3 Mẫu Tiểu Phẩm 20/11 Hay Nhất

TOP 5 Kịch bản tiểu phẩm ngày 20/11 hay nhất, giúp các em có thêm nhiều ý tưởng mới để tổ chức chương trình chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 thêm hay, nhằm tri ân thầy cô giáo.

Với 5 Tiểu phẩm 20/11 chủ đề Bắc Đẩu thăm thầy cô 20/11, Thầy ơi, em đã sai hai lần; Hãy nắm chặt tay nhau, Niềm vui của cô, Đường về, các em dễ dàng xây dựng tiểu phẩm cho riêng lớp mình thật hay. Ngoài ra, có thể tham khảo thêm lời ngỏ, danh ngôn, bài thơ, truyện ngắn... để trang trí báo tường 20/11 cho lớp mình.

Tiểu phẩm ngày 20/11 hay

  • Tiểu phẩm 20/11: Bắc Đẩu thăm thầy cô 20/11
  • Tiểu phẩm 20/11: Thầy ơi, em đã sai... hai lần
  • Tiểu phẩm 20/11: Hãy nắm chặt tay nhau
  • Tiểu phẩm 20/11: Niềm vui của cô
  • Tiểu phẩm 20/11: Đường về

Tiểu phẩm 20/11: Bắc Đẩu thăm thầy cô 20/11

- Châm (Bắc Đẩu): Nhất tự vi sư, bán tự vi sư: Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy. Ôi! Những người ươm hạt giống cho đời công lao mới to lớn làm sao! Ta nhớ ta trước đây lúc nhỏ ta đã học rất nhiều thầy cô giáo, mỗi thầy cô giáo đều yêu quý học sinh, đem hết vốn hiểu biết truyền đạt cho học sinh. Giờ tuy ta đã lớn, nhưng ta không quên công ơn dạy bảo này. Gần đến ngày 20/11 rồi, nhớ thầy cô giáo cũ quá, nhớ quá!

- Đạt (Nam Tào): Đẩu ơi? Đẩu đâu rồi?

- Châm (Bắc Đẩu): Khiếp gọi gì mà kinh thế? Trời nhìn Tào kìa, sao mà kinh thế?

- Đạt (Nam Tào): Kinh gì mà kinh, ngày nào ta chẳng đẹp trai thế này? Ơ sao nhìn Đẩu buồn thế?

- Châm (Bắc Đẩu): Ta buồn nhớ thầy cô giáo cũ của ta quá!

- Đạt (Nam Tào): Thầy cô giáo cũ ở gần đây hết mà, cần thì chạy sang mà gặp. À mà ngày nào chẳng gặp Đẩu nhớ nhung gì ?

- Châm (Bắc Đẩu): Không phải thầy cô trên thiên đình đâu, thầy cô dạy ta ở dưới trần gian cơ

- Đạt (Nam Tào): Ở Dưới trần gian á. Sao ta chưa nghe Đẩu kể bao giờ?

- Châm (Bắc Đẩu): Do ta chưa có dịp kể thôi. Chuyện là thế này. Lúc còn nhỏ ta ham chơi, lười học, bảo mãi không được cha mẹ ta xin Ngọc Hoàng gửi ta xuống trần gian xa cha mẹ để chăm lo học hành, nếu học không giỏi sẽ không được trở về thiên đình nữa.

- Đạt (Nam Tào): Thật vậy à ? Vậy xuống hạ giới Đẩu học thế nào kể cho Tào nghe với!

- Châm (Bắc Đẩu): Xuống đó ta được học ở trường THCS Lương Thế Vinh xã phú Cần. Trường đó rất đẹp lại có nhiều thầy cô dạy giỏi, yêu thương học sinh, chăm lo cho học sinh như con em ruột của mình. Hạnh phúc lắm Tào có biết không ?

- Đạt (Nam Tào): Thành tích của Đẩu học thế nào ? Có được xuất sắc không ?

- Châm (Bắc Đẩu): Mới xuống ta chưa quen lắm nên năm học lớp 6 chưa giỏi khi xếp vị thứ giữa kì ta xếp thứ

- Đạt (Nam Tào): Xếp thứ bao nhiêu?

- Châm (Bắc Đẩu): Lớp có 40 mươi bạn ta xếp thứ 39

- Đạt (Nam Tào): Trời ơi! xấu cái hổ thế à? Đẩu ơi là Đẩu giờ Đẩu giỏi bao nhiêu ngày xưa Đẩu lại ốt dốt bấy nhiêu kha....

- Châm (Bắc Đẩu): Sau lần xếp vị thứ đó ta đã nỗ lực cố gắng luôn học bài và làm bài tập ở nhà, đến lớp chăm chú nghe lời thầy cô giảng, chỗ nào không biết thì hỏi, biết thì luôn dơ tay trả lời. Chính nhờ sự nỗ lực mà qua giữa kì II ta đã xếp thứ 10 trong lớp và cứ như thế cho đến hết năm ta xếp vị thứ nhất đấy

- Đạt (Nam Tào): Vui nhỉ? Thế đến ngày nhà giáo 20/11 Đẩu thường tặng gì cho thầy cô?

- Châm (Bắc Đẩu): Qùa tặng à. Đẩu góp tiền mua quà nhưng thầy cô không cho thầy cô chỉ muốn quà tặng thầy cô là những bài học thật tốt, những điểm 10 đỏ chói trong sổ, những việc làm tốt giúp ích cho gia đình, nhà trường và xã hội, những món quà đó là vô giá với thầy cô rồi.

- Đạt (Nam Tào): Thật cảm động với tấm lòng chân thật của thầy cô Trường Lương Thế Vinh. Thế lớp mấy là Đẩu được về lại thiên giới?

- Châm (Bắc Đẩu) : Ta học hết lớp 9, ta được cấp bằng giỏi, lúc đó cha mẹ ta xin ta về thiên đình. Từ đó đến nay là chưa trở lại thăm trường lần nào? Hôm nay đột nhiên nhìn lịch thấy ngày 20/11 sắp đến ta lại bồi hồi nhớ về thầy cô giáo cũ.

- Đạt (Nam Tào): Thầy cô giáo ở trần gian ai cũng tốt bụng và thương học sinh, chăm lo cho học sinh như vậy thì các thế hệ học sinh sẽ luôn cố gắng phấn đấu trở thành những người tốt, giúp ích cho xã hội nhỉ ?

- Châm (Bắc Đẩu): Điều đó thì chắc chắn rồi. Lần này đang lúc rảnh rỗi, Ta quyết định xuống hạ giới về thăm lại trường gặp thầy cô, gửi tặng thầy cô chúc và lời cảm ơn chân thành nhất đến toàn thể quý thầy cô

- Đạt (Nam Tào): Đi từ đây xuống đấy mà chỉ gửi tặng lời chúc thôi à?

