3 Câu Chuyện Hướng Nghiệp Dành Cho Cha Mẹ
Có thể bạn quan tâm
Trong bài viết lần này, tôi xin kể ba câu chuyện hướng nghiệp của ba trường hợp trường hợp đại diện cho ba thế hệ 8x, 9x, và 0x. Vì đây là quan sát của riêng tôi trong suốt 9 năm qua mà chưa có nghiên cứu nào để minh chứng, mong quý vị cha mẹ hãy đọc và xem bài viết này như một nguồn để tham khảo vì không phải người nào trong cùng thế hệ sẽ giống các nhân vật trong ba câu chuyện tôi kể sau.
1. Câu chuyện đầu: Thế hệ 8x – Khủng hoảng tuổi trung niên
V. thuộc thế hệ 8x, đến gặp tôi vì gặp khủng hoảng trong nghề nghiệp. Sau hai lần gặp, V nhận ra sở thích và khả năng mình nằm trong hai nhóm Nghệ thuật và Kỹ thuật, trái hẳn với vị trí công việc hiện tại thuộc về nhóm Quản lý và Nghiệp vụ. V tâm sự, ”Thời ấy làm gì có hướng nghiệp. Nếu được quay trở lại thời trung học, mình sẽ chọn ngành khác, khi ra trường sẽ bắt đầu nghề nghiệp ở vị trí và lĩnh vực khác. Còn bây giờ, có phải đã trễ lắm hay không?”
V. và nhiều bạn khác của thế hệ 8x trưởng thành và tốt nghiệp cấp 3 ở những năm 2000, khi mà kinh tế trong nước sôi động vì sự đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia, các công ty nước ngoài, và các công ty tư nhân trong nước. Kinh tế phát triển tốt, nhân lực giỏi sẽ được thu hút bởi lương bổng cao và điều kiện làm việc tốt. Ở thời điểm đó, giáo dục hướng nghiệp gần như chưa xuất hiện hoặc đóng vai trò rất mờ nhạt. Nhiều bạn thuộc thế hệ 8x thường chọn ngành học, chương trình đào tạo và công việc dựa trên tiêu chí bị ảnh hưởng sâu sắc bởi gia đình và cộng đồng xung quanh, ”Làm sao để khi ra trường có công việc lương cao, ổn định, mang hãnh diện về cho cha mẹ.”
Thông thường là sau nhiều năm làm việc, hiểu mình hơn, kinh tế gia đình đầy đủ hơn, họ mới bắt đầu tự hỏi sao mình cảm thấy chán công việc của mình, vì đâu cảm giác thiếu động lực trong công việc, vv. và vv. Họ từ từ nhận ra hình như mình muốn đổi việc. Lúc ấy, điều họ lo lắng nhất là, ”Có phải quá trễ rồi hay không?”
Thật ra, ở quốc gia nào thì rất nhiều người lao động khoảng 35 trở lên cũng bắt đầu băn khoăn về phát triển nghề nghiệp của bản thân và đối diện với câu hỏi tương tự. Ở tuổi này, quá trình chuyển nghề để được làm công việc mình yêu thích và giỏi tự nhiên có thể xảy ra nhưng mất thời gian dài và đòi hỏi sự kiên trì của chính người đó cũng như sự hỗ trợ của người bạn đời hay người yêu của họ. Lý do chính là vì ở tuổi này, họ có những trách nhiệm về tài chính nặng nề hơn trong các vai trò chồng/vợ, cha/mẹ, con/cháu. Họ phải lo cho nhiều người khác bên cạnh bản thân. Vì vậy, để có thể chuyển nghề họ cần sự đồng thuận từ bạn đời, người yêu và phải có kế hoạch chuyển đổi từ từ, theo chiến lược thì mới hiệu quả.
Bài học ta học được từ thế hệ 8x là các bạn trẻ nên được giáo dục hướng nghiệp càng sớm càng tốt. Điều này không đảm bảo các em sẽ tìm được ngành nghề phù hợp 100%, nhưng ít ra các em hiểu hơn về quyết định của mình để trong cuộc hành trình hướng nghiệp tương lai, các em có thể thích nghi với sự thay đổi của bản thân và thị trường một cách hiệu quả.
2. Câu chuyện hai: Thế hệ 9x – Thiếu động lực
H. đến gặp tôi ba năm sau khi em tốt nghiệp đại học, với sáu lần đổi công ty và hai lần nghỉ ”gap time” để khám phá bản thân. Sau nhiều lần trò chuyện, H. và tôi đồng ý rằng vấn đề lớn nhất của em là thiếu động lực trong đời sống hàng ngày. Em thường xuyên tự hỏi mình đi làm vì cái gì, sao chẳng thấy vui vẻ, chẳng có động lực để phát triển lâu dài ở một nơi nào cả.
Những bạn trẻ trong và ngoài trường RMIT sinh vào những năm đầu 90 thường hay gặp phải vấn đề này. Hai điều chung trong những câu chuyện của họ đó là họ mong làm giàu thật nhanh để có tiền sống thoải mái hay đi du lịch, và khi trong công việc có điều gì không như ý, giải pháp đầu tiên họ chọn thường là nghỉ việc.
