25 Truyện Về Các Con Vật Cho Bé – Kể Chuyện Bé Nghe
Có thể bạn quan tâm
Kể truyện cổ tích cho bé nghe mỗi tối trước khi đi ngủ sẽ giúp bé ngủ ngon hơn, kích thích sự phát triển trí tuệ của bé. Có nhiều bé thích chuyện cổ tích về hoàng tử – công chúa, có bé lại thích về các loài hoa, có bé lại yêu thích chuyện về các con vật. Hôm nay blog tóc khỏe đẹp 365 ngày xin chia sẻ đến các bố, các mẹ tổng hợp những câu truyện cổ tích về các con vật cho bé như: con voi, sư tử, hổ, thỏ, cá sấu, gà mái, gà trống, chim, chuột, chó, mèo, vịt, ngan, ngỗng, sói …..
Tổng hợp các câu truyện cổ tích về các con vật – kể chuyện cho bé nghe
Mục Lục Bài Viết
- Chuyện cổ tích về con chó sói và 7 chú dê con
- Chuyện cổ tích về con heo: 3 chú heo con
- Truyện cổ tích về con rùa: “Rùa con tìm nhà”
- Chuyện về con cò
- Truyện cổ tích về con gấu: Ba con Gấu
- Truyện cổ tích về con hổ và thỏ
- Câu chuyện về cá sấu và khỉ
- Truyện cổ tích về con voi: “Bác Voi tốt bụng”
- Chuyện về chú vịt con và mèo con
- Chuyện về con Quạ và con Công
- Truyện cổ tích về con hươu
- Chuyện về con báo gấm
- Truyện cổ tích về con mèo: “Mèo hoa đi học”
- Truyện cổ tích về chú Thỏ thông minh
- Chuyện cổ tích về con Hổ, con gà và con thỏ
- Truyện cổ tích về con chó sói: Cô bé quàng khăn đỏ
- Truyện cổ tích về sử tử và chuột
- Chuyện cổ tích cho bé về con Chim sâu
- Chuyện kể về con Dê con, cho sói, Hươu và thỏ nâu
- Chuyện cổ tích về con cóc cậu ông trời
- Chuyện về con ếch: Hoàng tử ếch
- Chuyện về anh cá sấu và chị gà mái
- Chuyện cổ tích về con cáo, gà trống, thỏ
- Chuyện cổ tích về con chó
- Chuyện cổ tích cho bé về con mèo và chuột
Chuyện cổ tích về con chó sói và 7 chú dê con
Ngày xửa ngày xưa, có một con dê cái già sinh được bảy chú dê con. Mẹ nào mà chả thương con, dê mẹ thương yêu đàn con của mình lắm. Một ngày kia, dê mẹ vào rừng kiếm thức ăn nên gọi bảy con lại dặn dò:– Các con yêu dấu, mẹ muốn đi vào rừng một lát, các con hãy cảnh giác chó sói, nếu nó vào thì nó sẽ ăn thịt tất cả các con cả da lẫn lông. Thằng quỷ sứ ấy thường hay trá hình, nhưng các con cứ nghe thấy giọng khản ồ ồ và thấy cái chân đen sì là nhận ra được nó ngay.
Dê con đồng thanh đáp:– Mẹ yêu, chúng con sẽ cảnh giác, mẹ cứ yên tâm mà đi.Dê mẹ kêu be be rồi yên trí lên đường.Không bao lâu sau thì có ai gõ cửa và gọi to:– Hãy mở cửa ra, các con yêu dấu, mẹ đã về và có mang quà về cho các con đây.Nghe tiếng khàn ồ ồ dê con nhận ngay ra là chó sói, đàn dê con nói vọng ra:– Chúng tao không mở cửa, mày đâu phải là mẹ chúng tao, mẹ có giọng nói thanh trong và dễ thương cơ, còn giọng mày khàn khàn ồ ồ, đúng mày là chó sói.Sói vội chạy đến cửa hàng xén mua cục phấn to để ăn cho thanh giọng. Rồi nó quay trở lại, gõ cửa và gọi:– Hãy mở cửa ra, các con yêu dấu, mẹ đã về và có mang quà về cho các con đây.Sói vịn chân lên cửa sổ, đàn dê con nhận ra và đồng thanh nói:– Chúng tao không mở cửa, chân mẹ đâu có đen như chân mày, mày đúng là chó sói.Sói liền chạy tới bác thợ làm bánh mì nói:– Chân tôi vấp bị thương, bác làm ơn đắp bột nhão lên cho tôi.Người làm bánh mì đắp bột nhão lên chân nó, nó liền chạy tới nhà người xay bột và nói:– Bác làm ơn rắc bột trắng lên chỗ chân đắp bột nhão cho tôi.Bác xay bột nghĩ: “Con sói này định đánh lừa ai đây.” Nên bác từ chối. Sói hăm dọa:– Nếu bác không chịu làm việc đó thì tôi ăn thịt bác đấy.Bác xay bột đâm ra sợ, đành phải rắc bột cho trắng chân sói.Con sói quỷ sứ lại mon men tới cửa lần thứ ba, gõ cửa gọi:– Mở cửa mẹ vào, các con yêu dấu, mẹ của các con đã về và có mang quà ở rừng về cho các con đây.Dê con bảo:– Con xem chân, xem có đúng là mẹ yêu dấu không nào.Sói đặt chân lên cửa sổ. Dê con thấy chân trắng, yên trí chắc là mẹ về thật nên mở cửa ra. Ngờ đâu kẻ vào nhà chính lại là chó sói. Đàn dê con hoảng sợ, tìm cách ẩn trốn. Một con nhảy chui vào gầm bàn, con thứ hai chui vào gầm giường, con thứ ba chui vào lò, con thứ tư ẩn trong bếp, con thứ năm nấp vào tủ, con thứ sáu nấp ssau chậu giặt quần áo, con thứ bảy chui vào trong hộp đồng hồ quả lắc treo trên tường. Nhưng sói đều tìm được. Nó không cần lựa chọn, nuốt chửng hết con này đến con kia, duy chỉ có con dê bé nhất núp trong hộp đồng hồ là nó không tìm thấy.Khi đã thỏa mãn cơn thèm, sói khệnh khạng đi ra cánh đồng cỏ xanh tươi, nằm dưới một cây cổ thụ và thiu thiu ngủ.Chỉ một lát sau dê mẹ ở rừng về tới nhà. Trời, dê mẹ nhìn cảnh vật mà đau lòng: cửa mở toang, bàn ghế đổ lỏng chỏng, ngổn ngang, chậu giặt vỡ tan tành, chăn gối vứt khắp nơi. Dê mẹ tìm chẳng thấy một đứa con nào cả. Dê mẹ gọi tên từng đứa, cũng chẳng thấy đứa nào thưa. Gọi mãi tới tên đứa út thì có tiếng nói khe khẽ:– Mẹ yêu dấu, con trốn ở trên hộp đồng hồ treo trên tường này.Dê mẹ bế con ra. Dê con kể mẹ nghe chuyện sói đến và đã ăn thịt tất cả các anh. Chắc các bạn biết dê mẹ khóc thảm thiết như thế nào về những đứa con xấu số của mình.Đau buồn, dê mẹ đi tìm, dê con chạy theo sau.Khi tới cánh đồng cỏ, dê mẹ nhìn thấy sói nằm ở gốc cây, ngủ ngáy rung cả cành lá. Dê mẹ chăm chú quan sát khắp người sói, thấy bụng nó căng, hình như có cái gì động đậy, phập phồng ở trong. Dê mẹ nghĩ:– Trời ơi! Lẽ nào những đứa con đáng thương của tôi bị sói nuốt chửng làm bữa tối vẫn còn sống hay sao?Dê mẹ sai dê con chạy về nhà lấy kéo và kim chỉ. Rồi dê mẹ rạch bụng con quái vật, rạch chưa hết nhát kéo thứ nhất thì một chú dê con đã ló đầu ra. Cứ thế tiếp tục rạch, cả sáu chú dê con nối đuôi nhau nhảy ra, và cả sáu đều sống, không hề bị xây xát, vì sói háu ăn nên chỉ nuốt chửng không kịp nhai. Mừng ơi là mừng! Đàn con ôm hôn vuốt ve mẹ, nhảy tung tăng. Dê mẹ bảo đàn con:– Giờ các con hãy đi tìm nhặt đá to để nhét vào bụng con vật quái ác này khi nó còn đang ngủ say.Thế rồi bảy chú dê con vội vàng chạy đi khuân đá về, tha được bao nhiêu chúng nhét hết vào bụng sói. Rồi dê mẹ khâu bụng sói lại nhanh đến nỗi sói không hề hay biết và cũng không thèm cựa mình.Sau khi ngủ đã đẫy giấc, sói thức dậy. Nó khát khô cả cổ vì đá đầy trong bụng, nó định ra suối uống nước. Nó vừa nhổm dậy, mới nhúc nhích định đi thì đá trong bụng đè lăn lên nhau nghe lạo xạo. Lúc đó sói kêu lên:Cái gì lộn xộn, lạo xạoChạy trong bụng ta thế này?Ta tưởng sáu chú dê non,Sao lại chỉ có đá hòn nằm trong?Khi nó tới được bên bờ suối cúi xuống định uống thì bị đá nặng kéo ngã nhào xuống nước và nó chết đuối không kịp kêu một lời.Bảy chú dê con thấy vậy chạy tới reo ầm lên: “Chó sói chết rồi, chó sói chết rồi!” và cùng mẹ sung sướng nhảy múa tung tăng bên bờ suối.
Chuyện cổ tích về con heo: 3 chú heo con
Ngày xưa có một bà mẹ heo sinh được ba chú heo con. Ba chú heo hay ăn nên lớn rất nhanh, khi thấy những đứa con của mình cũng đã lớn, bà mẹ heo mới nói với ba chú heo con rằng:
“Các con giờ cũng đã lớn cả rồi, không còn bé bỏng như ngày xưa nữa. Giờ cũng là lúc ta cho các con ra đi và các con phải tự xây cho mỗi đứa một căn nhà. Nhưng các con phải cẩn thận, đừng để gặp chó sói mà nó bắt ăn thịt”.
Ba chú heo con bắt đầu lên đường, các chú tự bảo với nhau rằng: “Ba anh em chúng ta phải cẩn thận, đừng để chó Sói bắt ăn thịt nhé”.
Đi được một đoạn đường thì 3 chú heo gặp một bác nông dân đang vác trên mình một bó rơm to. Ba chú heo đứng lại chào bác nông dân, Chú heo cả nói với bác: “Bác nông dân ơi, bác cho cháu bó rơm này nhé, cháu sẽ tự làm cho mình một ngôi nhà bằng rơm”.
Bác nông dân vui vẻ trả lời: “Cháu định làm một ngôi nhà bằng rơm thật sao cậu bé, được thôi ta cho cháu cả bó rơm này đó”.