- Châm (Bắc Đẩu): Không chỉ lời chúc mà còn món quà tình thần vô giá Đẩu muốn gửi đến quý thầy cô nữa

- Đạt (Nam Tào): Qùa gì? cho ta biết với, cho ta đi theo với!

- Châm (Bắc Đẩu): Khi nào xuống hạ giới ta và Tào cùng các bạn sẽ biểu diễn tặng thầy cô tiết mục nhảy mà chúng ta tập từ hôm nọ đến giờ đó.

- Đạt (Nam Tào): Trời! Từ hôm nọ đến giờ tập nhảy, Tào với mọi người cứ tưởng diễn ở trên thiên giới. Tiết mục này đem tận xuống hạ giới tặng thầy cô à. Tuyệt vời đấy. Ok liền.

- Châm (Bắc Đẩu): Vậy chúng ta cùng dẫn các bạn đồng hành xuống hạ giới nào, chúng ta đi thôi. (Đạt Châm dẫn nhau vào cánh gà) sau đó dắt các bạn ra

- Châm (Bắc Đẩu): Đến rồi Tào ơi, mọi người ơi. Đây hôm nay trường tập trung đông đủ, bên này là quý thầy cô giáo, dưới sân là các bạn học sinh trong trường. Mọi người hãy cùng ra chào đi nào. (Đội nhảy Nam Tào, Bắc Đẩu chào khán giả)

- Đạt (Nam Tào): Ôi vui quá! vui quá!

- Châm (Bắc Đẩu): Để cảm ơn quý thầy cô giáo đã giúp chúng em có kiến thức chắc chắn làm hành trang học lên các lớp trên và vững bước vào đời, đường xa tuy xa xôi nhưng chúng em trở về kính chúc quý thầy cô luôn luôn mạnh khỏe, gặt hát được nhiều thành công trong cuộc sống và chúng em xin gửi tặng món quà tinh thần vô giá đến quý thầy cô, xin quý thầy cô cho một tràng pháo tay thật to để đón nhận.

(Đội nhảy Nam Tào, Bắc Đẩu nhảy hip hop xong, đội nhảy xuống tặng quà thiệp viết tay cho quý thầy cô giáo, sau đó lên lại khán đài)

- Châm (Bắc Đẩu): Tuy đây là những món quà nhỏ nhưng chúng em đã gửi trọn tấm lòng cùng lời chúc của mình vào đây để gửi đến quý thầy cô. Một lần nữa kính chúc sức khỏe đến quý thầy cô. (cả đội đồng loạt vừa vỗ tay, vừa chúc) chúc thầy cô ngày 20/11 tràn ngập niềm vui

(Cả đội chào khán giả)

Tiểu phẩm 20/11: Thầy ơi, em đã sai... hai lần

* Bối cảnh 1:

- Màu chủ đạo: Nội – Sáng.

- Cảnh 1: TRONG PHÒNG HỌC – TRƯỚC GIỜ HỌC.

Hoàn cảnh diễn ra: Mười lăm phút đầu giờ, giáo viên phụ trách ĐTN (Thầy Khánh) đi kiểm tra nề nếp các lớp. Khi đi gần đến cửa lớp 10G, từ hành lang thầy Khánh đã nhìn thấy Nam (một học sinh trong lớp 10G) sử dụng điện thoại di động để nhắn tin (điều này là vi phạm nội quy nhà trường của trường THPT X). Từ hành lang, thầy Khánh không rời mắt khỏi Nam đến khi vào đến bàn giáo viên. Trong lúc thầy Khánh vào, do ngồi bàn cuối nên Nam nhanh tay lén vứt điện thoại vào sọt rác và thọc tay vào túi lấy 1000 đồng tráo thay điện thoại.

– Động:

+ Cả lớp đang nói chuyện xôn xao xen lẫn tiếng cảnh báo “Thầy Khánh kìa! Thầy Khánh tới kìa! Im – im!”. Cả lớp im phăng phắc!

+ Thầy Khánh: Nam, em lên đây thầy bảo!

+ Nam: Dạ! (Lúi cúi sọt dép vào rồi bình thản bước lên, vừa đi vừa cầm 1000đ xếp xếp, uốn uốn giả ngây)!

+ Thầy Khánh: Cái điện thoại lúc nảy em sử dụng đâu rồi?!

+ Nam: (giả ngơ ngác!) điện thoại gì thầy???!!!

+ Thầy Khánh: Thầy hỏi lại một lần nữa: Cái điện thoại lúc nảy em sử dụng đâu rồi?!

+ Nam: Em có biết gì đâu ạ!? Em cầm 1000 đồng xếp chơi mà!

+ Thầy Khánh: (Tỏ vẻ bực tức trước thái độ cố tình gian dối của học sinh mình nhưng cố kìm nén) Em khẳng định là em không có sử dụng điện thoại đúng không???

+ Nam: …… dạ! (Nhưng hơi nhỏ giọng – nhát gừng).

+ Thầy Khánh (quay xuống lớp): Lớp trưởng đâu?

+ Ngân (lớp trưởng): dạ! Có em!

+ Thầy Khánh: Bí thư đâu?

+ Trinh (bí thư): dạ có!

+ Thầy Khánh: Lớp trưởng, bí thư và cả tập thể lớp chúng ta hãy chứng kiến vụ việc này! Giải quyết xong tôi lập biên bản sau. (Nói xong, thầy Khánh quay sang Nam)

+ Thầy Khánh: Tôi hỏi lại một lần nữa: Cái điện thoại lúc nảy em sử dụng đâu rồi?!??!!!

+ Nam: (cao giọng): đã nói không có sử dụng mà hỏi hoài.

+ Thầy Khánh: (đứng dậy – chống nạnh) Nếu tôi điều tra ra và xét ra cái điện thoại của em, em tính sao?

+ Nam: Tính sao tùy!

+ Thầy Khánh: (hạ giọng, gọi chân tình) Nam! em ngoan cố lắm! Đúng ra thầy không xử lý nặng những tình huống sử dụng điện thoại. Thầy chỉ nhắc nhở thôi, nhưng … (nghẹn ngào) thầy buồn em quá! Buộc thầy phải xử lý để em và các bạn khác rút kinh nghiệm. Thứ nhất: vi phạm nội quy nhà trường là sử dụng điện thoại trong lớp học. Thứ hai: em có hành vi phi tang, gian dối không thành khẩn nhận khuyết điểm. (Vừa nói, Thầy Khánh vừa đi xuống cuối lớp cúi người tìm điện thoại và … tìm hồi lâu, thầy thấy nó trong sọt rác).

