1735 Km (2005) – Âu Cũng Là Cái Số

Thể loại: Tâm lý / Lãng mạn Đạo diễn: Nguyễn Nghiêm Đăng Tuấn Diễn viên: Khánh Trình, Dương Yến Ngọc

Năm 2004 – 2005, tôi không quan tâm chút nào đến phim ảnh nói chung, tuy nhiên tôi nghe nói có một bộ phim tên như vậy. Tôi cũng đã thử tìm xem có rạp nào ở Hà Nội chiếu hay không, thế nhưng đâu như nó chỉ được chiếu vài buổi theo dạng vé “mời” cho sinh viên xem ở CLB văn hoá thanh niên hồ Thiền Quang. Có lẽ các bạn trẻ ở thủ đô bây giờ không tưởng tượng được kiểu chiếu phim đó, có lẽ tôi thuộc vào cái thế hệ cuối cùng được chứng kiến kiểu chiếu phim bao cấp ấy ở cái đô thị cấp đặc biệt này, trong cái thế kỷ 21 tối tân này (có bạn thậm chí bộc bạch là từ lúc đủ lớn để biết đi xem phim, bạn chưa đi xem rạp nào khác ngoài MegaStar). Đấy vẫn còn là thời kỳ của internet dial-up tít te tạch xè, tốn chắc cả trăm nghìn tiền cước chỉ để download 1 bài hát 4mb vì nó đồng nghĩa với việc buôn điện thoại chừng 4-6 tiếng (mẹ của bạn không thể gọi điện cho bố bạn trong thời gian đó, đương nhiên!). Đó là một thời kỳ nguyên thuỷ hoang dã văn hoá và điện ảnh Việt Nam sau năm 2000 còn đang chập chững với những bộ phim thương mai đầu tiên, một trong những phim đó là 1735 Km. Thật đáng tiếc là ở thời điểm đó, cá nhân tôi không quan tâm đến sự sống chết của các ông đạo diễn bà biên kịch, tôi ghét những thứ văn nghệ sinh viên, ghét những thứ bố thí và chen chúc để xin xỏ, tôi không thèm đi xem 1735 Km. Theo trí nhớ mong manh thì trên báo chí lúc đó phim này cũng được giới thiệu khá tích cực, nhưng có vẻ như bị chê nhiều sau khi chiếu. Có lẽ những người ở thời điểm đó quan tâm đến đời sống văn nghệ sẽ nhớ rõ hơn tôi. Nhưng chắc chắn là phim thất bại thảm hại, hãng phim giải tán và nghe đâu bác đạo diễn Nguyễn Nghiêm Đặng Tuấn bị sốc nặng. Người hưởng lợi duy nhất chỉ có quay phim Nguyễn K’Linh.

Phải đến khoảng năm 2007-08, tôi xem bộ mới phim này lần đầu qua DVD, bản DVD hiếm hoi mà may quá ở trung tâm TPD có. Lúc đó đương nhiên tình thế đã khác. Internet tốc độ cao, CD 05 Đinh Liệt cung cấp một nguồn phim dồi dào cho dân thủ đô (torrent và P2P cũng đã có, nhưng cũng mới ở giai đoạn phôi thai thôi, tìm phim không dễ như bây giờ), và tôi thì không những là quan tâm đến phim ảnh mà còn đã kịp quyết định ngừng đến trường kiến trúc rồi. Lúc đầu tôi nghĩ là nó sẽ tệ, những người đã xem ở TPD cũng nói là tệ. Nhưng khi mà những người làm 1735 Km ở thời điểm 2004 chỉ bằng và hơn tôi vài tuổi, họ đã một bộ phim road movie (thể loại khá thử thách về mặt sản xuất), thì là một người đã tự cho rằng mình “đứng trong hàng ngũ của phong trào chung”, tôi vẫn bỏ đĩa vào xem. Kết quả là tôi đã… không thể xem được đến hết phim.

Cái đĩa DVD duy nhất ở TPD bị hỏng ở đoạn gần cuối, khúc cô gái bắt đầu thử váy cưới. Vậy đấy, cho đến giờ tôi vẫn không biết chính xác phim kết thúc như thế nào cả, nhưng có một điều tôi khẳng định là phim không hề tệ như báo chí năm 2005 đã chỉ trích. 1735 Km là một bộ phim có những khung hình đẹp, hiện đại, một chút mộng ảo siêu thực, một chút pha trộn thể loại, chỉn chu với một ngôn ngữ kể chuyện rành mạch. Kịch bản thì có lẽ không phải là đặc biết xuất sắc hay có ý tưởng độc đáo, có lẽ hơi thiếu sức nặng, nhưng thật ra cũng đâu cần phải như vậy mới là đáng quý. Câu chuyện rất dễ thương, sến sến và hình tượng nhân vật điển hình không gần lắm với thực tế, nhưng mà thật sự dễ thương. Và kịch bản như vậy tốt hơn rất nhiều so với một tá phim Tết hậu bối của nó, ngay cả kịch bản của phim Tết tốt nhất năm 2011 – Cô dâu đại chiến, cũng kém hơn 1735 Km rất nhiều. Còn phải nói đến phần nhạc phim hay hiếm có do Võ Thiện Thanh sáng tác với những ca khúc như Em sẽ quay về, Con hạc giấy mang âm hưởng nhạc lounge và britpop. 1735 Km là một bộ phim xuất sắc ở thời điểm 2005, một bộ phim đúng nghĩa xinê, nó xứng đáng nhận được sự tán thưởng, nhận được thành công về doanh số và cả những giải thưởng.