Chú heo cả vui mừng lấy số rơm mà bác nông dân cho và dựng một ngôi nhà bằng rơm. Dựng xong chú nói: “Giờ ta đã có một ngôi nhà bằng rơm để ở, chó sói không bao giờ bắt được ta để ăn thịt nữa”
Chú heo thứ 2 nói: “Em sẽ tự mình làm một ngôi nhà chắc chắn hơn ngôi nhà bằng rơm của anh”
Chú heo út nói: “Em cũng vậy, ngôi nhà bằng rơm của anh rất mong manh, không thể chống lại được gió lớn, em cũng sẽ làm cho mình một ngôi nhà chắc chắn”
Chú heo thứ 2 và chú heo út tiếp tục lên đường còn chú heo cả thì ở lại với ngôi nhà bằng rơm vừa làm được. Đi được một đoạn đường thì 2 chú heo gặp một bác tiều phu đang vác trên mình một bó cành cây lớn.
Chú heo thứ 2 nói với bác tiều phu: “Bác tiều phu ơi, bác cho cháu bó cây này, cháu muốn làm cho mình một ngôi nhà bằng những cành cây trên”.
Bác tiều phu mỉm cười nói: “Được thôi cậu bé, bác cho cháu hết số cành cây này đó, nếu được cháu hãy thử dựng cho mình một ngôi nhà xem sao”.
Được bác tiều phu cho hết số cành cây, chú heo thứ hai liền dựng cho mình một ngôi nhà bằng cành cây, dựng xong chú nói: “Ngôi nhà bằng cành cây này nhìn trông chắc chắn hơn ngôi nhà bằng rơm của anh cả rất nhiều, giờ thì không có con sói nào ăn thịt được ta nữa”.
Chú heo út nói: “Em sẽ dựng cho mình một ngôi nhà vững trãi hơn ngôi nhà bằng cành cây của anh”.
Thế là chú heo út tiếp tục một mình lên đường, còn chú heo thứ hai thì ở lại với ngôi nhà mà chú vừa mới làm xong. Đi được một quãng đường, chú heo út gặp một bác thợ xây đang kéo trên xe rất nhiều viên gạch.
Chú heo út đứng lại chào bác, chú nói: “Bác thợ xây ơi, bác có thể cho cháu số gạch trên được không bác?, cháu sẽ xây cho mình một ngôi nhà bằng gạch”.
” Được thôi, chú bé,” Bác ấy cho chú heo con một số gạch.
Rồi chú heo út tự mình xây một ngôi nhà bằng gạch. Phải mất thời gian khá lâu mới hoàn thành, không sao vì đó là một ngôi nhà chắc chắn.
Chú heo út rất hài lòng với căn nhà của mình. Chú nói, ” Bây giờ, Chó sói sẽ không bao giờ bắt và ăn thịt ta được”
Hôm sau một chó sói xuất hiện trên đường. Nó đi đến ngôi nhà bằng rơm của chú heo cả. Khi trông thấy chó sói, chú heo cả vội vàng chạy vào nhà và đớng cửa lại.
Chó sói gõ cửa và nói, ” Này heo con, này heo con, mở cửa cho ta vào với.”
” Không, không” chú heo con nói. ” Ta đã thề, ta đã thề, Ta không để mi vào.”
” Được rồi Ta bực mình và ta bực mình và Ta sẽ thổi tung căn nhà của ngươi,” chó sói gầm gừ.
Nói rồi nó thổi và nó thổi,nó thổi và nó thổi. Ngôi nhà bằng rơm xập xuống, chó sói ăn thịt chú heo cả dễ dàng”
Hôm sau chó sói vẫn dọc theo con đường đi xa hơn. Nó đến ngôi nhà bằng cành cây của chú heo kế. Chú heo kế trông thấy chó sói, liền chạy vào nhà đóng cửa lại.
Chó sói gõ cửa và nói, ” Này heo con, này heo con, hãy mở cửa cho ta vào.”
” Không, không,” chú heo con nói. ” Ta đã thề, ta đã thề, Ta không để mi vào.”
” Được rồi Ta bực mình và ta bực mình và Ta sẽ thổi tung căn nhà của ngươi,” chó sói gầm gừ.
Nói rồi nó thổi và nó thổi,nó thổi và nó thổi. Ngôi nhà bằng cây xập xuống, chó sói ăn thịt chú heo kế dễ dàng”
Hôm sau chó sói vẫn dọc theo con đường đi xa hơn nữa. Nó đến ngôi nhà bằng gạch của chú heo út. Chú heo út trông thấy chó sói, liền chạy vào nhà đóng cửa lại.
Chó sói gõ cửa và nói, ” Này heo con, này heo con, hãy mở cửa cho ta vào.”
” Không, không,” chú heo con nói. ” Ta đã thề, ta đã thề, Ta không để mi vào.”
” Được rồi Ta bực mình và ta bực mình và Ta sẽ thổi tung căn nhà của ngươi,” chó sói gầm gừ.
Nói rồi nó thổi và nó thổi, nó thổi và nó thổi. Nhưng căn nhà bằng gạch thật chắc chắn không hề ngã xập. Chó sói giận quá, nhưng nó giả vờ như không có chuyện gì xảy ra. Nó nghĩ, ” Chú heo con này rất thông minh. Nếu mình muốn bắt nó, mình phải giả vờ thân thiện mới được”
Nghĩ như thế nó nói, ” Này chú heo con, lúc sáu giờ sáng ngày mai, tôi sẽ dẫn bạn đến trang trại của ông Smith. Chúng ta sẽ lấy những củ cải tươi ngon cho bữa tối.”
“Oh! Tốt quá,” Chú heo con nói. Nhưng chú heo út rất thông minh. Chú biết rất rõ chó sói chỉ mong ăn thịt chú thôi.
Vì thế sáng hôm sau chú heo út khởi hành đến trang trại của nhà nông Smith lúc năm giờ. Chú lấy đầy giỏ củ cải và hối hả quay trở về nhà trước sáu giờ.
Đúng sáu giờ, chó sói đến gõ cửa nhà chú heo. ” Bạn đã chuẩn bị chưa, bạn heo con?” nó nói.
“Oh! Tôi đã đến cánh đồng của ông Smith rồi,” chú heo con nói. ” Tôi đã lấy đầy giỏ củ cải và đang nấu cho bữa ăn tối đây.”
Chó sói giận quá, nhưng vẫn tiếp tục giả vờ.
Sau đó chó sói nói tiếp, ” Vậy sáng ngày mai bạn chuẩn bị nhé, lúc năm giờ tôi sẽ dẫn bạn đến cây táo của nhà nông Brown. Chúng ta sẽ hái những quả táo đỏ tươi.”
“Ồ! Tốt quá,” Chú heo con nói.
Sáng hôm sau, chú heo con lên đường lúc bốn giờ. Chú tìm được cây táo. Chú trèo lên cây, trong lúc đang hái táo, chó sói bỗng xuất hiện.
Chú heo con hoảng sợ, nhưng chú giả vờ bình thường. Chú nói, ” Đây là những quả táo ngon nhất, ông Sói. Tôi ném cho ông một trái nhé”.
Chú ném xuống một trái táo, trái táo lăn tròn cách xa con đường. Chó sói chạy theo nhặt. Chú heo con liền leo xuống. Chú chạy một mạch về nhà và đóng cửa lại.
Chó sói vô cùng giận dữ, nhưng vẫn giả vờ bình thường. Nó đi đến căn nhà của chú heo con và gõ cửa. ” Này heo con,” nó gọi, ” Nếu bạn chuẩn bị sẵn sàng lúc bốn giờ chiều nay, tôi sẽ dẫn bạn đi hội chợ. Chúng ta sẽ thích thú khi chơi đánh đu và cưỡi ngựa vòng xoay.
“Ồ! Tốt quá,” chú heo nói.
Lúc hai giờ trưa chú heo con đi dến hội chợ. Chú vô cùng thích thú với những trò chơi đánh đu và cưỡi ngựa vòng xoay. Sau đó chú heo con mua một thùng đựng bơ. Cái thùng trông giống như một thùng rượu lớn. Chú heo con trở về nhà và trông thấy chó sói đang đi lên đồi. Chú sợ quá, nhảy ngay vào thùng đựng bơ. Thùng đựng bơ bắt đầu lăn tròn lăn tròn xuống đồi. Càng lúc lăn càng nhanh. Nó húc chó sói ngã nhào. Chó sói ngơ ngẩn không biết cái gì đã húc vào mình. Nó sợ quá chạy trối chết. Chú heo con nhảy ra khỏi thùng đựng bơ và vác nó về nhà.
Hôm sau chó sói đến nhà chú heo con và gõ cửa. Nó nói, ” Bạn heo ơi, Tôi không đi được hội chợ ngày hom qua. Ôi chao, một cái gì đó to lắm lăn từ trên đồi xuống và húc vào tôi.”
“Ha ha” chú heo nói, ” Tôi đó, tôi ở trong thùng đựng bơ “
Khi chó sói nghe như vậy, cơn giận dâng lên, dâng lên, dâng lên.
Nó nói, “Này heo con, ta sẽ ăn thịt mi. Ta sẽ leo lên ống khói và xuống bắt mi.”
Chú heo con hoảng sợ, nhưng chú nói không sao. Chú đặt một nồi nước to trên lửa, nấu sôi lên. Chó sói leo lên mái nhà. Nó chui vào ống khói và leo xuống. Chú heo con mở nắp nồi nuớc sôi. Chó sói rơi từ trên ống khói xuống ngay nồi nước rất mạnh. Thế là hết đời chó sói. Chú heo út quá thông minh so với chó sói.
Truyện cổ tích về con rùa: “Rùa con tìm nhà”
Có một chú rùa con, vừa mới nở được mấy ngày đã vội vàng đi tìm nhà của mình. Thấy tổ ong trên cây, tưởng đó là nhà của mình, Rùa Con vươn cổ lên hỏi: “Có phải nhà của tôi đây không?”.
Nhưng đàn ong bay túa ra làm Rùa Con sợ quá, thụt cổ vào nằm im như chết. Sau đó Rùa bò tới chân một bức tường. Thấy hang chuột, Rùa Con định chui vào thì một chú chuột ngăn lại: “Đây là nhà của chúng tôi. Không phải nhà của bạn đâu, Rùa ạ”. Trông thấy dòng sông nhỏ, Rùa nghĩ: “Có lẽ nhà mình ở dưới nước”. Thế là Rùa nhảy xuống sông. Bơi được một quãng ngắn, Rùa con đã mệt đứt cả hơi, đành bò lên bờ. Gặp ốc sên, Rùa lại hỏi: “Bạn có biết nhà tớ ở đâu không?” Ốc sên trả lời: “Ôi! Bạn hãy nhìn tớ đây rồi hãy nhìn lại lưng mình mà xem”. Bấy giờ Rùa con mới quay đầu nhìn lại cái mai của mình. Rồi vừa tủm tỉm cười vừa nói với ốc sên: “Cảm ơn bạn nhé! Nhờ có bạn mà tớ đã tìm được nhà của mình rồi”.
Nào, các cháu hãy thử nghĩ xem nhà của rùa con ở đâu?
Chuyện về con cò
Một hôm, con Cò chân dài, mỏ dài, cổ dài đi dọc theo bờ sông.
Nước trong vắt như trong những ngày đẹp trời nhất. Con cá chép lượn tung tăng với con cá mè. Chúng bơi sát bờ. Nếu con Cò muốn bắt, có thể bắt dễ dàng. Nhưng nó nghĩ nên chờ một lúc nữa để cho đói hơn một chút nữa: nó ăn uống điều độ, đúng giờ giấc. Một lúc sau thấy đói, Cò tiến đến gần bờ, thấy những con cá rô ngoi lên mặt nước.
