26 Thắc Mắc Thường Gặp Về Suy Tĩnh Mạch Mạn Chi Dưới
Có thể bạn quan tâm
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh, vì thế những người có các yếu tố nguy cơ của bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới cần chủ động tầm soát để phát hiện bệnh sớm, từ đó có biện pháp can thiệp phù hợp để ngăn bệnh tiến triển nặng thêm”, PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh TP.HCM khuyến nghị tại buổi tư vấn trực tuyến “Tiến bộ trong tầm soát & điều trị suy tĩnh mạch mạn chi dưới”.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), suy tĩnh mạch chi dưới là bệnh lý phổ biến, với hơn 60% người trưởng thành mắc phải căn bệnh này ở các nước phát triển, trong đó phần lớn là nữ giới.
Suy tĩnh mạch chi dưới cũng là bệnh lý có tỷ lệ mắc bệnh cao tại Việt Nam. Tuy nhiên, bệnh nhân chưa thực sự chú ý tới bệnh lý này và có tới 75% người bệnh đến khám khi tình trạng bệnh đã tiến triển nặng. Lúc này, bệnh không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn tiềm ẩn những biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
Tại buổi tư vấn trực tuyến diễn ra vào ngày 6/7/2022, các chuyên gia đến từ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã giải đáp những thắc mắc của độc giả về phương pháp tầm soát, chẩn đoán và điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Độc giả có thể xem lại chương trình tư vấn tại đây.
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, hệ tĩnh mạch bao gồm các mạch máu đưa máu từ ngoài xa về tim. Chúng ta có 2 hệ tĩnh mạch là tĩnh mạch nông và tĩnh mạch sâu. Cả hai hệ này đều vận hành qua trung gian của những van tĩnh mạch (gọi là tĩnh mạch xuyên). Khi một người bị bệnh suy tĩnh mạch chi dưới, tức là tĩnh mạch nông bị tổn thương, vì tĩnh mạch sâu thường chỉ gặp một vấn đề lớn là huyết khối. Tĩnh mạch chân bị suy dẫn đến mất dần chức năng đưa máu trở về tim, tạo áp lực lên thành tĩnh mạch và gây biến đổi trên bề mặt da.
ThS.BS Lê Thị Ngọc Hằng, Bác sĩ Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh TP.HCM giải thích, bệnh suy tĩnh mạch chi dưới tiến triển theo 6 cấp độ:
- C1: tĩnh mạch ở ngoài da giống như mạng lưới (còn gọi là dạng mạng nhện spider vein)
- C2: tĩnh mạch giãn to và ngoằn ngoèo, giống như con giun dưới da
- C3: phù ở phần thấp, thường tập trung ở mắt cá chân
- C4: thay đổi màu sắc da, khiến nhiều bệnh nhân nhầm lẫn với một số bệnh lý da liễu. Sự thay đổi màu sắc da thường tập trung ở mặt trong của mắt cá chân với biểu hiện thâm da, xơ bì, xơ cứng da, rối loạn dinh dưỡng…
- C5: loét da, dễ tiến triển nhưng mau lành
- C6: loét không lành, loét kéo dài và điều trị rất khó khăn
ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều, Trưởng khoa Nội tim mạch 1, Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh TP.HCM chia sẻ: “Bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới tuy không nguy hiểm tính mạng nhưng ảnh hưởng rất lớn tới thẩm mỹ cũng như gây nên những triệu chứng khó chịu cho người bệnh, chẳng hạn như đau chân, tê chân, dị cảm, vọp bẻ, phù, sạm da chân, hình thành huyết khối… Một số trường hợp nặng (C5, C6), người bệnh có thể bị loét chân. Lúc này, việc điều trị rất khó khăn và kéo dài. Cho nên, người bệnh cần tầm soát phát hiện và điều trị bệnh từ sớm, nếu để muộn phải điều trị lâu dài, tốn kém”.
TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch – Lồng ngực, Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh TP.HCM thông tin, có nhiều kỹ thuật để chẩn đoán bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới, một trong số đó là siêu âm. Bằng thiết bị siêu âm Doppler mạch máu hiện đại, bác sĩ có thể khảo sát tình trạng giãn của các tĩnh mạch nông cũng như tĩnh mạch sâu; đánh giá được đường đi của tĩnh mạch còn giữ nguyên đường thẳng hay trở nên ngoằn ngoèo. Ngoài ra với kỹ thuật siêu âm, bác sĩ có thể xác định được giai đoạn của bệnh, từ đó có biện pháp điều trị phù hợp”.
Dưới đây là phần giải đáp chi tiết của các chuyên gia về bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới được khán giả gửi về trong chương trình tư vấn trực tuyến.
1. Nguyên nhân suy tĩnh mạch chi dưới
Nguyên nhân nào gây suy tĩnh mạch chi dưới?
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh:
Một trong những nguyên nhân phổ biến gây suy tĩnh mạch chi dưới là đứng nhiều. Người làm nghề giáo viên, cảnh sát giao thông, tiếp viên hàng không, nhân viên bán hàng, thu ngân… là các nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh này. Ngoài ra, phụ nữ nếu mang thai thì thai nhi sẽ đè nặng lên tĩnh mạch, áp lực tĩnh mạch chân phía xa tăng lên cũng sẽ làm giãn tĩnh mạch. Bên cạnh đó còn có trường hợp bẩm sinh, có khi một bé trai mới 18 tuổi đã bị bệnh này. Trách nhiệm của người thầy thuốc là phải tìm nguyên nhân, sau đó phòng ngừa và điều trị cho người bệnh.
