3 Ngôi đền Thờ Vua Hùng ở Sài Gòn

Ngoài đền thờ Vua Hùng ở Thảo Cầm Viên là di tích được xếp hạng để bảo tồn, thành phố còn có đền tưởng niệm lớn nhất Nam Bộ.

Đền thờ vua Hùng trong Thảo Cầm Viên

Đền thờ vua Hùng nằm cạnh quầy vé Thảo Cầm Viên (quận 1, TP HCM), do người Pháp xây dựng năm 1926. Công năng ban đầu của công trình là đền tưởng niệm những người Việt tử trận vì đi lính cho Pháp trong Thế chiến thứ nhất.

Sau năm 1954, khi người Pháp rút khỏi Việt Nam, công trình được đổi tên thành đền Quốc Tổ Hùng Vương. Trong đó, ngoài việc thờ vua Hùng, còn thờ một số nhân vật lịch sử khác như Trần Hưng Ðạo, Tả quân Lê Văn Duyệt. Sau năm 1975, đền được đổi thành đền thờ Hùng Vương và giao cho Bảo tàng lịch sử Việt Nam - TP HCM trực tiếp quản lý.

Ngôi đền có bình đồ hình vuông, mang phong cách kiến trúc thời nhà Nguyễn với bộ mái chồng diêm, tạo thành ba tầng mái cong. Về tổng thể, công trình phảng phất tòa Minh lâu của lăng Minh Mạng ở Huế.

Mỗi tuần, đền mở cửa miễn phí cho khách đến thăm từ thứ 3 đến ngày chủ nhật. Ngày giỗ tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, ở đây đều tổ chức lễ dâng hương.

3 ngôi đền thờ vua Hùng ở Sài Gòn - 1

Năm 2015, UBND TP HCM xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố cho công trình này. Ảnh: Quỳnh Trần

Đền tưởng niệm các vua Hùng

Khu đền tưởng niệm các vua Hùng nằm trên một quả đồi cao hơn 20 m thuộc công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc rộng hơn 400 ha (phường Long Bình, quận 9), cách trung tâm TP HCM khoảng 30 km.

Công trình được hoàn thành năm 2009. Hạng mục đền tưởng niệm gồm 4 phần chính: quảng trường, đường tre, đền thờ và sân vọng. Ngay lối vào đền Hùng là quảng trường vuông vức rộng 4.000 m2, nền có hình mặt trời mô phỏng mặt trống đồng Đông Sơn. Hai bên quảng trường có 9 cột đá cao 6 m tượng trưng cho 18 đời vua Hùng.

Đền tưởng niệm các vua Hùng lớn nhất Nam Bộ mang nét kiến trúc hiện đại kết hợp truyền thống dân tộc. Ban thờ chính của đền trong sân lễ là nơi thờ Quốc tổ Hùng Vương, Tổ phụ Lạc Long Quân, Tổ mẫu Âu Cơ, Đất và Nước. Hai bên là 8 gian thờ Lạc Hầu, Lạc Tướng, Lạc Dân, Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương, An Dương Vương, Trưng Nữ Vương... Hai bên đền thờ là dãy hành lang trưng bày bia 33 khối đá chủ quyền quần đảo Trường Sa. Quanh đền là các hình ảnh, họa tiết về thời đại Hùng Vương.

3 ngôi đền thờ vua Hùng ở Sài Gòn - 2

Không gian đền Hùng ở TP HCM gợi sự giao hòa trời đất, tạo nên bức tranh thiên nhiên hùng vĩ với tầm nhìn hướng về quê cha đất tổ của những người con phương Nam. Ảnh: Quỳnh Trần

3 ngôi đền thờ vua Hùng ở Sài Gòn - 3

Tầng thượng hình vuông gọi là Sân vọng, chính giữa có một khoảng sân được gọi là Âm bản trống đồng. Hình tròn và vuông ở đây tượng trưng cho trời và đất. Chính giữa sân là một tiểu đình hai lớp mái. Nơi đây có 54 cột đá tượng trưng cho các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Trần

