3 Loại Cây Bời Lời Và Những Tác Dụng Quý Trong Y Học

Nước ta có nhiều loại bời lời như: bời lời nhớt, bời lời tai, bời lời lá thuôn, bời lời lá thon, bời lời lá mọc vòng, bời lời lá mềm, bời lời lá đỏ, bời lời hương, bời lời biến thiên, bời lời đắng…

Trong số đó, chỉ có vài loại thường được dùng làm thuốc. Tuy nhiên, những loại đó lại có nhiều công dụng quý. Vậy, đó là những loại nào và chúng có tác dụng gì?

1. Bời lời nhớt (bời lời dầu, bời lời đỏ)

Sở dĩ có tên gọi này là vì toàn cây bời lời nhớt đều có chất nhầy. Cây có tên khoa học là Litsea glutinosa và là loại cây thân gỗ nhỡ, cành nhánh lúc còn non có lớp lông phủ ngoài và có góc, sau khi già thì cành nhánh có hình trụ nhẵn.

Lá bời lời nhớt có màu xanh sẫm, mặt trên nhẵn bóng, mặt dưới có lông, mọc so le nhau và mọc chủ yếu ở đầu cành. Hoa của cây mọc thành cụm từ 3 – 6 cái và quả của cây có màu đen, tròn tròn, to bằng hạt đậu (1) (2).

Hoa bời lời nhớt
Hoa bời lời nhớt
Bời lời nhớt
Bời lời nhớt

Công dụng:

Rễ: Được biết, rễ cây bời lời nhớt có tác dụng điều trị tiêu chảy, viêm ruột, tiểu đường, mụn nhọt trên đầu và viêm tuyến mang tai (rễ rửa sạch, chặt nhỏ, phơi khô, mỗi ngày nấu lấy nước uống từ 15 – 30 g).

: Lá cây và vỏ cây bời lời nhớt thường được dùng ngoài da để điều trị các bệnh như: viêm mủ da, đinh nhọt, viêm vú và viêm tuyến mang tai (giã nát lá tươi hoặc vỏ cây tươi rồi đắp lên) (1).

2. Bời lời lá thuôn

Cây bời lời lá thuôn có các phiến lá thuôn nhọn hoặc có hình trái xoan ngược, có tên khoa học là Litsea rotundifolia var. oblongifolia và cũng là cây thân gỗ nhỏ. Tuy nhiên, khác với bời lời nhớt, cành nhánh của cây bời lời lá thuôn không có lông và khi đem phơi khô thì phần cành non sẽ có màu đen, phần cành già sẽ có màu nâu.

Hoa cây này cũng mọc thành tán gồm 4 hoa và quả có màu đen, hình cầu, to khoảng 0,6 cm (to hơn quả của cây bời lời nhớt).

Hoa bời lời lá thuôn
Hoa bời lời lá thuôn

Công dụng:

Theo y học cổ truyền thì rễ và lá khô của cây bời lời lá thuôn có các công dụng sau:

  • Khư phong trừ thấp.
  • Điều trị viêm khớp do phong thấp.
  • Hành khí giảm đau.
  • Điều trị phụ nữ bị đau bụng kinh, bế kinh.
  • Điều trị đau lưng mỏi gối.
  • Điều trị tụ máu bầm do đòn ngã tổn thương.
  • Điều trị đầy hơi, rối loạn tiêu hóa.

Cách dùng: lấy rễ hoặc lá cây, rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô trong bóng râm (phơi âm can) rồi nấu lấy nước uống từ 20 – 40 g mỗi ngày.

Lưu ý: Phụ nữ mang thai không được dùng (1).

3. Bời lời lá mọc vòng (bời lời cuống ngắn)

Cây bời lời lá mọc vòng có tên khoa học là Litsea verticillata, cũng là cây thân gỗ nhỏ như hai loại trên nhưng cành non của nó phủ đầy lông cứng màu vàng và lá thì có lông mềm ở gân giữa, mặt trên màu xanh, mặt dưới có lông mềm màu nâu vàng. Đặc biệt, lá ở phần ngọn cây mọc thành vòng (từ 4 – 5 lá thành một vòng). Vì vậy, nó được gọi là bời lời lá mọc vòng.

Bời lời lá mọc vòng
Hoa bời lời lá mọc vòng
Bời lời lá mọc vòng
Quả bời lời lá mọc vòng

Quả của cây cũng có hình cầu và to hơn 2 loại trên (quả dài 1,2 cm).

Công dụng làm thuốc:

Được biết, lá và rễ cây bời lời lá mọc vòng được người Trung Quốc dùng điều trị ứ tích do đòn ngã tổn thương, đau bụng kinh (giúp tán tích huyết), phong thấp đau xương và đau khoang dạ dày.

Cách dùng: mỗi ngày, sắc lấy nước uống từ 8 – 12 g (cũng có thể ngâm rượu uống). Riêng với đòn ngã tổn thương thì ta nên kết hợp đắp ngoài (giã nát lá tươi, hòa với chút rượu rồi đắp lên).

Lưu ý: Phụ nữ mang thai không được dùng (1).

Nguồn tham khảo

  1. Võ Văn Chi, Từ điển cây thuốc Việt Nam, tập 1, trang 248 – 250.
  2. Bời lời đỏ, https://vi.wikipedia.org/wiki/B%E1%BB%9Di_l%E1%BB%9Di_%C4%91%E1%BB%8F, ngày truy cập: 08/ 01/ 2022.

Từ khóa » Hạt Bời Lời