2. Cách làm chậm tiến triển bệnh suy tĩnh mạch chi dưới?
Có cách nào làm chậm tiến triển của bệnh suy tĩnh mạch chi dưới hay không?
ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều:
Để làm chậm tiến triển bệnh, trước tiên cần tầm soát định kỳ, nếu phát hiện người bệnh có suy tĩnh mạch thì bắt đầu tìm nguyên nhân. Các nguyên nhân gây bệnh bao gồm bất thường bẩm sinh, lối sống, cách sinh hoạt. Ngoài nhóm bất thường bẩm sinh, các nhóm nguyên nhân khác đều có thể khắc phục bằng cách hạn chế đứng/ngồi một chỗ quá lâu, hạn chế mang giày cao gót, tăng cường vận động, tránh thừa cân – béo phì… Trường hợp bệnh ở giai đoạn nặng thì cần theo dõi điều trị lâu dài, liên tục và sát sao để bệnh không tiến triển nặng thêm.
3. Phương pháp điều trị cho từng cấp độ bệnh
Cấp độ suy tĩnh mạch nào thì có thể điều trị nội khoa và đến cấp độ nào thì cần can thiệp thủ thuật?
ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều:
Ở cấp độ 1 có thể điều trị nội khoa (thay đổi lối sống, dùng thuốc và mang vớ tĩnh mạch). Từ cấp độ 2 trở đi mới tiến hành các thủ thuật (đốt sóng cao tần, laser hoặc keo sinh học Venaseal).
4. Phân biệt vết rạn da bình thường với vết rạn do suy tĩnh mạch?
Đợt trước em bị tăng cân đột ngột, vùng da chân xuất hiện các vệt màu đỏ giống vết rạn nhưng to và cộm lên, mọi người bảo vì tăng cân đột ngột nên mới bị, không cần lo lắng. Gần đây, các vệt bớt đỏ nhưng vẫn hơi cộm, em thấy khá giống triệu chứng suy tĩnh mạch chi dưới. Có cách nào phân biệt vết rạn da bình thường với vết rạn do suy tĩnh mạch không?
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh:
Vết rạn da bình thường hoàn toàn khác với dấu hiệu của suy tĩnh mạch mạn. Ở người bệnh suy tĩnh mạch mạn, đầu tiên sẽ xuất hiện những vết hình mạng lưới màu đỏ trên da, sau đó chúng giãn nhiều hơn, hình mạng lưới sâu hơn và đến giai đoạn C2 thì mạch máu phồng lên, nổi cộm dưới da.
Để xác định trường hợp của bạn có phải suy tĩnh mạch mạn không, bạn nên đi khám. Ngoài việc kiểm tra vết rạn, bác sĩ sẽ hỏi bạn có cảm giác nặng chân, phù chân không, nếu có thì phải xem phù buổi sáng hay buổi chiều nhiều.
Thông thường, những người bị suy tĩnh mạch sẽ phù nhiều vào buổi chiều. Ngoài ra, bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm mạch máu để xác định bạn có bị giãn tĩnh mạch không, các van còn tốt không, có trào ngược trở lại từ tĩnh mạch sâu trở qua tĩnh mạch nông không… từ đó xây dựng phác đồ điều trị phù hợp.
5. Suy tĩnh mạch uống thuốc có hết không?
Em 37 tuổi, làm công việc văn phòng hơn 10 năm nay. Em thường xuyên phải mang giày cao gót 10-12cm, lại ngồi gần như suốt 8 giờ/ngày. Gần đây hai chân em có dấu hiệu sưng, phù nhẹ, nổi mạch máu như mạng nhện màu xanh, tuy không nhiều nhưng nhìn rất mất thẩm mỹ. Em có thoa thuốc do người quen giới thiệu nhưng không thuyên giảm. Bệnh của em uống thuốc có hết không hay phải phẫu thuật?
ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều:
Nghề nghiệp của bạn phải đi giày cao gót, ngồi nhiều. Đây là hai yếu tố thuận lợi để đưa đến bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Hiện chân bạn đã xuất hiện những mạch máu nhỏ, chính là triệu chứng của bệnh này. Nếu kèm thêm phù chân nữa thì tức là bệnh đã chuyển sang giai đoạn C2 hoặc C3. Ở giai đoạn này, việc bôi thuốc hoàn toàn không có hiệu quả mà phải can thiệp bằng nhiều biện pháp khác như thay đổi lối sống, giảm hoặc tránh đi giày cao gót, vận động nhiều hơn, tránh đứng/ngồi lâu…
TS.BS Nguyễn Anh Dũng:
Nếu đặc thù công việc khiến bạn bắt buộc phải mang giày cao gót thì khi đi làm, bạn nên chuẩn bị hai đôi giày, một đôi cao gót nếu cần ra ngoài và một đôi đế thấp để di chuyển trong văn phòng. Cứ sau mỗi 1 giờ ngồi làm việc thì nên đứng lên đi lại khoảng 3 phút. Bên cạnh đó, cần áp dụng thêm các biện pháp như mang vớ áp lực nhằm hạn chế sự khó chịu và làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.