3 ngôi đền thờ vua Hùng ở Sài Gòn - 4

Ban thờ chính của đền trong sân lễ là nơi thờ Quốc tổ Hùng Vương, Tổ phụ Lạc Long Quân, Tổ mẫu Âu Cơ, Đất và Nước. Hai bên là 8 gian thờ Lạc Hầu, Lạc Tướng, Lạc Dân, Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương, An Dương Vương, Trưng Nữ Vương... Ảnh: Quỳnh Trần

3 ngôi đền thờ vua Hùng ở Sài Gòn - 5

Hai bên đền thờ là dãy hành lang trưng bày bia 33 khối đá chủ quyền quần đảo Trường Sa. Ảnh: Quỳnh Trần

3 ngôi đền thờ vua Hùng ở Sài Gòn - 6

Vào các dịp Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm (10/3 Âm lịch), nhiều lễ hội được tổ chức ở đây. Ảnh: Quỳnh Trần

Đền thờ Hùng Vương

Đến con hẻm 22/93, đường Trần Bình Trọng, phường 1, quận 5 vào một ngày đầu tháng 3 âm lịch, từ xa du khách đã được tiếng kinh cầu quốc thái dân an của bà con trong khu vực. Cách đầu hẻm chừng 10 căn nhà là ngôi đền thờ Quốc tổ Hùng Vương được sơn vàng nổi bật. Đền không có cổng hay hàng rào, cửa ra vào nằm sát hẻm.

Ông Đinh Thế Út, thành viên ban trị sự tổ đình Hùng Vương cho biết đền thờ quốc tổ Hùng Vương này là đền thờ dân lập, được xây dựng trước năm 1970. Trước khi được chỉnh trang làm nơi thờ tự, nơi này là nhà ở của vợ chồng ông bà Trần Văn Cây và Bùi Thị Quí. Trước khi mất, ông bà đã làm giấy hiến tặng ngôi nhà cho hội Lạc thiện tương tế, sau này được nâng cấp, sửa chữa làm nơi thờ cúng Quốc tổ Hùng Vương.

3 ngôi đền thờ vua Hùng ở Sài Gòn - 7

Đền được chỉnh trang làm nơi thờ tự Quốc tổ Hùng Vương từ năm 1991 đến nay. Diện tích khu thờ tự khoảng 50 m2. Ảnh: Huỳnh Nhi

Bước vào bên trong, nơi thờ tự nổi bật với bàn thờ quốc tổ có tượng vua Hùng nguy nghi ở giữa, hai bên là Lạc Hầu, Lạc Tướng. Phía trên pho tượng là bài vị tổ tiên chính giáo đại đạo sinh tồn, Hùng Vương tổ phụ Việt Nam. Ngay lối cửa ra vào là bài vị Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Ngoài ra, đền còn thờ Đức quốc mẫu Âu Cơ, công chúa Tiên Dung vợ Chử Đồng Tử, công chúa Ngọc Hoa vợ Tản Viên sơn thánh.

Trong đền có bức tranh sơn dầu cỡ lớn về khu di tích lịch sử Đền Hùng ở thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Cạnh đó là bảng chữ viết tay sơn đỏ về nguồn gốc dân tộc Việt Nam cùng nhiều bức hoành phi câu đối khơi gợi truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân ta.

Ngoài ngày lễ lớn như Giỗ tổ Hùng Vương, đền thờ còn tổ chức thêm các ngày lễ khác cho người dân đến thăm viếng cầu an như ngày đầu tháng và rằm âm lịch, các ngày kỷ niệm đức Quang Trung, lễ vía Đức Thánh Mẫu Thượng Ngàn, lễ kỷ niệm Hai Bà Trưng... thu hút nhiều người đến tham dự vào giờ trưa từ 11h.

Ngoài những địa chỉ trên, TP HCM còn có các đền thờ vua Hùng tại: Tổ đình Quốc Tổ Lạc Hồng tại số 94 đường Nguyễn Thái Sơn quận Gò Vấp; Đền Hùng Vương tại số 261/3 đường Cô Giang, quận Phú Nhuận và Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương tại số 166/3 đường Đoàn Văn Bơ, quận 4.

TP.HCM: Phong phú các hoạt động dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương
TP.HCM: Phong phú các hoạt động dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương

Theo ban tổ chức, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay có chủ đề “Hướng tới Quốc Tổ Hùng Vương,” với phần lễ đảm bảo...

Từ khóa » đền Mẫu ở Tphcm