+ Thầy Khánh: (thầy Khánh giơ cao điện thoại cho cả lớp xem và đưa hướng về Nam) Giờ tính sao Nam?

+ Nam: Dạ em biết lỗi rồi! (nói nhỏ lí nhí trong miệng)

+ Thầy Khánh: (nghẹn ngào – đỏ mặt): Mời em xuống văn phòng và mời đại diện tập thể lớp là lớp trưởng cùng đi.

* Bối cảnh 2:

(Trong lúc chuyển cảnh thì lời thoại ngắn diễn ra) Thầy Khánh đi ngang phòng giáo viên, tiện đường nên mời đột xuất GVCN 10G dự họp.

+ Thầy Khánh: Cô Chi ơi! Mời cô dự họp đột xuất tí xíu nha cô!

+ Cô Chi: Có việc gì không thầy Khánh?

+ Thầy Khánh: À! Vụ học sinh lớp 10G vi phạm nội quy, cần phối hợp GVCN xử lý đó mà!

+ Cô Chi: họp ở đâu vậy thầy?

+ Thầy Khánh: Văn phòng Đoàn nhé cô!

+ Cô Chi: Rồi! Tôi qua liền!

Màu chủ đạo: Nội – Sáng.

– Cảnh 2: TRONG VĂN PHÒNG ĐOÀN.

+ Thầy Khánh: Mời cô Chi ngồi! em Ngân ngồi đây, Nam đứng kia!

+ Thầy Khánh: Nam, em trình bày đi!

+ Nam: (Khóc khúc khíc, hic hic) Dạ em biết lỗi rồi!

+ Cô Chi: Lỗi gì?! Em trình bày cho rõ xem nào!

+ Nam: Dạ! em sử dụng điện thoại.

+ Thầy Khánh: chỉ có vậy thôi à?

+ Nam: dạ… ! dạ … em … e…m ! Em nói dối thầy!

+ Cô Chi: (Thở dài) Mẹ cho tiền chi tiêu việc học, em dùng vào những việc vô bổ không hà! Chơi game, sử dụng điện thoại …! Nhắc hoài các giờ SHL, giờ cũng vậy. Nhà thì khó khăn, em nên tiết kiệm để tập trung cho việc học chứ. Em sử dụng vậy là lãng phí, ảnh hưởng và chi phối việc học, vi phạm nội quy và giờ nghiêm trọng hơn nữa là nói dối với thầy. Cô thật sự buồn em quá!

+ Nam: (hix hix) Thưa thầy! (hix hix) Thưa cô! Cho em xin lỗi! (hu hu hic) Trong lúc bồng bột muốn che giấu khuyết điểm, em đã cố tình đánh mất mình. Xin thầy cô tha lỗi, mai mốt (hic hic hu) hỏng dám vậy nữa!

+ Ngân: Thầy cô ơi! Bạn Nam biết lỗi rồi! Mong thầy cô xem xét nhẹ nhẹ cho bạn ấy!

+ Thầy Khánh: Nam nè! Lúc nảy thầy thật sự rất giận em! Thầy làm tới nơi tới chốn, điều tra ra cái điện thoại em mới chịu hối lỗi. Giờ có lỗi gì, em nói thầy cô với bạn nghe coi!

+ Nam: Dạ! Thầy cô cho em xin lỗi!

Thứ nhất: em có lỗi vì chưa biết tiết kiệm.

+ Ngân: (chao mày nhìn Nam, gọi) Nam! Bạn nói gì dạ! Bạn có sao không!

+ Nam: Không, mình không sao! Mình đang rất bình tĩnh! Thưa thầy cô và bạn Ngân! Em không biết tiết kiệm tiền của ba mẹ cho em để chi vào việc học, không biết quý trọng, tiết kiệm thời gian rảnh rỗi để ôn bài, học bài.

(Nói xong, Nam tiếp!) Thứ hai: giá trị đạo đức của em bị đánh mất trong phút chốc vì em quá nông nỗi! Em đã đánh mất mình! Hi vọng thầy cô và bạn cho em cơ hội được lấy đây làm bài học sâu sắc nhất và em xin hứa không tái phạm từ đây!

+ Ngân (hic hic): Rút khăn giấy lau nước mắt!

+ Thầy Khánh: đây, biên bản vi phạm đây! Em đọc rồi ký vào! Cô Chi và em Ngân cũng ký luôn.

+ Cô Chi: (quay sang thầy Khánh) Vụ này xử sao thầy Khánh?

+ Thầy Khánh: cô chủ nhiệm Nam, giao cho cô xử lý luôn. Bên Đoàn có đề nghị hình thức ghi trong biên bản rồi. Gian dối thì giống như VPKT, hạnh kiểm Yếu ở học kỳ này!

+ Ngân: (vẻ nũng nịu van xin) Thầy! Không xem xét nhẹ cho Nam được hả thầy!

+ Thầy Khánh: Đó là cái giá của một bài học đấy em ạ! Nhưng cái giá của nó kha khá cao! Bạn ấy đã làm, … chịu thôi! (xòe 2 tay sang 2 bên, rún vai).

* Bối cảnh 3: BA NĂM SAU – NĂM HỌC CUỐI CẤP CỦA NAM

Tình huống: Nam tìm gặp thầy Khánh xin xác nhận hồ sơ Đoàn viên để dự thi vào quân đội. (thầy Khánh đang ngồi trong VP Đoàn).

Cảnh 3: TRONG VĂN PHÒNG ĐOÀN

+ Nam: Dạ em chào thầy!

+ Thầy Khánh: à! (ngước sang nhìn Nam, bỏ bút xuống nói) Có gì không em!

+ Nam: Dạ! thầy cho em xin xác nhận hồ sơ Đoàn viên, để em đăng ký thi vào quân đội.

+ Thầy Khánh (chau mày): Thi quân đội à! Tốt đấy! vào đấy có cơ hội và điều kiện rèn luyện tốt lắm em ạ!

(nói xong, thầy Khánh chợt nhớ chuyện cũ, thầy quay lại nói tiếp): Ủa! năm lớp 10 em được HK gì?

+ Nam: dạ! HK I em HK Yếu. HK II HK Tốt. Cả năm Cô Chi xếp em Loại Khá. 2 năm còn lại em được loại tốt hết thầy ạ!

(Nói xong, Nam nghiêm nghị khoanh tay lại): Dạ thưa thầy! Thầy đã cho em một bài học rất bổ ích, từ đó tới giờ em luôn ghi nhớ và khắc vào tâm. Em đã có ý thức học từ đó, không lãng phí thời gian, tiền bạc, không gian dối… Môi trường này và nhờ thầy đã rèn luyện cho em trưởng thành được như hôm nay thầy ạ! Em cảm ơn thầy!

