tâm dịch. Do làm việc liên tục nhiều giờ dưới trời nắng nóng, 3 nữ nhân viên y tế đã kiệt sức, ngất xỉu. Nhìn hình ảnh các chị sõng xoài trên mặt đất, mặt không còn chút thần sắc… Chiếc áo blouse ướt sũng mồ hôi, các chị đã mệt lắm rồi…

Và trong dòng chảy hối hả ấy, thứ ngày tháng đối với đội ngũ chống dịch là điều chẳng còn màng tới. Bởi ngày lại ngày, công việc cuốn họ đi, ngày nghỉ là điều xa xỉ. BSCKI Vương Thị Tuyến, Trưởng khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bắc Ninh khản đặc giọng. Chị chẳng còn khái niệm về thời gian, ngày hay đêm.“Bởi từ hôm Bắc Ninh bùng phát dịch COVID-19 đến nay, chúng tôi làm việc cả ngày và đêm, quên cả hôm nay là thứ mấy”, chị vừa nói vừa lấy điện thoại nhắn vội dòng tin căn dặn 2 con ở nhà nhớ ăn uống đầy đủ, tự biết cách chăm sóc nhau khi bố mẹ vắng nhà. Chồng chị Tuyến làm việc ở Ban An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh nên đợt này cũng được tăng cường vào lực lượng phòng chống dịch bệnh của địa phương.

Tại khu vực tầng 3 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh - nơi đặt phòng xét nghiệm COVID-19, hoạt động hết công suất 24/24. Cán bộ xét nghiệm của Trung tâm chạy đua cùng thời gian, tận dụng từng phút để thực hiện xét nghiệm. Chưa đến 1 tuần, 3 hệ thống xét nghiệm PCR Realtime tại đây đã chạy liên tục để xét nghiệm hơn 41 nghìn mẫu; 30 y bác sỹ được huy động phục vụ công tác xét nghiệm cũng ở lại cơ quan trong suốt thời gian qua. Bình quân mỗi ngày, có khoảng gần 7.000 mẫu xét nghiệm được thực hiện. Để thực hiện nhanh nhất, chuẩn xác nhất, 21 cán bộ xét nghiệm được chia làm 3 ca, duy trì hoạt động xét nghiệm suốt 24/24.

Kết thúc công việc, tháo trang phục bảo hộ, những vết hằn khẩu trang, vành tai mẩn đỏ sau cả ngày dài. Cả ngày nay thậm chí họ còn chưa được uống nước, chưa đi vệ sinh vì “tiếc” bộ đồ bảo hộ. Thế nhưng những khó khăn đó có là gì so với nguy cơ mắc bệnh khi ngày ngày giáp mặt với virus tử thần. Và thực tế đau lòng, trong đợt dịch này đã có hơn 10 bệnh viện trên toàn quốc phải phong toả, cách ly y tế, số lượng y bác sĩ, nhân viên y tế mắc COVID-19 cũng nhiều hơn. Trong đó có những người bệnh tình đang trở nặng. H là một nữ điều dưỡng làm việc tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh có tuổi đời còn trẻ, rất xinh xắn và mới có một con gái đầu 21 tháng. H cho biết, em bị nhiễm COVID-19 trong khi làm nhiệm vụ tại một đêm trực. Tuy nhiên, may mắn hơn nhiều đồng nghiệp, H không có triệu chứng, không ho, không sốt, mà chỉ mất khứu giác.

Có lẽ tới suốt cuộc đời, H không bao giờ quên ngày 4.5 vừa rồi. Hôm ấy, buổi sáng, khi phát hiện trong khoa có người dương tính, ngay buổi chiều, Khoa cho toàn bộ cán bộ nhân viên và một số bệnh nhân làm xét nghiệm. H có kết quả âm tính. Tuy nhiên, tới ngày 9.5.2021, xét nghiệm lần thứ 2, kết quả đã chuyển dương.

Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 vốn được xem là "thành trì" trước đại dịch COVID-19 - nơi điều trị cho bệnh nhân COVID-19, nhất là với những bệnh nhân nặng. Thế nhưng, bỗng chốc trở thành khu cách ly sau sự xuất hiện của chùm ca bệnh. Việc điều trị vốn đã chẳng dễ dàng gì, nay lại điều trị trong tâm thế cách ly toàn bộ bệnh viện khiến khó khăn nhân lên gấp bội. Vào ngày cách ly thứ 10, chị Đặng Thanh, cán bộ phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã đăng tải một dòng trạng thái trĩu nặng tâm tư.

