3 Chuyện Thú Vị Trong Chuyến Công Du Việt Nam Của ông Kim Jong Un

3 chuyện thú vị trong chuyến công du Việt Nam của ông Kim Jong Un - Ảnh 1.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đến ga Đồng Đăng sáng ngày 26-2 - Ảnh: AFP

Chuyến công du 5 ngày của ông Kim Jong Un tại Việt Nam vừa qua là chuyến công du nước ngoài dài nhất kể từ khi ông lên nắm quyền vào tháng 12-2011..

Nhưng đó chưa phải là điều ấn tượng duy nhất trong chuyến công du đặc biệt của ông Kim Jong Un tại Hà Nội nhân Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2. Trong dịp này, công chúng còn thấy những cái "nhất" và "đầu tiên" thú vị khác ở nhà lãnh đạo trẻ tuổi này.

Đó là chuyện ông Kim là nhà lãnh đạo Triều Tiên đầu tiên đến Việt Nam trong 55 năm qua, kể từ năm 1964. Đó là việc lần đầu tiên ông Kim Jong Un trả lời câu hỏi của phóng viên nước ngoài. Ông Kim Jong Un là nguyên thủ đầu tiên đến Việt Nam bằng xe lửa. Và có lẽ hiện ông vẫn là nhà lãnh đạo của một nước duy nhất trên thế giới chọn công du nước ngoài bằng phương tiện xe lửa mà không phải máy bay.

Chuyến công du nước ngoài dài nhất

Kể từ khi lên nắm quyền năm 2011, ông Kim Jong Un chưa có nhiều chuyến công du nước ngoài, và các chuyến công tác của ông cũng thường gói gọn trong thời gian vài ngày. Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Kim Jong Un là tới Trung Quốc vào tháng 3-2018.

Tuy nhiên, theo Hãng tin Kyodo (Nhật Bản), chuyến công du tới Việt Nam từ 26-2 đến 2-3 dự hội đàm thượng đỉnh với tổng thống Mỹ là chuyến công du nước ngoài dài ngày nhất của ông Kim Jong Un trên cương vị người đứng đầu đất nước.

Ngoài 5 ngày làm việc tại Hà Nội, nếu kể thêm thời gian di chuyển trên đường, 3 ngày đi và có thể là 3 ngày về nữa, chuyến công du này sẽ hết khoảng 11 ngày. Trong khi đó, những chuyến công du dài ngày nhất trước đó của ông Kim tới Trung Quốc mới chỉ là 4 ngày như chuyến đi từ 25-28 tháng 3-2018, chuyến đi từ ngày 7-10 tháng 1-2019.

Việc lựa chọn tàu hoả là phương tiện di chuyển khi đi công du của ông Kim lần này tuy là một điểm quen thuộc nếu nhìn vào truyền thống gia đình, song với rất nhiều người, trong bối cảnh máy bay đã trở thành phương tiện phổ biến như hiện nay, lựa chọn của ông Kim là một ấn tượng thú vị.

Nhìn lại lịch sử gia đình, ông nội ông Kim Jong Un, người sáng lập đất nước Triều Tiên Kim Nhật Thành, cũng từng tới Đông Âu trong hành trình tàu hoả dài nhất của ông năm 1984. Người cha quá cố của ông Kim Jong Un, ông Kim Jong Il, cũng đã đi xe lửa tới Matxcơva năm 2001.

Yonhap: lãnh đạo Triều Tiên đầu tiên đến Việt Nam bằng tàu hoả

Chuyến thăm Việt Nam của ông Kim Jong Un lần này đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của một vị nguyên thủ Triều Tiên đến Việt Nam trong 55 năm, kể từ năm 1964, khi ông Kim Nhật Thành, ông nội của ông Kim Jong Un, đến thăm Việt Nam.

Mặc dù công du bằng tàu hoả là một lựa chọn quen thuộc của các thành viên trong gia đình họ Kim, từ thời ông Kim Nhật Thành, nhưng một điều thú vị mà có thể nhiều người chưa biết khi ông Kim Jong Un mới là nhà lãnh đạo đầu tiên của Triều Tiên đến Việt Nam hoàn toàn bằng tàu hoả.