Cò không thích những con cá này, nên chờ những con cá ngon hơn. Nó nói một cách khinh rẻ:
– Cò tôi mà lại thèm đi ăn những con cá rô tầm thường ấy sao? Người ta còn coi tôi ra gì nữa!
Chê bai cá rô, nó gặp một con cá lòng tong:
– Cá lòng tong! Đó là bữa ăn của một con Cò sao! Tôi thèm há mỏ vì những con cá ấy sao!
Cứ như thế, rốt cuộc Cò không tìm được con cá nào cả, khiến nó phải há mỏ vì một con vật kém hơn. Cơn đói tới, nó rất lấy làm sung sướng và dễ chịu khi bắt được một con ốc sên.
Bài học từ con Cò dạy chúng ta đừng nên khó tính quá. Muốn được nhiều sẽ mất tất cả. Cũng đừng chê bai, những người dễ tính mới là khôn khéo.
Truyện cổ tích về con gấu: Ba con Gấu
Một hôm, cô bé Tóc Vàng đi vào rừng dạo chơi: Bỗng nhiên trời đỗ cơn mưa cô vội vàng tìm chỗ trú. Cô chạy vào một ngôi nhà nhỏ và nhìn thấy trên bàn có ba cái bát: một cái nhỏ, một cái vừa và một cái to.
Cô ngồi xuống và ăn thức ăn để trong ba cái bát và tự nhủ: “ Ngon tuyệt!”. Cô nhìn xung quanh và nhìn thấy ba cái giường, một cái nhỏ, một cái vừa và một cái to. Cô reo lên sung sướng: “Ôi! Những cái giường mới ấm áp làm sao!”. Cô chọn cái giường lớn nhất để ngủ.
Một lát sau, Gấu bố, Gấu mẹ và Gấu con về đến nhà. Vừa bước vào nhà, Gấu bố giận giữ gầm lên:– Có ai đã đến đây thế này?Khi thấy các bát đều hết sạch thức ăn, Gấu mẹ kêu lên:– Ai đã ăn hết thức ăn của chúng ta rồi?
Nghe tiếng ồn, cô bé Tóc Vàng choàng tỉnh dậy và kể lại cho gia đìng Gấu biết vì sao cô lại ở trong ngôi nhà này. Nghe xong Gấu Bố, Gấu Mẹ vá Gấu Con mĩm cười và đưa cô về nhà
Từ hôm ấy cô bé Tóc Vàng trở thành người bạn thân thiết của gia đình Gấu.
Truyện cổ tích về con hổ và thỏ
Hổ bị thỏ chơi một mẻ mất mặt, thề từ nay không đội trời chung với thỏ. Một hôm, hổ đi chơi gặp thỏ đang trèo cây ăn mật ong. Hổ đứng đón dưới gốc, trừng mắt bảo thỏ:
– Mày đừng có hòng chạy nữa nhé! Tao tìm mày lâu lắm rồi. Muốn tốt xuống đây nộp mạng!
Thỏ bèn làm kế hoãn binh:
– Ông làm ơn cho tôi đánh một hồi trống rồi tôi xin xuống để ông bắt tội.
– Được, hổ trả lời.
Thỏ giơ tay giả làm điệu bộ đánh trống liên hồi vào tổ ong. Bấy giờ tiếng ong bay vù vù, văng vẳng có âm thanh phát ra làm cho hổ nghe tưởng là trống thật. Thích quá, hổ bảo thỏ:
– Mày cho tao đánh với!
– Ông đánh cũng được thôi – thỏ đáp – nhưng có điều, ông mà đánh thì tôi sẽ điếc tai long óc mất. Vậy ông làm ơn để tôi đi thật xa đây đã, bao giờ không nghe tiếng hú của tôi nữa thì hãy đánh.
Truyện cổ tích cho bé về con hổ và con thỏ
Thế là hổ ta quên mất việc trị tội thỏ, để cho thỏ nhảy xuống chạy trốn mất. Khi không còn nghe tiếng hú, hổ mới trèo lên cây, đánh mạnh vào tổ ong. Tổ ong vỡ ra, cả bầy ong xông tới đốt cho hổ tối mày tối mặt. Hổ kinh hoàng sẩy chân rơi xuống đất đau điếng cả người. Nhưng ong vẫn không tha, hổ chạy đến đâu chúng đuổi theo đến đó, đốt cho mặt sưng húp mới chịu thôi. Hổ biết là mắc mưu thỏ, giận bầm gan tím ruột.
Hôm khác hổ tình cờ gặp lại thỏ đang đứng bên bụi tre. Hổ chặn đường hét:
– Mày làm ông khốn nạn bao nhiêu phen rồi? Thôi, đứng đó cho ông trị tội.
Thỏ nghĩ ra được một kế khác, nói:
– Ông hãy cho tôi gẩy một khúc đàn cha ông nghe đã rồi tôi sẽ để ông bắt tội. Tôi không dám trốn đâu mà ông lo.
Hổ bằng lòng. Thỏ liền nhảy lên bụi tre giả làm như cách gảy đàn. Kỳ thực, lúc nào gió thổi hai cây tre sắp cọ vào nhau thì nó rút chân ra, lúc hai cây tre rời nhau thì nó đút chân vào.
Tiếng tre cót két làm vui tai hổ, cho nên hổ lại bảo thỏ:
– Mày để cho tao gảy một lúc chơi.
Thỏ nói:
– Ông cứ gảy tùy thích, những chơi cho khéo kẻo hỏng mất đàn của tôi đi!
– Mày dạy tao cách gảy thế nào đã.
– Tay ông to quá đánh hỏng đàn mất. Vậy ông hãy cứ đánh bằng đuôi thì tốt hơn. Đây này! Cứ lúc nào hai cây tre rời nhau thì ông cho đuôi vào giữa, thế là nó bật thành tiếng nghe rất thú. Nhưng ông hãy chờ cho tôi đi xa đây đã. Nói rồi, thỏ nhảy xuống, ba chân bốn cẳng chạy mất. Còn hổ làm đúng như lời của thỏ, bị tre nghiến đứt mất một khúc đuôi. Hổ đau đớn không thể nói hết, gầm rống vang trời, trông bộ dạng rất thiểu não. Hắn quyết bắt cho được thỏ xé xác ra mới hả dạ.
Bẵng đi một ít lâu, hổ lại gặp thỏ. Nhưng lần này đang lúc thỏ vô ý sa xuống một cái hố sâu không làm sao lên được. Thấy mặt hổ, thỏ vội gọi:
– Trời ơi! Ông còn chưa biết ư? Mau lên không thì nguy khốn đến nơi rồi!
Hổ nghe nói thế, cuống lên hỏi lại thỏ:
– Thế nào? Nói mau!
– Ông ơi – thỏ đáp – ông có thấy gió thổi ào ào, cây cối rung chuyển đó không, đó là dấu hiệu trời sắp sập rồi, chỉ còn một cách nhảy xuống đây mới có thể thoát được mà thôi!
– Thật thế à? Cho tao xuống với nhé!
– Ông xuống ngay đi! Ở lại trên đó là chết bẹp xác.
Thế là hổ không suy nghĩ gì nữa nhảy ngay xuống hố sâu, trong lòng lo ngay ngáy không còn nghĩ gì đến chuyện trị tội thỏ nữa. Thấy thế, thỏ tìm cách chọc hổ chơi. Bèn dùng tay cù vào nách hổ. Hổ không chịu được lối đùa nghịch của thỏ, mắng:
– Yên. Mày nghịch như quỷ ấy! Nếu còn như thế nữa tao sẽ không đánh mày mà quẳng mày lên trên kia, cho trời sập đè bẹp xác.
Thỏ chỉ yên lặng được một chốc rồi lại lẻn tới cù hổ. Tức mình, hổ nắm lấy hai chân thỏ vứt lên miệng hố. Thỏ đắc mưu, chạy một mạch vào làng báo cho mấy ông thợ săn biết. Lập tức họ vác cung tên giáo mác đến hố giết chết hổ.
Câu chuyện về cá sấu và khỉ
Ngày xưa có một con khỉ sống trên một cây mận gần bờ sông. Vào một ngày đẹp trời, có một con cá sấu bới đến gần cây mận và nói với con khỉ là nó đã đi rất xa đến đây để tìm thức ăn bởi vì nó đang rất đói. Thấy thế con khỉ liền hái cho nó vài trái mận. Không ngờ con cá sấu lại ăn được và rất thích những trái mận. Thế là ngày nào nó cũng đến xin mận của khỉ.
Không lâu sau, cá sấu và khỉ trở thành đôi bạn thân. Chúng cùng nhau nói về chuyện đời, bạn bè và gia đình. Con cá sấu nói, nó có một cô vợ sống ở bờ bên kia, cô ấy cũng rất thích ăn mận. Thế là khỉ cho cá sấu mận nhiều hơn mọi ngày để mang về cho vợ.
Tình bạn giữa cá sấu và khỉ ngày càng tốt. Cá sấu đàm đạo cùng khỉ còn nhiều hơn nói chuyện với vợ. Thế là cô vợ cá sấu bắt đầu thấy hơi khó tin và dường như ghen tị với cả khỉ. Cô ta muốn chấm dứt tình bạn này. Vì vậy cô vợ cá sấu giả vờ không tin cá sấu và khỉ lại là bạn của nhau và muốn cá sấu mời khỉ về nhà để thực hiện ý đồ ăn thịt khỉ.
Tuy nhiên cá sấu sợ có chuyện xảy ra với bạn mình nên từ chối hết lần này đến lần khác. Cô vợ ngày càng muốn ăn thịt khỉ nên đã giả vờ bị bệnh nặng. Cô vợ nói với chú cá sấu rằng bác sĩ cáo cho rằng nếu muốn khỏe hẵn thì phải ăn tim khỉ. Đặc biệt thức ăn của con khỉ đó phải là mận thì mới có tác dụng. Nếu muốn vợ sống thì cá sấu phải lấy tim của khỉ cho vợ ăn.
Chú cá sấu đừng vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Không thể hại bạn và cũng không thể để vợ chết. Mỗi ngày cô vợ cá sấu vờ bệnh càng nặng, và nói nếu hôm nay không có tim khỉ thì cô ta chắc chắn chết.
Con sấu đành bơi đến nhà của khỉ và mời khỉ đến nhà để gặp vợ của mình. Khỉ ta vui lòng đồng ý ngay. Cá sấu nói với khỉ là chỉ cần ngồi lên lưng cá sấu, việc sang sông sẽ rất dễ dàng. Ra đến giữa sông, con cá sấu bắt đầu lắc lư cho khỉ lắc lư cho khỉ rớt xuống nước. Con khỉ hoảng hốt hỏi : “Vì sao con anh lại làm như thế?” Con cá sấu giải thích nó cần lấy trái tim của con khỉ để cứu sống vợ. Con khỉ liền đáp: “Tôi sẵn sàng hi sinh trái tim để cứu vợ anh, vì anh là bạn tốt của tôi nhưng tôi để trái tim tôi ở nhà rồi, trên cây mận ấy. Hay là anh đưa tôi quay lại chỗ cây mận, tôi lấy cho anh”. Cá sấu ngờ ngệt đưa khi quay lại chỗ cây mận. Tới nơi khỉ bay vèo lên cây nhìn xuống nói: ” Thật khổ cho vợ anh, lấy nhầm một con cá sấu đần độn”.
Tổng hợp các câu chuyện về con vật cho bé
Truyện cổ tích về con voi: “Bác Voi tốt bụng”
Một buổi sáng mùa xuân, trăm hoa khoe sắc, gà con vui vẻ gọi vịt con ra vườn chơi. Gà con rủ vịt con bắt sâu bọ, côn trùng có hại cho cây cối. Nhờ có mỏ nhọn nên gà con bắt sâu rất dễ dàng. Nhưng vịt con không có mỏ nhọn nên không thể nào bắt sâu được. Thấy thế gà con vội chạy tới giúp vịt.
Bỗng một chú voi con xuất hiện, chú dùng vòi khều con sâu đưa cho vịt con. Vịt và gà con cùng cảm ơn chú voi. Vịt và gà con lại rủ nhau ra ao chơi. Chân vịt con có màng nên vịt bơi lội rất giỏi, còn gà con vô ý nên bị ngã xuống ao, vì không biết bơi nên gà con bị ướt sũng nước, lạnh đến phát run. May quá, chú voi lại đi tới. Chú cứu gà con lên, chú còn đùa nghịch dùng vòi phun đầy nước vào gà con và vịt con. Gà và vịt cười vang bỏ chạy, còn lũ ruồi đậu trên lưng chú voi cũng phải hốt hoảng bay đi. Sau đó voi dùng kèn thổi acmônica. Chú thổi hay đến nổi gà con và vịt non đang chơi vui cũng phải chạy đến, những chú chim trên cành cây cũng ngừng hót để lắng nghe những âm thanh tuyệt vời mà voi thổi.
Gà và vịt con rất yêu chú voi tốt bụng. Chúng thích vui đùa và nhảy vào nằm trong lòng chú voi. Chúng cảm thấy ấm áp và hết sức an toàn.
Chuyện về chú vịt con và mèo con
Một buổi sáng Vịt con và Mèo con cùng đi tới lớp. Vốn là đôi bạn thân nên cả hai như hình với bóng, chẳng bao giờ giận dỗi nhau. Mèo con có phần lém lỉnh tinh nghịch, còn Vịt con thì hiền lành và chăm chỉ.
Dọc đường, cả hai bỗng phát hiện ra một lẵng hoa rất đẹp dường như ai đó đã bỏ quyên. Mèo con hăm hở nhặt lên và reo vui:– Cậu xem này, lần đầu tiên tớ được cầm một lẵng hoa đẹp như thế này.– Không hiểu ai đã bỏ quên nhỉ? Vịt con băn khoăn. Tớ nghĩ bọn mình nên canh chừng kẻo đàn chim sẻ đến phá hỏng lẵng hoa mất, chắc lát nữa chủ nhân của nó sẽ quay lại thôi.Mèo con, Vịt con ngồi trông lẵng hoa, nhưng mãi chẳng có ai đến nhận cả. Mèo con ngập ngừng:– Sắp đến giờ học rồi. Tốt nhất bọn mình mang theo lẵng hoa, rồi vừa đi vừa hỏi. Hay là người chủ này có nhiều lẵng hoa nên bỏ bớt một lẵng nhỉ?Chẳng còn cách nào khác nên đôi bạn đành manh theo lẵng hoa và tiếp tục đến trường. Đi ngang qua nhà bác Gấu. Vịt con quay sang nói với mèo con:– Mấy hôm nay bác Gấu bị ốm, mẹ tớ đã dặn mang một ít mật ong đến thăm bác. Tớ muốn mang một bông hoavào tặng bác Gấu nữa. Có thể bác ấy sẽ rất vui và chóng khỏe.Nói sao làm vậy, Vịt con nhanh nhẹn rút một bông hoa mang tặng bác Gấu. Mèo con có vẻ không hài lòng lắm:– Sao cậu lại làm thế? Nếu không có người nhận thì lẵng hoa là của bọn mình chứ.– Nếu chủ của lẵng hoa có ở đây, chắc chắn người ấy sẽ đồng ý với tớ. Vịt con mỉm cười.Mèo con đành im lặng không phàn nàn gì. Một lát sau cả hai trông thấy anh em nhà Sóc đang tranh nhau món hạt dẻ. Chẳng ai nhường ai, vì gia đình sóc đông anh em mà hạt dẻ vào mùa đông thì thật là hiếm.
Vịt con rút mấy bông hoa thật đẹp, đưa cho chú Sóc lớn và nói:– Nếu cậu nhường hạt dẻ cho em Sóc nhỏ, tớ sẽ tặng cậu những bông hoa này.Vậy là mọi chuyện được giải quyết nhanh chóng.Cứ như thế, Vịt con tặng hoa cho rất nhiều người, những người đang gặp khó khăn và cần sự giúp đỡ. Đến khi chỉ còn vài bông, Mèo con cầm lấy lẵng hoa và bảo:– Chỗ còn lại là của tớ. Cậu thật lãng phí khi không giữ hoa cho mình mà đem tặng hết mọi người.Bẵng đi mấy hôm, những bó hoa Mèo con mang về nhà rồi cũng héo tàn. Khi sang nhà Vịt con chơi, Nó rất ngạc nhiên khi thấy trong nhà Vịt bao nhiêu là hoa rực rỡ. Thì ra mọi người vẫn luôn nhớ lòng tốt của Vịt con nên đã mang hoa tặng cho Vịt.
Không những thế Vịt con mang hoa ra vườn trồng và chẳng bao lâu, nó có một vườn hoa khoe sắc quanh năm. Bây giờ nó mới hiểu, giúp đỡ người khác chẳng bao giờ là việc ngốc nghếch cả.
Chuyện về con Quạ và con Công
Xưa con Công với con Quạ làm bạn với nhau thân lắm, vì hai con cùng xấu cả. Hồi đó Công vẫn còn rất xấu xí chứ không đẹp như bây giờ, Quạ và Công con nào con nấy bộ lông cũng đều xám xịt như vừa mới rúc ở bùn lên. Quạ và Công vì biết mình xấu nên chỉ chơi với nhau chứ không dám chơi với những loài chim khác.
Riêng Công thì còn xấu hơn cả Quạ, đầu Công thì bé tẹo không hề cân xứng với người, thêm vào nữa là cái cổ Công thì dài ngoằng ngoẵng nên trông rất khó coi.
Một hôm Công và Quạ ngồi nói chuyện với nhau, Công bảo Quạ rằng:
– Bạn Quạ, họ nhà chim chúng ta, nhiều người có áo đẹp. Chị Vàng Anh có chiếc áo vàng rực rỡ. Chú Vẹt có áo xanh tươi mát. Có áo đẹp mà múa thì thích lắm nhỉ! Chúng mình đi tìm thuốc vẽ về vẽ lại bộ lông trắng đi.
Quạ bằng lòng. Hôm sau, hai bạn gặp nhau. Chúng tìm được đủ màu: son đỏ, nghệ vàng, chàm xanh, phẩm lam tím…Quạ bảo Công:– Bạn ngồi xuống đây tôi vẽ cho bạn trước.
Quạ vẽ khéo lắm. Mỗi chiếc lông của Công đều có mặt trăng với những tia sáng vàng. Trên mình, trên cổ Công, Quạ tô màu xanh óng ánh. Bộ lông của Công tuyệt đẹp, chú chim nào trông thấy cũng phát thèm. Các con chim khác đều khen:
– Chao ôi, Công có chiếc áo đẹp tuyệt vời.Công thích lắm, xòe đôi cánh ra khoe cùng bạn.
Đến lượt Công vẽ cho Quạ. Công định vẽ cổ Quạ màu đen có khoanh trắng, hai cánh màu vàng, mình và lưng màu tía. Công mới vẽ xong cái cổ đen có khoanh trắng thì chợt nghe tiếng ríu rít, biết bao nhiêu chim con ở phía đông bay lại.Quạ liền hỏi :– Các bạn đi đâu mà kéo đàn, kéo lũ như thế?Đàn chim nói:– Chúng tôi nghe đồn ở dưới phương nam có thật nhiều gạo, nhiều gà, và rất nhiều đồ ăn ngon khác… Chúng tôi rủ nhau đi kiếm ăn đây. Anh làm gì đấy? Hay ta cùng đi một thể?
Quạ nghe nói, trong lòng háo hức muốn đi theo đàn chim kia ngay lập tức. Quạ mới nói với Công rằng:
– Mau lên, mau lên, bạn cứ đổ tất cả các màu lên mình tôi cũng được.
Công nói:– Bạn chịu khó đứng im, chiều nay tôi sẽ vẽ xong, ngày mai chúng ta cùng có áo hoa rực rỡ, cùng nhau dạo chơi…– Nhanh lên, nhanh lên… Quạ vừa nói vừa nhảy ùm vào chậu phẩm đen. Thế là từ đó trở đi, Quạ đành khoác trên mình bộ lông đen thui…
Quạ bay đi kiếm ăn không còn nghĩ gì đến xấu với đẹp nữa. Nhưng đến lúc ăn no trở về, quạ thấy con cò trắng muốt bay qua trông thấy nó mà cười. Quạ tức lắm, bèn ngắm lại mình thì ôi thôi… Quạ thấy mình đen thui thủi, thiệt xấu xí, thẹn quá bèn bay đi trốn…
Từ đó, không ai còn thấy Quạ đâu nữa, trừ ở những nơi hoang dã vắng vẻ.
Truyện cổ tích về con hươu
Có một bầy hươu đang gặm cỏ bên một dòng suối trong vắt. Chú hươu nào cũng có đôi mắt to tròn, đen nháy và khóac bộ lông màu vàng hoặc màu nâu mịn như nhung, điểm những dấu hoa trắng.
Bầy hươu đang gặm cỏ thì bỗng có một chú hươu bé nhỏ đi tới. Chú bước tập tễnh trông thật vất vã, một chân của chú bị đau, bộ lông xơ xác đầy những vết bùn đất. Chắc là chú ta bị ngã rất đau.Chú hươu nói:– Các bạn ơi! Cho tôi đi ăn cùng với nhé!Các chú hươu khác nghe thấy vậy đua nhau mời:– Bạn lại đây, lại đây ăn cùng với chúng tôi!Rồi các chú hươu đứng vươn hai chân trước một tảng đá, lấy gạc cắt rụng mấy cái chồi nói:– Bạn ăn đi! Rồi chúng tôi lấy thêm cho bạn mấy chiếc búp nữa thật ngon!Chú hươu bị đau chân ăn rất ngon lành và cảm động nhìn các bạn hươu.Đúng lúc ấy, một bác hươu già từ trong rừng đi tới. Thấy bầy hươu con giúp bạn, bác hươu già hài lòng lắm. Bác khen:– Các cháu ngoan lắm!Còn bầy hươu con rất vui vì đã làm một việc tốt giúp bạn.
Chuyện về con báo gấm
ó một con Báo gấm không ngoan, chẳng chịu đi học, suốt ngày rong chơi, leo trèo cây cối.
Một hôm Báo gấm leo lên cây, bò ra đầu mút của một cành cộc. Gió bắt đầu thổi mạnh. Cành cộc lắc la lắc lư lay động. Báo gấm không làm sao quay đầu bò vào được. Nó sợ quá, đầu váng, mắt hoa, miệng khóc hu hu.