"Các bạn đã bao giờ nhìn thấy 1 bác sĩ vừa khóc vừa khám cho bệnh nhân chưa? Tôi của ngày hôm nay đó! Sáng, nhận được tin mẹ của 1 đồng nghiệp, 1 người em tại bệnh viện vừa qua đời đêm qua. Hiện, vợ chồng bạn ấy đều đang chống dịch tại bệnh viện, không về lo đám tang cho bà được. Nghĩ đến 2 đứa trẻ được bố mẹ gửi bà ngoại trông để đi chống dịch, giờ bố mẹ vẫn chưa về, bà thì không còn nữa, các cháu sẽ bơ vơ thế nào? Lòng trĩu nặng… Đang họp giao ban bệnh viện, nhận được tin 1 điều dưỡng bị bệnh nhân COVID-19 lao vào phòng hành chính khoa to tiếng, rồi bóp cổ vì bệnh nhân yêu cầu điều dưỡng cung cấp số điện thoại của Giám đốc bệnh viện... Nghĩ đến 1 nữ điều dưỡng chắc cao tầm 1m50, nặng khoảng bốn mấy cân bị bệnh nhân bóp cổ mà nước mắt không kìm nổi, cứ tuôn rơi… Lúc đó, lại nhận được tin có bệnh nhân COVID-19 cần thăm khám. Vừa khóc, vừa mặc quần áo phòng hộ chạy ra buồng bệnh khám bệnh nhân… Xử trí xong bệnh nhân, quay lại thấy các điều dưỡng yên lặng đẩy xe cơm đi phát cơm cho các bệnh nhân, trong đó có cả bệnh nhân vừa bóp cổ đồng nghiệp của mình…"

Your browser does not support HTML5 video.

Ở nơi 16 tháng liên tục điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ấy, bóng áo xanh, áo trắng tất tả ngược xuôi những thao tác can thiệp khẩn trương nhưng vô cùng tỉ mỉ, chuẩn xác... Các bác sĩ BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã có nhiều đêm trắng như thế để giành giật sự sống cho bệnh nhân COVID-19 từ tay tử thần.

BS Phạm Văn Phúc là bác sĩ đang điều trị trực tiếp cho bệnh nhân COVID-19 tại Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh. Ròng rã hơn một năm qua, hết đợt dịch này đến đợt dịch khác, anh cùng các đồng nghiệp kiên trì bám bệnh viện, túc trực bên người bệnh với mong muốn duy nhất giúp họ chiến thắng dịch bệnh, trở về với cuộc sống bình thường.

Thế nhưng đợt dịch lần thứ 4 này quá khắc nghiệt. Lượng bệnh nhân nhiều, bệnh viện lại trong tình trạng cách ly y tế toàn bộ, song vẫn phải tiếp nhận điều trị các ca dương tính nên công việc của bác sĩ, điều dưỡng vất vả bội phần.

Từ khu cách ly chị Phạm Thị Hạnh - điều dưỡng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương TƯ nghẹn ngào kể lại: "Mỗi lần con gọi điện thoại nói mẹ ơi, sao mẹ đi mãi chưa về, con nhớ mẹ nhiều nhiều lắm, đợt này mẹ đi nhiều vậy sao mẹ nói chỉ đi một chút là về. Mỗi lần như thế tôi lại trào nước mắt..." Thế nhưng với chị trường hợp của mình chẳng là gì so với những đồng nghiệp nữ trẻ hơn. Có nhiều người đi cách ly khi con còn ẵm ngửa và chưa cai sữa. Màn đêm buông xuống, đứa trẻ đang tuổi bú mẹ rúc vào ngực mẹ. Không có bầu sữa mẹ, bọn trẻ trằn trọc khó ngủ và có thể khóc thét bất cứ lúc nào khi tỉnh giấc. Ở một nơi xa, trên ngực áo của những người mẹ là những nữ y, bác sĩ đang cách ly tại BV Bệnh Nhiệt đới trung ương dòng sữa chảy ra ướt đẫm. Cùng với đó là những giọt nước lặng lẽ trong nỗi nhớ con da diết của các chị.... “Có bạn con chưa được một tuổi, nhìn các bạn nhớ con khóc mà đồng nghiệp bọn mình cũng khóc theo” – chị Hạnh kể.