Với tình trạng bệnh hiện tại, bạn nên đi khám để bác sĩ đánh giá mức độ bệnh. Bác sĩ sẽ siêu âm để có thông tin về hình dạng cũng như kích thước mạch máu, huyết động của dòng trào ngược, từ đó đánh giá có cần can thiệp điều trị hay chưa.
6. Phòng ngừa và điều trị suy tĩnh mạch thai kỳ?
Chị gái em 41 tuổi, đang mang thai bé thứ 2 được 22 tuần. Khoảng 10 ngày nay chị bị sưng phù vùng cổ chân, mặt đùi sau nổi mạng nhện li ti màu xanh tím, tối ngủ cảm giác đau ê ẩm vùng bắp chân, kê cao chân thì đỡ. Em tìm hiểu thì được biết đây là những triệu chứng của bệnh suy tĩnh mạch thai kỳ. Bị suy giãn tĩnh mạch khi mang thai có nguy hiểm không? Chị em có cần điều trị không, hay chờ sinh em bé xong sẽ tự hết? Có cách nào hạn chế suy giãn tĩnh mạch chân khi mang thai không?
ThS.BS Lê Thị Ngọc Hằng:
Thai kỳ là một yếu tố nguy cơ quan trọng trong bệnh lý suy giãn tĩnh mạch, phần lớn là do thay đổi nội tiết trong thai kỳ và trọng lượng của thai nhi. Khi thai phát triển to sẽ chèn ép những tĩnh mạch ở vùng bụng, cản trở sự hồi lưu của mạch máu, tĩnh mạch về tim, gây nên suy tĩnh mạch thai kỳ.
Một điều khá may mắn là bệnh suy giãn tĩnh mạch thai kỳ không nguy hiểm. Sau sinh khoảng một năm, các tĩnh mạch giãn nở sẽ trở về bình thường. Bác sĩ chỉ can thiệp điều trị khi bệnh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của thai phụ cũng như gây ra cảm giác khó chịu, đau nhức. Biện pháp chủ yếu là điều trị bảo tồn, ví dụ như mang vớ áp lực, thay đổi lối sống, tập vật lý trị liệu hoặc tập những bài tập suy giãn tĩnh mạch chân nhẹ nhàng, tùy thuộc mức độ suy tĩnh mạch cũng như giai đoạn của thai kỳ.
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh:
Ngày xưa, phụ nữ sau khi sinh con thường nằm trên giường, dưới gầm giường để lò than. Việc này diễn ra trong 1-2 tháng và đây là một trong những nguyên nhân gây huyết khối tĩnh mạch. Nếu như hiện nay, phụ nữ sau sinh được khuyến khích đứng dậy đi lại sớm thì ngày xưa lại được khuyên nằm nhiều, khiến họ tăng nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch sâu. Chính những người bị huyết khối tĩnh mạch sâu này, khoảng 5 năm sau sẽ bị hư van tĩnh mạch, dẫn tới suy tĩnh mạch mạn chi dưới.
Vì thế, để hạn chế suy tĩnh mạch trong thai kỳ và sau sinh, phụ nữ cần năng vận động, không ngồi/nằm nhiều. Có như vậy máu mới lưu thông tốt, giảm thiểu rủi ro huyết khối tĩnh mạch.
7. Phải làm sao khi điều trị suy tĩnh mạch bằng thuốc không hết?
Tôi 51 tuổi, được chẩn đoán suy tĩnh mạch mạn chi dưới. Bác sĩ cho tôi uống thuốc ba tháng nhưng không hết. Vậy tôi nên tiếp tục uống thuốc theo toa hay đi khám lại để được đổi hướng điều trị?
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh:
Khi chữa suy giãn tĩnh mạch mạn chi dưới, thuốc không bao giờ là đủ. Cần kết hợp thuốc với thay đổi lối sống (đi lại nhiều, không đứng quá lâu, khi ngủ nên kê cao chân để máu dễ trở về tim) và mang vớ tĩnh mạch.
Bạn nên thay đổi theo hướng như chúng tôi tư vấn, song song với duy trì uống thuốc thì tôi nghĩ bệnh sẽ cải thiện. Nếu đã làm đúng như vậy mà tình trạng vẫn không khá lên, bạn nên đi khám lại để được chỉ định phương pháp điều trị khác.
8. Suy tĩnh mạch có điều trị khỏi hẳn được không?
Em 32 tuổi, bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Em không đứng nổi quá 5 phút, chân rất nặng, tối thì mỏi. Em đi khám thì bác sĩ cho uống thuốc nhưng chỉ đỡ khoảng 20%. Trường hợp của em có cách nào chữa khỏi hẳn được không?
ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều:
Bạn đã uống thuốc điều trị 3 tháng mà không đỡ, tôi nghĩ bạn cần can thiệp sâu hơn, chuyên khoa hơn thay vì chỉ uống thuốc. Bạn cần đến bệnh viện để thăm khám, đánh giá lại tình trạng bệnh, trên cơ sở đó bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
TS.BS Nguyễn Anh Dũng:
Về các phương pháp điều trị suy tĩnh mạch mạn chi dưới, với những trường hợp tĩnh mạch nhỏ như tĩnh mạch dạng lưới hoặc dạng mạng nhện, kích thước khoảng vài milimet thì có thể chích xơ. Nhưng nếu suy giãn tĩnh mạch đi kèm suy van, chắc chắn phải loại bỏ tĩnh mạch đó. Trước đây, bác sĩ phải mổ để lấy tĩnh mạch ra. Ngày nay, kỹ thuật hiện đại cho phép sử dụng sóng cao tần hoặc laser. Năng lượng phát ra dạng nhiệt sẽ làm xơ hóa toàn bộ tĩnh mạch bị bệnh, khiến chúng teo đi và không còn lộ trên da chân nữa.
