28 - Tóm Tắt Truyện Kiều - Nguyễn Ngọc Bảo

Truyện Thúy Kiều

Truyện Thúy Kiều tức "Đoạn Trường Tân Thanh" của thi hào Nguyễn Du (1765-1820)

Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2009

28 - Tóm Tắt Truyện Kiều - Nguyễn Ngọc Bảo

Tóm Tắt Truyện Kiều Nguyễn Ngọc Bảo (Nội dung bài Văn Học Việt Nam tại Community College, 1995) Truyện Kiều là tên gọi thông thường theo nhân vật chính trong tác phẩm. Khi sáng tác, cụ Nguyễn Du đặt tên cho tác phẩm mình là Đoạn Trường Tân Thanh, nghĩa là "Tiếng nói mới (về một nỗi đau đến) đứt ruột". Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du là một tác phẩm viết bằng thể thơ lục bát dân tộc. Tuy nhiên, nội dung câu truyện không phải hoàn toàn do cụ tưởng tượng mà đặt ra. Theo truyền thuyết, năm 1813, cụ Nguyễn Du được triều đình cử đi sứ sang Trung Quốc và tại đây, cụ được đọc một tiểu thuyết tầm thường, nhạt nhẽo mang tên Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Câu truyện trình bầy cuộc đời của một người đàn bà tuy vẹn toàn tài sắc và rất mực nhân, nghĩa, hiếu, trung, mà lại gặp nhiều bước gian truân khổ sở. Cảm thông với nỗi đớn đau của người trong truyện, khi trở về nước, cụ đã phỏng theo cốt truyện mà viết nên Truyện Kiều. Với một bút pháp linh động, dồi dào âm điệu; với một nghệ thuật tả tình tả cảnh điêu luyện; với sự thấu hiểu tâm lý người đời; cụ Nguyễn Du đã biến một câu truyện tầm thường thành một tác phẩm tuyệt vời, bất hủ. Nhân Vật Truyện Kiều bao gồm những nhân vật xuất hiện theo thứ tự sau: - Ông bà Vương: Sống vào thời vua Gia Tĩnh nhà Minh ở Trung Hoa - Vương Thúy Kiều: Trưởng nữ của ông bà Vương - Vương Thúy Vân: Thứ nữ của ông bà Vương - Vương Quan: Con trai út của ông bà Vương - Đạm Tiên: Một kỹ nữ nổi tiếng đã chết - Kim Trọng: Thư sinh, hôn phu của Thuý Kiều - Thằng bán tơ: Tên vu cáo cho ông Vương khiến Kiều phải bán mình chuộc cha - Ông Chung: Một viên thơ lại trong sở tại, người giúp điều đình để chuộc ông Vương - Mã giám Sinh: Kẻ mua Kiều rồi trở thành chồng thứ nhất của Kiều - Tú Bà: Chủ lầu xanh, vợ của Mã giám Sinh - Sở Khanh: Đồng bọn của Tú Bà - Mã Kiều: Bạn nơi lầu xanh của Kiều - Thúc kỳ Tâm (Thúc Sinh): Chuộc Kiều ra khỏi thanh lâu và là chồng thứ hai của Kiều - Thúc ông: Cha của Thúc Kỳ Tâm - Hoạn Thư: Vợ của Thúc Kỳ Tâm - Hoạn bà: Mẹ của Hoạn Thư - Khuyển và Ưng: Hai tay sai của nhà Hoạn Thư, vâng lệnh chủ đi bắt cóc Kiều - Xuân và Thu: Hai nô tì trong nhà Hoạn Thư - Giác Duyên: Sư cô, ân nhân của Kiều - Bạc bà: Người dẫn mối lầu xanh - Bạc Hạnh: Chồng thứ ba của Kiều, cháu của Bạc bà và âm mưu với Bạc bà để bán Kiều - Tam Hợp Đạo Cô: Một đạo cô tiên đoán được tương lai - Từ Hải: Chồng thứ tư của Kiều, sau xưng vương ở phương Nam - Hồ tôn Hiến: Quan tổng đốc của triều đình, người lừa giết Từ Hải - Ông Đô: Viên thơ lại ở Lâm Truy Cốt Truyện Truyện Kiều bao gồm 3246 câu thơ lục bát và bắt đầu từ "Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh, bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng". Cũng theo truyền thuyết, sau khi hoàn tất, cụ Nguyễn Du trình thày học cũ là cụ Nguyễn Hành duyệt lại. Cụ Hành chỉ thêm vào truyện 8 câu đầu để giới thiệu thuyết "tài mệnh tương đố": "Trăm năm trong cõi người ta; chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau; trải qua một cuộc bể dâu; những điều trông thấy mà đau đớn lòng; lạ gì bỉ sắc tư phong; trời xanh quen thói má hồng đánh ghen; cảo thơm lần giở trước đèn, phong tình cổ lục còn truyền sử xanh". Kể cả 8 câu thêm vào này, Truyện Kiều bao gồm 3254 câu và có thể được chia thành 3 phần chính sau đây: - Sự linh cảm của Thúy Kiều về cuộc đời bạc mệnh - Đoạn đường tai biến của Kiều - Kiều thoát khỏi kiếp đoạn trường I) Sự linh cảm của Thúy Kiều về cuộc đời bạc mệnh. Thúy Kiều và Thúy Vân là con của ông bà viên ngọai họ Vương, quê ở Bắc Kinh. Cả hai cùng nhan sắc tuyệt vời, nhất là Kiều. Vẻ đẹp của Vân là một vẻ đẹp dịu dàng, đôn hậu còn vẻ đẹp Kiều là một vẻ đẹp não nùng làm say đắm lòng người. Đặc biệt, Kiều có tài về văn chương và âm nhạc. Kiều và Vân có một người em trai tên là Vương Quan. Trái với Thúy Vân là người có tâm hồn đơn giản và an phận thủ thường, Thúy Kiều mang một tâm trạng phức tạp, đa sầu, đa cảm và nhiều ước vọng. Từ những