20 Năm Vụ Khủng Bố 11/9: Kỷ Nguyên Hằn Dấu Mất Mát

Hai mươi năm đã trôi qua, vẫn chưa có ngày nào khắc sâu vào ký ức của người Mỹ hơn ngày xảy ra vụ khủng bố 11/9/2001. Tất cả những người chứng kiến đã chết lặng khi nhìn thấy trên màn hình tivi hình ảnh toà tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) sụp đổ, nuốt chửng lập tức gần 3.000 sinh mạng và vĩnh viễn thay đổi nước Mỹ, thay đổi thế giới.

Mặc dù không có hồi ức rõ nét về mẹ mình, nhưng Patricia Smith đã trải qua 20 năm để tìm hiểu về bà. Thông qua những câu chuyện kể lại bởi người thân, bạn bè và những tìm kiếm trên Google, Patricia đã tìm lại được những mảnh ghép về mẹ, người phụ nữ mạnh mẽ từng chạy đua với những chú bò tót ở Pamplona hay bơi qua hồ Placid ở New York.

Huy hiệu của Moira Smith cùng dây lưng và bao súng, được trưng bày tại Bảo tàng. Ảnh: ABC News

Và một trong những mảnh ghép đáng nhớ nhất là chiếc huy hiệu Cảnh sát Thành phố New York (NYPD) mà bà Moira Smith đeo vào buổi sáng cuối hè chói chang đó ở Hạ Manhattan, nay được trưng bày tại Bảo tàng - Đài tưởng niệm Quốc gia Ngày 11 tháng 9, minh chứng cho người phụ nữ duy nhất trong số 23 sĩ quan NYPD thiệt mạng trong cuộc tấn công khủng bố nhằm vào tòa tháp đôi WTC.

Ngày 11/9 năm nay đánh dấu tưởng niệm 20 năm vụ tấn công chết chóc nhất trong lịch sử trên đất Mỹ, khiến 2.977 người thiệt mạng, khi 19 kẻ khủng bố từ nửa vòng Trái đất đã tổ chức không tặc và biến bốn máy bay thương mại thành những quả tên lửa gieo rắc tử thần vào Thành phố New York, Lầu Năm Góc và một cánh đồng ở vùng quê Shanksville, bang Pennsylvania.

Hình ảnh Trung tâm Thương mại Thế giới trong vụ tấn công ngày 11/9. Ảnh: AFP/Getty Images/ AP

Sau 2 thập kỷ, khó có thể tìm thấy một phần nào đó trong cuộc sống của người Mỹ chưa bị ảnh hưởng bởi sự kiện 11/9/2001. Từ việc tăng cường an ninh tại các sân bay đến quân sự hóa cảnh sát, những cuộc chiến tranh kéo dài hao người tốn của và cả bản chất quyền tự do của nước Mỹ đã được định nghĩa lại bởi sự kiện này.

Khi nữ sĩ quan cảnh sát Moira Smith rời khỏi nhà vào ngày thứ Ba định mệnh đó để đến Khu 13 - Hạ Manhattan, cô hôn tạm biệt con gái 2 tuổi Patricia và để đứa trẻ mới biết đi trong tay chồng mình, Jim Smith, cũng là một đồng nghiệp tại Sở Cảnh sát New York làm việc ca đêm vào hôm đó. Cả buổi sáng hai cha con mải xem phim hoạt hình “Winnie the Pooh” mà không hay biết gì về cuộc tấn công đang bắt đầu.

Người dân chạy khỏi khu vực Trung tâm Thương mại Thế giới, bao quanh họ là khói bụi mù mịt. Ảnh: AP

Vào lúc 8h46’ sáng, Moira nghe thấy tiếng động như sấm sét trên đầu, nhìn lên bầu trời trong xanh, cô thấy một chiếc Boeing 767 thân rộng sà xuống nguy hiểm gần với đường chân trời nổi tiếng nhất thế giới. Trong phút chốc, Chuyến bay số 11 của American Airlines lao vào toà Tháp Bắc của Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC), biến mất trong một quả cầu lửa giữa tầng 93 và 99.

17 phút sau, vào 9h03, Chuyến bay số 175 của United Airlines, một chiếc Boeing 767, đang trên đường tới Los Angeles, bị 5 tên không tặc khống chế, tiếp tục lao vào Tháp Nam của WTC.