Gần đây, y khoa có thêm những kỹ thuật mới, chẳng hạn như bơm keo trong lòng tĩnh mạch. Ở thủ thuật này, keo sẽ bám dính trong lòng tĩnh mạch, loại bỏ toàn bộ lòng mạch của tĩnh mạch bị bệnh.
Ở kỹ thuật sử dụng nhiệt để làm xơ hóa, bác sĩ phải chích thuốc tê xung quanh tĩnh mạch. Nhưng đối với kỹ thuật bơm keo trong lòng tĩnh mạch, bác sĩ chỉ cần chích tê tại chỗ đưa catheter hay ống thông vào lòng tĩnh mạch. Như vậy, kỹ thuật bơm keo hoàn toàn không tạo ra tổn thương nhiệt và không gây nên những tổn thương xung quanh tĩnh mạch. Ngoài ra khi bơm keo tĩnh mạch, người bệnh sẽ hồi phục rất nhanh và có thể đi lại sớm.
9. Có phải càng lớn tuổi càng bị suy tĩnh mạch chi dưới?
Suy tĩnh mạch chi dưới có liên quan đến tuổi tác không hay chỉ liên quan đến lối sống và đặc thù công việc?
ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều:
Bệnh này thường gặp ở phụ nữ, độ tuổi càng cao thì nguy cơ suy tĩnh mạch càng lớn. Điều đó có nghĩa là không chỉ liên quan tới thói quen và tình trạng sức khỏe, suy tĩnh mạch chi dưới còn ảnh hưởng bởi tuổi tác.
10. Người bị suy tĩnh mạch chi dưới nên tập các bài tập gì?
Em bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới thì có tập được các động tác giãn cơ, căng cơ chân hay không? Hiện tại, em đang tập những động tác yoga kéo chân mà không biết làm như vậy có khiến bệnh nặng lên không?
ThS.BS Lê Thị Ngọc Hằng:
Bạn hoàn toàn có thể tập yoga, nhưng lưu ý tránh các động tác dồn sức hoặc dồn lực xuống chân như đứng một chân, quỳ gối, gập gối, ngồi xếp bằng… Các động tác này gây cản trở sự hồi lưu của mạch máu về tim. Môn thể thao tốt nhất cho bạn là bơi lội vì khi bơi sẽ tăng sức cơ của bắp chân, đẩy máu về tim nhiều hơn. Bên cạnh đó còn có đi bộ nhanh, aerobic hoặc khiêu vũ. Tuy nhiên khi tập bất kỳ môn nào, bạn cũng nên mang vớ tĩnh mạch, và nên ngồi nghỉ kê cao chân sau mỗi 30 phút tập luyện rồi mới tiếp tục.
11. Phương pháp điều trị suy tĩnh mạch giai đoạn tiến triển?
Em bị giãn tĩnh mạch cả một bên chân từ bẹn xuống đùi, xuống cả mu bàn chân. Chân bị phù và xuất hiện các mạch máu to trông rất xấu, khiến em mất tự tin. Làm sao để cải thiện tình trạng này?
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh:
Tôi từng gặp một bệnh nhân 18 tuổi bị giãn tĩnh mạch một bên chân như bạn. Bạn ấy bị giãn rất lớn ở chân trái, lớn đến nỗi khiến bạn trở nên mặc cảm, không dám mặc quần ngắn nên luôn phải mặc quần dài. Sau khi thăm khám kỹ, tôi tìm ra nguyên nhân gây bệnh là do bạn ấy bị bệnh mạch máu bẩm sinh, mà bệnh đó thì không phẫu thuật được.
Như vậy, có nhiều trường hợp suy giãn tĩnh mạch chi dưới không thể phẫu thuật. Cho nên, tôi nghĩ bạn nên đến bệnh viện để bác sĩ khám và xác định nguyên nhân gây bệnh, từ đó mới có cách điều trị đúng đắn. Hy vọng trường hợp của bạn có thể chữa khỏi hoàn toàn, nếu không thì sẽ có cách để giảm nhẹ triệu chứng.
12. Đau nhức chân nghiêm trọng điều trị thế nào?
Em bị đau nhức chân và nóng ran bàn tay, bàn chân đến mức không ngủ được. Ngày nào chân cũng nóng ran, nặng trĩu, trời mưa thì càng đau, nặng nhất là ở vùng đùi, khuỷu chân, nhìn chân thấy nhiều mạch máu đỏ. Trường hợp của em uống thuốc và mang vớ có bớt không hay phải phẫu thuật?
ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều:
Triệu chứng bạn mô tả có thể gặp trong bệnh lý tĩnh mạch nhưng cũng có thể gặp ở nhiều bệnh lý khác. Giả sử bạn bị bệnh lý tĩnh mạch thì cần có những đánh giá sâu hơn như mức độ giãn tĩnh mạch, mức độ trào ngược hoặc mức suy tĩnh mạch, từ đó mới quyết định có cần phẫu thuật hay không. Bạn nên đi khám sớm để bác sĩ tư vấn cụ thể.