May quá, gia đình nhà Khỉ mặt đỏ ở gần đó. Nghe tiếng kêu, cả nhà vội chạy ra cứu Báo gấm. Khỉ bố, Khỉ mẹ, và cả hai Khỉ con leo cả lên cành cộc đó, nhún mạnh cho cành cây oằn xuống gần mặt đất để Báo gấm nhảy xuống. Báo gấm nhảy xuống đất, vui mừng nói:
– Cháu xin cảm ơn gia đình bác Khỉ thật nhiều! Nếu không có gia đình Bác giúp đỡ, chắc cháu đã bị ngã từ cành cao xuống. Cháu cám ơn gia đình Bác ạ!
Hôm sau Báo gấm xách một nải chuối tiêu đến làm quà tạ ơn gia đình bác Khỉ mặt đỏ. Từ đó về sau, Báo và Khỉ đã trở thành đôi bạn thân.
Bài học: Bé không nên leo trèo như Báo gấm, nếu không có người lớn bé sẽ ngã đau, có thể dẫn đến bị thương hoặc gãy tay gãy chân đấy nhé!
Truyện cổ tích về con mèo: “Mèo hoa đi học”
Mèo Hoa có cái đuôi dài rất đẹp. Lúc nào Mèo cũng chăm sóc, chải chuốt cho cái đuôi của mình. Mèo rất thích mọi người để ý và khen cái đuôi đẹp của mình.
Bạn Nai cũng khen:
– Cái đuôi của cậu đẹp thật. Tôi cũng thích đuôi dài, đẹp nhưng khốn nỗi đuôi của tôi lại ngắn tủn.
Mèo rất thích và hãnh diện. Nhưng niềm vui vừa chợt đến thì Mèo Mẹ nói:
– Ngày mai con phải đến trường để học cùng các bạn.
Mèo Hoa nghĩ đến trường có nhiều bạn lắm, không biết có ai khen mình không nhỉ ? Ối! Nếu mà bạn nào cũng sờ vào cái đuôi của mình thì nó sẽ xấu đi mất. Mèo Hoa buồn bực trong lòng. Không biết phải làm thế nào đây?
Nghĩ mãi, nghĩ mãi Mèo Hoa liền nói với Mẹ:
– Mẹ ơi! cái đuôi của con hôm nay bị ốm rồi, ngày mai con không đi học được đâu.
Mèo Mẹ buồn lắm. Bác Cừu gần đó nghe thấy Mèo Hoa than thở như vậy liền nói toáng lên rằng:
– Tôi sẽ chữa cho khỏi ngay!
Bác Cừu vừa nói vừa cầm cái kéo đến bên Mèo Hoa. Mèo Hoa thảng thốt:
– Bác sẽ làm gì?
Bác Cừu nói:
-Tốt hết là bỏ cái đuôi ấy đi Mèo Hoa
Eo ôi! Cắt đuôi cắt đuôi thì đau lắm. Vậy thì cái đuôi lâu nay mà mình hãnh diện thì đi tong rồi. Ối! đau lắm , sợ lắm.
Mèo Hoa liền vội vã:
– Thôi thôi cháu xin đi học ngay thôi, mẹ ơi con đi học đây.
Mèo Mẹ lúc ấy rất vui vẻ nói với Mèo Hoa:
– Con cứ đi học đi, ở trường con sẽ có nhiều bạn mới rất vui, con sẽ trở thành học trò giỏi, lúc ấy con còn hãnh diện hơn nhiều. Mẹ cũng tự hào về con.
Truyện cổ tích về chú Thỏ thông minh
Trong khu rừng nọ có một chú Thỏ con thông minh sống cùng mẹ. Ngày ngày, Thỏ con thường tung tăng chạy ra bờ sông uống nước. Trước khi đi, bao giờ Thỏ mẹ cũng nhắc:
– Con phải cẩn thận nhé vì Cáo cũng hay ra sông dạo chơi lắm đấy!
Một ngày nọ, vừa mới cúi xuống uống no bụng nước, Thỏ con ngẩng bất ngời thấy Cáo đang đứng gần mình và tỏ ra thân thiện:
– Chào Thỏ con, lên lưng anh cõng vào rừng hái nấm và hoa nào!
Thỏ con chần chừ nhìn Cáo. Chợt nhớ lời mẹ dặn, Thỏ con nhanh trí giả vờ hào hứng đáp lời:– Ôi thế thì thích quá anh Cáo ơi, chờ em về nhà lấy mũ đội che nắng đã nhé!
Nói rồi Thỏ con nhanh nhẹn chạy ù về nhà. Thỏ con kể lại câu chuyện gặp Cáo cho mẹ nghe. Thỏ mẹ ôm Thỏ con vào lòng, khen con thông minh và nhanh trí.
Trong lúc ấy, ở ngoài bờ sông, con Cáo gian ác và ngờ nghệch cứ đứng chờ mãi, chờ mãi mà không thấy Thỏ con trở lại. Cuối cùng, khi ông mặt trời đã đi ngủ, nó không thể chờ được nữa nên đành ôm cái bụng đói meo lủi thùi đi về rừng.
Chuyện cổ tích về con Hổ, con gà và con thỏ
Thỏ, hổ và gà có lần ở chung với nhau để hợp sức phát nương rẫy. Ngày đầu tiên, thỏ và hổ đi cắt tranh, giao cho gà nhiệm vụ trông nhà và nấu ăn.Sau khi quét dọn trong nhà ngoài ngõ, gà nấu cơm. Cơm chín, gà bắc một nồi nước lên bếp. Nước sôi gà nhảy lên miệng nồi, đẻ vào nồi một quả trứng, rồi cất lên mấy tiếng “cục ta cục tác”.
Trứng vừa chín thì thỏ và hổ cũng vừa về. Gà bắc trứng ra. Thỏ, hổ vừa mệt vừa đói nên ăn rất ngon miệng. Thỏ hỏi: “Chị gà ơi! Chị làm thế nào mà có món ăn thích khẩu thế?”. Gà nói thực cho biết cung cách mình đã chế ra món ăn đó. Sáng hôm sau, họ lại dậy sớm tiếp tục đi cắt tranh. Lần này hổ đi cùng gà, còn thỏ đến lượt ở nhà nấu ăn. Hổ còn dặn thỏ cố lo làm sao có bữa ăn ngon như gà đã làm hôm qua. Thỏ đáp: “Việc đó không khó, bác cứ tin ở tôi!”.
Sau khi nấu cơm, thỏ cũng bắc một nồi nước sôi rồi cũng đứng lên thành bếp chìa đít vào nồi và rặn như kiểu gà đã dạy. Xong việc, thỏ hý hửng ra cửa đón hổ và gà về.
Bữa ăn hôm ấy, hổ đói bụng háu ăn, gắp ngay trước mấy miếng bỏ vào miệng. Nhưng chưa kịp nuốt thì hổ đã vội khạc nhổ rối rít và gầm lên đuổi đánh thỏ. Thỏ vùng chạy nhưng không kịp nữa, bị hổ tóm được đánh cho một trận mê tơi. Hổ dằn đầu thỏ xuống đất mấy lần làm thỏ toạc cả da miệng. Sau lần bị đòn ấy thỏ giận hổ vô cùng, quyết nghĩ cách báo được thù mới hả. Mấy ngày sau, thỏ và hổ lại tiếp tục công việc Lúc này tranh cắt đem phơi đã khô, phải đánh đống lại đưa về lợp nhà. Trong khi chưa biết làm thế nào để chuyển tranh về thì thỏ đã hiến kế bảo hổ: – “Trong ba ta, tôi thấy bác có sức khỏe hơn cả. Vậy bác hãy nằm xuống để tôi chất tranh lên lưng, dùng dây buộc chặt vào lưng rồi cứ thế bác chở về nhà, chừng một chuyến là xong tất cả”. Hổ nghe có lý, nằm ngay xuống cho thỏ chất cỏ tranh lên. Khi đã đầy lưng, thỏ lấy dây cột quàng mấy chục vòng xuống bụng, xuống cổ, quàng cả vào các chân của hổ, v.v… Thế rồi thỏ nhảy lên, lấy đá đánh lửa đốt cho bén vào tranh rồi nhảy xuống chạy mất. Tranh khô được lửa, cháy rất thỏa thích. Hổ vẫn vô tình lo làm xong công việc, đến khi lửa liếm xuống gần lưng, nóng quá, mới hoảng hồn, gầm lên, lăn lộn. Nhưng đống lửa vẫn dính chắc lấy lưng hổ vì dây cột nhiều và chặt quá. Hổ càng chạy, lửa càng như được quạt mạnh, bùng to lên.
Khi hổ giãy được khối lửa khỏi lưng thì da đã bị bỏng, lông đã bị cháy sém loang lổ. Hổ giận tràn hông bỏ đi tìm thỏ thì thỏ đã biến đi đâu mất.
Cũng vì thế mà ngày nay người ta nói nòi giống của thỏ và hổ còn mang những vết tích của cha ông chúng để lại: một loài bị xẻ môi trên; một loài lông vẫn còn những vết cháy sém.
Truyện cổ tích về con chó sói: Cô bé quàng khăn đỏ
Ngày xửa, ngày xưa, có một cô bé thường hay quàng chiếc khăn màu đỏ, vì vậy, mọi người gọi cô là cô bé quàng khăn đỏ. Một hôm, mẹ cô bảo cô mang bánh sang biếu bà ngoại. Trước khi đi, mẹ cô dặn:
– Con đi thì đi đường thẳng, đừng đi đường vòng qua rừng mà chó sói ăn thịt con đấy. Trên đường đi, cô thấy đường vòng qua rừng có nhiều hoa, nhiều bướm, không nghe lời mẹ dặn, cô tung tăng đi theo đường đó. Đi được một quãng thì gặp Sóc, Sóc nhắc:
– Cô bé quàng khăn đỏ ơi, lúc nãy tôi nghe mẹ cô dặn đi đường thẳng, đừng đi đường vòng cơ mà. Sao cô lại đi đường này?
Cô bé không trả lời Sóc. Cô cứ đi theo đường vòng qua rừng. Vừa đi, cô vừa hái hoa, bắt bướm. Vào đến cửa rừng thì cô gặp chó sói. Con chó sói rất to đến trước mặt cô. Nó cất giọng ồm ồm hỏi:
– Này, cô bé đi đâu thế?
Nghe chó sói hỏi, cô bé quàng khăn đỏ sợ lắm, nhưng cũng đành bạo dạn trả lời:
– Tôi đi sang nhà bà ngoại tôi.
Nghe cô bé nói đi sang bà ngoại, chó sói nghĩ bụng: À, thì ra nó lại còn có bà ngoại nữa, thế thì mình phải ăn thịt cả hai bà cháu. Nghĩ vậy nên chó sói lại hỏi:
– Nhà bà ngoại cô ở đâu?
– Ở bên kia khu rừng. Cái nhà có ống khói đấy, cứ đẩy cửa là vào được ngay.
Nghe xong, chó sói bỏ cô bé quàng khăn đỏ ở đấy rồi chạy một mạch đến nhà bà ngoại cô bé. Nó đẩy cửa vào vồ lấy bà cụ rồi nuốt chửng ngay vào bụng. Xong xuôi, nó lên giường nằm đắp chăn giả là bà ngoại ốm.