Moira Smith được cho là cảnh sát đầu tiên thông báo bằng điện đàm về vụ việc thảm khốc, sự kiện kinh hoàng khởi đầu cho cuộc chiến chống khủng bố không hồi kết của nước Mỹ. Khi tòa tháp đôi bốc cháy, một phóng viên ảnh đã chụp được cảnh Moira dìu một người đàn ông ăn mặc bảnh bao, đầu đầy máu, rời khỏi toà nhà trước khi cô quay lại giúp những người khác. Trong cuộc điện đàm cuối cùng từ Tháp Nam, người ta nghe thấy tiếng Moira Smith kêu lên tuyệt vọng: "Tôi không có không khí. Hãy giúp tôi”.

Lực lượng cứu hoả làm việc tại hiện trường sập Tháp đôi WTC.

Cũng trong buổi sáng 11/9 định mệnh ấy, Chuyến bay số 77 của American Airlines, một chiếc Boeing 757, cất cánh từ Sân bay Quốc tế Dulles của Washington hướng đến Los Angeles, cũng bị cướp. Vào lúc 9 giờ 37 phút, điều không thể tưởng tượng được đã xảy ra: Chiếc máy bay lao sầm vào tường phía tây của Lầu Năm Góc.

Trong khi đó, Chuyến bay 93 của United Airlines cất cánh từ Sân bay Quốc tế Newark ở New Jersey vào sáng hôm đó hướng đến San Francisco. Theo báo cáo từ Ủy ban An toàn Giao thông Vận tải Quốc gia Mỹ, một nhóm gồm 4 kẻ khủng bố al-Qaeda đã xông vào buồng lái vào lúc 9h32’ và một cuộc vật lộn đã xảy ra.

Ở độ cao 12.500 mét, máy bay đột ngột đổi hướng trên bầu trời đông bắc Ohio và bắt đầu hạ độ cao khi hướng về phía đông nam. Ít nhất 13 hành khách và thành viên phi hành đoàn bắt đầu gọi điện thông báo chuyến bay bị cướp, một tiếp viên hàng không thiệt mạng và một hành khách đã bị đâm. Theo đoạn băng ghi âm, một số hành khách cho biết họ đang lập phương án chống trả. Cuối cùng, chiếc máy bay lao qua Hạt Somerset, Pennsylvania, và đâm xuống một cánh đồng ở Shanksville. Tom Ridge, khi đó là Thống đốc bang Pennsylvania, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa đầu tiên của Mỹ sau vụ 11/9, nói rằng ông chắc chắn những kẻ không tặc đã lái máy bay lao vào Tòa nhà Quốc hội Mỹ nếu như không bị hành khách can thiệp và ngăn chặn.

Buổi sáng 11/9 đó, Andy Card, Chánh văn phòng của Tổng thống George W. Bush, đã cùng với vị tổng tư lệnh thăm trường tiểu học Emma E. Booker ở Sarasota, Florida. Card nhớ lại cảnh một đại uý Hải quân đến gần ông và tổng thống, nói rằng một chiếc máy bay nhỏ đã đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới. Thoạt đầu họ nghĩ đó là một tai nạn thương tâm đáng tiếc.

Chánh văn phòng Andrew Card thì thầm vào tai Tổng thống George W. Bush, thông báo “Nước Mỹ bị tấn công”, sáng 11/9/2001. Ảnh: Getty Images

Nhưng khi Tổng thống bắt đầu đọc truyện cho các em học sinh nghe, cũng chính viên đại uý báo với Andy Card rằng, chiếc máy bay thứ hai đã đâm vào Tháp Nam WTC. Card lập tức bước vào căn phòng nơi Tổng thống đang đọc sách, thì thầm vào tai phải của ông: "Nước Mỹ đang bị tấn công" (America is under attack).

Trên đường trở lại Washington, Tổng thống Bush và các nhân viên khác ở Cánh Tây đã kinh hoàng xem trên truyền hình khoảnh khắc toà Tháp Nam của Trung tâm Thương mại Thế giới sụp đổ lúc 9h59 sáng, sau đó 29 phút là toà Tháp Bắc.

“America is under attack!” – Đúng là vậy. Trong suốt lịch sử thành lập nước, trải qua hai cuộc đại chiến thế giới, nước Mỹ bình yên chưa từng bị xâm phạm ở đại lục và chỉ hứng chịu đòn nặng nề nhất ở trận Trân Châu cảng trên Thái Bình Dương. Nhưng một nước Mỹ hiện đại, trang bị các loại vũ khí tối tân, đã bị đánh lén một đòn khủng khiếp đúng vào biểu tượng kinh tế và quốc phòng của mình.