ngày thơ ấu, Kiều đã bị ám ảnh bởi lời tiên tri của một người tướng số là cuộc đời nàng sẽ bị ràng buộc bởi một định mệnh khắc nghiệt. Vì nỗi ám ảnh này, nàng đã sáng tác một bản đàn tên là Bạc Mệnh. Bản đàn mang một âm hưởng ảo não, thê lương, làm tê tái lòng người mỗi lúc được tấu lên. Trong dịp tiết Thanh Minh, ba chị em Kiều cùng đi dự hội Đạp Thanh. Trên đường về, gặp mộ Đạm Tiên, một người ca kỹ từng nổi danh về cả tài lẫn sắc nhưng yểu mệnh. Nghe Vương Quan kể lại cuộc đời Đạm Tiên, Kiều bỗng nghẹn ngào thương xót cho số phận đắng cay của nàng ca kỹ và linh cảm rằng số mệnh mình rồi cũng đau khổ chẳng kém người trong mộ. Ngay lúc ấy, một người bạn đồng học với Vương Quan tên là Kim Trọng đến chào hỏi ba người. Vừa gặp nhau, cả Kiều và Kim bỗng cảm thấy quyến luyến nhau. "Người quốc sắc, kẻ thiên tài; tình trong như đã, mặt ngoài còn e". Trở về nhà, Kiều thao thức với những chuyện xẩy ra lúc ban ngày, từ cuộc đời bất hạnh của Đạm Tiên cho đến mối tình vừa chớm nở với Kim Trọng. Ngay khi vừa thiếp ngủ, Kiều mơ thấy Đạm Tiên hiện ra và cho biết là nàng cũng có tên trong sổ đoạn trường, tức là sẽ gặp nhiều khổ đau trong cuộc sống. Sau đó, định mệnh khắc nghiệt đã liên tiếp đẩy Kiều vào những đoạn đường tủi nhục của 15 năm luân lạc. Trong mỗi đoạn đường, Kiều gặp một người nàng tin là cứu tinh của nàng. Nàng bám víu người này để mong được dắt ra khỏi kiếp phong trần. Nhiều lúc, nàng mang hết tài năng của mình để phấn đấu với số mệnh. Mỗi lần nàng tưởng đã thành công thì lại có kẻ lợi dụng nhược điểm của nàng để đặt nàng trở lại con đường khổ đau định mệnh đã dành sẵn cho nàng. II) Đoạn đường tai biến của Thúy Kiều Cuộc đời đoạn trường của Kiều có thể được chia thành sáu hồi sau đây: Hồi 1: Kiều đính ước với Kim Trọng nhưng rồi phải bán mình để cứu cha Sau khi gặp Kiều trong hội Đạp Thanh, Kim Trọng trở về và ốm tương tư Kiều. Để có cơ hội gặp gỡ nàng, chàng trai đã thuê một căn gác nhỏ sát bên cạnh vườn nhà Kiều rồi suốt ngày ngồi bên cửa sổ đợi bóng nàng. Một hôm, Kim Trọng nhặt được cành thoa Kiều đánh rơi cạnh một gốc đào và nhờ cơ hội này, chàng được trò chuyện với Kiều. Hai người ước hẹn sẽ mãi gắn bó với nhau. Ít lâu sau, nhân dịp cha mẹ và hai em về quê ngoại ăn giỗ, Kiều lẻn sang nhà Kim tình tự và thề nguyền với nhau. Kiều tỏ cho Kim biết là nàng luôn luôn bị ám ảnh bởi một thứ định mệnh khắc nghiệt hình như đã dành sẵn cho nàng. Kim trấn an nàng và hứa sẽ liều chết cùng nàng nếu nàng gặp chuyện chẳng may. Có lẽ cũng vì mối ám ảnh của sự bạc mệnh, Kiều quyết liệt không trao thân cho Kim Trọng vì sợ rằng sẽ giống như nàng Thôi Oanh Oanh thuở trước, bởi sớm ăn nằm với người yêu là Trương Quân Thụy khi chưa cưới hỏi nên sau đã bị Trương ruồng bỏ. Trong đêm này, Kiều đã đàn cho Kim Trọng nghe khúc Bạc Mệnh khi được chàng yêu cầu. Tiếng đàn buồn đến nỗi chàng Kim phải "khi tựa gối, khi cúi đầu; khi vò chín khúc, khi chau đôi mày; rằng hay thì thực là hay; nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào; lựa chi những bậc tiêu tao; dột lòng mình cũng nao nao lòng người". Kiều đã đáp lại như sau: "rằng quen mất nết đi rồi; tẻ vui âu cũng tính trời biết sao". Qua một đêm tâm sự với Kim Trọng, vừa trở về nhà, Kiều được Kim gọi ra cho biết chàng mới nhận tin người chú ruột từ trần và phải về Liêu Dương để chịu tang. Kim Trọng vừa đi khuất thì cha mẹ và các em Kiều trở về. Mọi người chưa kịp hàn huyên, bỗng nhiên bọn sai nha kéo đến bắt Vương ông vì lời vu cáo của một thằng bán tơ. Mọi toan tính để cưỡng lại số mạng bỗng sụp đổ, Kiều phải tự nguyện bán mình để chuộc cha. Nàng dặn dò Thúy Vân phải thay nàng để kết nhân duyên với Kim Trọng. "Cậy em, em có chịu lời; ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa; giữa đường đứt gánh tương tư; giao loan chắp mối tơ thừa mặc em". Trong hồi này, người Kiều trông đợi để giúp nàng không vướng vào định mệnh khắc nghiệt là Kim Trọng. Kẻ gián tiếp đẩy nàng vào kiếp đoạn trường là thằng bán tơ. Hồi 2: Mã Giám Sinh mua Kiều đem về Lâm Truy để bắt làm kỹ nữ Mã Giám Sinh, kẻ bỏ 400 lạng vàng ra mua Kiều, là một tên vô lại. Tuy tuyên bố lấy nàng làm vợ lẽ nhưng dụng tâm của hắn là bắt Kiều làm ca kỹ trong một thanh lâu do hắn và vợ là Tú bà làm chủ tại Lâm Truy. Sau khi đón Kiều về quán trọ, không cầm lòng được trước nhan sắc của Kiều, Mã đã ân ái với nàng một cách thô bạo. "Tiếc thay một đóa trà mi; con ong đã tỏ đường đi lối về; một cơn mưa gió nặng nề; thương gì đến ngọc, tiếc gì đến hương". Thái độ cư xử của Mã khiến Kiều nghi ngờ hắn là tay buôn người và nàng thưa với mẹ về sự hoài nghi này. Hôm Kiều từ biệt gia đình theo Mã về Lâm Truy, Vương ông nài nỉ Mã bao bọc cho Kiều. Mã thề độc với Vương ông sẽ mãi mãi đối xử tốt với Kiều. Khi đến Lâm Truy, Kiều bị Tú bà bắt tiếp khách làng chơi và gọi bà là mẹ. Kiều ngây thơ thưa rằng mình đã là lẽ của Mã khiến Tú bà nổi giận mắng nàng đã quyến rũ Mã Giám Sinh. Khi mụ ra lệnh trừng phạt Kiều bằng roi vọt thì nàng rút dao dấu trong tay áo ra tự vẫn. Trong cơn mê man, Kiều mơ thấy Đạm Tiên hiện ra nhắn nàng phải tiếp tục sống để trả cho xong món nợ từ kiếp trước và hẹn sẽ gặp Kiều tại sông Tiền Đường. Tú bà cứu sống Kiều, khuyên giải nàng, thề sẽ đối đãi tử tế với nàng và hứa tìm người đứng đắn để gả nàng. Bà cho Kiều ra sống ở lầu Ngưng Bích. Kẻ Kiều hy vọng che chở cho nàng trong giai đoạn này là Mã Giám Sinh. Người hãm hại nàng cũng chính là họ Mã. Hồi 3: Bị mắc mưu Sở Khanh, Kiều phải chấp nhận trở thành kỹ nữ Sống ở lầu Ngưng Bích, dù đã có lời thề của Tú bà, Kiều vẩn lo lắng cho thân phận cá chậu chim lồng của nàng. Tại đây, Kiều gặp một chàng trai có dáng điệu nho nhã tên là Sở Khanh. Chàng tỏ vẻ ái ngại cho hoàn cảnh của Kiều: "than ôi! sắc nước hương trời; tiếc cho đâu bỗng lạc loài đến đây" và ngỏ ý sẽ giúp nàng trốn khỏi tay Tú bà: "thuyền quyên ví biết anh hùng; ra tay tháo cũi sổ lồng như chơi". Sau đó vài hôm, vào một đêm tối, Sở Khanh mang ngựa đến đưa Kiều đi trốn. Chưa ra khỏi cửa bao xa, Sở Khanh cố tình rẽ cương sang lối khác bỏ mặc Kiều bơ vơ trong rừng. Ngay lúc đó, Tú bà dẫn bọn thủ hạ ập đến lôi Kiều xuống ngựa và đánh đập nàng. Phần đau dớn vì roi vọt, phần hổ thẹn vì lén lút trốn đi, Kiều mất tất cả nghị lực nên van nài Tú bà ngừng tay và tự nguyện sẽ chịu tiếp khách theo ý bà: "thân lươn bao quản lấm đầu, tấm lòng trinh bạch từ nay xin chừa". Khi bị Tú Bà dẫn trở về, Kiều mới biết là Tú bà đã thuê Sở Khanh đưa Kiều đi trốn để bà ta bắt lại. Vì sự bỏ trốn này, Tú bà cho rằng mình không cần phải giữ lời cam kết đối xử tử tế với Kiều. Chiếc phao để Kiều bám víu trong thời kỳ này là Sở Khanh. Kẻ đẩy Kiều ngập sâu hơn trong giòng sông đoạn trường là Sở Khanh và Tú bà. Hồi 4: Chung sống với Thúc Sinh, Kiều bị Hoạn Thư hãm hại Kiều cúi đầu chịu thua định mệnh và trở thành ca kỹ nổi danh về cả tài lẫn sắc. "Dập dìu lá gió cành chim; sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh; khi tỉnh rượu, lúc tàn canh; giật mình, mình lại thương mình xót xa; khi xưa phong gấm rủ là; giờ sao tan tác như hoa giữa đường; mặt sao dầy gió dạn sương; thân sao bướm chán ong chường bấy thân; mặc người mưa sở mây tần; những mình nào biết có xuân là gì". Tại thanh lâu, nàng gặp một khách làng chơi tên Thúc Kỳ Tâm, thường được gọi là Thúc Sinh, mê say nàng và muốn lấy nàng làm vợ lẽ, "sớm đào tối mận lân la; trước còn trăng gió sau ra đá vàng". Thúc Sinh lập kế đem dấu Kiều một nơi rồi đưa tiền cho Tú bà để chuộc nàng ra khỏi thanh lâu. Thúc Sinh vốn người huyện Vô Tích đến Lâm Truy để buôn bán cùng với người cha là Thúc ông. Khi được biết Thúc Sinh đưa Kiều về chung sống, Thúc ông nổi giận vì thứ nhất, Thúc Sinh có vợ hiện đang ở Vô Tích và thứ hai, ông cho rằng Kiều đã dùng nhan sắc để mê hoặc con mình. Thúc ông buộc Sinh phải trả Kiều về lầu xanh nhưng chàng từ chối. Ông nổi giận ra trước phủ đường (dinh quan phủ) tố cáo Kiều quyến rũ Thúc Sinh. Quan phủ đưa trát đòi Sinh và Kiều đến rồi ra lệnh đánh đòn Kiều vì nàng cương quyết không từ bỏ Thúc Sinh. Trong lúc Kiều đang bị trừng phạt, Thúc Sinh kể cho quan biết Kiều là người hiểu biết phải trái và có theo đòi bút nghiên. Quan truyền cho Kiều làm bài thơ vịnh cái gông nàng đang đeo ở cổ. Sau khi xem thơ, quan nể phục tài nàng và khuyên Thúc ông nên chấp thuận nàng là con dâu. Cuối cùng "thương vì hạnh, trọng vì tài; Thúc ông thôi cũng dẹp lời phong ba" và bằng lòng cho Kiều chung sống với Thúc Sinh. Khoảng nửa năm sau, Kiều khuyên Thúc Sinh về