20 Năm Sau Trận Lụt Lịch Sử Năm 1999, PC Thừa Thiên Huế Nỗ Lực ...

Trận "đại hồng thủy năm 1999" đã nhấn chìm 20 huyện, thị xã miền Trung, làm 595 người chết, 41.846 ngôi nhà, 570 ngôi trường bị sụp và trôi. Tổng thiệt hại ước tính gần 3.800 tỷ đồng, tính tại thời điểm năm 1999. Thừa Thiên Huế được xem là tỉnh chịu thiệt hại nặng nhất trong đợt lũ lịch sử này. Trong tổng số 595 người chết của đợt lũ thì Thừa Thiên Huế đã chiếm quá nửa với 372 người chết. Hàng loạt nhà dân bị nước lũ tràn vào làm cuộc sống của những hộ dân này lâm vào cảnh khó khăn. Đã có những người phải bỏ cả tính mạng mình để cứu sống những người khác gặp hoạn nạn.

Những dấu ấn từ cơn lũ lịch sử năm 1999

Trong trận lũ lịch sử đầu tháng 11/1999 gây thiệt hại nặng nề đến người và tài sản của nhân dân trong tỉnh. Điện lực Thừa Thiên Huế (nay là Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế) cũng chịu tổn thất rất nặng nề với 432 trạm biến áp bị ngập nước, hỏng không sử dụng được, 2.383 cột điện trung hạ áp bị đổ, gãy, 1.224 km dây cáp điện bị đứt và hàng vạn công tơ bị chìm trong nước không sử dụng được. Ước tính thiệt hại trên 30 tỷ đồng thời đó.

Với diễn biến phức tạp của thời tiết gió mùa Đông Bắc mạnh kết hợp với dải áp thấp nhiệt đới phía Nam, sáng ngày 01/11/1999 tại Thừa Thiên Huế có mưa và gió lớn kéo dài đến 21h, mực nước sông Hương lên 2,47 mét và có chiều hướng tiếp tục tăng lên. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Điện lực Thừa Thiên Huế lúc bấy giờ là ông Bùi Hữu Thanh - Giám đốc, Trưởng ban đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trực 24/24h để theo dõi mực nước sông Hương qua các Trạm đo thủy văn Kim Long và Trạm đo sông Bồ, nhằm kịp thời thực hiện phương thức sa thải phụ tải hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và thiết bị do thiên tai gây nên.

Đối với công tác vận hành hệ thống điện, cán bộ và công nhân phòng Điều độ đã bám trụ, ứng trực 100% trong những ngày lũ lụt để thực hiện nghiêm túc phương thức vận hành tối ưu, cắt điện sa thải kịp thời những vùng trũng, ngập sâu trong nước, đồng thời vẫn duy trì nguồn điện cho các phụ tải quan trọng để tỉnh chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống lũ lụt. Gần 3h sáng ngày 02/11 để vượt qua đường Nguyễn Huệ đến đơn vị thì xe tôi nước đã ngập nửa bánh xe, tôi cùng anh em đồng nghiệp, cụ thể là các điều độ viên và trưởng ca lúc đó là anh Nguyễn Khoa Tuấn, cùng phối hợp thao tác sa thải phụ tải do nước lũ đang dâng cao. Đến 10h sáng ngày 02/11 khi mực nước sông Hương lên cao trên 5,86 mét chúng tôi phải thực hiện phương thức tách toàn bộ các xuất tuyến 35kV từ trạm 110kV E6 và huy động phát hòa toàn bộ máy phát tại Ngự Bình đưa điện về thanh cái 6kV của trạm trung gian Huế để cấp điện cho một số phụ tải quan trọng của thành phố Huế.

Đại nội Huế chìm trong biển nước trong trận lụt kinh hoàng. Ảnh: Internet.