Là người mạnh mẽ nhất trong đoàn y tế tình nguyện ở điểm nóng Thuận Thành - Bắc Ninh, thế nhưng lần nào nhắc về gia đình, nữ bác sỹ trẻ Nguyễn Thị Nguyệt cũng cắn chặt môi, dặn lòng không được khóc. Nhà chỉ cách mấy trăm mét thôi, thế mà đã mười mấy ngày ròng rã, Nguyệt chưa được về thăm bố mẹ… Khi đại dịch ập tới quê nhà, Nguyễn Thị Nguyệt liền viết đơn tình nguyện xin được đi tuyến đầu chống dịch. Hỏi chuyện gia đình, Nguyệt bảo: “Em đã 33 tuổi rồi. Khổ cái chưa có người yêu. Ai cũng giục. Bố mẹ lo cho cho em lắm, cứ thấy tăng các ca bệnh là gọi điện hỏi trong đó có an toàn không. Lần nào em cũng phải trấn an phụ huynh là “chiến thắng dịch bệnh con về nhà, mang thêm cả người yêu”, Nguyệt làm công tác “dân vận” với bố mẹ.

Theo quy định phụ cấp chống dịch cao nhất là 300.000 đồng/người/ngày ... Có lẽ chẳng vật chất nào trả nổi cho sự hi sinh của các chiến sĩ áo trắng trong những tháng ngày đằng đẵng vừa qua. Có ai làm vì 300 nghìn đồng/ngày hay không, câu trả lời chắc chắn là không nhưng có lẽ chúng ta vẫn cần đặt bài toán đãi ngộ thoả đáng hơn nữa bởi đó là sự trân trọng đối với những người đang ngày đêm bảo vệ cho sức khoẻ nhân dân.

“Có lúc nào các chị nản lòng, muốn bỏ ngang hay không?”. Phía sau tấm kính bảo hộ đã thấm đẫm mồ hôi, ánh mắt của những nữ y, bác sĩ thuộc Trung tâm Y tế Thành phố Thủ Đức ánh lên sự kiên định. Họ đáp lời: “Dịch chưa hết là chưa buông”... Họ là những nữ y, bác sĩ trực tiếp lấy mẫu xét nghiệm, những nữ trụ cột trong cuộc chiến chống dịch đầy cam go. Y sĩ Vũ Thị Hoàng Oanh - Khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm y tế TP Thủ có 2 con nhỏ. Cùng sống với vợ chồng chị có mẹ chồng đã bị tai biến, nằm liệt giường. Mắt chị rưng rưng, từ ngày dịch bùng phát, chồng chị không chỉ là trụ cột trong gia đình mà kiêm luôn hậu phương, chia sẻ với chị từ chăm mẹ, chăm con để vợ yên tâm chống dịch. Mỗi ngày phải nhập hàng ngàn họ tên, địa chỉ, số mẫu của những người được lấy mẫu xét nghiệm, cường độ làm việc hết sức căng thẳng. Vất vả là thế, nhưng chị Vân chưa hề nghĩ đến việc sẽ nản lòng, bỏ ngang. Chị nói: “Mỗi ngày phải di chuyển nhiều, cường độ làm việc căng thẳng nên ai cũng mệt lả, bơ phờ. Nhưng đến khi nhận được kết quả tất cả các mẫu đều âm tính, mọi người vui quá quên hết mệt nhọc, lại tiếp tục miệt mài đi vào các điểm nguy cơ khác”. Âm tính (-) hay dương tính (+) trên tờ kết quả xét nghiệm chỉ khác nhau ở một nét xổ thẳng xuống, nhưng đó chính là mối đe doạ đối với người được xét nghiệm cũng như đối với công tác cách ly, khoanh vùng.

Trong những ngày ảm đạm do tin tức COVID-19, số ca tăng, ổ dịch còn nhiều phức tạp thì có những tin vui đã mang đến niềm tin yêu vào cuộc sống. Có những yêu thương được tiếp nối, những đứa trẻ chào đời… Chiều 18.5, khoa ngoại sản Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đã mổ cấp cứu cho một phụ nữ đang mang thai 38 tuần tuổi, dương tính với COVID-19. Bệnh nhân bắt đầu chuyển dạ, tim thai chậm, không đều. Tại đây, các bác sĩ tại Bệnh viện chẩn đoán bệnh nhân suy thai, đã được hồi sức tim thai nhưng không đáp ứng. Sau khi hội chẩn, ban giám đốc bệnh viện đã chỉ định mổ đẻ cấp cứu cho bệnh nhân.Đến khoảng 22h cùng ngày, một bé gái nặng 2,8kg đã chào đời khoẻ mạnh.Ngay sau đó, sáng 22-5, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 tiếp tục mổ cấp cứu thành công một sản phụ mắc COVID-19, mang thai tuần thứ 35.