+ Thầy Khánh: Nam à! Thật sự thì thầy cũng rất đắn đo khi đề nghị xếp em HK Yếu. Nhưng chỉ có như vậy em mới thức tỉnh và hối hận. Thầy thương các em như nhau, không ghét bỏ em nào, nhưng … thương đôi lúc cũng phải “cho roi cho vọt”. Em không trách thầy chứ!

+ Nam: Dạ! Em sai, mà sai đến hai lần! Em nào dám trách thầy chứ!

+ Thầy Khánh (cầm xác nhận trên tay): Nam nè! Em và các bạn khác đều là học trò của thầy, thầy mong sao các em luôn chững chạc và thành đạt. Giờ em sắp TN ra trường rồi, thầy chỉ mong sao tụi em vững bước trên đường đời với những kiến thức, đạo đức mà thầy cô truyền đạt, tự tin, luôn là chính mình, không được đánh mất mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đây, xác nhận của em đây! (rưng rưng ngước lên cao!)

+ Nam (Cầm xem xác nhận, vẻ bất ngờ): Ủa!!??? em được xếp loại Đoàn viên tốt hả thầy?

+ Thầy Khánh: Sao em? Có vấn đề gì à?

+ Nam: Em bị … vậy, thầy cũng xếp em tốt à?!

+ Thầy Khánh: Thì … bây giờ chẳng phải em đã tu dưỡng rèn luyện được tốt rồi sao??!! Chỉ mỗi lần đó thôi, nữa còn lại của năm lớp 10 và 2 năm cuối cấp, em đã tu dưỡng rèn luyện và phấn đấu rất tốt theo nhiệm vụ của người đoàn viên. Em đã thực hiện tiêu chí xây – chống đầy đủ. Lý do gì thầy xếp em không tốt chứ!!??

+ Nam (mừng rỡ, khúm núm cầm tay thầy): Dạ em cảm ơn thầy! Thầy đã thêm một lần nữa dạy cho em bài học lòng vị tha. Thầy ơi! Em rất quý trọng thầy! Em yêu thầy, thầy ạ!

Tiểu phẩm 20/11: Hãy nắm chặt tay nhau

Nhân vật trong tiểu phẩm:

– Bạn Hoàng Kỳ Anh: trong vai Hoàng – là bạn học sinh mồ côi cha sống với mẹ. Mẹ bị tàn tật nên hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Ở lớp, Hoàng là một học sinh nghịch ngợm, hay trêu chọc bạn bè và làm cô giáo rất phiền lòng.

– Bạn Ngọc Ánh: trong vai cô giáo.

– Nhóm HS trong vai các bạn cùng lớp.

Cảnh trong lớp:

Trống vào lớp, các bạn đang ngồi chăm chú ôn bài. Hoàng bước vào.

Hoàng: Xin chào các bạn!

Một bạn đứng lên gọi: Hoàng ơi, chuẩn bị thi giữa kỳ rồi, vào ôn bài với chúng tớ đi.

Hoàng: Tớ đang đói quá, chẳng có tâm trạng học hành đâu.

Hoàng chỉ vào Ngọc: À Ngọc à, hôm nay bạn có mang đồ ăn cho mình không?

Ngọc lấm lét: Nhưng mà tớ hôm nay hết tiền rồi.

Hoàng: Cái gì, không có là sao, tớ không chịu được đói đâu. Có ai có gì ăn không?

Lan: Có, tớ còn cái bánh mỳ chưa kịp ăn đây.

Hoàng (giằng lấy, ăn liền): Bánh mỳ cũng được, ăn tạm vậy.

Vừa lúc đó, cô giáo bước vào lớp.

Cả lớp đứng dậy chào cô

Cô giáo nhìn Hoàng: Hoàng, em ngồi vào chỗ đi.

Hoàng miễn cưỡng ngồi xuống.

Cô giáo: Tôi có một tin muốn thông báo cho các em, đó là nhà trường chúng ta đang chuẩn bị chương trình: Hoà nhịp đập con tim để ủng hộ cho các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn và đặc biệt 2 em Vi và Nhi bị mắc căn bệnh hiểm nghèo. Vì vậy bây giờ, cô sẽ hướng dẫn các em gấp những con sếu trắng, biểu tượng cho sự chia sẻ, cảm thông trong cuộc sống, các em có đồng ý không?

Tất cả học sinh: Đồng ý ạ! Đồng ý ạ!

Bỗng mặt Lan tái mét, tay ôm bụng.

Cô giáo cùng các bạn chạy tới, người xoa đầu, người hỏi han.

Cô giáo: Sáng nay con đã ăn gì chưa?

Lan: Dạ… Dạ… con ăn rồi ạ!

Cô giáo: Con đã ăn gì nào?

Ngọc: Dạ … Dạ …

Tuấn hùng: Thưa cô, hôm nay bạn Lan chưa ăn gì đâu ạ! Lúc nãy, Hoàng đã lấy bánh mỳ của Lan.

Cô giáo (nhìn sang Hoàng): Con đã lấy phần ăn sáng của bạn à?

Hoàng (gãi đầu): Dạ…dạ … lúc nãy em đói quá nên đã lấy bánh mỳ của bạn ạ.

Cô giáo: Sáng nay con chưa ăn gì sao?

Hoàng (bật khóc): thưa cô, tại con đói quá ạ. Con xin lỗi cô, tớ xin lỗi các bạn.

Cô giáo (ôm Hoàng vào lòng vỗ về): Hoàng Cô đã hiểu hoàn cảnh của con. Nhưng con ạ, ông bà ta đã dạy: Đói cho sạch, rách cho thơm. Lần sau, nếu khúc mắc thì hãy chia sẻ với cô, với các bạn, cô và các bạn sẽ giúp con, được không nào?

Quay lại với các học sinh khác: Còn các con, lần sau chúng mình có quà gì đều chia sẻ với bạn nhé! Các con có đồng ý không?

Tất cả học sinh: đồng ý ạ! Đồng ý ạ!

Cô giáo: Cô rất vui khi các con đã hiểu và biết chia sẻ vui buồn với bạn. Các con đều như là anh em một nhà.

Bây giờ, cô sẽ mua bánh mì cho các con và chúng ta cùng gấp sếu giấy nhé!

Tất cả học sinh: Cảm ơn cô, cảm ơn cô.

Cô giáo cùng học sinh: Hãy nắm chặt tay nhau, Cảm thông và chia sẻ, Hoà nhịp đập con tim.”