Theo tôi nhận thấy, các bạn trong nhóm này được tiếp xúc với Yahoo Messenger, MTV Asia, mạng xã hội, và phim ảnh hay youtube khá sớm, trước khi các bậc cha mẹ để ý đến nguy hại của những công cụ trên và kiểm soát thời gian con cái sử dụng chúng. Họ biết về thế giới bên ngoài Việt Nam qua các kênh truyền thông/giải trí, và thường so sánh đời sống hàng ngày của họ với những gì họ nghĩ là đời sống thường ngày ở các nước phát triển. Kiến thức của họ trong lĩnh vực này thiếu thực tế, không được kiểm chứng, và dẫn đến nhiều giả định khá ảo về ”nước ngoài.” Rất nhiều bạn trong nhóm này được tiếp xúc với các sách làm giàu nhanh, tham gia các lớp học làm giàu nhanh, và vì vậy họ cảm thấy thật khó khăn để nhận số lương ít ỏi, trong vị trí bắt đầu của một công ty.
Bài học ta học được từ thế hệ 9x là việc tương tác, trò chuyện, lắng nghe để thấu hiểu con rất quan trọng. Những buổi ăn tối hay cuối tuần chung, những câu chuyện về thời trẻ của cha mẹ, hai người yêu nhau ra sau, kết hôn thế nào, đã học hành hay được đào tạo nghề ở đâu, công việc đầu tiên là gì, vì sao chọn công việc hiện tại, có yêu thích công việc không, có khả năng gì bên ngoài công việc không. Cũng trong những lần trò chuyện, cha mẹ có thể lắng nghe và hiểu nỗi lo lắng hay suy nghĩ của con theo từng giai đoạn để có thể hướng dẫn kịp thời. Ở đây, không chỉ quan tâm đến điểm số, con học trường nào và thi vào đâu cho tốt, mà còn là sự quan tâm vào con người của con, tâm tư tình cảm, phát triển thể lực và tâm lý, …
Thế hệ này cần sự chia sẻ và ủng hộ tinh thần rất nhiều từ cha mẹ. Điều tôi rút ra được sau chín năm làm việc với họ đó là, ”Khi tình cảm giữa các em và cha mẹ tốt, các em sẽ vượt qua được tất cả trở ngại trong cuộc sống. Khi các em không cảm thấy được thấu hiểu và yêu thương bởi cha mẹ, các em dễ bỏ cuộc và rơi vào các cơn khủng hoảng tâm lý hơn.”
3. Câu chuyện ba: Thế hệ 200x – Phải tìm ra đam mê
L. đến với tôi vào lúc em còn ở lớp 10, với câu hỏi, ”Con chưa biết đam mê của mình là gì. Con sợ con sẽ chọn sai ngành học và sẽ chán lúc vào đại học.” Và L. không phải là người duy nhất trong lớp em có vấn đề tương tự.
Cha mẹ của các bạn trẻ sinh ra trong những năm 2000, tôi gọi là thế hệ 0x, luôn cam đoan với tôi rằng, ”Mình chẳng ép con mình học gì đâu. Chúng nó muốn học gì, làm gì cũng được mà.” Điều họ lo lắng là dù họ bật đèn xanh, tụi nhỏ vẫn chẳng quyết định được vì ”chẳng tìm được đam mê của bản thân.”
Khi tôi hỏi các bạn nhỏ về định nghĩa đam mê, họ thường không trả lời được. Và khi tôi hỏi họ vì sao lại phải tìm ra đam mê thì họ hay nói về những phim youtube của các nhân vật nổi tiếng trên thế giới, với lời chia sẻ và khuyên bảo là phải làm công việc mình đam mê thì mới có hạnh phúc và thành công. Tôi gọi đùa điều này là ”hội chứng đam mê.”
Sự thật là truyền thông đương đại dễ làm các em thế hệ 0x hiểu lầm về đam mê nghề nghiệp. Thứ nhất, để hiểu được bản thân yêu thích điều gì đó một người cần một quá trình dài thăm dò, trải nghiệm, chiêm nghiệm, ra kết luận, rồi lại tiếp tục thăm dò, trải nghiệm, chiêm nghiệm. Do đó, đam mê thường là kết quả của một cuộc hành trình nghề nghiệp chứ không phải là điều kiện tiên quyết cho một quyết định hướng nghiệp.
Thứ hai, không phải ai cũng có điều kiện để kiếm sống bằng đam mê nghề nghiệp. Ví dụ, có người rất mê đánh trống và đánh trống rất tốt, nhưng bạn ấy phải chọn công việc kinh doanh gia đình vì là con trai trưởng nên phải gánh trọng trách, và vì bạn phải có trách nhiệm với gia đình nhỏ của mình. Do đó, bạn chỉ chơi trống vào các buổi tối cuối tuần cho thỏa đam mê của mình mà thôi.
