3 Kiểu CÂU CÁ LÓC Thông Dụng, Dễ Câu Và Có Hiệu Quả Cao Nhất

Xin chào cả nhà, đây sẽ là một bài viết chia sẻ kinh nghiệm câu cá lóc của mình và nhiều anh em khác để cả nhà mình cùng tham khảo từ đó có thêm ý tưởng cho bộ môn đầy thú vị này nha.

3 cách câu cá lóc hiệu quả cao

Nói về câu cá lóc thì từ xưa đến giờ có thể chia làm 2 trường phái: câu kiếm cơm và câu giải trí, nhưng thật sự nó cũng không có sự phân biệt rõ ràng. Và rõ ràng cả 2 trường phái này đều có những nét hay, hấp dẫn của riêng nó.

Đầu tiên mình sẽ nói về kiểu câu thứ nhất, là câu kiếm cơm gạo của mấy anh em câu chuyên nghiệp. Kiểu câu này thì dụng cụ, đồ nghề câu đơn giản. Mồi câu cũng rẻ, dễ tìm. Chủ yếu dựa vào số lượng cần câu nhiều và đặt tính của con cá lóc thích dựa bờ ăn đêm mà tiến hành câu thôi.

Về kiểu câu này chúng ta có câu cắm và câu giăng. Đây là 2 kiểu câu bắt cá lóc được sử dụng vô cùng nhiều, vì tính kinh tế và độ hiệu quả rất cao của nó.

Đầu tiên là kiểu câu cắm cá lóc.

cách câu cá lóc bằng câu cắm

Câu cá lóc bằng phương pháp câu cắm

Kiểu câu này sử dụng cần câu có chiều dài từ 0.8-1.2m, thường là sử dụng cần câu dài 1m, được vót bằng tre. Sử dụng lưỡi ó, tùy vào cỡ cá lớn ha nhỏ mà chọn cỡ lưỡi cho nó phù hợp.

Chúng ta sẽ cắm câu ở dọc bờ các khu vực địa hình nghi có cá lóc (bờ ruộng, ao, hồ, kinh, rạch..). Khoảng cách giữa 2 cần kế tiếp nhau thường là khoảng 20-30 bước chân.

Trong kiểu câu cá lóc này, mồi được sử dụng đa phần là mồi chạy (dế, gián, nhái, cá con...) và đôi khi là sử dụng mồi chìm xuống mặt nước cỡ 1 tấc như (trùng/giun, hoặc dế).

Nếu anh em nào quan tâm kiểu câu này, muốn tìm hiểu kỹ hơn thì có thể đọc tiếp bài viết chi tiết của mình ở đây nha.

Bán cần câu cắm cá lóc

Về kiểu câu cá lóc thứ 2 thường hay sử dụng đó là câu giăng

cách câu cá lóc bằng câu giăng

Dùng câu giăng để câu cá lóc luôn cho hiệu quả rất cao

Ngược về kiểu câu cắm cá lóc là cắm cần câu vào bờ, kiểu câu này đòi hỏi người câu phải chịu khó lội ra xa bờ từ 2-5m rồi bắt đầu thả câu. Gắp câu (viền câu) thường dài khoảng chừng trên dưới 100m, và thường có khoảng 100 lưỡi câu.

Lưỡi câu dùng cho dây câu giăng cũng thường sử dụng lưỡi ó. Nếu không có yêu cầu gì đặc biệt thì dùng lưỡi ó số 3 hoặc là số 4 nha anh em. Khoảng cách giữa 2 lưỡi câu chừng 1m, chiều dài dây từ lưỡi câu tóm vào dây viền tầm khoảng 20-30cm.

Ở kiểu câu này, thì thường mồi trùng (giun) được ưu tiên sử dụng hơn cả vì độ tiện lợi và rẻ tiền của nó. Cũng chính vì vậy, với kiểu câu này các bạn ngoài dính cá lóc thì sẽ câu được luôn cá trê, rô và cả rô phi nữa nha anh em.

Ngoài ra ở cách câu cá lóc truyền thống này còn một kiểu câu nữa đó là câu nhấp cá lóc (dùng vịt), nhưng do kiểu câu này không phổ biến và có độ khó nhất định nên mình xin phép không đề cập sâu ở đây nha.