Sản phụ đã vô sinh suốt 11 năm, nay mang thai nhờ thụ tinh trong ống nghiệm. Sau hơn 1 giờ phẫu thuật, một bé gái ra đời, nặng 2,6kg. Theo bác sĩ Nguyễn Thu Hà - phó trưởng khoa ngoại sản Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, đón chào 2 công dân bé xinh trong hoàn cảnh cách ly là điều vô cùng đặc biệt, chưa từng xảy ra...

Những ngày này thật sự rất dài và khó khăn đối với cô bé Đỗ Hà Anh khi cả bố và mẹ đều là bác sĩ "trực chiến" tại Bệnh viện K Tân Triều. Trong những ngày bố mẹ căng mình chống dịch ở bệnh viện, cô bé đã viết bức thư xúc động gửi đến các y, bác sĩ. "Con là Đỗ Hà Anh, con gái của bác sĩ Huyền. Trong tình cảnh phải đối mặt với dịch bệnh, bố mẹ con cùng các cô chú bác sĩ, điều dưỡng và cả bệnh nhân đang phải cách ly trong bệnh viện. Mọi người chắc hẳn đều rất mệt, stress, nhớ nhà và gia đình. Con cũng vô cùng nhớ bố mẹ, hằng ngày chỉ gọi điện và nhắn tin nhưng không được gặp. Đây là lần đầu tiên con xa bố mẹ lâu đến thế. Con rất mong dịch bệnh mau qua để chúng ta được gặp lại gia đình, bạn bè. Bệnh viện K là tuyến đầu điều trị bệnh nhân ung thư, vì vậy sức khỏe hay cả mạng sống đều phụ thuộc vào mọi người. Vì vậy, con mong các cô chú bác sĩ, điều dưỡng hãy đánh bại dịch bệnh. Con, cũng như gia đình mọi người luôn cổ vũ, tin tưởng rằng Bệnh viện K sẽ chiến thắng dịch bệnh. Bệnh viện K cố lên!".

Bức thư của bé Hà Anh gây xúc động đối với nhiều người, đặc biệt khi kèm theo bức thư là bức tranh người bác sĩ trong bộ đồ bảo hộ kín mít, vì mệt mỏi mà thiếp đi trên ghế. Thương các con, từ nơi tuyến đầu chống dịch, bác sĩ Phùng Thị Huyền gửi lời nhắn nhủ: "Dù không ở bên các con nhưng bố mẹ luôn dõi theo và hướng về các con. Chỉ cần chúng ta đồng lòng chắc chắn sẽ vượt qua, và bố mẹ sẽ sớm trở về với chiến thắng huy hoàng để các con tự hào và khắc ghi cả cuộc đời..."

Đã 16 tháng dài đằng đẵng từ ngày Việt Nam phát hiện ca mắc COVID-19 đầu tiên đến nay, con virus chết người – không từ một ai khiến những chiến sĩ áo trắng đã thấm mệt. Họ đánh đổi sự bình yên cho toàn dân và nhận về mối hiểm nguy khi lao vào cuộc chiến chưa nhìn thấy hồi kết. COVID-19 là kẻ thù của chúng ta nhưng chính lúc này chúng ta nhận ra những bài học bất ngờ. COVID-19 cho chúng ta biết trân quý hơn những điều bình dị, cho chúng ta biết nói lời cảm ơn, biết trân trọng những hy sinh của các y bác sĩ đang vì sức khoẻ của toàn dân. Giờ đây những nỗ lực kiên cường của y bác sĩ đã được xã hội tôn vinh. Cả nước hướng về chiến sĩ nơi “tiền tuyến” và cầu mong họ bình an và chiến thắng trở về.

XEM THÊM

PODCAST: 10 ngày, 20m2, tự cách ly và câu chuyện chiến đấu với COVID-19

PODCAST: Từ tâm dịch Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ: "Mẹ ơi, sao mẹ đi mãi chưa về..."

PODCAST: F0 chiến đấu và chiến thắng COVID-19 tại nhà, chuyện ở "trời tây"

Từ khóa » Hình ảnh Cá Bác Sĩ