Tiểu phẩm 20/11: Niềm vui của cô

Tên người dẫn truyện……….: Người dẫn chuyện

Em xin chào các thầy cô giáo cùng toàn thể các bạn học sinh thân mến!

Tuần 10 lớp ….. chúng em làm công tác trực tuần. Để chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, sau đây lớp …. chúng em xin gửi đến các thầy cô cùng toàn thể các bạn học sinh một tiểu phẩm được mang tên: Niềm vui của cô. Em xin mời các thầy cô và các bạn cùng thưởng thức.

Nhân vật trong tiểu phẩm:

- Bạn…… : trong vai Tuấn

- Bạn ……: trong vai cô giáo.

- Nhóm HS trong vai các bạn cùng lớp.

Tiểu phẩm của chúng em xin được bắt đầu.

Người dẫn….. (lời dẫn): Tuấn là bạn học sinh mồ côi cha sống với mẹ. Mẹ Tuấn bị tàn tật nên hoàn cảnh gia đình Tuấn rất khó khăn. Ở lớp, Tuấn là một học sinh nghịch ngợm, hay trêu chọc bạn bè và làm cô giáo rất phiền lòng.

Cảnh trong lớp học.

Các bạn đang ngồi ôn bài. Tuấn bước vào.

Tuấn: Hello! xin chào mọi người!

Hiền đứng lên: Tuấn ơi, vào ôn bài với chúng tớ đi. Chúng mình chuẩn bị kiểm tra giữa kì đấy.

Tuấn: Ôi dào, học với chả hành. Tớ chả thích học. Tớ đang đói đây.

Tuấn chỉ vào Quyên: Này Quyên! Hôm nay bạn có mang bánh cho tớ không?

Quyên (sợ hãi): Nhưng mà tớ hôm nay hết tiền rồi.

Tuấn: Hết cũng phải có, nếu không hôm nay tớ nhịn đói à.

Tuấn quay sang Ngọc: Cả con này nữa, hôm nay có mang cái gì đi không?

Ngọc: Có, tớ còn hộp xôi chưa kịp ăn đây.

Tuấn (giằng lấy, ăn liền): Ôi đã quá! Hết cả đói.

Vừa lúc đó, cô giáo (…..) bước vào lớp.

Cả lớp đứng dậy chào cô (bằng Tiếng Anh)

Cô giáo (….) nhìn Tuấn: Tuấn, em ngồi vào chỗ đi.

Tuấn miễn cưỡng ngồi xuống.

Cô giáo (…….): các em ạ, nhà trường chúng ta đang chuẩn bị một chương trình lớn: Hoà nhịp đập con tim để ủng hộ cho các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn và đặc biệt 2 em Vi và Nhi bị mắc căn bệnh hiểm nghèo.

Hôm nay, cô sẽ hướng dẫn các em gấp những con sếu trắng, biểu tượng cho sự chia sẻ, cảm thông trong cuộc sống, các em có đồng ý không?

Tất cả học sinh: Đồng ý ạ! Đồng ý ạ!

Bỗng mặt Ngọc tái mét, tay ôm bụng.

Cô giáo cùng các bạn chạy tới, người xoa đầu, người hỏi han.

Cô giáo (….): Sáng nay con đã ăn gì chưa?

Ngọc: Dạ... Dạ... con ăn rồi ạ!

Cô giáo: Con đã ăn gì nào?

Ngọc: Dạ ... Dạ ...

Tuấn Anh: Thưa cô, hôm nay bạn Ngọc chưa ăn gì đâu ạ! Lúc nãy, bạn Tuấn đã lấy phần ăn sáng của bạn Ngọc đấy ạ.

Cô giáo (nhìn sang Tuấn): Con đã lấy phần ăn sáng của bạn à?

Tuấn (gãi đầu): Dạ...dạ ... lúc nãy em đói quá nên đã lấy xôi của bạn ạ.

Cô giáo: Sáng nay con chưa ăn gì sao?

Tuấn (bật khóc): thưa cô, tại con đói quá ạ. Con xin lỗi cô, tớ xin lỗi các bạn.

Cô giáo (ôm Tuấn vào lòng vỗ về): Cô đã hiểu hoàn cảnh của con. Nhưng con ạ, ông bà ta đã dạy: Đói cho sạch, rách cho thơm. Lần sau, nếu có đói hay có nỗi buồn gì con hãy chia sẻ với cô và các bạn nhé!

Quay lại với các học sinh khác: Còn các con, lần sau chúng mình có quà gì đều chia sẻ với bạn nhé! Các con có đồng ý không?

Tất cả học sinh: đồng ý ạ! Đồng ý ạ!

Cô giáo (….): Cô rất vui khi các con đã hiểu và biết chia sẻ vui buồn với bạn. Các con đều như là anh em một nhà.

Bây giờ, cô sẽ mua bánh mì cho các con và chúng ta cùng gấp sếu giấy nhé!

Tất cả học sinh: Cảm ơn cô, cảm ơn cô.

Người dẫn chương trình: Tiểu phẩm của chúng em đến đây là kết thúc. Qua tiểu phẩm chúng em mong muốn gửi tới các bạn thông điệp:

“Chúng ta:Hãy nắm chặt tay nhauCảm thông và chia sẻHòa nhịp đập con tim.”

Mời toàn trường cùng hát vang bài hát truyền thống: Mái trường mến yêu.

Người dẫn chương trình: Sau đây tớ có một số câu hỏi giao lưu cùng các bạn:

- Bạn đã làm gì để chung tay góp sức giúp đỡ bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn?

- Khi làm được việc tốt để giúp đỡ bạn có hoàn cảnh khó khăn bạn cảm thấy thế nào?

Tiểu phẩm 20/11: Đường về

Các nhân vật trong tiểu phẩm

Vân: Cô nữ sinh lớp 11

Tuyết, Thắm, Dũng: Bạn cùng lớp của Vân

Người bố (Hải)

Người mẹ (Lan)

Nguyệt: Chị gái Vân (đi học làm tóc vẽ móng ở thành phố Lào Cai)

Cô giáo chủ nhiệm của Vân

Bác Vọng (chị cô Lan)

Trong căn nhà lợp mái ngói, rêu đã ngả màu sẫm mốc, nằm cheo veo bên cạnh đồi, cách biệt với những dãy nhà cấp 4 ở thôn. Trong cơn gió của chiều đông lại càng trở nên lạnh lẽo và thảm đạm tiếng gắt, rồi tiếng gằn giọng vang lên lẫn vào tiếng rít của những cơn gió cứ từng hồi như cứa vào lòng người.

