3 đường Vành đai ở TP HCM Dang Dở Nhiều Năm - VnExpress

Việc chậm thực hiện các tuyến vành đai ở thành phố được TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ, nêu tại hội thảo phát triển TP HCM diễn ra tuần trước. "Tôi rất buồn vì quy hoạch các đường vành đai có từ rất lâu, nhưng chưa dự án nào hoàn thành. Vành đai 2 còn đứt đoạn, Vành đai 3 dang dở, Vành đai 4 chưa biết khi nào làm", ông Lịch nói và cho biết nếu không tạo sự đột phá về giao thông, TP HCM khó phát triển, liên kết vùng không thể thực hiện.

Ba tuyến vành đai bao quanh, giúp TP HCM kết nối với các địa phương. Đồ họa: Thanh Nhàn.

Ba tuyến vành đai giúp TP HCM kết nối các địa phương lân cận. Đồ họa: Thanh Nhàn.

Vành đai 2 dài 64 km, quy mô 6-10 làn xe, chạy qua TP Thủ Đức, quận 2, 7, 8, 12, Bình Tân và huyện Bình Chánh, Hóc Môn. Tuyến đường có vai trò quan trọng giúp phân luồng, giảm áp lực giao thông nội đô thành phố khi hạn chế xe chạy qua khu trung tâm. Đây cũng là trục huyết mạch liên kết đường vành đai khác trong tương lai, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông ở TP Thủ Đức.

Được quy hoạch từ năm 2007 nhưng đến nay toàn tuyến mới xong 50 km, còn 14 km chia làm 4 đoạn chưa hoàn thành. Trong đó đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, TP Thủ Đức, dài 2,7 km, tổng đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng khởi công năm 2017. Nhưng từ năm 2020, khi đạt 44% khối lượng công trình phải ngừng thi công do gặp khó khăn về vấn đề thanh toán cho nhà đầu tư.

Công trường Vành đai 2 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, TP Thủ Đức, ngưng thi công hồi cuối năm 2020. Ảnh: Gia Minh.

Công trường Vành đai 2 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa, TP Thủ Đức, ngưng thi công hồi cuối năm 2020. Ảnh: Gia Minh.

Trong ba đoạn chưa triển khai có hai đoạn đi qua TP Thủ Đức: đoạn 1 từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội (dài 3,5 km) và đoạn 2 từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng (dài 2,5 km). Hai đoạn này dự kiến đầu tư bằng ngân sách, tổng vốn gần 14.600 tỷ đồng. Đoạn thứ 3 từ quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh (dài 5,3 km, qua quận 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh) hiện trong giai đoạn báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Vành đai 3 dài hơn 90 km, chạy qua TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, chia làm 4 đoạn: Tân Vạn - Bình Chuẩn, Tân Vạn - Nhơn Trạch, Bình Chuẩn - quốc lộ 22 và quốc lộ 22 - Bến Lức. Dự án khi xây xong giúp liên kết các cao tốc TP HCM - Trung Lương, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây; quốc lộ 1, 22; hình thành mạng lưới giao thông liền mạch giữa TP HCM với các tỉnh xung quanh, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng...

Vành đai 3 TP HCM hiện chỉ đoạn dài hơn 16 km thuộc tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn (Bình Dương) được đầu tư hoàn thành và đưa vào khai thác. Ảnh: Gia Minh.

Tuyến vành đai 3 mới có đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn (Bình Dương) hoàn thành. Ảnh: Gia Minh.

Theo quy hoạch được phê duyệt 11 năm trước, toàn tuyến Vành đai 3 cơ bản hoàn thành trước năm 2020. Tuy nhiên đến nay chỉ đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn (một phần đường Mỹ Phước - Tân Vạn thuộc Bình Dương) dài hơn 16 km đã hoàn thành. Ba đoạn còn lại dù Bộ Giao thông Vận tải, TP HCM và các địa phương có động thái thúc đẩy nhưng chưa được khởi công do vướng giải phóng mặt bằng, chi phí tăng, thiếu vốn đầu tư...

Vành đai 4 dài 198 km, đi qua Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM và Long An, ước tính tổng mức đầu tư 100.000 tỷ đồng. Được duyệt năm 2013, tuyến vành đai này vai trò chiến lược trong liên kết vùng, đặc biệt kết nối Khu đô thị cảng Hiệp Phước ở phía Nam Sài Gòn với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên sau 8 năm, tuyến đường chưa được hình thành.

Vành đai 4 chia làm 5 đoạn, trong đó hiện chỉ đoạn Bến Lức - Hiệp Phước (dài gần 36 km), tổng vốn 20.000 tỷ đồng đang được nghiên cứu đề xuất đầu tư. Các đoạn còn lại chưa khởi động, gồm: Phú Mỹ - Trảng Bom (hơn 45 km), Trảng Bom - quốc lộ 13 (52 km), quốc lộ 13 - quốc lộ 22 (gần 23 km), quốc lộ 22 - Bến Lức (hơn 41 km).

Theo Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Phan Công Bằng, những năm qua dù ngành giao thông được thành phố quan tâm và bố trí tỷ lệ vốn cao. Tuy nhiên so với quy mô, mật độ dân số, diện tích đường ở TP HCM thì vốn đầu tư chưa đáp ứng nhu cầu. Giai đoạn 2015-2020, tổng chi phí đầu tư cho giao thông ở thành phố hơn 50.000 tỷ đồng, nhưng kinh phí giải phóng mặt bằng đã chiếm 50%.

Đặc biệt giai đoạn 2017-2020, tỷ lệ ngân sách giữ lại của TP HCM hàng năm bị giảm mạnh từ 23% xuống 18%, dẫn đến việc đầu tư cho hạ tầng giao thông càng gặp trở ngại. Nhiều dự án giao thông quan trọng ở thành phố đều chậm so với quy hoạch do thiếu vốn. Trong khi các đường vành đai 3, 4 do Bộ Giao thông Vận tải đầu tư hiện chưa có khiến giao thông thành phố bức bí.

Gia Minh

  • Hơn 31.000 tỷ đồng khép kín Vành đai 3 TP HCM
  • Giao thông Sài Gòn thiếu kinh phí
  • 14.600 tỷ đồng làm hai đoạn Vành đai 2 TP HCM

Từ khóa » Các đường Vành đai Tp Hcm