Vô Tích thăm vợ cả và thú thật mọi chuyện. Người vợ cả của Thúc Sinh tên là Hoạn Thư, con gái một vị quan thượng thư trong triều. Hoạn Thư là người tuy cư xử chu đáo với kẻ khác nhưng rất mưu mô, hiểm độc khi hạnh phúc gia đình bị đe dọa: "ở ăn thì nết cũng hay; phải điều ràng buộc thì tay cũng già". Hoạn Thư biết được chuyện chồng lấy vợ lẽ nhưng không hề căn vặn Thúc Sinh khi chàng về thăm nhà. Không những thế, nàng còn tỏ ra tin tưởng ở tấm lòng chung thủy của Sinh đối với nàng. Vì lý do này, Sinh mang nặng mặc cảm dối gạt vợ, và không dám thổ lộ cho Hoạn Thư biết chuyện của chàng với Kiều như lời Kiều căn dặn. Ngay sau khi Thúc Sinh lên ngựa từ giã Hoạn Thư để về với Kiều, Hoạn Thư sang thăm mẹ nàng và kể chuyện bội bạc của Sinh. Hai mẹ con sai hai gã bộ hạ là Khuyển và Ưng dẫn theo một lũ lâu la dùng thuyền vượt biển đến Lâm Truy trước Thúc Sinh để phóng hỏa đốt nhà Kiều, rồi bắt nàng về Vô Tích. Sau khi thi hành thủ đoạn, đám tay sai này mang một xác người bỏ vào gian nhà đang bốc cháy. Khi Thúc Sinh về đến nơi, trông thấy nắm xương cháy tàn nên nghĩ là Kiều đã chết: "chắc rằng mai trúc lại vầy; ai hay vĩnh quyết là ngày đưa nhau". Khuyển, Ưng mang Kiều về trình diện mẹ của Hoạn Thư. Bà này bảo Kiều rằng đã bỏ tiền mua nàng và sai bộ hạ đánh nàng một trận. Sau đó, bà bắt Kiều phải phục dịch trong nhà như một nô bộc. Một ngày kia, Hoạn Thư sang thăm mẹ và được mẹ nàng cho Kiều đi theo để hầu hạ. Một năm sau, Thúc Sinh lại trở về Vô Tích thăm vợ. Trong buổi tiệc đoàn viên với chồng, Hoạn Thư gọi Kiều ra hầu rượu Thúc Sinh. Lúc bấy giờ cả Kiều và Sinh mới biết mình là nạn nhân của một mưu kế thâm độc: "Phải rằng nắng quáng đèn lòa; rõ ràng ngồi đó chẳng là Thúc Sinh". Sợ vợ, Thúc Sinh đành gạt lệ không dám nhận Kiều. Hoạn Thư còn nhẫn tâm sai Kiều đánh đàn trong buổi tiệc: "Nàng đà choáng váng tê mê; vâng lời ra trước bình the vặn đàn; bốn dây như khóc như than; khiến người trong cuộc cũng tan nát lòng; cùng trong một tiếng tơ đồng; người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm". Qua một thời gian giữ bổn phận tôi đòi, Kiều xin phép và được Hoạn Thư chấp thuận cho ra trông nom một ngôi chùa nhỏ trong vườn nhà Hoạn Thư và giữ nhiệm vụ chép kinh tại đây. Một hôm, nhân cơ hội Hoạn Thư đi vắng, Thúc Sinh lẻn ra thăm Kiều và hai người khóc lóc, thở than với nhau. Bất chợt, Hoạn Thư ghé chùa, cười nói truyện trò cùng Thúc Sinh và khen ngợi nét chữ của Kiều. Sau khi Thúc Sinh và Hoạn Thư rời chùa, Kiều được một thị tì cho biết là Hoạn Thư đã đến từ lâu và chứng kiến cảnh Thúc Sinh với Kiều cầm tay nhau than thở chán chê rồi mới bước lên lầu. Hoảng sợ trước thái độ điềm tĩnh như không có chuyện gì của Hoạn Thư, Kiều lấy trộm chuông vàng khánh bạc của chùa để làm vật hộ thân rồi trèo tường đi trốn. Trong giai đoạn này, người Kiều mong sẽ cứu nàng ra khỏi kiếp đoạn trường là Thúc Sinh. Kẻ hãm hại và làm nhục nàng là Hoạn Thư. Hồi 5: Kiều bị lừa bán vào lầu xanh thêm lần nữa Trên con đường đi trốn Hoạn Thư, Kiều gặp sư bà Giác Duyên, người trụ trì một ngôi chùa nhỏ mang tên "Chiêu Ẩn Am". Kiều nói dối với Giác Duyên nàng là một ni sư ở Bắc Kinh nên được bà cho phép nương náu. Một hôm, có người thí chủ cho Giác Duyên hay chuông vàng khánh bạc Kiều mang theo giống hệt như chuông khánh của Hoạn Thư. Khi được hỏi, Kiều khai thật với Giác Duyên mọi chuyện. Giác Duyên lo ngại cho Kiều nên gửi nàng sang ở với một bà họ Bạc, người thường hay lui đến cúng bái tại chùa. Trông thấy nhan sắc của Kiều, Bạc bà nổi lòng tham nên âm mưu bán Kiều cho một thanh lâu. Bạc bà dọa dẫm Kiều và ép nàng lấy một người cháu bà ở châu Thai tên là Bạc Hạnh. Bạc bà gọi Bạc Hạnh đến Vô Tích để kết hôn với Kiều rồi đưa nàng xuống thuyền về châu Thai. Đến nơi, Bạc Sinh vào thanh lâu thương lượng bán Kiều. Định mệnh đã xô đẩy Kiều vào chốn lầu xanh thêm lần nữa: "chém cha cái số hoa đào; gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi!". Trong thời gian này, người giúp đỡ Kiều là sư bà Giác Duyên. Những kẻ làm hại nàng là Bạc bà và Bạc Hạnh. Hồi 6: Kiều được Từ Hải bảo bọc nhưng rồi Từ bị giết chết Tại thanh lâu ở châu Thai, Kiều gặp Từ Hải, một hào kiệt đến từ vùng biên thùy. "Lần thâu gió mát trăng thanh; bỗng đâu có