Lúc cô bé quàng khăn đỏ đến, cô thấy chó sói đắp chăn nằm trên giường, cô tưởng “bà ngoại” bị ốm thật, cô hỏi:
– Bà ơi! Bà ốm đã lâu chưa?
Sói không đáp giả vờ rên hừ… hừ…
– Bà ơi, mẹ cháu bảo mang bánh sang biếu bà.
– Thế à, thế thì bà cám ơn cháu và mẹ cháu. Cháu ngoan quá. Cháu lại đây với bà.
Cô bé quàng khăn đỏ chạy ngay đến cạnh giường, nhưng cô ngạc nhiên lùi lại hỏi;
– Bà ơi! Sao hôm nay tai bà dài thế?
– Tai bà dài để bà nghe cháu nói được rõ hơn. Chó sói đáp
– Thế còn mắt bà, sao hôm nay mắt bà to thế?
– Mắt bà to để bà nhìn cháu được rõ hơn.
Chưa tin, cô bé quàng khăn đỏ lại hỏi:
– Thế còn mồm bà, sao hôm nay mồm bà to thế?
– Mồm bà to để bà ăn thịt cháu đấy.
Sói nói xong liền nhảy ra khỏi giường, nuốt chửng em bé Khăn Đỏ đáng thương.
Sói đã no nê lại nằm xuống giường ngủ ngáy o o. May sao, lúc đó bác thợ săn đi ngang thấy thế. Bác giơ súng lên định bắn. Nhưng bác chợt nghĩ ra là chắc sói đã ăn thịt bà lão, và tuy vậy vẫn còn có cơ cứu bà. Bác nghĩ không nên bắn mà nên lấy kéo rạch bụng con sói đang ngủ ra. Vừa rạch được vài mũi thì thấy chiếc khăn quàng đỏ chóe, rạch được vài mũi nữa thì cô bé nhảy ra kêu:
– Trời ơi! Cháu sợ quá! Trong bụng sói, tối đen như mực. Bà lão cũng còn sống chui ra, thở hổn hển. Khăn đỏ vội đi nhặt đá to nhét đầy bụng sói. Sói tỉnh giấc muốn nhảy lên, nhưng đá nặng quá, nó ngã khuỵu xuống, lăn ra chết.
Từ dạo ấy, cô bé quàng khăn đỏ không bao giờ dám làm sai lời mẹ dặn.
Truyện cổ tích về sử tử và chuột
Một hôm, một con Sư Tử rất to đi kiếm mồi trên bãi đất hoang. Ðói quá nhưng nó chẳng kiếm được con vật nào để ăn thịt, chỉ thấy vài con sâu và ít rễ cây. Nó thầm nghĩ: “Ta mà ăn sâu bọ ư? Ta là Chúa của muôn loài, khỏe nhất và hung dữ nhất kia mà! Còn rễ cây ư? Ta đâu phải con bò chuyên ăn cỏ!”
Tức giận quá, Sư Tử gầm lên.
Bất chợt, một chú Chuột Nhắt chạy ngang qua. Sư Tử liền túm lấy đuôi Chuột Nhắt, há miệng định nuốt. Chuột Nhắt kêu lên:
– Khoan đã, ông Sư Tử!
– Tại sao?
– Tôi bé xíu thế này, ông ăn chỉ dính mép. Với lại ông ăn thịt tôi rồi thì tôi còn có thể làm gì giúp ông được nữa? Vì vậy ông hãy nghĩ xem có nên ăn thịt tôi không?
Sư Tử suy nghĩ một hồi rồi hỏi:
– Mày bé nhỏ và yếu đuối thế này, làm gì giúp ta được?
Chuột Nhắt đáp:
– Chưa biết chừng! Ông hãy tha cho tôi đi rồi có ngày tôi sẽ giúp được ông.
Sư Tử nghe xuôi tai bèn buông Chuột Nhắt xuống, bảo:
– Thôi được, ta tha cho mày! Bước!
Hôm sau, khi đi săn mồi Sư Tử bị sa vào tấm lưới bẫy của thợ săn. Nó cố hết sức vùng vẫy nhưng không sao thoát ra được. Sư Tử tuyệt vọng nghĩ: “Con người sẽ đến và giết ta mất!”
Vừa đúng lúc đó, Chuột Nhắt chạy đến, dùng bộ răng bé xíu và nhọn hoắt cắn đứt các mắt lưới, tạo thành một lỗ hổng lớn. Thế là Sư Tử thoát ra được.
Sư Tử cảm kích Chuột Nhắt:
– Ta tuy to lớn như vậy mà cũng vẫn có lúc cần những kẻ bé hơn mình. Ta cảm ơn Chuột Nhắt.
Chuyện cổ tích cho bé về con Chim sâu
Ở nơi bìa rừng, có một gia đình chim sâu sống rất vui vẻ bên nhau. Gia đình chim có 3 thành viên là chim bố, chim mẹ và cô bé chim sâu xinh xắn.
Một hôm chị chim sẻ bay ngang, nhìn thấy chim sâu chị trầm trồ khen ngợi:
– Ôi chim sâu bé, em thật là dễ thương, bộ lông của em đẹp quá.
Nghe thấy thế, chim sâu thấy rất thích. Cô bé chạy ngay vào nhà soi gương và tủm tỉm cười.
Từ hôm đó, cô bé chim sâu suốt ngày chỉ lo chải chuốt, không chịu theo bố mẹ đi tìm thức ăn và làm việc nhà. Cô bé sợ những công việc ấy làm vấy bẩn bộ lông xinh đẹp của mình. Do được cô bé chăm chút kỹ nên bộ lông chim sâu ngày càng đẹp và óng mượt hơn.
Vì thế, mỗi khi cô bé chim sâu xuất hiện, các loài chim khác đều xuýt xoa khen ngợi bộ lông óng mượt ấy. Điều này càng khiến chim sâu kiêu ngạo và hay lên tiếng chê bai kẻ khác. Đặc biệt là bồ câu, người bạn thân của cô bé cũng không thoát khỏi những lời chê hợm hĩnh của chim sâu.
– Cậu càng ngày càng xấu thế, sẽ không có ai chơi với cậu đâu.
Nghe bạn chê mình, bồ câu không nói gì mà buồn bã bay đi nơi khác.
Càng ngày chim sâu càng kiêu căng. Do nghĩ rằng bộ lông của mình là đẹp nhất, nên gặp ai cô bé cũng không ngớt lời dè bỉu. Vì vậy mà dần dần không còn ai thích chơi với chim sâu nữa. Mỗi lần chim sâu sà xuống ngỏ ý muốn chơi cùng thì các bạn đều bay đi mất, bỏ mặc nó lại một mình. Vài lần như thế, chim sâu nhận ra không có bạn sẽ buồn như thế nào. Cô bé buồn lắm, bay về nhà và kể hết mọi chuyện cho mẹ nghe.
Sau khi lắng nghe cô bé kể, mẹ chim sâu mới nhỏ nhẹ khuyên rằng:
– Đó là do con đã quá kiêu căng, hết chê bạn này đến chê bạn khác. Ai cũng có ưu điểm của mình cả, con và các bạn con đều rất đẹp. Con hãy đến nhà các bạn để xin lỗi đi nhé, nhất là bồ câu – bạn thân của con đấy.
Nghe lời mẹ, chim sâu đã đến nhà từng bạn để xin lỗi. Thấy chim sâu thật lòng, các bạn cũng không giận nữa. Cả bọn cùng nhau vui vẻ bay lên bầu trời xanh.
Chuyện kể về con Dê con, cho sói, Hươu và thỏ nâu
Dê mẹ bị ốm nặng phải nằm ở nhà liền gọi Dê con đến và bảo:– Hôm nay con chịu khó đi kiếm thức ăn nhé! Nhưng con phải cẩn thận kẻo gặp Chó Sói đấy! Chó Sói có….Chưa nghe mẹ nói hết câu, Dê con nhanh nhảu đáp:– Mẹ cứ yên tâm! Con biết mặt Chó Sói rồi mà!
Nói rồi, Dê con chào mẹ rồi chạy vào rừng. Dê con gặp một con vật có hai cành cây khô trên đầu. Dê con nghĩ: “Chắc đây là Chó Sói rồi!” và quay đầu bỏ chạy. Nhưng con vật đó cười và nói:
– Này Dê con , tờ là Hươu đây… Có gì mà bạn hốt hoảng thế?Dê con đã nghe mẹ kể về bạn Hươu hiền lành, tốt bụng, hay giúp đỡ mọi người nên nó dừng lại và nói:– Thế bạn là Hươu à?-ừ! Bạn vào rừng một mình phải coi chừng gặp Chó Sói nhé! Chó Sói có cái đuôi dài xù lông và hàm răng…Dê con chẳng đợi bạn Hươu nói hết câu đã đáp:– Tờ biết rồi!Nói xong, Dê con đi tiếp vào rừng. Dê con ngẩng đầu nhìn lên cây và thấy một con vật có cái đuôi xù lông. Dê con hoảng sợ vừa hét lên vừa bỏ chạy:– Mẹ ơi! Chó Sói!Con vật ở trên cây bèn gọi:
– Dê con ơi! Tôi không phải là Chó Sói đâu, tôi là sóc đây. Chó sói có móng vuốt…Chẳng đợi Sóc nói xong. Dê con đáp:– Tôi biết rồi!Và nó chạy tót đi. Được một quãng. Dê con gặp một con vật có bộ lông màu xám. Con vật cất giọng ôn tồn:– Chào cháu Dê con! Bác có quà cho cháu, lại đây với bác nào!Dê con nghe nói được cho quà thì thích lắm liền tiến lại gần. Chợt cô Thỏ Nâu đi ngang qua thấy vậy liền gọi to: Dê con ơi! Chó Sói đấy! Chạy mau!Dê con hốt hoảng cahỵ thục mạng. Ngoảnh lại đằng sau, Dê con thấy Chó Sói đang đuổi theo. Đang lúc nguy cấp thì cô Thỏ Nâu chạy ngang qua mặt Chó Sói, Chó Sói liền đuổi theo cô Thỏ Nâu.
Thừa cơ, Dê con chạy vội về nhà. Cô Thỏ Nâu nhanh trí chui vào trong một hốc cây, Chó Sói` đành tiu nghỉu bỏ đi.Dê mẹ thấy Dê con chạy về liền hỏi:– Có chuyện gì vậy hả con?
– Con vẫn chưa kiếm được cái gì ăn nên bụng đói meo. Nhưng con đã gặp bạn Hươu, bạn sóc, cô Thỏ Nâu và cả lão Chó Sói hung ác đấy!– Vậy à? và còn gì nữa nào?– Từ nay trở đi, con sẽ lắng nghe lời chỉ bảo của mọi người và chẳng dám nói “Biết rồi” nữa đâu mẹ ạ!
Chuyện cổ tích về con cóc cậu ông trời
Ngày xưa, khi loài vật còn biết nói, có một năm trời hạn hán lớn. Nắng chiếu gay gắt xuống những cánh đồng khô nứt nẻ. Ao hồ cạn nước dần. Cây cỏ khô héo, vàng úa hết.
Người và vật không còn thức ăn, nước uống. Ðã nhiều tháng, loài người cũng như loài vật cầu xin trời mưa để có nước uống, làm mùa, nhưng hình như ông trời kkông nghe thấy.
