30-4 Từ Góc Nhìn Của Một Người Từ ở Phía Bên Kia

Hơn 30 năm nay, năm nào cũng thế, cứ đến tháng Tư, một thiểu số người Việt lưu vong mà Giáo sư Trần Chung Ngọc mô tả là lũ "người máy chống Cộng", lũ người "có đầu mà không có óc", những kẻ "chống Cộng ruồi bu", "chỉ có thể phản ứng theo tiếng chuông rung của Pavlov"... lại tụ tập dưới những lá cờ ba que không còn đại diện cho thể chế nào để nhai đi nhai lại cái "điệp khúc" coi ngày 30-4-1975 là ngày "mất nước", ngày "quốc hận", ngày "Việt Cộng cưỡng chiếm miền Nam" v.v...

Cũng là người Việt lưu vong, thậm chí là "người từng ở phía bên kia", nhưng lâu nay không thuộc cái thiểu số "ruồi bu" nêu trên, Giáo sư Trần Chung Ngọc có cách nhìn khác về ngày 30-4.

"Cách nhìn khác" đó, như lời ông, "không dựa trên cảm tính cá nhân mà dựa trên lịch sử dân tộc Việt Nam, trên những mặt tích cực của đất nước". "Cách nhìn" của ông càng không phải xuất phát từ quan điểm "thân Cộng" như những kẻ chống đối ông ở hải ngoại thường "chụp mũ" cho ông.

Trong bài viết "Ngày 30-4-1975: Những quan điểm khác nhau", Giáo sư Trần Chung Ngọc đã phản bác những quan điểm sai lệch về ngày 30-4 lịch sử. Ông coi những quan điểm này là "cá nhân thiển cận", "phản ánh một trình độ rất thấp kém", vì không hiểu ngay cả những từ đơn giản như thế nào là "nước", là "quốc", và "cưỡng chiếm", chỉ là "thùng rỗng kêu to", và do đó "hoàn toàn vô nghĩa và vô giá trị trước những quyền lợi của cả dân tộc".

Niềm vui trong ngày giải phóng.

Giáo sư Trần Chung Ngọc thừa nhận, theo nguyên câu chữ của ông, "là một người từng phục vụ trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa trong hơn 8 năm, cộng với nhiều năm phục vụ trong ngành giáo dục ở Nam Việt Nam, phải rời bỏ quê hương mà tôi nói rằng không có gì tiếc nuối, đau lòng, thì chỉ là tự dối lòng". Tuy nhiên, ông cho rằng đây chỉ là "những cảm tính cá nhân" và "một người có ít nhiều liêm sỉ, lương tri và lương thiện trí thức thì phải biết gạt bỏ những cảm tính cá nhân, và can đảm chấp nhận những sự thực lịch sử, dù có đau lòng cách mấy đi chăng nữa". "Vậy những sự thực lịch sử đó là như thế nào?" - Ông đặt câu hỏi, rồi tự lý giải: "Không có cách nào khác là chúng ta cần phải phân tích những biến cố lịch sử như chúng thực là như vậy".

Từ sự "phân tích những biến cố lịch sử như chúng thực là vậy" và với "ít nhiều liêm sỉ, lương tri và lương thiện trí thức", Trần Chung Ngọc đã đi đến kết luận, như trên đã nói, ngày 30-4-1975 tất nhiên phải đến, vì, theo nguyên văn lời ông, "đó là niềm khát khao nếu không phải của toàn dân thì cũng của đa số người dân...".

Giáo sư Trần Chung Ngọc cho rằng "30-4-1975 là ngày mà không ai có thể phủ nhận là ngày Việt Nam lấy lại hoàn toàn nền độc lập và thống nhất của nước nhà sau gần một thế kỷ bị người Pháp đô hộ, và sau một cuộc chiến tranh bất đắc dĩ đầy bi thảm mà nguyên nhân chính là sự can thiệp dựa trên "cường quyền thắng công lý" của ngoại bang...".

Ngày 30-4-1975, vẫn theo quan điểm của Giáo sư Trần Chung Ngọc, "không chỉ có nghĩa là ngày đất nước thống nhất, chủ quyền trở lại tay người Việt Nam, mà còn là ngày người dân Việt Nam, trừ những kẻ có tâm cảnh phi dân tộc hay tiếp tục nuôi dưỡng thù hận, bất kể thuộc chính kiến hay phe phái nào, đều có thể hãnh diện ngẩng mặt nhìn thẳng vào mắt kẻ đối thoại, bất kể họ thuộc lớp người nào, ở địa vị nào, thuộc quốc gia nào".

