32 Tướng Tốt 80 Vẻ đẹp Của đức Phật Là Gì

32 Tướng tốt, 80 vẻ đẹp của đức Phật là điều mà các kinh điển đều tán thán về đức Bổn Sư Thích Ca. Đây là thân tướng được cảm thành bởi vô lượng kiếp Ngài huân tu phước huệ.

  • Lời Phật dạy về Hiếu Đạo.
  • Lời Phật dạy về đạo làm người.
  • Cách thay đổi vận mệnh
  • Chuyện tâm linh có thật.
  • Sự thật về hạn Tam tai.
  • Cách trị bóng đè linh nghiệm nhất.
  • Cách trị trẻ khóc dạ đề linh nghiệm nhất
32 Tướng tốt 80 vẻ đẹp của đức Phật
32 Tướng tốt 80 vẻ đẹp của đức Phật

Bởi thế trong Kinh Lăng Nghiêm Đức Phật bảo A-nan: “Ông với Như Lai là anh em cùng một dòng họ. Khi mới phát tâm tu tập trong giáo pháp của Như Lai, ông thấy điểm thù thắng nào mà từ bỏ ân ái sâu nặng thế gian để xuất gia?”

A-nan bạch Phật: “Bạch Thế tôn, do con thấy ba mươi hai tướng tốt thù thắng vi diệu tuyệt vời của Như Lai, hình thể sáng chói trong suốt như Ngọc lưu ly. Con thường tự suy nghĩ những tướng tốt này không phải do ái dục mà sanh ra. Sao vậy? Vì dục khí thì thô nặng và dơ bẩ̉n. Từ sự uế tạp và thối tha ấy giao hợp với nhau tạo thành một thứ tinh huyết hỗn tạp. Từ đó không thể sinh ra một thân thể thù thắng, thanh tịnh, sáng chói vi diệu như khối vàng tía này, do đó mà con khát ngưỡng, theo Phật xuất gia.”

Vậy 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp tùy hình của đức Phật là như thế nào?

Luận về 32 Tướng tốt, 80 vẻ đẹp của đức Phật

Hòa Thượng Trí Tịnh dạy: “Trong 32 tướng này có vô kiến đảnh tướng là tướng đứng đầu, là tướng thủ lĩnh và 80 tùy hình hảo tưởng, đứng đầu là chữ “Vạn” nổi trên ngực.

Vô kiến đảnh tướng là không ai có thể thấy đỉnh đầu của Phật. Trong kinh nói rõ có vị Phạm Thiên muốn thấy, con mắt của vị này thấy cả tam thiên đại thiên thế giới, không phải mắt thường, nhưng cũng không thấy được. Ông nhón lần lên hoài để nhìn xuống, nhưng vẫn thấy mình thấp hơn. Lạ vậy, không biết làm sao, ông Phật không cao, mình là ông trời cao lớn ở trên ngó xuống vẫn không thấy được. Điều này để chứng minh vô kiến là không thấy được, gọi là vô kiến đảnh tướng, không phải nhục kế.

Không ai thấy đỉnh đầu của Phật, tượng trưng cho trí huệ vô thượng của Đức Phật. Cảnh giới đó không ai biết rõ được. Còn tướng nữa dễ phân biệt nhứt là tướng bạch hào. Hễ đúng là thân Phật 32 tướng đại nhân thì có tướng bạch hào là tướng lông trắng giữa hai chân mày (gọi là ấn đường). Tướng lông trắng xoáy tròn như khu ốc, trong kinh nói rõ ràng vì kinh phải tả rõ để người ta quán tướng bạch hào. Lông đó có hình bát giác (tám cạnh), không phải tròn bọng, nó trong suốt như pha lê; nếu kéo dài ra, nó đụng tới gót.

*

Trong kinh nói bạch hào của đức Thích Ca dài một trượng ngũ, thân Phật cao một trượng lục, lông đó nếu kéo dài lên đỉnh đầu Phật là một xích nữa. đức Phật nào cũng vậy, cho nên ai xưng là Phật thì trước hết phải có tướng đó. Cái đó dễ nhận nhứt, dễ phân biệt nhứt, nếu có lông trắng vài ba phân là lông thường. Ngoài ra, lông trắng đó có phóng ánh sáng là bạch hào tướng quang minh, gọi tắt là hào quang. Hào quang là ánh sáng từ sợi lông, chữ hào là lông.

Bây giờ mình thấy ánh sáng vòng tròn trên tượng Phật, gọi đó là hào quang thì trật rồi. Phải gọi là viên quang mới đúng. Phật có viên quang, nghĩa là xung quanh Phật có ánh sáng tủa ra đều tròn gọi thông thường là ánh sáng Phật Thích Ca. Ánh sáng Phật chiếu ra 1 tầm, bên này 1 tầm, bên kia 1 tầm, trên 1 tầm, thành ra một vòng tròn đủ 5 màu. Ánh sáng đó bình thường như vậy, nếu Phật vận thần thông thì có ánh sáng khác, chiếu một thế giới hay vô lượng thế giới.

*

Như kinh Pháp Hoa nói Phật phóng bạch hào tướng quang chiếu phương Đông 8 vạn thế giới chẳng hạn, để hiện rõ sự việc Bồ tát, chư Phật tu hành… Còn thân của đức Phật Đi Dà ở Tây phương thế giới, trong kinh nói là 62 ức na do tha hằng hà sa do tuần.

