20 Nguyên Tắc Tâm Lí Giúp Học Sinh Học Tập Hiệu Quả Hơn (phần 1)

Những giáo viên tiếp xúc thường xuyên với các lí thuyết về phương pháp hứa hẹn sẽ cải thiện cả về chiến lược giảng dạy cũng như việc học của học sinh thông qua các đợt tập huấn, các cuộc họp tổ chuyên môn, hội thảo và phương tiện truyền thông. Bên cạnh những thông tin hữu ích, hầu hết các đề xuất đều ít hoặc không tính thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả của việc giảng dạy. Nhóm nghiên cứu về Tâm lý học trong Trường học và Giáo dục (CPSE), tập hợp một số nhà tâm lý học và giáo viên tâm lý học trong APA, mới đây đã công bố xuất bản “20 nguyên tắc Tâm lý học hàng đầu trong Dạy và Học cho trẻ dưới 3 tuổi đến 12 tuổi” được đề xuất bởi các nhà tâm lý học đại diện cho rất nhiều bộ phận, bao gồm những người quan tâm về giáo dục, các trường học, xã hội, nhận thức, tâm lý, phương tiện truyền thông, tư vấn và tâm lý học lâm sàng. Mỗi người đều có đóng góp chuyên môn trong việc áp dụng khoa học tâm lý vào giáo dục mầm non, tiểu học, trung học, giáo dục năng khiếu hoặc giáo dục đặc biệt; học tập xã hội / cảm xúc; hay không gian trường học.

Các nguyên tắc được tổ chức thành năm lĩnh vực hoạt động tâm lý: nhận thức và học tập; động lực; các vấn đề xã hội và cảm xúc; bối cảnh và học tập; đánh giá. Mỗi nguyên tắc riêng được liệt kê trong tài liệu bao gồm giải thích về khái niệm này, sự liên quan của nó đối với việc giảng dạy, các lời khuyên cụ thể cho giáo viên và một danh sách các tài liệu tham khảo có liên quan.

Mặc dù 20 nguyên tắc hàng đầu được thiết kế để áp dụng khoa học tâm lý rộng rãi cho trẻ dưới 3 tuổi đến 12 tuổi, nhưng chúng cũng có thể được sử dụng để hỗ trợ chương trình giảng dạy trong việc giới thiệu các khóa học tâm lý và giúp học sinh phát triển các kỹ năng nâng cao hiệu quả học tập trong tất cả lớp học. Dưới đây là tổng quan về các nguyên tắc và các ứng dụng tiềm năng của tâm lý học ở trường trung học.

Nhận thức và học tập: Học sinh tư duy và học tập như thế nào?

Rất nhiều nghiên cứu từ góc độ tâm lý học nhận thức và giáo dục đã phát hiện ra việc tư duy và học tập có thể được cải thiện trong lớp học như thế nào? 8 nguyên tắc đầu tiên nêu bật một số phát hiện quan trọng nhất trong thực tiễn giảng dạy mà ảnh hưởng đến sự phát triển của học sinh.

  1. Tư duy phát triển

Niềm tin của học sinh hoặc nhận thức về trí thông minh và khả năng của bản thân có ảnh hưởng đến chức năng nhận thức và học tập của họ.

Nghiên cứu cho thấy rằng những người học nắm bắt được tư duy phát triển thì trí thông minh linh hoạt. Sự thành công của họ liên quan đến mức độ nỗ lực, thường có xu hướng tập trung vào các mục tiêu và vẫn tồn tại kể cả khi học sinh không thành công. Một cách tuyệt vời để bắt đầu năm học trong một lớp tâm lý là thảo luận về tư duy phát triển và tư duy cố định bởi vì nó giúp học sinh hiểu được niềm tin của họ về trí thông minh có thể ảnh hưởng như thế nào đến thành công trong học tập của chính họ. Để biết thêm thông tin tư duy cố định và tư duy phát triển, cũng như sự ảnh hưởng của chúng đến hiệu quả học tập của học sinh, hãy xem bài thuyết trình TED (những bài diễn thuyết mang tính truyền cảm hứng được ghi lại tại các sự kiện của tổ chức phi lợi nhuận TED) của nhà tâm lý học Carol Dweck. Một bài thuyết trình TED của Angela Lee Duckworth thảo luận về vấn đề việc học của học sinh có thể được kiểm tra dựa trên động lực và minh hoạ cách mà các đặc điểm cá nhân tác động đến thành công, được hình thành thông qua việc dạy tư duy phát triển. Ngoài những ý tưởng cụ thể trong top 20 tài liệu giáo viên có thể sử dụng nhằm khuyến khích học sinh hình thành tư duy phát triển, cũng có một môđun trực tuyến APA được đánh giá cao vì cung cấp các ví dụ tuyệt vời về cách giáo viên có thể tương tác tốt nhất với học sinh nhằm thúc đẩy sự phát triển.