Cuối cùng là kiểu câu cá lóc thiên về tính giải trí nhiều hơn, đó là câu lure (hay còn gọi là câu rê cá lóc)

Đây cũng là kiểu câu công phu, tốn kém nhất. Nhưng bù lại có có nét hấp dẫn riêng, và cảm giác đóng, giật, kéo cá vào bờ rất đã tay mà 2 kiểu câu cá lóc phía trên không thể mang đến cho anh em được.

cách câu cá lóc bằng câu lure

Câu cá lóc bằng cách lure (rê) luôn rất thú vị

Với kiểu câu này, nó lại chia ra 2 nhánh nhỏ nữa. Đó là câu rê cá lóc sử dụng mồi thật (mồi nhái) và câu rê cá lóc sử dụng mồi giả (nhái hơi, nhái nhảy, cá sắt chìm...).

Khoan hãy bàn về cần câu, máy câu như thế nào, vì có sử dụng cần, máy kiểu gì thì nguyên tắt câu cũng như nhau. Ta sẽ phân tích sâu về 2 kiểu câu vừa đề cập đến ở trên nha

Câu cá lóc sử dụng mồi thật (mồi nhái)

Đây là cách câu dùng nhái thật móc vào trong lưỡi câu rê cá lóc, rồi dùng để rê qua các địa hình, khu vực nghi có cá. Nếu có cá lóc ở khu vực đó thì nó sẽ đuổi theo táp mồi thôi.

Nhiều anh em nói mồi nhái thật câu cá lóc nhại hơn so với mồi giả, tuy nhiên đây là chủ đề tranh cãi không bao giờ có kết thúc giữa 2 trường phái này với nhau. Nên tùy sở thích của các bạn nha.

câu cá lóc dùng nhái thật

Câu cá lóc với mồi nhái thật

Ưu điểm: nhại cá, thường cá táp đóng sát xuất trượt cá thấp, phù hợp nhiều dạng địa hình khác nhau.

Nhược điểm: nhiều khi nhái khó tìm, và lưỡi câu rê cá lóc được làm thủ công thì có giá không hề dễ chịu

Câu cá lóc sử dụng mồi giả

Mồi giả ở đây có thể là nhái hơi, nhái nhảy (nhái lắc), cá sắt... Ở mỗi con mồi sẽ có một mô phỏng chuyển động khác nhau, từ đó thu hút sự chú ý của con cá lóc, khiến nó đuổi theo và táp mồi.

Thường thì người câu sẽ hay sử dụng con nhái hơi để câu cá lóc nhất, và cách sử dụng chi tiết nó mình có trong bài viết ở đây luôn nha anh em.

Ưu điểm: ở một mức độ nào đó thì nó rẻ hơn so với dùng mồi thật, vì con mồi có thể tái sử dụng được rất nhiều lần. Và các bạn còn có thể thay đổi được các con mồi khác nhau tùy ý.

Nhược điểm: của kiểu câu cá lóc này có lẽ là sẽ hơi khó câu cho những anh em mới bắt đầu (vì trở ngại tâm lý, mồi giả không nhại cá)

câu cá lóc sử dụng mồi giả

Câu cá lóc dùng mồi nhái giả

Thực ra thì mồi giả hoàn toàn nhại cá không thua gì mồi thật đâu các bạn ạ. Rất nhiều lần mình chỉ cần kéo 1-2 đường là cá đã đuổi theo táp ầm ầm rồi.

Mồi giả, mồi thật không quan trọng bằng cách mình câu, cách mình nhìn nhận địa hình, khu vực đó có ai câu hay chưa, cá có bị bể hay là không. Và quan trọng nhất, các bạn phải có niềm tin là câu được. Chứ không thể vừa câu vừa nghi ngờ vào con mồi mình đang sử dụng thì làm sao mà dính được.

Trên đây là vài kinh nghiệm câu cá lóc mình rút ra được từ bản thân mình và từ nhiều anh em đi câu chung trong hội. Hi vọng nó sẽ giúp được ít nhiều cho anh em, đặc biệt là những anh em mới bắt đầu câu cá lóc. Mong anh em sẽ chọn được kiểu câu thích hợp nhất cho mình nha.

Cảm ơn anh em đã theo dõi, chúc anh em nhiều sức khỏe và luôn thành công ạ

cuộc sống ruộng vườn

Từ khóa » Cách Rê Cá Lóc Bằng Mồi Giả