20 Năm Việt Nam Gia Nhập APEC

Sau 20 năm vị thế của Việt Nam không ngừng được củng cố và nâng cao, có nhiều đóng góp chung cho sự phát triển thịnh vượng của toàn khu vực.

Tháng 11/1998, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), đánh dấu bước đi quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Việt Nam đã và đang khẳng định được vai trò của mình trong quá trình hợp tác với các thành viên APEC thông qua việc đưa ra các sáng kiến mới thuộc ba trụ cột chính của APEC về tự do hoá thương mại, đầu tư; thuận lợi hoá thương mại và hợp tác kinh tế kỹ thuật. Hơn nữa, Việt Nam cũng đã và đang cùng APEC thảo luận, hợp tác nhằm tìm ra những phương hướng giải quyết một cách tối ưu các vấn đề về kinh tế, chính trị nổi cộm của khu vực và thế giới như: đẩy mạnh vòng đàm phán Doha; giải quyết khủng hoảng tài chính khu vực; đối phó với sự leo thang của giá lương thực; chống khủng bố…

Nhìn lại chặng đường 20 năm qua, chúng ta thấy quyết định tham gia APEC là sáng suốt, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước ta. APEC đã trở thành diễn đàn góp phần quan trọng vào việc nâng cao vị thế của ta trên trường quốc tế. Việc tổ chức thành công APEC năm 2006 và năm 2017 là đỉnh cao, làm cho Việt Nam được nhìn nhận không chỉ ở tầm khu vực, mà đã chủ trì những sự kiện, giải quyết những vấn đề ở tầm liên khu vực với quy mô và tính chất phức tạp hơn nhiều. Cùng với việc trở thành thành viên của WTO, được bầu làm Uỷ viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, vị thế và tiếng nói của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế được đẩy lên tầm cao mới. APEC cũng là nơi để ta đạt được nhiều thoả thuận quan trọng trong quan hệ song phương, đặc biệt với các cường quốc thế giới như Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật.

Cho đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 187 nước, trong đó có tất cả các nước lớn, có quan hệ kinh tế với hơn 220 thị trường nước ngoài và là thành viên của nhiều tổ chức và diễn đàn quốc tế như: Cộng đồng Pháp ngữ (1970); Liên Hiệp Quốc (1977), Phong trào Không liên kết (1976), ASEAN (1995), Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM) (1996), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế khu vực châu Á- Thái Bình Dương (APEC) (1998), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) (2006)… Trong số các thể chế đa phương liên khu vực Việt Nam là thành viên, APEC cần được xác định là diễn đàn quan trọng, là nơi Việt Nam có thể phát huy vai trò, từ đó nâng cao vị thế và uy tín, đồng thời thúc đẩy quan hệ song phương với các đối tác lớn. 14 trong 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà ta đã, đang đàm phán và ký kết là với 17 trên 20 thành viên APEC. Những con số này minh chứng rõ nét tầm quan trọng của APEC đối với phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

(Ảnh: TTXVN)

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Việt Nam tham gia Diễn đàn Hợp tác Kinh tế khu vực châu Á- Thái Bình Dương (APEC), Sở Ngoại vụ Khánh Hòa xin điểm lại một số sự kiện đối ngoại quan trọng trong thời gian 1998-2018:

Năm 1998: Việt Nam chính thức trở thành thành viên của APEC tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC vào tháng 11-1998 tại Kuala Lumpur, Malaysia.

Phiên họp Hội nghị Bộ trưởng APEC lần thứ 10 tại Kuala Lumpur (Malaysia), ngày 14/11/1998. Tại phiên khai mạc hội nghị, Việt Nam, Nga, Peru đã được kết nạp vào APEC, đưa tổng số thành viên APEC lên 21. (Ảnh: TTXVN)

Các nhà lãnh đạo chụp ảnh tập thể tại Diễn đàn APEC năm 1998, Malaysia. (Ảnh: APEC.org)

Năm 2006: Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 14, Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế lần thứ 18 và hơn 100 sự kiện khác, đảm nhiệm vai trò Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC quốc tế. 

Năm APEC 2006, dưới sự chủ trì của Việt Nam, lần đầu tiên APEC xác định triển vọng dài hạn hướng tới Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP), thông qua "Kế hoạch hành động Hà Nội" nhằm thực hiện Mục tiêu Bogor và gói biện pháp cải cách nâng cao hiệu quả hoạt động của APEC.

Các nhà lãnh đạo APEC mặc trang phục truyền thống Áo dài Việt Nam tại APEC 2006, Hà Nội

(Nguồn: APEC.org)

Năm 2017: Việt Nam đăng cai tổ chức Năm APEC 2017 với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”.

Sau một năm nhìn lại, mặc dù thời cuộc tiếp tục có những biến động phức tạp, đầy thách thức, song những dấu ấn của APEC 2017 vẫn đang tiếp tục lan tỏa hiệu ứng tích cực trên nhiều khía cạnh và góc độ, cả trong nước và trên trường quốc tế. APEC 2017 cũng là nền tảng để Việt Nam tiếp tục phát huy vị thế, vai trò của mình sau năm 2017 - phát huy “sức mạnh mềm” của đất nước trong năm 2018.

Các nhà lãnh đạo chụp ảnh tại Hội nghị APEC 2017 tại Đà Nẵng (Ảnh: Reuteur)

Đối với APEC, kết quả có ý nghĩa nhất sau năm 2017 là APEC tiếp tục giữ vững đà hợp tác, liên kết kinh tế, phát huy vai trò là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, duy trì giá trị cốt lõi của APEC là tự do hóa thương mại và đầu tư, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương. Những kết quả được chốt lại trong Tuần lễ Cấp cao tại Đà Nẵng đã tạo nền tảng quan trọng cho hợp tác của APEC trong giai đoạn mới. Tuần lễ Cấp cao đã thông qua 8 văn kiện quan trọng, nhất là Tuyên bố cấp cao Đà Nẵng và Tuyên bố chung Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế. Trong đó, Tuyên bố chung Hội nghị Cấp cao do Việt Nam chủ trì soạn thảo được các thành viên đánh giá là ngắn gọn, súc tích, mang tầm chiến lược, và có những ngôn ngữ mạnh mẽ về ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ, mà trước đó Hội nghị G20 cũng không đạt được. Theo sáng kiến và đề xuất của Việt Nam, lần đầu tiên APEC nhất trí thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính, xã hội và khởi nghiệp sáng tạo. Đây đều là những vấn đề đúng và trúng đối với mọi thành viên APEC trong bối cảnh hiện nay.

Bài: K. Hà

Từ khóa » Hội Nghị Apec 2017 Có Bao Nhiêu Nước Tham Gia