Khung cảnh như ngày Tận thế tại Vùng Không nhìn từ trên cao. Ảnh: Hải quân Mỹ

Vào cuối ngày 11/9, khi làn khói bụi mờ mịt vẫn bốc lên từ tòa tháp đôi bị sập ở Vùng Không (Ground Zero), suy nghĩ của người Mỹ về cơ bản đã thay đổi. Mong muốn ngăn chặn một cuộc tấn công khủng bố khác trên đất Mỹ đã đưa Washington vào cuộc chiến kéo dài 20 năm ở Afghanistan, đất nước mà Tổng thống George Bush tuyên bố là nơi che chở cho “kẻ chủ mưu” – mạng lưới khủng bố al-Qaeda. Mỹ cũng tiến hành cuộc xâm lược và lật đổ chính quyền ở Iraq; can thiệp vào cuộc chiến kéo dài ở Syria và tổ chức những vụ ám sát khủng bố trên toàn cầu. Chính sách đối ngoại và quốc phòng của nước Mỹ hướng mục tiêu vào chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Trung Đông rung chuyển bởi những biến động và bi kịch. Chế độ của Tổng thống Saddam Hussein ở Iraq sụp đổ; Syria lâm vào cuộc nội chiến đầy thương đau cả thập kỷ; khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ra đời, trở thành nỗi khiếp sợ của cả thế giới...

20 năm trước, khi phát động cuộc chiến tranh ở Afghanistan, Tổng thống George.W. Bush kêu gọi các quốc gia trên thế giới đi theo Mỹ để cùng “chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế”. Ngoài ra, với khẩu hiệu mang lại “nền tự do bền vững” cho quốc gia này, Mỹ còn mở đầu quá trình sử dụng sức mạnh quân sự để thiết lập “các thể chế dân chủ” ở các quốc gia trong vành đai địa chính trị Đại Trung Đông.

Trung tâm Thương mại Thế giới New York sau vụ tấn công ngày 11/9/2001.

Nhưng sau hai thập kỷ tiến hành cuộc chiến chống khủng bố, thế giới không trở nên an toàn hơn. Ngày nay, chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan đã trở thành một mối đe dọa toàn cầu, lan toà đến nhiều khu vực trên thế giới, như Trung Đông - Bắc Phi, Đông Nam Á, thậm chí ngay giữa lòng châu Âu.

Một số ý kiến cho rằng nước Mỹ đã giành thắng lợi khi chưa có một cuộc tấn công khủng bố lớn nào khác nhằm vào Mỹ với quy mô như vụ 11/9; Osama bin Laden và nhiều thủ lĩnh hàng đầu của hắn đã bị tiêu diệt; khủng bố IS bị xoá sổ ở Syria. Tuy nhiên, những thành tích đó không có nghĩa là cuộc chiến chống khủng bố đã thành công.

“Những mục tiêu mà cuộc chiến này tự đặt ra cho mình đã không thể đạt được. Chủ nghĩa khủng bố đã không thể bị đánh bại. Mối đe dọa này vẫn không ngừng gia tăng", Assaf Moghadam, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Quốc tế Chống khủng bố tại Israel, đánh giá.

Mặc dù các nhóm khủng bố đã bị phân tán, nhưng phong trào “thánh chiến” lại lan rộng ra nhiều quốc gia hơn và Taliban đã trở lại nắm quyền ở Afghanistan - trớ trêu thay, ngay trước thềm lễ tưởng niệm 11/9 mà Tổng thống Joe Biden ban đầu đặt làm mục tiêu rút quân.

Mỹ rút quân khỏi Afghanistan. Ảnh: ABC

Nếu như vụ tấn công 11/9 cướp đi gần 3.000 sinh mạng, thì "cuộc chiến tranh bất tận" mà Mỹ tiến hành sau đó đã giết chết thêm nhiều người khác. Trên thực tế, thiệt hại do al-Qaeda gây ra còn ít hơn so với thiệt hại mà người Mỹ đã gây ra cho chính họ, qua những cuộc chiến kéo dài. Theo một số ước tính, gần 15.000 quân nhân và nhà thầu Mỹ đã thiệt mạng trong các cuộc chiến sau vụ 11/9, và chi phí kinh tế vượt quá 6 nghìn tỷ USD. Thêm vào đó là số lượng thường dân nước ngoài thiệt mạng và làn sóng khổng lồ người tị nạn, chi phí còn tăng lên gấp bội.