  1. Kiến thức nền

Những gì học sinh đã biết có tác động đến việc học của họ.

Nghiên cứu cho thấy rằng kiến thức nền ảnh hưởng đến sự hình thành và thay đổi khái niệm trong học sinh. Cùng với sự phát triển khái niệm, học sinh gia tăng kiến thức hiện có của họ và sửa lại quan niệm hoặc sai sót trong kiến thức hiện có. Việc tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển hoặc thay đổi khái niệm đòi hỏi học sinh phải có mức kiến thức cơ bản trước khi bắt đầu học mỗi đơn vị kiến thức thông qua đánh giá quá trình. Có một cách để đánh giá kiến thức, đó là bắt đầu bài học với một danh sách ngắn gồm 5-10 câu trắc nghiệm đúng / sai và thảo luận về kết quả. Kết quả của cuộc thảo luận này có thể định hướng việc lựa chọn các bài tập và hoạt động phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển hay thay đổi khái niệm. Kiến thức nền giúp học sinh có vốn hiểu biết và kết nối được các đơn vị kiến thức trong suốt khóa học.

  1. Giới hạn của lý thuyết giai đoạn

Sự phát triển nhận thức và học tập của học sinh không bị giới hạn bởi các giai đoạn phát triển chung.

Nghiên cứu chỉ ra rằng sự phát triển nhận thức và học tập không bị giới hạn bởi các giai đoạn phát triển chung. Điều quan trọng đối với các giảng viên dạy lý thuyết về giai đoạn nhận thức của Piaget là phải cân nhắc những hạn chế của cách tiếp cận này. Các chương trình giảng dạy tâm lý học cần nhấn mạnh tầm quan trọng của lý thuyết về vùng phát triển gần của Lev Vygotsky và vai trò thiết yếu của sự tương tác với những người có năng lực hơn trong quá trình học tập và phát triển. Các giáo viên có thể sử dụng nghiên cứu này để tạo điều kiện học tập bằng cách thiết kế hướng dẫn sử dụng khung chương trình, sự phân loại và nhóm năng lực hỗn hợp. Một điều quan trọng nữa là các học sinh xuất sắc nhất có cơ hội làm việc với những người giỏi hơn, bao gồm cả những học sinh khác hoặc người dạy.

  1. Tạo điều kiện thuận lợi

Học tập phụ thuộc vào hoàn cảnh, do đó việc học tập thích nghi với hoàn cảnh mới không phải là tự phát, mà cần được tạo điều kiện.

Sự phát triển và đào sâu kiến thức của học sinh được tiến hành khi giáo viên giúp học sinh chuyển tiếp việc học tập từ hoàn cảnh này sang hoàn cảnh khác. Học sinh sẽ có khả năng thích nghi việc học với hoàn cảnh mới nếu các giáo viên đầu tư thời gian tập trung vào việc đào sâu kiến thức. Một phương pháp phát triển kỹ năng này là để học sinh sử dụng vốn hiểu biết về một đơn vị kiến thức cụ thể, tạo ra các giải pháp tiềm năng cho các vấn đề thực tế. Các giáo viên Tâm lý học từ APA ở các trường trung học (TOPSS) đem đến một ví dụ tuyệt vời về loại nhiệm vụ này với đơn vị kiến thức tập trung vào vấn đề béo phì ở trẻ em.

  1. Thực hành

Thu thập kiến ​​thức và kỹ năng lâu dài chủ yếu phụ thuộc vào sự thực hành.