Ở thời của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành, vào năm 1958, theo Hãng tin Yonhap ngày 23-2 dẫn lại tư liệu của truyền thông Trung Quốc, khi ông Kim Nhật Thành tới Việt Nam, ông đã đi tàu từ Bình Nhưỡng tới Bắc Kinh, sau đó đi máy bay của Trung Quốc từ Bắc Kinh đến Hà Nội.

3 chuyện thú vị trong chuyến công du Việt Nam của ông Kim Jong Un - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (thứ 3 bên trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (thứ 2 bên phải) ngày 27-2 tại Hà Nội, khi ông Kim Jong Un có câu trả lời trực tiếp đầu tiên với phóng viên nước ngoài - Ảnh: AP

Lần đầu trả lời phóng viên nước ngoài

Trong nhận định của Hãng tin AP, việc nhà lãnh đạo Triều Tiên trực tiếp trả lời một câu hỏi bất ngờ của một phóng viên Mỹ trong cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên buổi tối 27-2 tại khách sạn Metropole Hà Nội có "chút gì đó" mang tính lịch sử.

Đó là khi một nhà báo Mỹ chuyên đưa tin về Nhà Trắng đặt câu hỏi với ông Kim về tầm nhìn của ông trước cuộc hội đàm thượng đỉnh. Ông Kim đáp: "Vẫn còn là quá sớm để nói. Tôi sẽ không phỏng đoán. Nhưng tôi có cảm giác sẽ đạt được một kết quả tốt".

Mặc dù Bộ Thống nhất Hàn Quốc, cơ quan chuyên xử lý các vấn đề liên quan tới Triều Tiên, không thể xác nhận đó có đúng là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Triều Tiên trả lời một câu hỏi từ phóng viên nước ngoài không. Song thực tế, các phóng viên đã không có cơ hội để hỏi ông Kim bất cứ câu hỏi nào trong cả 3 kỳ hội đàm cấp cao đã có trước đó của ông với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và 4 cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Tháng 6 năm ngoái, trong cuộc gặp thượng đỉnh với ông Trump tại Singapore, ông Kim cũng đã phớt lờ câu hỏi phóng viên hô to lên để hỏi ông. Trong một cuộc gặp khác với truyền thông nước ngoài tại lễ khai trương bảo tàng chiến tranh ở Bình Nhưỡng năm 2013, ông Kim cũng đã không trả lời các câu hỏi truyền thông đặt ra với ông.

Có lẽ, chính bởi tính chất "lịch sử" này mà người ta sẽ còn nhớ tới tên của phóng viên nước ngoài đầu tiên nhận được câu trả lời của ông Kim. Đó là nhà báo David Nakamura của Báo Washington Post.

Nhà báo này sau đó đã chia sẻ lại câu hỏi của anh với ông Kim trên tài khoản Twitter: "Tôi đã hỏi ông Kim Jong Un là liệu ông ấy có tự tin về việc có thể đạt được thỏa thuận với ông Trump không. Và ông ấy đáp lại: ‘Còn quá sớm để nói. Tôi sẽ không nói là tôi bi quan’".

Và sau câu hỏi "khai thông" đó, ông Kim Jong Un đã tiếp tục trả lời câu hỏi của nhiều phóng viên nước ngoài của các hãng tin như AP, Reuters và Bloomberg.

Những cái "đầu tiên" này có thể chỉ là một sự ngẫu nhiên của hoàn cảnh thực tiễn, nhưng nhìn trong bối cảnh rộng hơn, nó hé lộ những điều mới mẻ có thể sắp diễn ra trong giai đoạn nắm quyền của nhà lãnh đạo còn rất trẻ Kim Jong Un.

Đường dài vạn dặm khởi đầu từ bước chân đầu tiên, chắc chắn nhà lãnh đạo Kim Jong Un sẽ còn có thêm nhiều ấn tượng "đầu tiên" đáng chú ý khác trong những chính sách điều hành đất nước tới đây của ông.

Chia sẻ kinh nghiệm đổi mới  với Triều Tiên Chia sẻ kinh nghiệm đổi mới với Triều Tiên

TTO - Lãnh đạo Việt Nam tổ chức đón lãnh đạo Triều Tiên theo nghi thức đón nguyên thủ quốc gia tại Phủ chủ tịch. Chuyến thăm chính thức này cũng mở ra nhiều cơ hội cho giao thương hai nước.

Từ khóa » Triều Tiên Thăm Chính Thức Việt Nam