ông bố (Hải): Mày cút đi, cút khỏi nhà tao cút hết, cho khuất mắt tao cút

(giọng gào lên giận dữ)

Khốn khổ khốn nạn cái thân tao, cứ nghĩ đi làm vất vả kiếm ra đồng tiền mày sẽ biết lo toan cho cái gia đình ai ngờ mày lại đổ đốn ra thế này! Cái con đàn bà khốn nạn kia! Giờ thì cuộc đời này chả là gì với tao hết. Cút hết, cút hết đi trước khi tao cho nó mồi lửa để nó thành tro bụi.

Vẫn là một sự im lặng như những buổi chiều rét mướt khác. Chửi rồi lại nuốt hận và chẳng kịp khoác cái áo đã xỉn màu như mái ngói ngôi nhà. Nhưng lần này, Lan đã đáp lời chồng mình trong dòng nước mắt chứa chan.

Người mẹ (Lan): Tôi xin anh, cái thân tôi nó khốn nạn, nó nhuốc nhơ, nó ti tiện, tôi sẽ để anh sỉ mắng cho hả lòng, hả dạ anh giết tôi đi nhưng tôi không muốn con Vân, con Nguyệt nó biết chuyện này… (giọng Van xin)

Ông bố (Hải): Cô, cô còn định quanh co, lằng nhằng nữa hả? đẹp mặt chưa, giờ thì thiên hạ nó biết tỏng cái bản mặt của cô rồi.

Người mẹ (Lan): Biết tôi biết, tôi đã là một con đàn bà hư hỏng nhưng tôi muốn con tôi không phải khổ sở như mẹ nó. Cả hai đứa đã đang tuổi lớn, tôi không muốn vì tôi, vì gia đình này mà nó sẽ dở dang nếu anh lo cho mẹ con tôi một cuộc sống đầy đủ như những người chồng khác tôi đâu phải đến nỗi phải bấu víu vào người ta. Mỗi tháng ba cọc ba đồng anh đem về có đủ trang trải cả những món nợ mà anh cờ bạc lô đề ngày trước không? Anh có bao giờ tự hỏi mình tại sao vợ mình phải khốn nạn vậy chưa?

Ông bố(Hải): Cô..cô…Cô nói chí lý lắm, cô đúng là một người mẹ hết lòng vì con. Cô sợ hai đứa nó biết cô là người mẹ chả ra gì, vậy tại sao cô lại làm như vậy cô trả lời đi nói nói mau (Giận dữ, túm hai tay vào cổ người vợ đáng thương của mình)

Đang cơn giận dữ như lửa cháy bỗng có tiếng đẩy cửa đánh thoảng, Vân từ đâu chạy ào đến như một tia lửa lao thẳng về phía người mẹ đang chan chứa trong nước mắt, dằng mạnh bàn tay thô kệch, xù xì của bố, nó quỳ sụp xuống thổn thức, nghẹn ngào.Cô bé học giỏi Văn, sống nội tâm và ít nói đã không thể im lặng

Vân(con gái thứ hai): Con đã đứng ở bên ngoài nghe hết câu chuyện của bố và mẹ con thực sự không hiểu điều gì đã làm gia đình ta đến nông nỗi này...

Ông bố (Hải): Mày làm sao hiểu được hả con tao khổ sở lắm rồi (giọng đau đớn)

Người mẹ (Lan): tôi van anh, anh đừng nói thêm điều gì cả trong lúc này...hãy vì con bé... tôi xin anh.

Vân: Bố mẹ biết không, gần đây con đã thấy bố mẹ và cả nhà không còn gắn kết như xưa, con lo lắng, con sợ hãi và cũng không dám chia sẻ cả với chị, cũng chẳng dám hỏi mẹ tại sao?

Người mẹ (Lan): Con ơi, mẹ biết rồi! Mẹ xin con! (giọng van xin)

Vân: Những lúc chỉ có một mình con luôn nhớ lại những ngày khi con và chị còn bé, mỗi buổi chiều bố chở hai chị em trên chiếc xe đạp cũ, dạo quanh cánh đồng rồi vào nhà ông bà nội chơi đợi mẹ đi làm may về. Rồi cả nhà lại kéo nhau về với mái nhà nhỏ để ríu rít với bữa cơm tối chỉ có rau, đậu và vài miếng cá kho mặn. Con cũng nhớ những hôm bố đi phụ hồ về muộn, hai chị em quanh quẩn đứng ngóng ngoài sân. Vừa ngóng rồi lại tự hỏi, sao mãi bố chưa về. Mẹ còn sốt ruột mắng chúng con, không được nhắc để bố còn về nhà cho an toàn. Những lúc thế này con chỉ mong thời gian có thể đóng băng được, để mãi được như tấm bé, lúc gia đình mình tuy thiếu thốn về vật chất nhưng vẫn luôn vui vẻ,hạnh phúc; để con chẳng phải đối diện với những cãi vã, bực dọc của bố mẹ; để con không phải nghe những điều mà đôi tai con không thể tin. Đầu óc con muốn nổ tung, bố mẹ biết không? (giọng đau đớn, nghẹn ngào trong nước mắt )

Người đàn ông khổ sở ấy lặng lẽ, rút cái áo công nhân đã sờn bạc hết cả lưng và vai bước ra ngoài, cửa vẫn chưa khép lại. Vân và mẹ ôm nhau khóc,mẹ ôm chặt con gái như muốn thanh minh, như muốn thắp lại chút niềm tin nhỏ bé cho cô con gái nhỏ khi câu chuyện cô muốn giữ kín đã bung tuột ra theo tiếng gió rít và tiếng gằn giận dữ của người chồng trong cánh cửa khép hờ... Hải đã đi đến cả tháng nay không thấy về. Nghe nói, anh bỏ việc phụ hồ theo mấy người bạn bốc dỡ hàng trên cửa khẩu Lào Cai vì làm ở đây tuy vất vả nhưng chắc chắn anh sẽ kiếm được nhiều tiền hơn việc đi phụ hồ, hơn nữa cũng là để không phải đối diện với người vợ của mình. Đến cả đứa con gái lớn là Nguyệt, học làm tóc ở gần chỗ anh làm, anh cũng không muốn đến gặp con. Nguyệt biết bố đang làm bốc vác ở cửa khẩu cũng là do cô bạn cùng xóm chạy hàng hoa quả ở cửa khẩu khi đến gội đầu đã kể gặp bố cô. Cô đã tìm gặp được bố mình. Mẹ thì vẫn đi làm may thuê cho hiệu may gần nhà. Còn Vân, từ sau khi bố đi làm không về nhà như trước nữa, đến mỗi bữa vẫn ăn cơm với mẹ nhưng hai mẹ con cũng không nói chuyện, thậm chí Vân không hay ngước lên nhìn mẹ như trước. Vân thường xuyên đi học về muộn, về nhà cũng chẳng mấy khi Vân học bài. Giờ đây, Vân đã ra dáng một cô thiếu nữ, biết để ý đến quần áo mình mặc, lại còn tô son đỏ cam trước khi đi học. Càng ngày mẹ lại càng thấy con khác rất nhiều. Có một lần, cô giáo đã gọi điện cho mẹ Vân và trao đổi rất lâu, đến bữa ăn mẹ nói với Vân.