13. Mang vớ tĩnh mạch bị ngứa phải làm sao?
Tôi 54 tuổi, bị suy giãn tĩnh mạch ở chân phải mạn tính. Các tĩnh mạch gom lại thành búi như sợi dây thừng, từ sau đùi xuống dưới gối. Tôi mang vớ thường xuyên thì thấy không sao, nhưng gần đây mang vớ cao đến đùi thì bị ngứa. Tôi chỉ mang đến gối thì không ngứa nhưng lại mỏi chân. Vì sao lại có hiện tượng này? Bệnh của tôi nên điều trị như thế nào, có mất nhiều thời gian không?
TS.BS Nguyễn Anh Dũng:
Theo như mô tả, bệnh tĩnh mạch của bạn đã ở giai đoạn tương đối trễ, ít nhất là C2 trở lên. Đối với trường hợp này, bạn cần áp dụng các biện pháp điều trị can thiệp, bao gồm kỹ thuật dùng laser, sóng cao tần hoặc bơm keo tĩnh mạch để điều trị dứt điểm tình trạng van tĩnh mạch bị suy. Đối với những tĩnh mạch nổi ở phía sau đùi thì đây có thể là những nhánh nối các tĩnh mạch. Khi đó, cần tiến hành thêm những vết mổ nhỏ để loại bỏ các mạch giãn này. Sau phẫu thuật, bệnh nhân phải mang vớ tĩnh mạch khoảng vài tháng, sau đó áp dụng các biện pháp phòng ngừa để tình trạng suy tĩnh mạch không tiến triển nặng lên.
Về tình trạng đau chân khi mang vớ tĩnh mạch đến đùi thì nguyên nhân là do vớ tới đùi có cái đai bằng silicon. Đai này đa số người ta sản xuất cho người châu u, khi đeo họ ít bị dị ứng. Còn với người bệnh châu Á, đặc biệt là người Việt Nam thì rất nhiều trường hợp bị viêm da khi đeo đai silicon. Cho nên nếu bạn mang được vớ đến đùi thì rất tốt, còn không thì mang đến dưới đầu gối là đủ. Vì khi bạn mang vớ đến dưới gối là đã hỗ trợ tình trạng suy tĩnh mạch tương đối nhiều, giúp cải thiện các triệu chứng tê bì dưới vùng cẳng chân, cổ chân, mắt cá chân…
14. Đốt tĩnh mạch suy có cản đường máu trở về tim?
Mẹ em sắp phẫu thuật đốt laser giãn tĩnh mạch chân. Em thắc mắc nếu phẫu thuật loại bỏ hết các tĩnh mạch suy thì làm sao máu trở về tim được? Người bệnh sau đó có thể đi lại và sinh hoạt được bình thường hay không?
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh:
Cơ thể chúng ta có 2 hệ tĩnh mạch chạy song song nhau: tĩnh mạch sâu và tĩnh mạch nông. Giữa các con đỉa nhìn thấy ở chân chính là tĩnh mạch nông giãn ra. Giữa tĩnh mạch nông với tĩnh mạch sâu có những tĩnh mạch xuyên nối hai tĩnh mạch này. Tĩnh mạch sâu có rất nhiều van. Nhờ van này mà khi chúng ta đứng, máu trên cơ thể không chạy về phía xa được. Nếu vì lý do nào đó chúng ta bị huyết khối dẫn tới hư van, máu từ trên đổ xuống dưới sẽ khiến chân bị phù.
Giả sử mẹ bạn bị giãn tĩnh mạch giai đoạn C2 phải phẫu thuật, bác sĩ chỉ loại bỏ tĩnh mạch nông bị suy, hệ tĩnh mạch sâu vẫn còn nguyên, vì vậy không cản trở con đường lưu thông của máu.
15. Điều trị suy tĩnh mạch hiển lớn cần lưu ý gì?
Tôi 43 tuổi, bị suy tĩnh mạch hiển lớn hai bên. Liệu tình trạng của tôi còn cơ hội cải thiện không?
ThS.BS Lê Thị Ngọc Hằng:
Bệnh lý suy tĩnh mạch hoàn toàn có thể điều trị được, song đây là một quá trình điều trị lâu dài, thời gian tính bằng tháng, bằng năm chứ không phải bằng ngày. Cho nên, nó đòi hỏi sự kiên nhẫn của bệnh nhân và bệnh nhân phải đi đúng lộ trình. Tùy thuộc bệnh đang ở giai đoạn nào, bác sĩ sẽ vạch ra lộ trình, mỗi giai đoạn sẽ có lộ trình điều trị khác nhau. Một số người điều trị ở trung tâm này không hết đã vội vàng chuyển qua trung tâm khác, kết quả là bệnh kéo dài không dứt điểm được. Do đó, bạn cần kiên nhẫn tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ thì mới hy vọng trị hết bệnh, bao gồm việc điều chỉnh lối sống, uống thuốc, mang vớ hoặc can thiệp phẫu thuật.
16. Suy tĩnh mạch chân có di truyền không?
Suy giãn tĩnh mạch có di truyền không? Mẹ tôi trước đây cũng bị căn bệnh này. Với những người có tiền sử gia đình bị bệnh như tôi thì nên thăm khám và tầm soát như thế nào? Bệnh có nguy cơ biến chứng không?