Lúc đó bọn cóc sống trong hang đã lâu, không có nước uống bèn rủ bọn cua đồng, quyết định kéo lên tìm ông trời để hỏi cho ra lẽ. Khi đi ngang khu rừng gặp một đàn cọp, mắt lờ đờ đang nằm thở hổn hển. Cọp hỏi:
– Trời nắng chang chang mà các anh đi đâu rầm rộ như thế?
Lũ cóc và cua hậm hực đáp:
– Ông trời nắng gần một năm nay, loài cóc, loài cua chúng tôi gần chết khát trong hang, kêu khản cổ mà ổng không chịu mưa. Chúng tôi phải tìm gặp tận ổng để kêu nài, không thì chết hết.
Bọn cọp mừng rỡ kêu lên:
– Vậy các anh cho chúng tôi đi theo, loài cọp chúng tôi không khá gì hơn, khát nước đứng lên không nổi, đến như lũ thỏ, lũ chồn trêu ghẹo trước mặt mà không làm gì được chúng. Tức chết được!
Ði được một đoạn đường nữa thì lũ cóc, cua và cọp chiêu mộ thêm một đàn ong vò vẻ nhập bọn. Tất cả rầm rộ kéo lên cửa trời để kêu nài. Ðến nơi, cóc phân công: Cua và ong thì nấp vào hàng cột phía trước đại sảnh. Còn lũ cóc sẽ được đàn cọp hộ tống vào gặp ông trời. Nếu thương thuyết bất thành xảy ra sự đánh nhau thì khi cóc nghiến răng đàn ong và cua tràn ra tiếp ứng.
Trời nghe tiếng kêu nài ồn ào ngoài cổng, cho là bọn vật nổi loạn, liền sai thiên lôi ra đánh dẹp. Ðàn cọp nhào ra đánh nhau với thiên lôi rất dữ dội. Bọn cóc đồng thanh nghiến răng trèo trẹo. Nghe mật lệnh, cua và ong tràn ra tiếp ứng. Cua nhào vô kẹp, còn ong thì phóng kim chích tới tấp. Ðội thiên lôi của nhà trời đánh không lại phải xin hòa và trời thỏa mãn yêu cầu của bọn cóc.
Từ đó về sau, cứ mỗi lần cóc nghiến răng là trời cho mưa xuống. Vì vậy người ta cho rằng con cóc là cậu ông trời.
Chuyện về con ếch: Hoàng tử ếch
Ngày xửa ngày xưa, có một ông vua có mấy cô con gái rất xinh đẹp. Trong đó cô con gái út là người đẹp nhất. Một hôm khi công chúa út đang chơi quả cầu vàng ở hồ nước, không may quả cầu vàng rơi xuống hồ. Công chúa rất buồn và khóc.
Bỗng nhiên nàng nghe thấy tiếng người nói to: “Công chúa, nàng khóc như vậy đến hòn đá nghe thấy cũng phải đau lòng.” Nàng công chúa nhìn khắp nơi chẳng thấy ai mà chỉ thấy một chú ếch xanh đang thò cái đầu rất to lên. Hóa ra, tiếng nói đó chính là của ếch xanh.
Công chúa út nói với Ếch Xanh: “Quả cầu vàng của ta rơi xuống hồ nước mất rồi.”
Ếch Xanh nói: “Nếu ta giúp nàng tìm được quả cầu vàng, nàng cảm ơn ta thế nào?” Ếch Xanh nói tiếp: “Tôi chỉ muốn nàng thích tôi, cho phép tôi được làm người bạn tốt của nàng. Chúng ta cùng nhau vui đùa, cùng nhau ăn cơm trên bàn, cùng nhau ngủ trên chiếc giường ấm áp của nàng. Nếu nàng đồng ý, ta sẽ lập tức mò quả cầu vàng lên cho nàng.” Nàng út đồng ý nhưng trong bụng nghĩ: “Con ếch làm sao có thể làm bạn tốt cùng ta được?”
Ếch Xanh lặn xuống hồ nước, trong chốc lát đã ôm quả cầu vàng nổi lên mặt nước. Nàng công chúa út vui mừng nhận lấy quả cầu và co cẳng chạy mất.
“Đừng chạy! Đừng chạy! Ếch Xanh khản cổ gọi, nhưng không thấy bóng dáng nàng công chúa út đâu nữa.
Hôm sau, Ếch Xanh đến trước cửa cung điện của nhà vua và kêu lớn: “Nhanh mở cửa ra!”
Nhà vua hỏi: “Ai đấy?” Nàng công chúa út liền kể lại chuyện hôm trước cho nhà vua nghe. Nhà vua nói với con gái: “Con không nên nói lời mà không giữ lời, cho phép nó vào!” Nàng công chúa đành phải ra mở cửa. Ếch xanh nhảy vào cửa và nói: “Chúng ta cùng nhau ăn cơm đi!”
Ếch Xanh ăn uống một cách say sưa, ngon lành. Còn công chúa út không ăn được một chút nào. Cuối cùng Ếch Xanh nói: “Tôi ăn no rồi, nàng hãy ôm tôi vào phòng ngủ của nàng đi!” Nàng công chúa rất tức giận, bắt Ếch Xanh ném qua bờ tường và nói to: “Bây giờ nhà ngươi muốn ngủ thì ngủ đi!” Ai ngờ Ếch xanh vừa rơi xuống đất, nó biến thành một chàng hoàng tử khôi ngô tuấn tú, hai mắt rất sáng, miệng cười rất tươi.
Khi đó hoàng tử mới nói cho nàng út biết nguyên nhân của sự việc. Số là chàng bị một mụ phù thủy độc ác thử ma thuật, ngoài nàng ra, không ai có thể cứu chàng thoát khỏi hồ nước.
Hôm sau, một cỗ xe tám ngựa đã dừng trước cổng cung điện, trên đầu ngựa đều gắn những chiếc lông màu trắng. Trên lưng ngựa chở đầy gấm vóc và đồ trang sức. Hoàng tử và công chúa út từ biệt nhà vua, ngồi lên xe ngựa trở về vương quốc của hoàng tử. Từ đó hoàng tử Êch Xanh và nàng công chúa út cùng nhau sống một cuộc đời hạnh phúc.
Chuyện về anh cá sấu và chị gà mái
Ngày xửa ngày xưa, ở một nước xa xôi kia, có một chị Gà Mái.
Một hôm chị ta định đi thăm bạn bên kia sông, nhưng bọn cá sấu dưới sông luôn rình mò ăn tất cả những con gà nảo lảng vảng ở bờ nước. Sợ bị ăn thịt, các chị gà mái thường phải đi loanh quanh thật xa để tránh đến gần sông. Chị Gà Mái này lại vội nên chị ta quyết định theo con đường ngắn nhất. Ðó là con đường đi men theo bờ sông.
Ngay khi Gà Mái đến bờ nước, một con cá sấu to tướng nhảy lên và lấy hàm răng nhọn vồ chị ta. Cá Sấu sắp nuốt thì Gà Mái kêu lên:
– Ðừng ăn thịt em, ông anh ơi!
Anh Cá Sấu để cho Gà Mái đi, nhưng bụng vẫn băn khoăn: “Tại sao con vật này lại gọi mình là anh nhỉ? Ta có phải là gà trống đâu kia chứ!”
Hôm sau Gà Mái từ nhà bạn trở về. Cá Sấu lại vồ lấy chị ta. Nó sắp sửa nhai thì lại nghe thấy Gà Mái nói:
– Anh trai của em! Ðể cho em được yên nào.
Cá Sấu bèn hỏi:
– À, rốt cục ta hỏi nhà chị, tại sao chị lại gọi ta là “anh”?
Gà Mái đáp:
– Vì anh cũng nở ra từ trứng, giống như chúng em.
Cá Sấu gật gù:
– Bây giờ ta hiểu rồi!
Từ đó trở đi, các chị gà mái qua lại bờ sông bình yên, không bao giờ bị cá sấu ăn thịt. Là họ hàng, ai lại ăn thịt nhau chứ?
Chuyện cổ tích về con cáo, gà trống, thỏ
Câu chuyện về chú thỏ bị cáo cướp nhà.
Ngày xửa ngày xưa, trong khu rừng nọ, có một con Cáo và một con Thỏ. Cáo có một ngôi nhà bằng băng, còn Thỏ có một ngôi nhà bằng gỗ. Mùa xuân đến, nhà Cáo tan ra thành nước, Cáo xin sang nhà Thỏ sưởi nhờ rồi đuổi luôn Thỏ ra ngoài.Thỏ vừa đi vừa khóc. Một lát sau Thỏ gặp bầy Chó.
Bầy Chó hỏi Thỏ:
– Tại sao Thỏ khóc?
– Làm sao mà tôi không khóc được. Tôi có một ngôi nhà bằng gỗ, còn Cáo, Cáo có một ngôi nhà bằng băng. Mùa xuân đến nhà Cáo tan ra thành nước, Cáo xin sang nhà tôi sưởi nhờ rồi đuổi luôn tôi ra khỏi nhà.
– Thỏ ơi, đừng khóc nữa!
Bầy Chó an ủi Thỏ.
– Chúng tôi sẽ đuổi được Cáo đi.
Bầy Chó cùng Thỏ đi về nhà Thỏ. Bầy Chó nói:
– Gâu! Gâu! Gâu! Cáo cút mau!
Cáo ngồi trên bệ lò sưởi nói vọng ra:
– Ta mà nhảy ra thì chúng mày tan xác!
Bầy Chó sợ quá chạy mất.
Thỏ lại ngồi dưới bụi cây và khóc. Một con Gấu đi qua, Gấu hỏi:
– Tại sao Thỏ khóc?
– Làm sao mà tôi không khóc được. Tôi có một ngôi nhà bằng gỗ, còn Cáo, Cáo có một ngôi nhà bằng băng. Mùa xuân đến nhà Cáo tan ra thành nước, Cáo xin sang nhà tôi sưởi nhờ rồi đuổi luôn tôi ra khỏi nhà.
– Thỏ ơi! Thỏ đừng khóc nữa! Ta sẽ đuổi được Cáo đi!
– Không, Bác Gấu ơi, Bác không đuổi được đâu. Chó đuổi mãi không được thì bác đuổi làm sao được!
– Đuổi được chứ!
Gấu nói giọng cương quyết. Gấu và Thỏ về đến nhà Thỏ, Gấu gầm lên:
– Cáo, cút ngay!
Cáo ngồi trên bệ lò sưởi nói vọng ra:
– Ta mà nhảy ra thì chúng mày tan xác!
Gấu sợ quá chạy mất.
Thỏ trở lại ngồi dưới bụi cây và khóc. Một con gà Trống mào đỏ đi qua, vai vác một cái hái. Gà Trống thấy Thỏ khóc bèn hỏi:
– Tại sao Thỏ khóc?
– Làm sao tôi không khóc được. Tôi có một ngôi nhà bằng gỗ, còn Cáo có một ngôi nhà bằng băng. Mùa xuân đến nhà Cáo tan ra thành nước, Cáo xin sang nhà tôi sưởi nhờ rồi đuổi luôn tôi ra khỏi nhà.
– Ta về nhà đi, tôi sẽ đuổi được Cáo thôi.