Người mẹ (Lan): Vân à! Hôm nay cô giáo của con gọi điện cho mẹ để trao đổi về việc học của con. Mẹ thấy lo lắng con ạ!

Vân: Cô giáo con nói với mẹ chuyện gì ạ? Con vẫn đi học bình thường như các bạn, vẫn chấp hành tốt mọi nội quy của trường lớp, có vi phạm điều gì đâu, lạ nhỉ sao cô lại phải quan tâm tới con quá mức như vậy? (Tỏ ra không thoải mái)

Người mẹ (Lan): Con nếu không có chuyện gì, chắc chắn cô giáo đã không phải gọi để trao đổi với mẹ nhiều như vậy.

Vân: Con đã nói là không có việc gì cả, mẹ đừng xen vào chuyện của con nữa, con thấy mệt mỏi lắm rồi. (Giọng gắt lên)

Người mẹ (Lan): Con? Tại sao con lại nói với mẹ như thế (Rồi mẹ Vân giận dỗi bước về phía sau nhà)

Mẹ vừa bước về phía sau nhà, tiếng còi xe máy đã réo lên inh ỏi trước nhà.

Vân mở hé cánh cửa, tiếng Dũng dội vào.

Dũng: (nói với vào nhà): Đợi lâu lắm rồi đấy, để bọn nó đợi lâu là không xong đâu. Nhanh cái chân cho tôi nhờ?

Vân: Được rồi chờ tí, chậm một tí đã chết ai được?

Người mẹ (Lan): (ngạc nhiên): Sao con nói chiều nay đi lao động trên trường? Giờ lại rủ nhau đi chơi ở đâu mà lại chờ đợi với hẹn hò nhau? Con ở yên đó để mẹ gọi điện cho cô giáo con.

Vân: Sao động tí mẹ lại lôi cô giáo ra dọa con, bây giờ chẳng ai làm con sợ được cả, mẹ hiểu không? Mẹ cứ lo việc của mẹ đi. Con đi lao động xong sẽ đến nhà Thắm thăm nó bị ốm. Nếu muộn, mẹ cứ ăn cơm trước, đừng chờ con làm gì!

Chưa kịp nghe mẹ nói lại, Lan đã chạy ào ra, ngồi vội lên xe máy với Dũng và Tuyết, đầu cũng chẳng thèm đội chiếc mũ bảo hiểm. Mẹ Vân ngỡ ngàng, thẫn thờ vì giờ đây con gái chị như đã thoát ra khỏi vòng tay mẹ, nó không muốn chị quan tâm mà lại càng không muốn thủ thỉ tâm sự với mẹ như trước. Chị cảm nhận được sự rạn nứt trong tình cảm và niềm tin của con gái mà giờ đây chị thật khó có thể nối lại được. Chị tự nhủ: Có lẽ cũng tại mình, giờ đây không thể trách ai. Trời đã nhá nhem tối, cơm canh đã chín, mâm cơm đạm bạc đã dọn ra, chị thẫn thờ ngóng con.

Người mẹ (Lan): Giờ này đã muộn lắm rồi, con bé làm gì mà còn chưa về. Nó đã bao giờ về muộn như thế này đâu. (Bước ra cửa rồi lại vào trong nhà, hết đứng lại ngồi)

Phải gọi cho cô giáo mới được….. A lô: Cô Thu ạ! Cô ơi, chiều lớp đi lao động có về muộn lắm không cô?

Có tiếng từ đầu dây bên kia hồi đáp trong hốt hoảng

Cô Thu: Chị Lan ơi, chiều nay lớp không lao động đâu vì một số bạn phải đi tập ngoại khóa cho tuần tới nên lịch lao động tạm hoãn, em đã nhắn cho gia đình rồi mà. Em có nhắc cháu tham gia tập ngoại khóa, cháu nói gia đình dạo này bận việc, phải giúp mẹ nên không tham gia.

Người mẹ (Lan): Thôi, chết tôi rồi, cháu nói đi lao động. Số điện thoại ............., ông chồng tôi lại cầm đi làm xa, chắc ông ấy không đọc nên không nói gì với tôi.

Cô Thu: Chị ơi, ngoài những lần em gọi điện và mời chị đến gặp để trao đổi về tình hình của cháu, có bất kì vấn đề gì em đều báo cả qua sổ liên lạc điện tử. Bây giờ chị bình tĩnh, em sẽ gọi cho phụ huynh của cháu Thắm để hỏi xem cháu còn bên đó không.

Người mẹ (Lan): Cô giáo gọi hỏi giúp tôi với ạ? Trăm sự nhờ cô giúp cho tôi. (Giọng cầu khẩn)

Cô Thu gọi điện cho mẹ Thắm và nhận được câu trả lời: Cả nhà cũng đang sốt ruột định gọi hỏi cô giáo để hỏi tình hình.Cô giáo đã đến nhà mẹ Vân để báo tình hình. Khi mẹ Vân cho biết chiều nay con gái đi xe cùng Dũng và Tuyết, cô Thu đã giật mình vì biết Dũng là một học sinh cá biệt, đã bỏ học và thường xuyên giao du với những thanh niên chơi bời, thậm chí nhân thân không rõ ràng. Cô giáo đã động viên mẹ Vân bình tĩnh để hỏi thêm thông tin, nếu cần thiết sẽ phải báo cho cơ quan công an ngay.

Cô Thu: Giờ đây chưa biết việc gì xảy ra với cháu chị phải hết sức bình tĩnh chị ạ!

Bác Vọng (Chị gái của mẹ Lan hớt hải chạy đến): Chiều nay, tôi thấy con Vân đi với hai đứa nữa phóng xe lên mạn thành phố Lào Cai. Dì thử gọi cho con Nguyệt xem nó có lên trên đó chơi không?

Người mẹ (Lan): Chị ơi chắc con bé không lên đó đâu. Vì tuần trước Nguyệt mới về nhà. Chúng nó còn hẹn hò nhau, cuối tuần sẽ gọi bố về để sang thăm ông bà nội nữa mà.

Bác Vọng: Dì cứ gọi thử đi, tôi có linh cảm con bé đang ở chỗ chị nó.

Người mẹ (Lan): Vâng, để em gọi ạ!