Tuy vậy, đến 11h ngày 02/11 chúng tôi kiểm tra Trạm đo thuỷ văn Kim Long thì hoàn toàn mất liên lạc, sau này mới biết nhân viên trạm đo mực nước phải bám theo dây thừng để vào phía trong Bệnh viện Kim Long và mực nước sông Hương tại thời điểm đó lên đến 5,98 mét vượt mức báo động 3 là 2,98 mét. Đến 11h05’ khi lũ lên cao đã băng qua cầu Trường Tiền và cầu Bạch Hổ vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1953 đến 1,2 mét. Nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân và theo chỉ đạo của Giám đốc, chúng tôi đã thực hiện phương thức sa thải 100% phụ tải toàn tỉnh (phụ tải nhận điện qua các trạm 110kV E6, Dệt Huế, Văn Xá và nguồn phát Ngự Bình về Huế đều bị mất điện), mọi thông tin liên lạc lúc này đều bị gián đoạn, chỉ có điện thoại di động nhưng lúc đó còn rất hiếm và máy bộ đàm của ngành mới có thể liên lạc được.

Đường Lý Thường Kiệt và Nguyễn Huệ ngập chìm trong lũ lụt 1999

Trước tình hình đó, Điện lực Thừa Thiên Huế phải sử dụng máy phát điện 5kW để duy trì liên lạc qua vô tuyến điện, sạc pin… và ưu tiên chỉ nấu nước uống và chế mì tôm ăn chống đói cho anh em trực và công nhân làm việc trong lũ lụt. Tuy lương thực dự trữ nhiều nhưng do lũ kéo dài và cứu trợ cho dân chạy lũ nên mới đến sáng 03/11 thì mì tôm cũng đã hết, số ít không đủ ưu tiên cho các cháu nhỏ, học sinh bị mắc kẹt do lũ... Đến trưa cùng ngày, anh em công nhân tìm cách dùng dây thừng buộc vào người để bơi qua đường Lý Thường Kiệt vì lúc này đường cũng như sông, để mua thêm ít gạo, mì tôm và thực phẩm để tạm thời chống đói… Và cứ thế mì tôm sống đã giúp chúng tôi qua cơn đói mãi đến ba ngày sau, vì lúc này điện và nước đều bị cắt hoàn toàn. Bản thân anh em Điện lực chúng tôi phải tích cực ứng trực và làm việc trong lũ nên không thể có mặt ở nhà để giúp gia đình, cha mẹ, vợ, con tránh lũ vào những thời khắc nguy kịch, vậy nên tâm trạng anh em rất sốt ruột và bồn chồn, lo lắng. Nhớ lại trận lũ năm xưa đến giờ chúng tôi vẫn chưa hết kinh hoàng bởi cảm giác đói, lạnh và lo sợ … Buổi chiều lúc lũ cao nhất, anh em công nhân Điện lực đã kịp thời cứu sống hai sinh viên bị nước cuốn, bấu víu vào cành cây bên đường, đói rét, run sợ và hoảng loạn nhưng may mắn được phát hiện kịp thời đưa về Điện lực thay quần áo, sưởi ấm và cho ăn tối nên không ảnh hưởng đến tính mạng. Như thế mới thấy ấm lòng tình người trong trận lũ lụt lịch sử năm xưa. Liên tục trong gần 5 ngày đầu tháng 11 năm đó, ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gần bờ mỗi lúc mỗi phức tạp kéo theo mực nước sông Hương luôn ở trên mức báo động 3 là 1,5 mét. 6h sáng ngày 04/11 khi mực nước sông Hương vẫn còn ở mức 4,3 mét, Giám đốc Điện lực đã chỉ đạo và huy động lực lượng công nhân trực tại chỗ của phòng Điều độ và các phòng ban, phân xưởng khác đang tham gia trực tại đơn vị đi kiểm tra, khắc phục hậu quả nhằm khôi phục tuyến đường dây trung áp 35kV từ trạm 110kV E6 về Trạm trung gian Huế và Trạm trung gian Vạn Niên.