Nguyên tắc này đưa ra các chiến lược dựa trên kinh nghiệm, giúp học sinh xử lí các tài liệu học tập một cách hiệu quả hơn và đưa vào bộ nhớ dài hạn. Ngoài ra, các ví dụ từ nguyên tắc này có thể giúp đưa ra các chỉ dẫn trong suốt khóa học. Bằng cách đưa ra đánh giá quá trình thường xuyên thông qua các vấn đề thực hành, các hoạt động và các bài kiểm tra mẫu, các giảng viên có thể giúp học sinh nâng cao kiến ​​thức, kỹ năng và sự tự tin. Ngoài ra, các giảng viên thực hiện các hoạt động thực hành theo khoảng cách (phân phối thực hành) sẽ giúp học sinh đạt được sự gia tăng khả năng thu hồi lâu dài. Các bài kiểm tra thực hành bao gồm các câu hỏi mở đòi hỏi cả việc thu thập kiến ​​thức hiện tại và thách thức của việc áp dụng thông tin vào các tình huống hoặc bối cảnh mới, do đó cũng kết hợp nguyên tắc bốn. Xem thêm mô-đun giảng dạy APA về thực tiễn để đạt được tri thức.

  1. Phản hồi

Thông tin phản hồi rõ ràng, có giải thích và kịp thời cho học sinh rất quan trọng đối với việc học.

Nguyên tắc này nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phản hồi của người dạy và chỉ ra cách tốt nhất để cung cấp phản hồi cho học sinh, từ đó, duy trì hoặc gia tăng động lực học tập. Cung cấp cho học sinh thông tin phản hồi rõ ràng, có giải thích và kịp thời là rất quan trọng đối với việc học. Đọc ấn bản CPSE có tiêu đề Sử dụng Dữ liệu Lớp học để Cung cấp Phản hồi Hệ thống cho học sinh nhằm Cải thiện Học tập để biết thêm thông tin về phương pháp phản hồi gồm 5 chiến lược chính.

  1. Tự điều chỉnh

Có thể dạy cho học sinh các kỹ năng học tập và tự điều chỉnh trong quá trình học tập.

Các kỹ năng tự điều chỉnh, bao gồm sự chú ý, tổ chức, tự kiểm soát, lập kế hoạch và các chiến thuật ghi nhớ, cải thiện việc học và tham gia có thể được dạy thông qua giảng bài trực tiếp, mô hình và tổ chức lớp học. Giáo viên có thể mô hình hóa các phương pháp tổ chức và hỗ trợ học sinh bằng cách nhấn mạnh các mục tiêu học tập ngay từ đầu và cuối các bài học, sử dụng lịch học, nêu bật các khái niệm khó đòi hỏi phải thực hành nhiều hơn, chia các dự án lớn thành các phần cho dễ quản lí, sử dụng rubric và dành thời gian cho việc đặt câu hỏi, tóm tắt và thực hành. Học sinh tâm lý học có thể áp dụng nghiên cứu này vào thói quen học tập của mình như thực hành tự kiểm soát bằng cách hạn chế những yếu tố gây xao nhãng (điện thoại di động và phương tiện truyền thông xã hội). Học sinh cũng có thể được khuyến khích thiết kế các thí nghiệm liên quan đến giới hạn của sự tập trung và thảo luận về những tác động thực tế của kết quả thí nghiệm.

  1. Sáng tạo

Sự sáng tạo của học sinh có thể được bồi dưỡng.

Sáng tạo được xem là một kỹ năng quan trọng trong thế giới công nghệ của thế kỷ XXI và bởi vì đây không phải là một đặc điểm ổn định nên nó có thể được dạy, được nuôi dưỡng và gia tăng. Nguyên tắc này mô tả các phương pháp cụ thể để tổ chức các bài tập tăng cường sự sáng tạo và những ý tưởng giải quyết vấn đề một cách sáng tạo. Sáng tạo trong lớp học tâm lý có thể bao gồm các cơ hội tiến hành dự án nghiên cứu do học sinh thiết kế, các video, tiết mục và mô hình. Kế hoạch bài học của TOPSS bao gồm nhiều ý tưởng để thu hút học sinh tham gia một cách sáng tạo.

Đặng Thanh Hiền dịch

Tác giả: Nancy Fenton

Từ khóa » Bài Tập Tâm Lý Giáo Dục Tiểu Học