Bác Vọng vừa nhắc đến Nguyệt thì tiếng chuông điện thoại của Nguyệt gọi đến cho mẹ…

Người mẹ (Lan): Nguyệt à con! Em Vân, em Vân nó đi từ chiều chưa về, mẹ hỏi các bạn của nó không ai biết con bé ở đâu, cô giáo và bác Vọng cũng đang ở đây.

Nguyệt: Mẹ ơi, Vân đang ở trên gần cửa khẩu cùng con và bố đây mẹ ạ!

Người mẹ (Lan): Con nói thật chứ?

Nguyệt: Thật mà mẹ! Nó đi cùng con Thắm và một thằng bạn của nó nữa. Nếu hôm nay, bố không làm gần ở đó, không nhận ra và đi theo để gọi nó, có lẽ mẹ con mình sẽ không được gặp em nữa.

Người mẹ (Lan): Con nói vậy nghĩa là sao? (hốt hoảng, ấp úng):

Nguyệt: Vân và con cái Thắm bị bọn nó dẫn sang cửa khẩu chơi, đi mua sắm rồi nó lừa bán cho những kẻ chuyên buôn người. Thằng bạn đưa hai đứa đi đã bị tạm giữ để điều tra. May quá mẹ ạ!

Người mẹ (Lan): Thế em và bố con đâu rồi? Mọi người có ở đó không để mẹ gọi gặp bố con.

Nguyệt: bố đã giục con gọi điện báo ngay cho mẹ. Bố cũng nói, bố nói chuyện lại với người chủ chỗ bố làm để xin nghỉ về nhà một thời gian về với gia đình. Mẹ cứ yên tâm chờ bố và chúng con đang chuẩn bị về mẹ nhé.

Người mẹ (Lan): Ừ, ừ được rồi con

rồi chị quay sang nói với cô giáo và bác Vọng

Người mẹ (Lan): May quá! Không thì tôi cũng không biết phải sống thế nào nữa? con tôi không sao cô giáo và bác ạ! Các cháu và bố nó đang chuẩn bị về nhà rồi.

Cô giáo: Tôi xin chia sẻ chân thành với chị, sau sự việc này, chị cần phải quan tâm đến cháu nhiều hơn. Anh chị phải sắp xếp công việc gia đình, giải quyết các mâu thuẫn để cháu yên tâm học tập. Đây là lứa tuổi mà tâm lí các cháu chưa thực sự chưa ổn định. Khi có những biến cố gia đình, các cháu sẽ rất dễ bị tổn thương, suy nghĩ nhiều, làm ảnh hưởng tới việc học tập, thậm chí sẽ rất dễ chán nản, bi quan và dễ bị bạn xấu lôi kéo.

Bác Vọng: Cô giáo nói đúng đấy dì! Dì và chú cần phải nghĩ cho con cái mình nhiều hơn. Điều gì có thể bỏ qua cho nhau thì nên bỏ qua để giữ mái ấm gia đình để con cái tập trung tư tưởng học tập. Dì nên nghe tôi!

Người mẹ (Lan): Vâng, tôi cảm ơn cô giáo rất nhiều ạ (quay sang nói với cô giáo)

Người mẹ (Lan): Dạ vâng, em biết là mình đã sai lầm khi chỉ nghĩ cho bản thân mình, đã để con em đến nông nỗi này. Từ giờ em sẽ gần gũi, lắng nghe con nhiều hơn, cố gắng là một người mẹ tốt trong mắt các con. (quay sang nói với bác Vọng)

Khi cô giáo và bác Vọng vừa về thì một lúc sau ba bố con Hải cũng về đến nhà. Hải ngập ngừng chưa định bước vào. Vân chạy đến ôm mẹ, kéo tay bố vào.

Vân: mẹ!!!con xin lỗi vì đã không nghe lời mẹ dạy, con đã khiến mọi người phải lo lắng. Con thực sự mong muốn bố mẹ và cả gia đình ta gắn bó như xưa. Con biết cả bố và mẹ giận nhau là còn rất yêu thương nhau chỉ vì hoàn cảnh gia đình mình khó khăn. Con hứa sẽ chăm chỉ học hành, không chơi với những người bạn xấu để không xảy ra sự việc như hôm nay. Tìm được đường về hôm nay, con sẽ nhất định không để mình lạc bước nữa.

Nguyệt: Con cũng đã học nghề sắp xong và sẽ tự làm ra đồng tiền, con cũng có thể trang trải một phần giúp bố mẹ, con chỉ mong bố mẹ bỏ qua mọi lỗi lầm cho nhau để cả nhà ta lại được như xưa.

Người mẹ (Lan): Mẹ biết rồi, các con yên tâm.

Rồi chị quay sang người chồng của mình, lặng lẽ cất tiếng

Người mẹ (Lan): Thiếu chút nữa thôi thì chúng ta sẽ phải trả cái giá quá đắt vì sự ích kỉ của bản thân mình. Chúng ta không thể lạc lối và càng không thể để các con đi sai con đường của mình. Hãy vì các con mà tha thứ cho em. Hãy vì các con mà tu chí làm ăn, vun vén cho gia đình anh nhé.

ông bố (Hải): Thời gian xa nhà vừa qua, anh cũng đã suy nghĩ rất nhiều về những việc vừa qua. Việc xảy ra với con gái vừa rồi đã làm anh nhận ra rằng: tương lai của các con là quan trọng, chúng ta không có quyền và không được phép tước đi hạnh phúc và tương lai của các con.

Hai con gái nhỏ chạy đến bên ôm chầm lấy bố mẹ với ánh mắt hạnh phúc, dường như họ thấm thía cái cảm giác hạnh phúc khi tìm lại sự gắn kết của mình, hạnh phúc khi mà may mắn đã đến đúng lúc để gia đình họ không ai phải rời xa.

Câu chuyện về sự rạn nứt hạnh phúc gia đình vì những cám dỗ xã hội , gây ra những tổn thương không chỉ với người trong cuộc mà còn tổn thương cả những người thân trong gia đình là câu chuyện của nhiều gia đình trong xã hội hiện nay. Cô bé Vân đã may mắn tìm được đường về trước khi mọi thứ đi quá xa, ngoài tầm kiểm soát của gia đình. Cô bé may mắn khi được trở về với gia đình của mình, không phải chịu nỗi đau mà những cô gái trẻ bị lừa bắt sang bên kia biên giới. Một hồi chuông cảnh tỉnh những người làm cha làm mẹ phải biết quan tâm, gần gũi, sẻ chia, vượt qua sự ích kỉ của cá nhân, vượt qua thử thách trong cuộc sống để giữ hạnh phúc gia đình.

Từ khóa » Cách Viết Kịch Bản Tiểu Phẩm