Chi phí cơ hội của nước Mỹ cũng rất lớn. Khi Tổng thống Barack Obama cố gắng xoay trục sang châu Á - khu vực phát triển nhanh nhất của nền kinh tế thế giới, thì di sản của cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu đã khiến Mỹ sa lầy ở Trung Đông.

Chắc chắn, việc chấm dứt cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan sẽ không tự nó chấm dứt bạo lực trên khắp Trung Đông, cũng như không làm thay đổi nhiều vai trò quân sự trên toàn cầu của Mỹ. Có lẽ ý định của Tổng thống Biden là làm cho quyền lực Mỹ bền vững hơn. Tuy nhiên, hành động rút khỏi Afghanistan lại ngụ ý rằng các mục tiêu của cuộc chiến là sai lầm– nước Mỹ đã sai khi cố gắng biến mình trở thành không thể thiếu trong vận mệnh của vùng đất xa xôi này. Người Afghanistan giờ đây sẽ tự quyết định số phận của họ.

Vì thế về lâu dài, chiến lược của Tổng thống Biden có thể được coi là đúng đắn khi từ bỏ nỗ lực không đi đến đâu ở một đất nước bị chia cắt bởi núi non và bộ tộc, và sự thống nhất chủ yếu đến từ phe đối lập phản đối lực lượng nước ngoài.

Hình ảnh Trung tâm Thương mại thế giới sau khi bị tấn công. Ảnh: Spencer Platt/Getty Images

Rời khỏi Afghanistan sẽ cho phép ông Biden tập trung vào chiến lược lớn của mình là cân bằng sự trỗi dậy của Trung Quốc. Châu Á có cán cân quyền lực lâu dài của riêng mình, trong đó các quốc gia như Nhật Bản, Ấn Độ, một số nước Đông Nam Á không muốn bị chi phối bởi Trung Quốc và hoan nghênh sự hiện diện của Mỹ.

Đó là chưa kể các mối đe dọa hành tinh, cụ thể là biến đổi khí hậu và dịch bệnh, sẽ loại bỏ những hạn chế về địa lý đối với phạm vi lãnh đạo của Mỹ, mang lại cho cường quốc này nhiều việc phải làm nếu họ thực sự nghiêm túc trong việc “cứu thế giới”.

Ngày nay, với bất kỳ người Mỹ nào dưới 23 tuổi, chiếm hơn 25% dân số, vụ 11/9 là lịch sử hơn là một trải nghiệm sống. Nói cách khác, hầu như mọi học sinh, sinh viên trên khắp nước Mỹ đều không có ký ức về ngày đó.

Nhưng với những người Mỹ đủ lớn vào năm 2001, một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy, có đến 97% vẫn nhớ như in họ đã ở đâu khi vụ tấn công 11/9 xảy ra. Ký ức đó ăn sâu hơn cả vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy năm 1963 (với 95%), sau đó là vụ tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden năm 2011 và cuộc đổ bộ đầu tiên của nhân loại lên Mặt trăng năm 1969.

Bức ảnh gây chấn động "Falling man" (Người đang rơi) chụp cảnh một người lao đầu thẳng đứng từ trên toà Tháp đôi xuống đất. Ảnh: Richard Drew/AP

Những vết sẹo tâm lý đang diễn ra của sự kiện 11/9 cũng có thể được nhìn thấy trong sự tinh tế mà Khu phức hợp Đài Tưởng niệm Quốc gia vụ 11/9 ở Vùng Không (Ground Zero) phải giải quyết khi nơi này tìm cách ghi nhớ sự kiện mà không gây tổn thương cho khách thăm. Bảo tàng Tưởng niệm sự kiện 11/9, mở cửa vào năm 2014, kể những câu chuyện ám ảnh về từng chiếc trong số bốn chiếc máy bay bị không tặc trong những không gian riêng biệt, nhưng cho phép du khách dễ dàng tránh khỏi những không gian đó một cách dễ dàng nếu họ muốn.

Có lẽ phần khắc nghiệt nhất của Bảo tàng là những tấm hình chụp người nhảy từ trên toà tháp đang cháy xuống, bao gồm cả bức ảnh nổi tiếng "Người đang rơi" (Falling man), được “giấu” trong một gian trưng bày phụ, để mọi người có thể xem hoặc tránh nhìn lại những ký ức đau thương.