khách biên đình sang chơi; râu hùm hàm én mày ngài; vai năm tấc rộng thân mười thước cao; đội trời đạp đất ở đời; họ Từ tên Hải vốn người Việt Đông; giang hồ quen thói vẫy vùng; gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo; qua chơi nghe tiếng nàng Kiều; tấm lòng nhi nữ cũng xiêu anh hùng; thiếp danh đưa đến lầu hồng; đôi bên cùng liếc, đôi lòng cùng ưa". Cả hai quyến luyến nhau, xem nhau là tri kỷ và Từ Hải bỏ tiền chuộc Kiều ra khỏi thanh lâu. Sống mặn nồng với nhau được nửa năm, Từ Hải giã biệt Kiều, một mình một ngựa ra đi để mưu đồ đại sự. Từ hứa là sẽ đón Kiều về với mình khi công thành danh toại. Đúng thời gian ước hẹn với Kiều, khoảng một năm sau, Từ cho tướng sĩ về đón nàng theo nghi lễ rước dâu của một bậc vương hầu. Lúc bấy giờ uy danh của Từ lẫy lừng cả một phương trời. Có lẽ thời gian sống với Từ Hải là quãng đời hạnh phúc nhất trên bước đường lưu lạc của Kiều. Một hôm, nghe Kiều kể lại sự gian khổ của nàng trong những ngày hàn vi, Từ Hải nổi cơn thịnh nộ. Từ điểm binh, tuyển tướng truyền đến Vô Tích và Lâm Truy mời những người đã giúp nàng và bắt những kẻ từng làm hại nàng về bản doanh của Từ để nàng báo ơn, trả oán. Khi quân sĩ đưa những người này về, Kiều ngồi trên trướng giữa trung quân để xét xử họ. Nàng hậu thuởng Thúc Sinh, sư bà Giác Duyên và một bà quản gia của mẹ Hoạn Thư, là những ân nhân của nàng thuở trước. Sau đó, nàng ra lệnh xử tử Mã Giám Sinh, Tú bà, Sở Khanh, Ưng, Khuyển, Bạc bà và Bạc Hạnh, những người đã làm hại nàng. Riêng Hoạn Thư, tuy được liệt là "chính danh thủ phạm" nhưng được Kiều tha bởi luận cứ sắc bén của nàng. Hoạn Thư thưa rằng nàng gây nên tội chỉ bởi thói ghen tuông rất thường tình của người đàn bà, còn trong thâm tâm nàng luôn luôn yêu kính Kiều. Cụ Nguyễn Du thuật chuyện Kiều xử Hoạn Thư như sau: Dưới cờ gươm tuốt nắp ra Chính danh thủ phạm tên là Hoạn Thư Thoạt trông Kiều đã chào thưa Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây Đàn bà dễ có mấy tay Đời xưa mấy mặt, đời này mấy gan Dễ dàng là thói hồng nhan Càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều Hoạn Thư hồn lạc phách xiêu Khấu đầu dưới trướng liệu điều kêu ca Rằng tôi chút dạ đàn bà Ghen tuông là thói người ta thường tình Nghĩ cho khi các viết kinh Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo Lòng riêng, riêng những kính yêu Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai Trót lòng gây việc chông gai Còn nhờ lượng lượng bể thương bài nào chăng? Trước lập luận xác đáng của Hoạn Thư, Kiều đã phải: "khen cho: thật đã nên rằng; khôn ngoan đến mực nói năng phải lời; tha ra thì cũng may đời; làm ra mang tiếng con người nhỏ nhen; đã lòng tri quá thì nên; truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay". Uy quyền của Từ Hải ngày càng lừng lẫy. Từ thiết lập triều đình riêng đặt hai hàng quan văn quan võ. Từ đem quân chiếm năm huyện ở miền Nam. Từ chia đôi thiên hạ với hoàng đế nhà Minh. Từ nghêng ngang một cõi biên thùy miền Triết Giang và Phúc Kiến. Năm năm sau, viên quan tổng đốc của nhà Minh là Hồ Tôn Hiến vâng lệnh vua mang đại quân đến dẹp Từ Hải. Biết Từ là đấng anh hùng, khó thể dùng binh mà thắng, Hồ cho một vị quan mang ngọc, vàng, gấm vóc đến tặng Từ và thuyết Từ hàng phục triều đình. Hồ cũng dành riêng một lễ vật cho Kiều để nhờ nàng nói giúp. Phần thì lễ vật trọng, phần vì không muốn thấy sinh linh bị thiệt hại vì chinh chiến, và phần vì muốn chồng trở thành công thần của triều đình để nàng có thể về cố hương làm rạng danh cha mẹ, Kiều khuyên Từ Hải đầu hàng. Khi Từ Hải mặc nhung phục đại lễ ra trước doanh trại đầu hàng, Hồ Tôn Hiến cho phục binh ùa ra giết Từ. Tối hôm đó, Hồ mở tiệc ăn mừng chiến thắng và bắt Kiều ngồi hầu rượu. Khi đã quá chén, Hồ buộc Kiều đánh đàn. "Một cung gió thảm mưa sầu; bốn giây nhỏ máu năm đầu ngón tay; ve ngâm vượn hót nào tầy; lọt tai Hồ cũng nhăn mày rơi châu". Và rồi "nghe càng đắm, ngắm càng say; lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình". Vừa say rượu lại vừa say tình, ngay sau đó, Hồ ép Kiều ăn nằm với mình. Sáng hôm sau tỉnh giấc, Hồ Tôn Hiến nghĩ mình là nhân vật quan trọng trong triều, không thể vương víu với Kiều nên đã buộc nàng phải lấy một người thổ quan. Kiều bị đưa xuống thuyền