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh:
Bệnh suy giãn tĩnh mạch phần lớn không di truyền. Tuy nhiên, có một vài trường hợp bệnh do gen, chẳng hạn như Hội chứng Klippel – Trenaunay, một bệnh rối loạn hệ mạch máu bẩm sinh. Trong trường hợp này, chúng ta chỉ có thể điều trị giảm nhẹ và cần nhiều biện pháp khác nhau, kể cả kết hợp với bác sĩ chỉnh hình vì bệnh ảnh hưởng đến xương chân.
Về biến chứng suy tĩnh mạch thì đáng lo ngại nhất là huyết khối. Nhưng huyết khối nằm ở tĩnh mạch nông, muốn chạy về tim phải qua tĩnh mạch xuyên. Nếu một người bị ung thư hay bệnh lý nào đó dẫn tới huyết khối tĩnh mạch sâu thì hậu quả là hở van tĩnh mạch, kéo theo suy giãn tĩnh mạch mạn chi dưới, trong vòng 5 năm có thể bị tình trạng huyết khối chạy về tim. Bạn nên để ý, nếu thấy bắp chân bị sưng thì cần nghĩ ngay đến việc có huyết khối và phải đến bệnh viện khám để được xử lý kịp thời.
17. Chế độ tập luyện cho bệnh nhân suy tĩnh mạch?
Công việc hiện tại của em là PT. Em thường xuyên phải tập tạ và tập nặng. Gần đây, em thấy bắp chân xuất hiện những vệt mạch máu nhỏ li ti gần nhau và sẫm màu. Vì tính chất công việc nên em chỉ có thể tạm dừng tập tạ 1-2 tháng chứ không thể bỏ tập hoàn toàn. Vậy nếu phát hiện sớm như trường hợp của em thì thời gian chữa bệnh có nhanh không và em có thể tập luyện cường độ như trước sau bao lâu?
ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều:
PT cũng là một trong những nghề làm tăng áp lực trong ổ bụng hoặc tĩnh mạch, khiến máu về tim khó hơn. Bạn nên thay đổi lối sống, hạn chế những yếu tố thuận lợi để đưa đến bệnh suy giãn tĩnh mạch. Nếu không, dù bạn có điều trị hết thì bệnh cũng sẽ tiếp tục tái phát.
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh:
Bạn vẫn có thể đi dạy, nếu phải nâng tạ thì nên nằm trên ghế để nâng. Nguyên tắc là không đứng lâu, tránh để máu dồn ở tĩnh mạch. Bạn không nhất thiết phải bỏ công việc mình yêu thích, chỉ cần thay đổi một chút trong quá trình làm việc là được.
18. Nguy cơ biến chứng khi phẫu thuật suy tĩnh mạch?
Chân em bị giãn tĩnh mạch hiển lớn. Mỗi ngày chân em rất đau và tê. Em muốn phẫu thuật nhưng lại lo lắng không biết có gặp biến chứng hay rủi ro gì không?
TS.BS Nguyễn Anh Dũng:
Có nhiều kỹ thuật điều trị giãn tĩnh mạch hiển lớn. Trước đây chỉ có phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn tĩnh mạch, nhưng phương pháp này thường để lại di chứng (sẹo, đau nhức…). Các phương pháp mới hiện nay như: đốt laser nội mạch, sóng cao tần hoặc bơm keo vào lòng tĩnh mạch giúp người bệnh hồi phục nhanh, đỡ đau nhức, đặc biệt là rất ít biến chứng. Ví dụ như phương pháp laser nội mạch hay sóng cao tần, bản chất của chúng là phát ra nhiệt, tạo ra tình trạng gây viêm, xơ dính trong lòng tĩnh mạch.
Trong quá trình thực hiện, cần chú ý không để nhiệt lan ra bên ngoài mạch, gây nên những tổn thương xung quanh tĩnh mạch, bệnh nhân có thể bị đau, tê dọc theo thần kinh. Trên thực tế, khả năng xảy ra biến chứng rất thấp, chỉ khoảng 0,0001%.
19. Phương pháp điều trị suy van tĩnh mạch sâu?
Chân tôi nặng và nổi gân xanh đỏ như mạng nhện, siêu âm chẩn đoán suy van tĩnh mạch sâu. Tôi nên chữa trị thế nào?
ThS.BS Lê Thị Ngọc Hằng:
Theo như mô tả, tôi nghĩ bạn đang ở độ 1 của bệnh lý suy giãn tĩnh mạch chân. Ở mức độ này, bạn nên áp dụng biện pháp thay đổi lối sống: ngồi kê chân cao, khi ngủ kê gối cao ngang mức tim, không được cao quá tránh tê chân, hạn chế mang giày cao gót. Lưu ý là không nên ngâm chân với nước ấm vì tĩnh mạch gặp nước ấm sẽ giãn ra, khiến máu ứ lại phần chân. Song song đó, cần thường xuyên vận động kết hợp mang vớ tĩnh mạch, dùng thuốc để hỗ trợ các trương lực của thành mạch máu. Sau một thời gian, tình trạng bệnh sẽ cải thiện dần.
20. Cách nhận biết nổi mạch máu do suy tĩnh mạch?
Làm sao để phân biệt nổi mạch máu như thế nào là triệu chứng suy giãn tĩnh mạch, như thế nào là bình thường?