Dẫu ở phe thua trận, như lời ông nói, nhưng Trần Chung Ngọc vẫn cho rằng "Chiến thắng Điện Biên Phủ, cũng như ngày 30-4-1975, đã mang đến cho tôi một niềm hãnh diện được làm một người Việt Nam, một người Việt Nam không Quốc gia, không Cộng sản, không Nam, không Bắc, một người Việt Nam không từ bỏ gốc gác tổ tiên, không từ bỏ lịch sử khi vinh khi nhục của quốc gia, và lẽ dĩ nhiên rất hãnh diện với lịch sử chống xâm lăng của dân tộc".

Khía cạnh tích cực nhất của ngày 30-4-1975, theo cách nhìn của Trần Chung Ngọc, là "trên đất nước không còn cảnh bom đạn, cảnh đồng bào bắn giết nhau, và nhất là đất nước đã vắng bóng quân xâm lược".

Lẽ tất nhiên, ngày 30-4-1975 là một biến cố lịch sử có ảnh hưởng không ít đối với khối người Việt lưu vong, vì đó là ngày "mở đầu cho một cuộc di dân vĩ đại chưa từng có trong lịch sử Việt Nam" như lời Giáo sư Trần Chung Ngọc. Nhưng Trần Chung Ngọc lại nhìn nhận "cuộc di dân" này từ một góc độ hoàn toàn trái ngược với những kẻ coi ngày 30-4-1975 là ngày "mất nước", ngày "quốc hận". Thậm chí ông còn coi đó là một khía cạnh tích cực khác của ngày 30-4-1975.

Trần Chung Ngọc viết: "Qua nhiều năm, hơn hai triệu người, đi chính thức cũng như vượt biên, hiện đang sống ở nước ngoài. Sau một thời gian khó khăn trong việc hòa nhập vào một xã hội mới, sau khi đã ổn định được đời sống qua công ăn việc làm, đa số người Việt lưu vong không từ bỏ quê hương. Như là một nghịch lý, khối người Việt lưu vong cũng đã đóng góp không ít cho quốc gia dân tộc, và đã giúp cho chế độ bên nhà bền vững, một chế độ mà một số hội đoàn, tổ chức hữu danh vô thực, kể cả thế lực đen và tổ chức lãnh tiền của NED Mỹ (Quỹ Dân chủ của Mỹ) để chống phá Việt Nam, thường hô hào cần phải lật đổ, giải thể...".

Giáo sư Trần Chung Ngọc sinh năm 1931 tại Hà Nội. Năm 1952, ông tốt nghiệp Trường Sĩ quan trừ bị Nam Định với cấp bậc thiếu úy và từng phục vụ trong quân ngụy Sài Gòn đến năm 1956 thì giải ngũ. Năm 1957, ông Quy y Tam Bảo (tại chùa Văn Thánh, Thị Nghè, Sài Gòn). Năm 1962 đỗ Cử nhân Giáo khoa khoa học, Đại học Khoa học Sài Gòn và cũng năm đó bị gọi tái ngũ và phục vụ (giảng dạy vật lý và hóa học) tại Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt.

Năm 1965, ông được giải ngũ, trở về dạy học tại Đại học Khoa học Sài Gòn và đến năm 1967 được học bổng đi Mỹ học về vật lý tại Đại học Wisconsin (Madison). Sau khi lấy bằng Tiến sĩ Vật lý (Ph.D) tại Đại học Wisconsin (năm 1972), ông về giảng dạy tại Đại học Sài Gòn, Đại học Vạn Hạnh và một số trường khác... đến năm 1975. Từ 1975, ông sang Mỹ, rồi làm nghiên cứu sinh bậc trên tiến sĩ (Post Doctorate Fellow), sau đó giảng dạy tại Đại học Wisconsin... Năm 1996, ông về hưu và tiếp tục sống tại Mỹ cho đến nay.

Như vậy Trần Chung Ngọc, như chính lời ông nói, "đã ở phía Quốc gia rồi".

Tuy nhiên, Trần Chung Ngọc cho rằng "cuộc chiến Quốc - Cộng đã chấm dứt hơn 30 năm, bây giờ còn nói đến chuyện "Quốc - Cộng" có phải là ngớ ngẩn không?".

Vả lại, vẫn theo Trần Chung Ngọc, "một thế hệ già nua như chúng tôi đang lần lượt rủ nhau đi vào dĩ vãng để nhường chỗ cho một thế hệ trẻ hơn, đầy nhiệt huyết, với những kiến thức thời đại, biết thế nào là con đường quốc gia, dân tộc, và dứt khoát từ chối không để cho đầu óc bị ô nhiễm bởi những thù hận của lớp trước, dù các bậc cha anh vô trí có muốn truyền lại".

Những suy nghĩ ấy cùng với "sự lương thiện trí thức" đã giúp Giáo sư Trần Chung Ngọc, một người từng ở phía bên kia, có cái nhìn đúng đắn về Ngày 30-4 lịch sử

Từ khóa » Người Phía Bên Kia