Đường Hùng Vương, chợ An Cựu ngập trong lũ lụt 1999

Do mực mức lũ dâng quá cao, dài ngày làm phần lớn các thiết bị tại các trạm biến áp trung gian và các trạm phụ tải đều bị ngập nước, các tuyến đường dây trung, hạ áp bị hư hỏng nặng ảnh hưởng rất lớn cho việc kiểm tra, khắc phục sự cố sau lũ lụt. Nhưng nhờ sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, công nhân Điện lực đến 11h20’ ngày 04/11, Điện lực đã khôi phục được 2 tuyến đường dây trung áp 35kV từ trạm 110kV E6 về trạm trung gian Huế và Vạn Niên để cấp điện trở lại cho 10% phụ tải đặc biệt quan trọng của thành phố Huế như: UBND tỉnh, thành phố, bệnh viện, nhà máy nước, Bưu điện tỉnh, Đài phát thanh, Đài truyền hình, Công an tỉnh và một số phụ tải quan trọng khác. Đến ngày 05/11 cán bộ, công nhân Điện lực đã khôi phục thêm tuyến đường dây trung áp 35kV từ trạm 110kV E6 - Hương Thuỷ để cấp điện trở lại cho 25% phụ tải quan trọng của tỉnh. Trong đó, cấp điện cho trung tâm huyện lỵ Hương Thủy, các khách sạn lớn trong thành phố Huế như: Centery, Hương Giang, Morin và các xí nghiệp công nghiệp lớn như: Công ty men sứ Phú Bài, Nhà máy rượu Sakê...

Đến ngày 06/11 Điện lực đã khôi phục thêm tuyến đường dây 35kV từ trạm 110kV E6 - Tân Mỹ để cấp điện cho 32% phụ tải quan trọng của tỉnh. Trong đó, có Sân bay Phú Bài và cấp tự dùng để rửa sấy các thiết bị tại Trạm trung gian Tân Mỹ. Theo chỉ đạo của Giám đốc Điện lực, đơn vị đã sử dụng máy phát điện di động để cấp điện độc lập cho Văn phòng Tỉnh uỷ. Đến ngày 07/11 cán bộ, công nhân Điện lực đã khôi phục thêm tuyến đường dây 35kV Vạn Niên - Mỹ Chánh và các tuyến đường dây 6kV từ trạm 110kV E6 để cấp điện trở lại cho 35% phụ tải quan trọng của tỉnh; trong đó, đã cấp điện cho xi măng Văn Xá, nhà máy đường Phong An, trung tâm huyện lỵ Phong Điền. Đặc biệt đến 15h30’ Điện lực đã đóng điện trở lại cho trung tâm huyện lỵ Phú Vang và các xã vùng Thuận An; đến ngày 08/11 khôi phục được 11/22 trạm biến áp trung gian để cấp điện cho 40% phụ tải quan trọng toàn tỉnh; ngày 09/11 khôi phục 17/22 trạm biến áp trung gian và tuyến đường dây 35kV La Sơn- Phú Lộc- Trung Kiền, tuyến đường dây 35kV từ Vạn Niên- A Lưới nâng tỉ lệ cấp điện lên 58% phụ tải quan trọng của tỉnh, trong đó, có trung tâm huyện lỵ Hương Trà, Quảng Điền, Phú Lộc và huyện miền núi A Lưới.

Ngày 10/11 đơn vị đã khôi phục được 21/22 trạm biến áp trung gian để cấp điện cho 68% phụ tải của tỉnh, các trung tâm huyện lỵ đã có điện và toàn bộ phụ tải ánh sáng sinh hoạt trong phạm vi thành phố Huế. Như vậy, chỉ trong 8 ngày nỗ lực phấn đấu khắc phục hậu quả lũ lụt của cán bộ, công nhân Điện lực đến ngày 12/11 đã kiểm tra, xử lý và khôi phục 4 tuyến đường dây 35kV về các trạm trung gian để cấp điện cho các trung tâm huyện lỵ trên toàn tỉnh trong đó có xã miền núi Bình Điền và huyện A Lưới. Đặc biệt lúc 18h45’ngày 13/11 Điện lực đã khôi phục tuyến đường dây 15kV cấp điện cho vùng chiến khu Dương Hoà.

Kéo máy phát điện thi công ban đêm để dựng cột hình PI tuyến đường dây 35kV La Sơn- Nam Đông ngày 14/11/1999 tại khu vực xã Xuân Lộc

Trong trận lũ lịch sử này, đường dây 35kV La Sơn - Nam Đông cũng bị ảnh hưởng rất nặng nề, nhiều vị trí bị sạt lở làm đổ cột điện 35kV khu vực Xuân Lộc, nên cán bộ kỹ thuật đề xuất dựng lại cột điện tại vị trí cũ nhưng Giám đốc Điện lực không đồng ý theo phương án đó mà quyết định khoan tảng đá dưới lòng suối để dựng cột điện hình PI lên đó, đồng thời đúc móng cột dạng hình thoi để xẻ dòng nước và tránh sự va đập vào móng cột. Nhiều người cho rằng đây là quyết định táo bạo của Giám đốc Điện lực lúc bấy giờ vì sợ dòng lũ có thể kéo trôi móng cột hình PI mới dựng, nhưng trận “đại hồng thủy năm 1999” đã minh chứng phương án đó là tối ưu.