để làm lễ tơ hồng. Ngồi trên thuyền, quá đau khổ vì cuộc đời bạc mệnh và ân hận vì làm Từ Hải chết oan, Kiều quyết định chọn cái chết để thoát khỏi kiếp đoạn trường: "Đạm Tiên nàng nhé có hay! hẹn ta thì ở dưới này rước ta". Và rồi "trông vời con nước mênh mông; đem mình gieo xuống giữa giòng trưòng giang". Kiều nhẩy xuống sông Tiền Đường tự tử. Trong hồi này, người Kiều nương tựa là Từ Hải. Kẻ làm hại nàng là Hồ Tôn Hiến. III) Kiều thoát khỏi kiếp đoạn trường Sau khi được Kiều hậu tạ trong dịp nàng báo ân trả oán, sư bà Giác Duyên từ biệt Kiều và gặp bà đạo cô Tam Hợp, một người xuất gia tu theo đạo Lão. Đạo cô tiên tri là Thúy Kiều sẽ tự tử tại sông Tiền Đường và bảo Giác Duyên tìm cách cứu nàng. Nghe lời đạo cô, Giác Duyên thuê ngư phủ quanh năm thả lưới tại sông Tiền Đường gần chỗ Từ Hải đóng quân và đã vớt được nàng. Được Giác Duyên cứu lên thuyền, trong cơn mê man, Kiều trông thấy Đạm Tiên hiện ra báo cho biết tấm lòng nhân nghĩa của nàng đã thấu đến trời và nàng được thoát khỏi kiếp đoạn trường. Sau khi tỉnh dậy, Kiều sống với Giác Duyên trong một thảo lư bên sông Tiền Đường. Câu chuyện chuyển sang tình cảnh Kim Trọng trở về tìm Kiều sau khi thụ tang chú ở Liêu Dương. Nghe tin Kiều đã bán mình chuộc cha, Kim khóc lóc thảm thiết, "thẫn thờ lúc tỉnh lúc mê; máu theo nước mắt hồn lìa chiêm bao". Ông bà Vương cho Kim biết Kiều đã nhờ Thúy Vân thay lời đính ước của nàng để kết nghĩa với chàng. Sau một thời gian vô vọng dò hỏi tin tức Kiều, Kim Trọng kết hôn cùng Thúy Vân. Ít lâu sau, cả Kim Trọng lẫn Vương Quan thi đậu và được triều đình bổ làm quan. Kim Trọng được cử làm quan tri huyện Lâm Truy, nơi Thúy Kiều bị buộc làm ca nhi thuở trước. Tại đây, Kim được một người nha lại (người làm việc tại huyện đường) kể cho chàng nghe quãng đời luân lạc của Kiều. Lúc này Kiều đang chung sống những ngày vinh quang với Từ Hải tại châu Thai. Khoảng năm năm sau, Kim nhận được chiếu chỉ triều đình đổi đi cai trị huyện Nam Bình thuộc tỉnh Phúc Kiến. Cùng lúc ấy, Vương Quan cũng được bổ làm quan tại huyện Phú Dương thuộc tỉnh Triết Giang. Phúc Kiến và Triết Giang là hai tỉnh ở phía đông nam Trung Hoa, địa bàn hoạt động của Từ Hải. Vì hai huyện Nam Bình và Phú Dương ở gần nhau nên cả hai gia đình Kim Trọng và Vương Quan cùng đi chung để nhận nhiệm sở. Khi đi ngang Hàng Châu, gần nơi Từ Hải đặt bản doanh, mọi người được tin Từ bị Hồ Tôn Hiến lừa giết chết và Kiều đã tự tử tại sông Tiền Đường. Gia đình Kim và Vương đến nơi nàng tự tử để lập đàn tràng cúng giải oan cho Kiều. Tình cờ Giác Duyên đi ngang qua, trông thấy tên Kiều trên bài vị, bà ngạc nhiên đến hỏi duyên cớ. Lúc bấy giờ mọi người mới biết Kiều còn sống. Giác Duyên đưa tất cả đến gặp Kiều. "Tưởng bây giờ là bao giờ; rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao". Trong buổi tiệc đoàn viên, Thúy Vân ép Kiều phải lấy Kim Trọng. Thoạt đầu, Kiều thoái thác vì tự nghĩ mình không còn còn trinh tiết: "thiếp từ ngộ biến đến giờ, ong qua bướm lại đã thừa xấu xa" và "nghĩ mình chẳng hổ mình sao; dám đem trần cấu dự vào bố kinh!". Tuy nhiên, sau khi nghe Kim Trọng lập luận về tấm lòng hy sinh "lấy hiếu làm trinh" của Kiều và lời thúc dục của hai ông bà Vương, Kiều đã phải nhận lời. Trong đêm động phòng, Kiều cho Kim biết nàng nhận làm vợ chàng vì tình xưa nghĩa cũ nhưng tấm thân nàng đã ô uế, không thể ân ái vợ chồng với chàng. Kim đành chấp nhận và cũng cho Kiều biết là chàng "bấy lâu đáy bể mò kim; là nhiều vàng đá, phải tìm chẳng hoa; ai ngờ lại hợp một nhà, lọ là chăn gối mới ra sắt cầm". Kim xin Kiều đánh lại bản đàn ngày trước cho chàng nghe và chàng ngạc nhiên khi nhận thấy, với cùng một bản nhạc, mà "xưa sao sầu thảm, nay sao vui vầy". Tâm hồn Kiều lúc bấy giờ khác hẳn tâm hồn của nàng ở những năm về trước và tâm hồn khác thì dĩ nhiên, tiếng đàn khác. Lòng nàng bây giờ yên như mặt nước hồ thu, không còn những đợt sóng của tham vọng. Tâm nàng trong như guơng, chẳng còn vương mắc chút bụi trần. Và như vậy, cũng những cung bậc nàng gọi là bạc mệnh thuở xưa thì bây giờ là "khúc đâu đầm ấm dương hòa; ấy là hồ điệp hay là Trang Sinh; khúc đâu êm ái xuân tình; ấy hồn Thục Đế hay mình Đỗ Quyên; trong sao, châu nhỏ duềnh quyên; ấm sao, hạt ngọc Lam Điền mới