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh:
Khi những mao mạch nằm sát da, trông như hình mạng lưới hay giãn ra dài tầm 1-2mm, đó là những dấu hiệu đầu tiên của suy tĩnh mạch. Người có cơ địa da mỏng thì khi khám dễ phát hiện, còn những người da dày và có màu nâu thì khó nhìn hơn. Tuy nhiên, đây chỉ là triệu chứng thực thể. Để xác định chính xác bệnh, bác sĩ còn phải hỏi triệu chứng cơ năng như đi có thấy nặng chân không, buổi chiều chân có bị phù hơn không, đêm có bị chuột rút nhiều không… Những dấu hiệu đó sẽ giúp xác định chính xác bệnh nhân có bị giãn tĩnh mạch hay không.
Phương pháp siêu âm Doppler giúp xác định giai đoạn của suy giãn tĩnh mạch chi dưới
21. Giãn tĩnh mạch độ 1 mang vớ có hiệu quả?
Em bị giãn tĩnh mạch nhỏ đầy cả hai chân, từ phần đùi trở xuống bàn chân. Do công việc của em phải đứng lâu nên thấy nặng chân rất nhiều, cảm giác lê từng bước chân không nổi, lại thêm mất thẩm mỹ trong khi em phải mặc váy. Em lo lắng là nếu tiếp tục công việc đó thì các mạch máu của chân liệu có to lên nữa không? Em muốn mang vớ tĩnh mạch nhưng không biết có hiệu quả không?
TS.BS Nguyễn Anh Dũng:
Tình trạng của bạn được xếp vào mức độ C1, tức là có giãn các mạch máu nhỏ, tĩnh mạch, mao mạch nhỏ ở da, đặc biệt là trên đùi. Bạn có thể áp dụng các biện pháp như hạn chế đứng nhiều, không đứng và ngồi một chỗ lâu, tăng cường vận động cơ cẳng chân để máu ở tĩnh mạch lưu thông tốt. Đồng thời, bạn cũng nên mang vớ. Đây là một trong những biện pháp điều trị bảo tồn tương đối tốt, mang lại hiệu quả cao. Hy vọng bằng cách này, triệu chứng bệnh sẽ cải thiện và tình trạng của bạn không tiến triển nặng thêm.
22. Bị suy tĩnh mạch có cần kiêng đi bộ?
Người bị suy giãn tĩnh mạch có nên đi bộ không? Mẹ em bị suy tĩnh mạch độ 1, mang vớ tĩnh mạch mỗi ngày. Mẹ nghe nói không nên đi bộ nhiều vì sẽ bị giãn tĩnh mạch thêm. Ngoài ra, bị suy tĩnh mạch nên ăn gì và có cần kiêng gì không?
ThS.BS Huỳnh Thanh Kiều:
Người bệnh suy giãn tĩnh mạch không phải kiêng đi bộ. Quan điểm đi bộ sẽ làm bệnh nặng thêm là không đúng. Ngược lại khi đi bộ, các cơ bắp vận động, co thắt sẽ đẩy máu về tim tốt hơn. Tuy nhiên, mẹ bạn cần đi bộ đúng cách, tức là đi bộ nhanh, mang vớ trong lúc đi bộ, đi được khoảng 30 phút thì nên ngồi nghỉ. Bên cạnh đó, bơi lội cũng là môn thể thao tốt cho sức khỏe của những người bị bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới.
Về ăn uống, mẹ bạn nên ăn những món tốt cho tim mạch như trái cây, rau củ quả; hạn chế dầu mỡ, muối, đường. Đồng thời, người suy tĩnh mạch nên tránh bị táo bón vì táo bón làm tăng áp lực trong tĩnh mạch.
23. Cách chọn vớ tĩnh mạch phù hợp?
Khi chọn mua vớ cho người giãn tĩnh mạch, làm sao biết mình đã chọn được đôi vớ phù hợp?
ThS.BS Lê Thị Ngọc Hằng:
Vớ là một trong những biện pháp hiệu quả trong điều trị suy tĩnh mạch ở tất cả các mức độ. Để chọn được đôi vớ phù hợp với mình, bạn cần đi khám và đo chân. Đối với vớ gối sẽ đo ở vùng cổ chân và bắp chân, vớ đùi sẽ đo ở vùng đùi. Dựa vào chỉ số chân, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn đôi vớ phù hợp.
Với những bệnh nhân chưa bao giờ mang vớ, phải tập mang từ đầu gối trở xuống, nghĩa là mang vớ gối. Giai đoạn đầu sẽ khá khó chịu nhưng người bệnh đừng bỏ cuộc, cố gắng vượt qua 1 tuần thì sẽ thấy rất hiệu quả.
24. Thoa rượu thuốc có hiệu quả với bệnh suy tĩnh mạch không?
Ba em 52 tuổi, làm nghề vận chuyển hàng hóa nên công việc khá cực nhọc. Do bị giãn tĩnh mạch chân nên ba thường có cảm giác tê cứng và đau nhức chân. Mỗi lần như vậy, ba xoa rượu thuốc, dầu nóng thì cảm thấy dễ chịu nhưng nhiều người lại nói là không nên thoa dầu, sẽ làm bệnh nặng hơn. Điều đó có đúng không? Nếu không thoa rượu thuốc để giảm đau nhức thì ba em có thể bôi thuốc gì?