Mỗi năm trong 19 năm qua, loạt vụ tấn công đã được tưởng niệm ở Vùng Không theo một cách tương tự nhau. Trong một buổi lễ kéo dài 102 phút, tên của 2983 người đã mất (bao gồm 6 người trong vụ đánh bom khủng bố ngày 26/2/1993 cũng tại WTC) được đọc lên, xen giữa đó là những khoảnh khắc im lặng vào đúng thời điểm chính xác khi bốn chiếc máy bay tấn công và hai tòa tháp đổ sụp.

Ngày nay, hai hồ nước tưởng niệm khổng lồ tọa lạc đúng nơi Tháp Bắc và Tháp Nam từng đứng sừng sững, với thác nước chảy vào một giếng ở trung tâm hồ, biểu tượng cho những mất mát như dòng nước chảy mãi không nguôi. Tên của từng nạn nhân được khắc trên những phiến đồng trên thành hồ, 2.983 cái tên không được xếp theo bảng chữ cái mà theo mối quan hệ giữa họ.

Nhiều toà tháp đã được xây dựng trở lại trên đống đổ nát, trong đó có Trung tâm Thương mại Một Thế giới (One World Trade Center), còn gọi là Tháp Tự do - tòa nhà khổng lồ thay thế Tháp đôi, có thể chịu được ngay cả bị một chiếc máy bay lao vào.

Một người đàn ông tìm kiếm ảnh cha mình, một hành khách trên Chuyến bay 11 - chiếc đầu tiên lao vào Tháp đôi WTC. Ảnh: Scott Lewis

Khu phức hợp Tưởng niệm Vùng Không đã trở thành một trong những điểm tham quan nổi tiếng nhất ở Mỹ, thu hút hơn 7 triệu du khách mỗi năm. Các đài tưởng niệm tương tự bên ngoài Lầu Năm Góc và ở cánh đồng Pennsylvania, nơi Chuyến bay 93 của United Airlines rơi xuống, cũng trở thành những điểm “hành hương” với nhiều người Mỹ.

Di sản của vụ 11/9 đang diễn ra ở Mỹ còn có thể được nhìn thấy rõ ràng nhất theo cách nó làm thay đổi vĩnh viễn sự cân bằng giữa tự do dân sự và an ninh trên toàn xã hội Mỹ. Hoạt động di chuyển bằng đường hàng không đã bị biến đổi chỉ sau một đêm và kể từ đó đã bị thắt chặt hơn nữa. Việc vượt qua an ninh sân bay để cướp máy bay ở Mỹ ngày nay là sứ mạng khó khăn, khi hành khách buộc phải tháo giày và thắt lưng, bỏ máy tính và chất lỏng khỏi túi xách tay và đi qua máy quét toàn thân trước khi lên máy bay. Toàn bộ hành lý đều được quét và danh sách hành khách được kiểm tra dựa trên danh sách cấm bay chặt chẽ của FBI. Trải nghiệm bay ở Mỹ không bao giờ còn như trước nữa.

Những thay đổi sâu rộng đối với luật giám sát trong nước sau ngày 11/9 bao gồm việc ra đời Đạo luật Yêu nước (Patriot Act) chỉ sáu tuần sau vụ tấn công, trao cho các cơ quan tình báo quyền hạn lớn hơn rất nhiều trong việc phát hiện những kẻ khủng bố.

Lửa và khói bốc lên từ hai tòa tháp của Trung tâm Thương mại Thế giới New York sau vụ khủng bố. Ảnh: Getty Images

Các nhóm tự do dân sự đã thực hiện một chiến dịch kéo dài hai thập kỷ để ngăn chặn những gì họ cho là hành vi quá mức của chính quyền và sự xâm phạm quyền tự do của họ, nhưng các đạo luật cứng rắn hơn vẫn được áp dụng. Bất chấp một số người chỉ trích, các đạo luật đã phục vụ đúng mục đích của chúng vì chưa từng xảy ra một cuộc tấn công khủng bố lớn nào trên đất Mỹ kể từ ngày 11/9/2001. Điều đó từng là một giấc mơ viễn vông cách đây 20 năm giữa đống đổ nát âm ỉ ở Vùng Không.

Chiến dịch trấn áp sau vụ 11/9 cũng đã thay đổi cách các chính phủ Mỹ của cả hai phe Dân chủ và Cộng hoà nhìn nhận về vấn đề nhập cư. Bộ An ninh Nội địa quyền lực rộng lớn được thành lập vài tháng sau ngày 11/9 để giúp ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố và giám sát an ninh biên giới và nhập cư, bao gồm cả hải quan, kiểm soát biên giới. Nhiệm vụ bất thành văn của Bộ này là đảm bảo các nhóm khủng bố như nhóm không tặc vụ 11/9 không thể vào nước Mỹ mà không bị phát hiện.