đông; lọt tai nghe suốt năm cung; tiếng nào mà chẳng não nùng xôn xao". Nếu 15 năm lưu lạc của Kiều chưa đủ để trả cho xong bao nợ nần của nàng từ kiếp trước thì giòng nước sông Tiền Đường đã rửa sạch những món nợ này. Kiếp đoạn trường của Kiều đã được chấm dứt. Truyện Kiều là một huyền thoại xây dựng trên hai nhân vật có thật vào đời vua Gia Tĩnh nhà Minh (1522-1566): Minh sử có nhắc đến việc Hồ Tôn Hiến đút lót vàng bạc cho Thúy Kiều để nàng dụ Từ Hải hàng phục triều đình, rồi lập kế phản gián giữa Từ Hải và một tướng giặc khác để hai bên giết nhau. Sách Ngu Sơ Tân Chí của Dư Hoài cũng kể truyện này và chép là Từ Hải đã mặc giáp phục đâm đầu xuống sông tự vẫn, còn Thúy Kiều bị Hồ Tôn Hiến ép gả một người tù trưởng nên cũng gieo mình xuống sông Tiền Đường tự tử. Sách Hồ Khoáng Thập Di Lục Tàn Cảo, đời nhà Minh, cũng viết về cuộc đời của Thúy Kiều và Từ Hải. Điều lưu ý là tuy các sách kể trên khác nhau ít nhiều về cuộc đời của Thúy Kiều và Từ Hải nhưng không sách nào đề cập đến cuộc đời đoạn trường của Thuý Kiều. Trong khoảng hai trăm năm sau khi Thúy Kiều chết, một huyền thoại về cuộc đời Thúy Kiều đã được xây dựng bởi dân gian ở vùng ven biển thuộc tỉnh Triết Giang, nơi Từ Hải xưa kia đã đặt tổng hành doanh. Các câu chuyện huyền thoại thường mang đặc tính luân lý là "ở hiền gặp lành" và "gặp oan ức sẽ được đền bù". Có lẽ vì vậy, trong câu chuyện dân gian, Kiều đã được cứu sống để tái hợp với Kim Trọng. Vì bản chất tốt; có nhân, có nghĩa, có hiếu, có trung; cái kiếp đoạn trường của Kiều cần phải chấm dứt; nàng phải gặp lại gia đình; và nàng được trả lại sự trinh tiết qua lập luận của chàng Kim: "như nàng lấy hiếu làm trinh, bụi nào cho đục được mình ấy vay". Nước sông Tiền Đường đã rửa sạch tiền oan nghiệp chướng của nàng và cho phép nàng sống một cuộc đời hạnh phúc về sau. Nhiều người cho rằng Thanh Tâm Tài Nhân đã căn cứ vào huyền thoại nêu trên để viết Kim Vân Kiều Truyện. Khi dựa vào Kim Vân Kiều Truyện để viết Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du đã sử dụng văn tài của mình để tô điểm cho huyền thoại, biến tác phẩm thành một kiệt tác của dân tộc. Chính đặc tính huyền thoại cộng với văn tài cụ Nguyễn Du đã khiến Truyện Kiều được yêu thích bởi mọi tầng lớp trong xã hội, từ những người dân quê không biết chữ chỉ nghe người khác kể lại cho đến những bậc khoa bảng, trí thức. Trong lịch sử văn học của mỗi dân tộc, khó tác phẩm nào được phổ biến rộng rãi trong quần chúng như Truyện Kiều của nước Nam. Hơn nửa thế kỷ trước, nhiều người đã chỉ trích ông Phạm Quỳnh quá cường điệu khi phát biểu rằng “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn". Có lẽ khi nói câu ấy, ông chỉ muốn ám chỉ đã là người Việt, thì dù ở thế hệ nào, cũng sẽ yêu Truyện Kiều, vì đó là một tác phẩm vừa đẹp, vừa hay, vừa hợp với cá tính của dân tộc. Trong ý nghĩa ấy, ai đủ can đảm để phê phán lời nói nêu trên của ông là một lời quá đáng? ************************************** Địa danh trong truyện - Bắc Kinh: quê Vương Thúy Kiều. - Lâm Thanh: thuộc tỉnh Sơn Đông, nơi Mã Giám Sinh khai gian là quê mình. - Lâm Truy: thuộc tỉnh Sơn Đông, nơi Mã Giám Sinh và Tú bà mở thanh lâu. - Vô Tích: thuộc tỉnh Giang Tô, quê Thúc Sinh. - Châu Thai: thuộc tỉnh Triết Giang, nơi Kiều bị Bạc Hạnh bán cho chủ thanh lâu. Sau này, Kiều gặp Từ Hải tại đây. - Việt Đông: tên một huyện thuộc tỉnh Phúc Kiến, quê Từ Hải. - Hàng Châu: thuộc tỉnh Triết Giang, gần bản doanh của Từ Hải. - Sông Tiền Đường: con sông chẩy qua Hàng Châu. - Nam Bình: tên huyện thuộc tỉnh Phúc Kiến, nơi Kim Trọng được bổ đến làm quan. - Phú Dương: tên huyện thuộc tỉnh Triết Giang, gần sông Tiền Đường, nơi Vương Quan được bổ đến làm quan.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng Mới hơn Bài đăng Cũ hơn Trang chủ Đăng ký: Đăng Nhận xét (Atom)

Người theo dõi

Toàn bộ truyện Kiều

  • ▼  2009 (83)
    • ▼  tháng 12 (61)
      • 15- Có nên định lại Giá trị ÐTTT ? - Tạ Quang Khôi
      • 16- NHÂN VẬT TRUYỆN KIỀU - Tạ Quang Khôi
      • 17- Quyến Gió Rủ Mây - Quach Vinh Thien Paris
      • 18 - NGUYỄN DU NHƯ MỘT THI SĨ - Vương Trí Nhàn
      • 19 - ĐOẠN TRƯỜNG VÔ THANH - Phạm Thiên Thư (1-550)
      • 20- Truyện Kiều: 5 kỷ lục thế giới... - Hà Đình Ng...