Đến 17h40' ngày 15/11 Điện lực đã đóng điện đường dây 35kV La Sơn- Nam Đông khôi phục cấp điện trở lại cho trung tâm huyện lỵ miền núi Nam Đông và phụ tải trên tuyến đường dây trung thế 15kV khu vực Nam Đông, nâng tỷ lệ phụ tải toàn tỉnh được cấp điện trở lại lên 95%.

Công nhân điện khắc phục hậu quả sau bão lũ

Do trận lụt lịch sử đã mở thêm một cửa biển Hoà Duân (cửa biển mới bị mở sau 100 năm có chiều dài 450m) nên đã gây thiệt hại nghiêm trọng 1 km đường dây 22kV và 1 km đường dây 6kV làm cho 11 xã vùng duyên hải của hai huyện Phú Vang và Phú Lộc bị mất điện. Đứng trước tình hình đó, toàn thể cán bộ, công nhân Điện lực đã nỗ lực phấn đấu vươn lên, không ngại khó khăn gian khổ vừa khắc phục hậu quả của thiên tai lũ lụt, đồng thời đảm bảo cung cấp điện trở lại phục vụ sản xuất và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh. Trong thời điểm đó, nếu kéo đường điện cấp cho người dân 11 xã vùng lũ, Điện lực phải kéo đường dây 22kV vượt Phú Lương qua dầm Thủy Tú của phá Tam Giang trong điều kiện rất khó khăn do địa hình do nước ngập sâu, cát chảy… và sẽ không cấp điện kịp thời cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán.

Đứng trước tình hình đó, Giám đốc Điện lực đã quyết định thực hiện phương án thi công tạm 1 km đường dây 22kV qua cửa biển Hoà Duân, với giải pháp dựng 2 cột bê tông ly tâm 20m bố trí hình PI về hai phía của cửa biển Hòa Duân để kéo 450 mét đường dây 22kV vượt qua phá Tam Giang ngoài sự tham gia tình nguyện của các ngư dân, Hải đội 2 phải thuê thêm 50 chiếc thuyền để gác dây kéo qua cửa biển tránh bị nhiễm mặn. Đây chính là điểm nhấn mang ý nghĩa đoàn kết quân dân trong khắc phục hậu quả từ cơn lũ lịch sử năm 1999 mà chúng ta có thể thấy rõ nhất.

Ngư dân và bộ đội biên phòng Hải đội 2 kết thuyền để hỗ trợ ngành điện kéo đường dây trung thế 22kV qua cửa biển Hòa Duân bị mở năm 1999

Cán bộ, công nhân ngành điện trong trận lũ lịch sử này còn nhớ rất rõ tấm gương sẵn sàng dấn thân vào “vùng rốn lũ” của Giám đốc Bùi Hữu Thanh đã “đốc chiến” cán bộ, công nhân Điện lực phối hợp, hiệp đồng gắn bó chặt chẽ với cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2 và nhân dân địa phương không quản ngại khó khăn, gian khổ, ròng rã hơn nửa tháng trời dựng cột, kéo dây trên biển nước mênh mông trong điều kiện thời tiết gió rét, mưa lạnh để thi công gần 1 km đường dây 22kV với giá trị xây lắp 200 triệu đồng để nối liền cửa biển Hòa Duân bị chia cắt. Như vậy có thể khẳng định, với quyết tâm chính trị từ người đứng đầu Điện lực đã truyền lửa xuống cán bộ, công nhân lao động toàn đơn vị đã mang lại niềm hạnh phúc thiết thực, cấp điện trở lại cho hàng vạn cư dân ở bên kia cửa biển Hòa Duân bị chia cắt để đón chào Tết cổ truyền, chào Thiên niên kỷ mới 2000. Sau Tết Nguyên đán năm 2000, Điện lực đã đầu tư xây dựng tuyến 22kV từ Trạm nâng Thủy Phù 35/22kV đi Phú Bài - Phú Lương qua cầu Vinh Thanh, vượt sông Đại Giang, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đa số các vị trí thi công với mặt bằng toàn là nước ngập sâu, nên đơn vị thi công buộc phải đúc từng bi giếng rồi đổ bê tông sống, tạo độ cứng để dựng cột với chiều dài toàn tuyến khoảng 8-10km, tổng kinh phí 2,2 tỷ đồng để cấp điện ổn định cho 11 xã bên kia phá Tam Giang.