[nhạc] Em sẽ quay về

[nhạc] Con hạc giấy

Tuy nhiên, ở vào giai đoạn tiền sử đó, 1735 Km tiếc thay lại là một cánh chim lạc thời. Những người làm chuyên môn có thể làm ra một sản phẩm tốt, nhưng lúc đó nào đã có nhiều những con người biết làm marketing, làm phát hành cho điện ảnh (những người giỏi giang của năm 2011 lúc đó còn trẻ lắm). Giới truyền thông sau nhiều năm không xem phim, (của đáng tội, muốn xem cũng không có và không biết xem ở đâu), mới chỉ quay lại ngó vào điện ảnh với “dòng phim” Gái của đạo diễn Lê Hoàng, chưa đủ tri thức để đánh giá đúng nghệ thuật làm phim (những người giỏi giang của năm 2011, lúc bấy giờ có người còn đang đeo khăn quàng đỏ). 1735 Km ra đời chỉ từ một đam mê làm phim thuần khiết và ngây thơ đơn độc thì sự thất bại của nó là dễ hiểu. Có thể ví 1735 Km như một “chiến sĩ đã anh dũng hi sinh cho phong trào”, một sự hi sinh để biết bao người khác nhìn vào và rút ra bài học trong những khâu sau cùng của một thương vụ điện ảnh. Và để rồi sau khi có Luật điện ảnh 2006 cởi trói cho những nhà làm phim lão luyện, để họ danh chính ngôn thuận hoá thân vào vai của những người kinh doanh cáo già, họ đã gây dựng một thị trường với những khán giả đang dần dần quen với việc đi xem phim Việt Nam, đã có thể tung ra những con số hàng chục tỷ doanh thu mỗi lần phim ra rạp, thì quay nhìn lại năm 2005 với 1735 Km, khó có ai hiểu chuyện mà không thấy cảm khái phần nào. Nếu nhìn vào bản chất, 1735 Km là phim độc lập, đúng cả định nghĩa lẫn tinh thần, đầu tiên ở Việt Nam chứ không phải Bi, đừng sợ (Phan Đăng Di). Có lẽ lý do để nó thất bại lớn nhất ở đây là để độc lập đi đôi với thiếu thốn các nguồn lực.

Thật ra với những trái nghiệm sống cá nhân, tôi đồng cảm kha khá với số phận của 1735 Km. Hãy thấm thía rằng tài năng hay thành công cũng chỉ là tương đối thôi, ở thời điểm này là vàng đấy nhưng ở thời điểm khác cũng chỉ là rác bên lề đường. Cứ thử ví dụ như giáo sư Ngô Bảo Châu mà sinh ra sớm 100 năm ở nước mình, tài năng toán học của anh cũng chẳng để làm gì.  Hay là như Micheal Bay mà sinh ra ở thời Trung cổ, chắc cũng chỉ đi hát rong kể chuyện qua ngày, chết dấp nơi bờ bụi vì dịch hạch hoặc liều thân đi Thập Tự Chinh kiếm ăn, chứ có ở đó mà đòi thành triệu phú được khối. Có lẽ là hơi quá đà rồi, vì số phận của 1735 Km cũng không đến mức thảm hại như thế, phải không nào? Ít nhất thì bộ phim cũng đã cống hiến được một điều gì đó cho sự trở lại của điện ảnh Việt Nam, cho tương lai của nhiều người.

Cũng là nhân dịp mà tại thành phố Hồ Chí Minh, BHD Star Cinema chiếu lại 1735 Km tại rạp này trong chương trình Những ngày phim Việt của họ. Nếu bạn có điều kiện, hãy thử mua vé đi xem 1735 Km (và cả những phim khác như Trăng nơi đáy giếng, Đừng đốt hay Chuyện của Pao) và tự có những đánh giá theo con mắt của năm 2011. Thật sự, 1735 Km không chỉ có giá trị như một kỷ niệm với đôi ba người nào đó về một thời gần mà xa, mà hơn thế nữa, nó xứng đáng được tôn trọng, được nhìn nhận và đánh giá đúng bởi đông đảo công chúng. Các bạn có thể tham khảo lịch chiếu sau:

Tin tôi đi, ít nhất bạn cũng sẽ không thất vọng !

Rate this:

Share this:

  • Facebook
  • Twitter
Like Loading...

Related

Từ khóa » Diễn Viên 1735 Km