Loạt vụ tấn công đã khiến Mỹ phải thực thi các chính sách nhập cư cứng rắn hơn, hạn chế hơn mà các chính quyền Bush, Obama và Trump theo đuổi. Những nỗ lực của cựu Tổng thống Donald Trump trong việc thực hiện cái gọi là lệnh cấm Hồi giáo của ông sẽ không giành được sự ủng hộ rộng rãi từ các đảng viên Cộng hòa nếu không xảy ra vụ 11/9.

Một trong những di sản đáng buồn nhất của sự kiện 11/9 là ngày càng có nhiều người bị bệnh và tử vong vì tiếp xúc với bụi và các chất ô nhiễm độc hại ở Vùng Không và các khu vực lân cận phía nam Manhattan trong những tuần và tháng sau khi các tòa tháp đổ sập. Những đống đổ nát bốc khói từ các tòa tháp là một “món súp” độc hại, phun ra bụi chết người từ bê tông nghiền nát và thủy tinh vỡ, chì, thủy ngân và amiăng. Ít nhất 80.000 người tại khu vực Vùng Không, và khoảng 400.000 người đang sống, làm việc và học tập ở phía nam Manhattan, đã hít thở bầu không khí độc hại này.

John Feal, một công nhân xây dựng tham gia dọn dẹp Vùng Không, nói với tờ The Australian, anh đã dự hơn 180 đám tang kể từ ngày 11/9, một phần nhỏ trong số hơn 2000 người, và có thể tới 5000 người đã chết vì ung thư gan, đại trực tràng và các bệnh liên quan khác.

Marcy Borders đứng phủ đầy bụi khi trú ẩn trong một tòa nhà văn phòng sau khi một toà tháp đổ sập. “Quý cô phủ bụi” qua đời vì bệnh ung thư dạ dày vào năm 2015, khi 42 tuổi. Ảnh: Stan Honda/AFP

Một trong những người sống sót được biết đến nhiều nhất sau sự kiện 11/9, Marcy Borders, được biết đến với biệt danh “Quý cô phủ bụi” ("The Dust Lady"), người xuất hiện trong bức ảnh nổi tiếng chụp người phụ nữ bị phủ một lớp bụi trắng xoá, đã qua đời vào năm 2015 vì bệnh ung thư dạ dày mà Marcy đổ lỗi là do bụi độc ở Vùng Không.

Vào năm 2018, Quốc hội Mỹ đã uỷ quyền cho Quỹ Bồi thường Nạn nhân vụ 11/9 thêm 10,2 tỷ USD trong 10 năm tới để đảm bảo mọi nạn nhân của những căn bệnh liên quan đến vụ 11/9 và gia đình của họ sẽ được chi trả trong suốt quãng đời còn lại. Feal nói: “Mọi chuyện sẽ còn trở nên tồi tệ hơn vì chúng ta chưa thấy làn sóng ung thư tiếp theo và đó là ung thư do amiăng vì phải mất 20 - 25 năm chúng mới biểu hiện”.

Và một kết quả, đáng tiếc lại không kéo dài, của vụ tấn công 11/9 là ý thức đoàn kết dân tộc mà nó tạo ra. Trong những tháng sau đó, dường như nước Mỹ hòa làm một, thống nhất trong đau khổ. Các cửa hàng bán sạch cờ Mỹ, nhiều đám đông cổ vũ lực lượng cứu hỏa, cảnh sát, và con tem bưu chính đặc biệt được phát hành với khẩu hiệu "United We Stand".

Nhưng trong 20 năm kể từ đó, nước Mỹ đã dần rơi vào một xã hội phân cực hơn, từ chủng tộc đến giàu nghèo, chính trị đến sự phân chia giữa thành phố và nông thôn. Không có gì biểu hiện cho những chia rẽ này hơn là cuộc bạo loạn vào ngày 6/1/2021 của những người ủng hộ Tổng thống Trump tại Toà nhà Quốc hội, vốn là mục tiêu khủng bố bất thành của Chuyến bay số 93 vào ngày 11/9/2001.

Dịp tưởng niệm 20 năm vụ 11/9 năm nay sẽ là cơ hội hiếm hoi để nhắc nhở người Mỹ về điều gì gắn kết họ, thay vì chia rẽ.

Bài: Thu Hằng Trình bày: Nguyễn Hà

10/09/2021 08:00

Từ khóa » Hình ảnh Khủng Bố 11 9 Tại Mỹ