Giám đốc Bùi Hữu Thanh, chỉ huy kéo đường dây 22kV qua phá Tam Giang năm 1999

Đang điều trị trên giường bệnh đầu tháng 11/2019, ông Bùi Hữu Thanh (cựu Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế) kể cho chúng tôi biết: “Trong thời khắc lịch sử đó ngành điện đã thi công gần 1 km đường dây 22kV nối liền hai bờ eo biển Hòa Duân bị chia cắt sau cơn lũ lịch sử năm 1999, giúp nhân dân của 11 xã vùng duyên hải thuộc hai huyện (Phú Vang và Phú Lộc) kịp thời có điện để sản xuất, sinh hoạt. Công ty huy động mọi nhân lực, phương tiện sản xuất hiện có để xử lý nhanh sự cố cấp điện ổn định đời sống sinh hoạt cho nhân dân để chào đón thiên niên kỷ mới năm 2000”.

Bền bỉ, nỗ lực đem lại ánh sáng hạnh phúc cho nhân dân

Để đối phó với thiên tai lũ lụt thường xuyên xảy ra trên địa bàn miền Trung nói chung và địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng, trong những năm qua Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế đã không ngừng phát triển đổi mới công nghệ, đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường dây, trạm biến áp để cung cấp điện ổn định cho nhân dân, công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn ngày càng được củng cố và hoàn thiện hơn.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với bão lũ

Hằng năm, Công ty tiến hành rà soát, kiện toàn bộ máy Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ Công ty đến các đơn vị cơ sở, phân công rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của từng thành viên. Công ty đã xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, phương thức vận hành lưới điện và vận hành hồ, đập, nhà máy thủy điện hàng năm khi xảy ra sự cố do thiên tai phù hợp với từng địa bàn quản lý theo phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời, đơn vị chủ động huy động phương tiện, vật tư, nhân lực để xử lý nhanh sự cố đảm bảo cung cấp điện trở lại cho khách hàng. Với sự chỉ đạo đồng bộ, thống nhất từ Công ty, các phòng ban đến các điện lực trong công tác xử lý sự cố, sẵn sàng bố trí kịp thời lực lượng, huy động phương tiện từ các đơn vị không nằm trong phạm vi ảnh hưởng của thiên tai để phối hợp hỗ trợ các đơn vị khác trong công việc khắc phục sự cố do thiên tai gây ra. Cùng với việc kiện toàn bộ máy Ban chỉ huy, Đội xung kích, Công ty chú trọng đến sự phối hợp nhịp nhàng thống nhất trong công tác điều hành khắc phục sự cố do mưa bão. Đồng thời đơn vị phối hợp cùng các lực lượng phòng chống lũ bão của các đơn vị khác nhằm thực hiện ứng cứu khẩn cấp khi có tình huống xấu xảy ra; tăng cường công tác kiểm tra hành lang tuyến, rà soát kiểm tra các vị trí xung yếu trên lưới điện để có kế hoạch, phương án khắc phục kịp thời trước mùa mưa bão. Chúng tôi xin mượn lời của ông Bùi Hữu Thanh, người đã có 18 năm (1993-2010) trong cương vị lãnh đạo cao nhất của ngành điện Thừa Thiên Huế tâm sự những lời tâm huyết: “Mong rằng thế hệ lãnh đạo trẻ hiện nay đã được đào tạo bài bản luôn luôn nỗ lực, phấn đấu không ngừng nhằm đốc thúc cán bộ kỹ sư, công nhân kết hợp với việc ứng dụng công nghệ mới trong thời đại khoa học công nghiệp 4.0 để giải quyết dứt điểm bài toán thiếu điện trong toàn tỉnh, kể cả vùng sâu, vùng xa...đem lại một cuộc sống thật sự ấm no, hạnh phúc cho đồng bào, nhân dân trong toàn tỉnh”.

Từ khóa » Những Hình ảnh Năm 1999