– Không! Anh không đuổi được đâu. Chó đuổi mãi không được, Gấu đuổi mãi không xong thì anh đuổi làm sao được!
– Thế mà tôi đuổi được đấy, nào đi!
Gà Trống và Thỏ cùng về nhà Thỏ. Gà Trống cất tiếng hát:
– Cúc cù cu cu.
Ta vác hái trên vai
Đi tìm Cáo gian ác
Cáo ở đâu ra ngay!
Cáo sợ quá bảo:
– Tôi đang mặc quần áo ạ!
Gà Trống lại hát:
– Cúc cù cu cu.
Ta vác hái trên vai
Đi tìm Cáo gian ác
Cáo ở đâu ra ngay!
Cáo nói:
Cho tôi mặc áo bông đã!
Lần này thì gà quát lên:
– Cúc cù cu cu.
Ta vác hái trên vai
Đi tìm Cáo gian ác
Cáo ở đâu ra ngay!
Cáo từ trong nhà gỗ nhảy vọt ra, chạy biến vào trong rừng. Từ đó, Thỏ lại được sống trong ngôi nhà của mình.
Chuyện cổ tích về con chó
Ngày xưa, có một ông già giàu nhất làng. Tiền bạc của ông kiếm được phần nhiều là do những món nợ ăn lời quá vốn, hoặc những âm mưu cướp giật ruộng đất, nhà cửa của dân lành. Càng có nhiều tiền lão càng cay nghiệt. Không bao giờ lão chịu bố thí, cứu giúp cho chòm xóm. Lúc nào lão cũng lăm lăm kiếm nhiều tiền hơn nữa để trở thành phú hộ ăn trên ngồi trước thiên hạ.
Lão có nuôi một con chó mực, lão thương con chó còn hơn con ruột. Lão cho con chó ăn ngon như lão, cho ngủ trên giường và chăm sóc kỹ lưỡng. Lão thường ao ước:
– Giá như con mực này biết nói tiếng người thì ta sẽ trở thành một người nổi tiếng nhất làng. Ta sẽ làm tiền thiên hạ mỗi khi ai muốn nghe nó nóị Và nhờ vậy mà ta sẽ có nhiều tiền, ta sẽ ăn trên ngồi trước ngườị
Một anh đầy tới biết ý muốn của lão chủ, nghĩ kế làm tiền chủ cho bỏ ghét. Anh lựa lúc chủ vui mà nói rằng:
– Thưa ông chủ, tôi biết một vị tu sĩ trong núi có phép dạy chó nói tiếng người. Nếu ông cho tôi dắt chú mực đi học, chắc chắn trong ba tháng sẽ nói được như tôi.
Lão già khoái quá hỏi giá bao nhiêu. Anh đầy tới tính phỏng lối năm nén bạc. Lão liền đưa cho anh năm nén bạc và một nén làm lộ phí.
Anh đầy tới dắt chó ra đi. Anh không đi vào núi mà lại đưa chó về nhà cha mẹ mình ở cách đó khá xạ Anh giao chó cho cha mẹ nuôi và trăm năm nén bạc, nhờ cha mẹ mua ruộng cho anh. Ở chơi vài ngày rồi anh trở lại nhà chủ, thưa rằng:
– Ông tu sĩ nhận tiền và hứa sẽ dạy chú mực biết nói trong hai tháng. Ông ta đòi thêm ba nén bạc nữa về lớp dạy gấp rút nàỵ
Lão già bằng lòng lắm, hy vọng sẽ có con vật đặc biệt nhất làng. Lão đi khoe khắp nơi và hăm rằng kẻ nào khinh khi lão sẽ bị chó chửi thay lão.
Thời gian trôi qua, đến ngày hẹn, lão trao ba nén bạc nữa cho anh đầy tới và cho thêm hai nén đi đường. Anh chàng khôn ranh ôm bạc về nhà nhờ cha mẹ cất, chờ anh về cưới vợ. Anh gọi con chó lại vuốt đầu tỉ vẻ cám ơn nó. Vài hôm sau anh trở lại nhà chủ một mình.
Lão già ngạc nhiên thấy không có con chó, lật đật hỏi:
– Chó mực đâu? Chó mực đâu? Sao mày lại về một mình?
Anh làm bộ âu sầu kể lại rằng:
– Thưa ông chủ, tôi không ngờ chú mực lại vô ơn bội nghĩa đến thế. Ông tu sĩ đã dạy nó nói được tiếng người đàng hoàng như tôi, vừa thấy tôi là chú kêu tên tôi ngaỵ Tôi hỏi thăm sức khỏe của chú để thử tài ông thầy, thì chú trả lời ron rót y như tôi nói chuyện với ông chủ vậỵ Chú nói rằng: “Tôi về nhà rồi chủ tôi sẽ biết. Tôi sẽ kể hết tội ông chủ làm lâu nay, như cho vay lấy lời cắt cổ, gạt người ta lấy của, kiện cáo đoạt nhà, cướp ruộng thiên hạ, lo lót quan trên, hãm hại dân lành. Tôi sẽ tố cáo ông chủ trước mặt quan phủ để ngài bắt lão chủ bỏ tù, tịch thu tài sản mới được…”.
Thưa ông chủ chú còn nói nữa, nhưng tôi không dám thuật hết cho ông chủ nghe, tóm lại chú biết hết các chuyện ám muội của ông chủ và nhất định cho ông chủ vào tù. Tức quá tôi lấy búa chém đứt đầu nó rồi.
Lão già toát mồ hôi hột. Lão đâm lo vì tội ác rành rành như thế, nếu con chó nói hết thì lão không tránh khỏi tai họạ Lãm cảm ơn anh đầy tớ đã giúp lão giết con vật “chó chết” và cứu lão thoát nạn. Lão cho anh ba nén bạc gọi là thưởng công anh.
Từ đó lão bớt dần tính ác độc và bủn xỉn, lão sợ những con vật rồi đây sẽ biết nói và sẽ không bỏ qua những việc làm có tội của lão.
Còn anh đầy tới, anh xin nghỉ làm ở nhà chủ, anh về nhà với cha mẹ lo làm ruộng, rồi anh cưới vợ, cất nhà riêng. Anh nuôi con chó mực như các con chó khác, và nó cũng chỉ “biết nói” gâu gâu mà thôi.
Chuyện cổ tích cho bé về con mèo và chuột
Đời xưa, chuột vốn là một giống linh thiêng ở trên Trời. Trời giao cho nó giữ chìa khóa kho lúa của Trời. Nhưng chuột không phải là một loài đáng tin cẩn, nhận được giữ chìa khóa, cứ tự do đến mở kho rủ nhau vào ăn rả rích hết bao nhiêu là lúa.
Sau Trời biết, lấy làm giận lắm, mới không cho ở trên ấy nữa, mà đuổi xuống dưới hạ giới để sai giữ chìa khóa lẫm thóc của nhân gian.
Nhưng chứng nào tật ấy, chuột lại rủ nhau vào lẫm thóc của người rả rích ăn no nê. Đến nỗi người phải có câu than rằng:
“Chuột kia xưa ở nơi nào ?Bây giờ ăn lúa nhà tao thế này ?”
Người lấy làm chua xót, mới kêu với vua Bếp. Vua Bếp liền bắt nó đem lên trả Trời và tâu rằng:
– Chuột này vốn chuột của Thiên Đình, sao Thiên Đình lại thả nó xuống hạ giới ?
Trời nói:
– Ừ, trước nó ở trên này giữ chìa khoá kho thóc cho ta. Nhưng bởi nó ăn vụng lúa của ta nhiều lắm nên ta không cho nó ở trên này, ta đuổi nó xuống hạ giới cho nó giữ lúa ở dưới ấy.
Vua Bếp tâu:
– Nó xuống dưới ấy nó lại ăn vụng lúa hại lắm. Bẩm,chúng con thiết nghĩ: lúa của Trời nhiều, lúa của người ít, của Trời nó ăn không hết chớ của người nó cứ ăn mãi, thì có ngày hết cả, người đến chết đói mất. Vậy xin bây giờ lại cho nó lên trên Trời là phải.
Trời nghe tâu, phán rằng:
– Không được. Ta đã đuổi nó đi cho xa, ta không thể cho nó lại lên đây nữa. Thôi bây giờ có một cách: Ta có một con mèo, ta cho chú đem xuống hạ giới để khi nào chuột nó ăn lúa của nhân gian thì thả mèo ra cho nó bắt chuột, rồi gầm gừ ăn chuột đi, còn khi nào nó không muốn bắt chuột, thì chú bảo con mèo cứ kêu với con chuột rằng: “Nghèo, nghèo, nghèo”, thì chuột nó cũng sợ mà nó phải bỏ đi.
Vua Bếp lạy tạ, rồi lại đem chuột và cả mèo xuống hạ giới. Rồi cứ theo như lời dạy mà làm.
Thành thử bây giờ khi nào mèo rình bắt được chuột, rồi mèo cứ “gầm gừ, gầm gừ” và khi nào không bắt được chuột thì mèo ngồi kêu: “nghèo, nghèo, nghèo, nghèo”…
Nhưng lúc ấy, mèo ngồi nghĩ lại, mới lấy làm giận vua Bếp, vì tại vua Bếp mèo mới phải xuống dương gian. Nhưng không làm gì nổi vua Bếp, mèo chỉ còn cách thỉnh thoảng vào giữa đống tro bếp để phóng uế.
Trên đây là tổng hợp các câu truyện cổ tích kể cho bé về các con vật, hy vọng sẽ giúp các bố các mẹ thuận tiện trong việc kể chuyện cho bé nghe. Các câu chuyện được chúng tôi tổng hợp từ nhiều nguồn trên internet.
Từ khóa » Kể Chuyện Về Con Vật Nuôi Mà Em Yêu Thích
-
Kể Về Một Con Vật Nuôi Trong Nhà Mà Em Biết - Thủ Thuật
-
Hãy Kể Về Một Kỉ Niệm đáng Nhớ Của Em đối Với Một Con Vật Nuôi Mà ...
-
Em Hãy Kể Về Một Con Vật Nuôi Trong Nhà Mà Em Biết
-
Kể Về Một Con Vật Mà Em Yêu Thích Nhất ❤️️15 Bài Văn Hay
-
Hãy Kể Về 1 Kỉ Niệm đáng Nhớ đối Với 1 Con Vật Nuôi Mà Em Yêu Thích
-
Viết Về Một Vật Nuôi Mà Em Yêu Thích (4 Mẫu) - Tập Làm Văn Lớp 2
-
Kể Về Một Con Vật Nuôi Mà Em Yêu Thích
-
Văn Mẫu 8 Bài Viết Số 2 đề 1: Hãy Kể Một Kỉ Niệm đáng Nhớ đối Với ...
-
Hãy Kể Về Một Kỉ Niệm đáng Nhớ đối Với Một Con Vật Nuôi Mà Em Yêu ...
-
101 Truyện Cổ Tích Hay Và Ý Nghĩa Nhất Về Loài Vật
-
Hãy Kể Về Con Vật Nuôi Mà Em Yêu Quý - Tài Liệu - 123doc
-
Kể Chuyện Những Con Vật Nuôi Trong Gia đình Văn Học Lớp 2
-
Hãy Kể Một Kỷ Niệm đáng Nhơ Về Con Vật Nuôi Mà Em Yêu Thích