      • 21- HẬU TRUYỆN KIỀU (TỪ NƯƠNG) - Huy Tử Tô Tấn Tài
      • 19.1- ĐOẠN TRƯỜNG VÔ THANH - (tieptheo) (Câu 1223...
      • 19.2- ĐOẠN TRƯỜNG VÔ THANH - (tiep theo) (Câu 1703...
      • 19.3- ĐOẠN TRƯỜNG VÔ THANH - (Tiep theo)(Câu 2137-...
      • 19.4- ĐOẠN TRƯỜNG VÔ THANH - (Tiep theo) (Câu 2499...
      • 19.5- ĐOẠN TRƯỜNG VÔ THANH - (Phần cuối - Kết)
      • 22 - THƠ QUỐC ÂM CỦA NGUYỄN DU - leque
      • 23- Để tìm lại nguyên tác truyện Kiều - Nguyễn Quả...
      • 24 - Cần có một bản hiệu chú "Truyện Kiều" - Lê-N...
      • 25 - THE TALE OF KIEU - Nguyen Du
      • 26- The Moon In Vietnamese Cultural Life...Uyen Khanh
      • 27- TỪ KIM VÂN KIỀU TRUYỆN ĐẾN DTTT - Nguyễn Ngọ...
      • 28 - Tóm Tắt Truyện Kiều - Nguyễn Ngọc Bảo
      • 29 - Tranh minh họa Kiều - Lê Lam,
      • 29.1- Tranh minh họa Kiều - H.H.P.
      • 29.2- Tranh minh họa Kiều - Bìa sách...
      • 30- MINH OAN CHO HOẠN THƯ - TẠ QUANG KHÔI
      • 31 - Thanh Tâm Tài Nhân Thi Tập Tự - Lãng Nhân
      • 32 - Nguyễn Du - Đối tửu - Laiquangnam
      • 33 - Thú thưởng thức nhạc đàn của người xưa ... Đặ...
      • 34 - Văn Chiêu hồn - Nguyễn Du - Quach Thanh Tam
      • 34.1 -Văn Chiêu hồn - Nguyễn Du - Hoàng Xuân Hãn.
      • 35 - Vài suy nghĩ về nghệ thuật dịch “Kiều” - Nguy...
      • 36- ĐỌC LẠI TRUYỆN KIỀU ĐỂ YÊU THÊM TIẾNG VIỆT - Đ...
      • 37 - Với Thúy Kiều, ai người tri kỷ? - HOÀNG THÁI SƠN
      • 38 - Một bản in nôm Vân Kiều Kim truyện - Nguyễn K...
      • 39- A Textual Study of Truyện Kiều - Hội Bảo tồn D...
      • 40 -TRUYỆN KIỀU BẢN 1866 - Hội Bảo tồn Di sả n chữ...
      • 41 -TRUYỆN KIỀU BẢN 1870 - Hội Bảo tồn Di sản chữ Nôm
      • 42 - VỀ BỨC THƯ GIA ĐÌNH GỬI KIM TRỌNG - Nguyễn Tà...
      • 43- TỪ KIM VÂN KIỀU TRUYỆN ĐẾN DTTT - Báo Ngày Nay...
      • 44- Chuyện Y học trong Kiều - BS Lê văn Lân
      • 45- Thử so sánh Thanh Tâm Tài Nhân với đại thi hào...
      • 46- Nói Chuyện Với Hoàng Xuân Hãn và Tạ Trọng Hiệp...
      • 47 - Hoàng Xuân Hãn, nghiên cứu Kiều - Thụy Khuê
      • 48- Di Sản Hoàng Xuân Hãn:IN KIềU TẦM NGUYÊN - Ngh...
      • 49 - để bảo tồn từ ngữ cổ tiếng Việt - Nguyễn Khắc...
      • 50 -Số đặc biệt tưởng niệm Nguyễn Du - Tạp chí Văn...
      • 50.1- Tấc lòng cố quốc tha hương - Nguyễn Xuân Chữ
      • 50.2 -Vài điều nghĩ về, triết lý trong Truyện Kiều...
      • 50.3- Thơ chữ Hán của Nguyễn Du - Quách Tấn
      • 51 -Về bài CẨM SẮT của Lý Thương Ẩn - Vĩnh Sính
      • 52- Truyện Kiều trong Văn Hoá VN - Văn-Lang Tôn-t...
      • 53- Cô Kiều đa tình lãng mạn -Trang Lưu An
      • 54- MỘT VÀI NHẬN XÉT TRONG VIỆC PHIÊN ÂM TRUYỆ N K...
      • 55- TÌM HIỂU TÂM HỒN KIỀU QUA TRIẾT HỌC BERGSON - ...
      • 56 - NGUYỄN DU VỚI DÒNG THỜI GIAN - GS Nguyễn Xuâ...
      • 57-Thú thưởng thức nhạc đàn của người xưa qua Truy...
      • 58- Chân dung Nguyễn Du - Bản điện tử do talawas ...
      • 58.1-Chân dung Nguyễn Du - Khảo luận của Vũ Hoàng ...
      • 58.2-Chân dung Nguyễn Du - ... Nguyễn Sỹ Tế...
      • 58.3 - Chân dung Nguyễn Du - .., Nguyễn Văn Trung ...
      • 58.4 -Chân dung Nguyễn Du - Thanh Tâm Tuyền
      • 58.5 - Chân dung Nguyễn Du - Phạm Thếng
      • 59 - VÃI GIÁC-DUYÊN - NGUYỄN-PHÚ-LONG
 

Từ khóa » Thuý Kiều Là Vợ Ai