Thứ ba, không phải ai cũng quan tâm đến đam mê nghề nghiệp. Có rất nhiều người chỉ cần một công việc ổn định, môi trường làm việc tốt, đồng nghiệp và cấp trên hợp tính, vì điều quan trọng nhất trong cuộc đời họ là mối quan hệ gia đình, là vai trò làm mẹ hay làm cha, là những trách nhiệm ngoài công việc. Vì vậy, đi tìm cho bằng được đam mê của mình rồi mới chọn ngành học và sau đó chọn công việc làm không phải là một bước nên làm trong quy trình hướng nghiệp.
Từ ba câu chuyện trên, tôi kết luận rằng để giúp các con ra quyết định hướng nghiệp tốt, cha mẹ nên:
— cùng con tìm hiểu về hướng nghiệp để con bắt đầu suy nghĩ về nghề nghiệp và tìm hiểu bản thân sớm (càng sớm càng tốt).
— cùng con tìm hiểu định nghĩa đam mê nghề nghiệp là gì, từ đâu con có ý tưởng đó, rồi kết luận xem có cần phải tìm ra đam mê trước khi chọn ngành và chọn trường hay không.
— giúp con hiểu rằng có thể phải mất thời gian tìm ra ngành học phù hợp nhất. Ở hiện tại, khi chưa biết rõ, các con có thể dùng phương pháp loại trừ để không chọn ngành trái với sở thích và khả năng. Rồi trong thời gian học, các con sẽ tìm hiểu thêm và học thêm qua những hoạt động ngoại khóa hay các lớp bên ngoài.
— giúp con chấp nhận rằng chương trình cử nhân rất tổng quát; do đó, việc con chỉ thích khoảng 70% chương trình là điều bình thường. Con hãy kiên nhẫn trong quá trình đào tạo và lấy động lực bằng cách tham gia những điều mình yêu thích ở bên ngoài lớp học.
— giúp con hiểu rằng quá trình hướng nghiệp cần sự kiên trì và kiên nhẫn. Con nên học cách sống và trân trọng sự phát triển nho nhỏ trong khoảnh khắc hiện tại hơn là luôn đòi hỏi một kết quả tốt thật lớn ngay lập tức.
Phoenix Hồ Phụng Hoàng – Chuyên gia tư vấn hướng nghiệp
—
Thông tin về lớp học Cùng con hướng nghiệp
Là lớp học dành riêng cho cha mẹ vào 02 ngày cuối tuần (10 tiếng), được hướng dẫn trực tiếp bởi cô Phoenix Hồ. Lớp học giúp cha mẹ trang bị các kiến thức về lý thuyết hướng nghiệp, các bài trắc nghiệm và tìm hiểu thị trường lao động, ngành học từ đó giúp con hạnh phúc hơn trong các quyết định nghề nghiệp. Link đăng ký: https://huongnghiep.honviet.com.vn/cungconhuongnghiep
—
Thông tin về tác giả Phoenix Hồ Phụng Hoàng
Chị Phoenix Hồ có hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc tư vấn hướng nghiệp cho học sinh và phụ huynh. Chị đã tham gia giảng dạy nhiều lớp hướng nghiệp cho giáo viên cấp 2, 3; và là tác giả cuốn sách “Cứ đi để lối thành đường”, với chủ đề về hướng nghiệp cho học sinh sinh viên.
Chị Phoenix có bằng Thạc sĩ Tư vấn và Phát triển Hướng nghiệp của trường Đại học Santa Clara (Mỹ) và bằng Thạc sĩ Quản trị Giáo dục của trường Đại học RMIT. Chị từng giữ vị trí Quản lý tư vấn và hướng nghiệp tại trường Đại học RMIT Việt Nam trong nhiều năm.
Nguồn bài viết: 3 câu chuyện hướng nghiệp và lời khuyên dành cho cha mẹ của RMIT & Cha Mẹ
Từ khóa » Câu Chuyện Về Nghề Nghiệp
-
THƠ, TRUYỆN VÀ CÂU ĐỐ CHỦ ĐỀ NGHỀ NGHIỆP
-
5 Truyện Chủ Đề Nghề Nghiệp Siêu Hay Và Siêu Ý Nghĩa Cho Bé
-
Truyện Hay Mầm Non: Truyện Chủ đề Nghề Nghiệp - KidsOnline
-
Truyện:" Bác Sĩ Chim" Chủ đề Nghề Nghiệp - YouTube
-
Những Câu Chuyện Hay Chủ điểm Nghề Nghiệp Cho Trẻ 4- 5 Tuổi
-
Truyện : Ba Anh Em ( Chủ đề : Nghề Nghiệp)
-
Một Số Bài Thơ, Câu Truyện Hay Chủ đề Nghề Nghiệp
-
Các Câu Chuyện Về Chủ đề Nghề Nghiệp - 123doc
-
Những Câu Chuyện Về Chủ đề Nghề Nghiệp - 123doc
-
CHỦ ĐỀ NGHỀ NGHIỆP - Tuyển Tập Truyện Thơ Cho Trẻ Em Mầm Non
-
Câu Chuyện Nghề Nghiệp: Động Lực Nào Giúp Bạn Thức Dậy Vào Buổi ...
-
Câu Chuyện Chọn Nghề - Hướng Nghiệp GPO