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh:
Bệnh nhân suy tĩnh mạch không nên thoa dầu nóng, vì dầu nóng sẽ làm giãn mạch. Thay vì vậy, chỉ nên kê chân lên cao và bóp chân để giúp máu lưu thông. Ngoài ra, có những loại thuốc hỗ trợ dạng thoa hoặc xịt, bạn nên đưa ba đi khám để được bác sĩ kê đơn.
25. Liệu trình bắn laser trị suy tĩnh mạch như thế nào?
Xin bác sĩ cho biết thêm về phương pháp dùng laser điều trị suy giãn tĩnh mạch. Em nghe nói 1 tháng bắn 1 lần, bắn đến khi nào hết tĩnh mạch giãn mới thôi. Vậy một liệu trình điều trị kéo dài bao lâu?
TS.BS Nguyễn Anh Dũng:
Có thể bạn nhầm với phương pháp bắn laser điều trị tổn thương tĩnh mạch dạng mao mạch ngay trên bề mặt da. Loại laser này thường áp dụng cho những trường hợp tĩnh mạch nhỏ (dưới 1mm) dạng mao mạch ở trên da, đặc biệt là mao mạch trên mặt, mũi. Một liệu trình gồm nhiều lần bắn laser, mỗi lần sẽ giải quyết được một số mạch máu nổi trên da, cách vài tuần hoặc một tháng có thể bắn tiếp cho đến khi hết thì thôi.
Trong khi đó, loại laser chúng tôi sử dụng giúp điều trị suy tĩnh mạch hiển lớn, tĩnh mạch hiển bé hoặc các trục tĩnh mạch tương đối lớn. Loại laser này phát ra bước sóng khoảng 1.470mHz, đồng thời tỏa nhiệt để làm xơ hóa trong lòng các tĩnh mạch bị suy. Những tĩnh mạch này có kích thước khoảng trên 3mm, 12mm hoặc lớn hơn.
Các bác sĩ Trung tâm tim mạch, BVĐK Tâm Anh TP.HCM tiến hành thủ thuật đốt laser điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới.
26. Mặc quần bó có tăng nguy cơ giãn tĩnh mạch?
Ngoài những nguyên nhân về đặc thù công việc, lối sống…, mặc quần bó lâu ngày có tăng nguy cơ suy tĩnh mạch chi dưới không?
ThS.BS Lê Thị Ngọc Hằng:
Nhiều phụ nữ thích mặc các loại quần bó như leggings, quần jeans ôm… Quần bó sát ở vùng đùi hoặc vùng chậu sẽ cản trở máu về tim, gây ra ứ trệ máu tĩnh mạch. Do vậy, đây cũng là yếu tố nguy cơ của bệnh lý suy tĩnh mạch. Chuyên khoa Ngoại Tim mạch – Lồng ngực – Mạch máu Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh được trang bị máy siêu âm doppler mạch máu thế hệ mới để chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch chân cho mọi đối tượng, từ phụ nữ mang thai, người lớn tuổi cho đến người trẻ có biểu hiện suy giãn tĩnh mạch sớm như nhân viên văn phòng, nhân viên bán hàng, cảnh sát giao thông, thu ngân…
Phương pháp này giúp xác định tổn thương của van tĩnh mạch hiển lớn, hiển bé, tĩnh mạch sâu và các van tĩnh mạch xuyên, từ đó lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp như đốt laser nội mạch, bơm keo sinh học, chích xơ tĩnh mạch… nhằm cải thiện các triệu chứng khó chịu do bệnh suy tĩnh mạch chi dưới gây ra.
HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH
- Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội:
- 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, Hà Nội
- Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
- Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM:
- 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TPHCM
- Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
- Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Quận 8:
- 316C Phạm Hùng, P.5, Q.8, TPHCM
- Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
- Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7:
- 25 Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Hưng, Q.7, TPHCM
- Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
- Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh/
- Website: https://tamanhhospital.vn
Từ khóa » Tĩnh Mạch Như Thế Nào Là Bình Thường
-
Suy Giãn Tĩnh Mạch Chi Dưới: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu, Cách điều Trị
-
Bệnh Giãn Tĩnh Mạch: Những điều Cần Biết | Vinmec
-
Các Dấu Hiệu Suy Giãn Tĩnh Mạch | Vinmec
-
Suy Giãn Tĩnh Mạch - Bệnh Viện FV - FV Hospital
-
Suy Giãn Tĩnh Mạch Chân: Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Cách Chẩn ...
-
Góc Giải đáp: Suy Giãn Tĩnh Mạch Là Gì Và Có Những Cách Nào để ...
-
Những Hiểu Biết Chung Về Bệnh Suy Giãn Tĩnh Mạch
-
Hồi Sức Tĩnh Mạch - Y Học Chăm Sóc Trọng Tâm - MSD Manuals
-
Tăng áp Lự Tĩnh Mạch Cửa - Rối Loạn Về Hệ Gan Và Mật - MSD Manuals
-
NGUYÊN NHÂN VÀ TRIỆU CHỨNG GIÃN TĨNH MẠCH CHÂN
-
Suy Giãn Tĩnh Mạch: Triệu Chứng Và Biện Pháp điều Trị - Jio Health
-
Bệnh Huyết Khối Tĩnh Mạch Sâu: Nguyên Nhân, Biến Chứng
-
Khám Chữa Bệnh Phổ Biến Kiến Thức Y Khoa - Sở Y Tế Hà Nội