Một do tuần mình tính là 15km. Sông Hằng có bao nhiêu hột cát, một hột là 1 do tuần. Một na do tha = 10 vạn = 100.000 sông Hằng. Thân Phật cao 62 ức na do tha mà 1 ức là 10 triệu; cả vấn đề. 62 ức x 10 triệu = 62 triệu 100.000 sông Hằng như vậy, rồi đếm hết số cát đó, mới tính số do tuần.

Bề cao đức Phật Đi Đà phải tính như vậy. Bên đó người ta không thấy cao vì ai cũng cao lớn. Mình về đó cũng lớn như vậy, tuy không bằng đức Phật Đi Đà, nhưng cũng tương đối.

Như vậy thì bạch hào quang của đức Phật Đi Đà như thế nào? Nó cũng kéo thẳng ra đụng gót, trừ khoảng chặng mày lên tới đỉnh thôi. Nó xoắn lại tròn, mường tượng như 5 hòn núi Tu di hiệp lại, lớn như vậy. “Bạch hào uyển chuyển ngũ Tu di” không phải nói tượng trưng, nó đúng vậy đó. Bề dài nó như 5 núi Tu di hiệp lại thì bề rộng cũng lớn tương đối với bề dài.

*

Như Phật Thích Ca Cũng vậy, nếu sợi lông dài một trượng rưỡi thì bề ngang rộng ít nhứt cũng nửa ly, 1 phần 4 ly, nó cũng vẫn là bát giác bọng, trong suốt như pha lê. Mắt nhìn kỹ lắm mới thấy, nếu không thì thấy một đốm sáng thôi, không thấy là một sợi lông đẹp. Nhìn tướng đó thì biết có phải là Phật hay không.

Thứ hai là 5 ngón tay và 5 ngón chân Phật đều có màng mỏng dính liền nhau; cho nên tay Phật đựng nước không chảy ra. Màng mỏng đó mắt thường không thấy được và không có gì làm rách được, dầu dao gươm bén nhứt thế gian cũng không làm trầy được.

Quý như thế đó, mắt thường nhìn không thấy vì nó trong suốt, nó đẹp chứ không xấu như chân con vịt. Mình đừng nghĩ màng mỏng đó giống như chân con vịt có.

Còn răng thế nào? Nếu là Phật phải có đủ 40 cái răng. Còn mình nếu 4 răng cùng mọc đủ, cũng chỉ có 32 cái. Đó là cái tướng để mình kiểm tra có phải là Phật hay không. Nếu Ngài không cười thì mình không kiểm tra được, thì kiểm tra cái khác. Như lưỡi bình thường le ra là phủ hết cả mặt, nếu hiện thần thông thì bao trùm cả tam thiên đại thiên thế giới. Lưỡi le ra phủ tròn cả mặt, cho đến chân tóc; nó dài rộng, không phải dài nhọn. Lưỡi không phải như vậy cũng không phải là Phật.

*

Đó là những tướng dễ nhận ra được, còn ngực như sư tử chẳng hạn thì mình khó thấy. Bàn chân Phật có những lằn ngang đẹp lắm như ở Kampuchia, Thái Lan, người ta thờ bàn chân Phật. Ở núi Phật Tổ trên tảng đá lớn có dấu chân Phật Thích Ca Mâu Ni, người ta coi theo đó để tạc.

Tôi coi tượng tạc trong tảng đá dựng ở đền thờ Đế Thiên, Đế Thích, đúng thực như kinh tả dấu chân Đức Phật, bề ngang 0,6m bề dài l,4m. Thân một trượng lục thì chân cũng tương đối như thế (1,6 x 0,4m) gần 7m. Thời đó con người lớn như thế nào cũng gần gần Phật, chỉ có Nan Đà là thân tương đối gần bằng Phật. Nan Đà là em Phật.

Sau này Phật bắt ông đắp y đen hoài để người ta không lộn rồi cung kính thì hai bên đều có lỗi, Tướng Nan Đà to lớn như Phật, mấy người khác thì nhỏ hơn nhiều. Những người xưa họ to lớn, như Đức Phật, hay Khổng Tử cũng to lớn hơn cả trượng như sách Nho nói, vì thời Khổng Tử sau Phật không bao lâu. Còn mình bây giờ nhỏ lần lần, hễ thọ mạng kém chừng nào thì thân nhỏ chừng nấy. Sẵn đây tôi nói để mình thấy mà sợ.

*

Như trong kinh nói chúng sanh lúc thọ mạng nhiều nhất chỉ còn 10 năm thì thân người trên dưới 1 xích mà thôi (trên dưới 4 tấc). Lúc đó thọ mạng còn kém hơn con chó bây giờ nữa. Thọ mạng kém quá nên phải phát triển mau, trí tuệ lại rất nhạy bén, nhạy bén về cái ác thế gian. Cái chấp tưởng cũng nhạy bén lắm, xảy ra đao binh kiếp 7 ngày 7 đêm, cả thế giới sống sót không bao nhiêu người.

Năm 1941, đọc đoạn kinh đó, mình thấy dễ sợ lắm, một cọng cỏ hay một thứ gì đều có thể là khí giới để giết người. Mà người nào cố ý giết người kia thì đối tượng không có cách gì tránh được. Tôi lấy làm lạ, chế tạo cây súng cũng mất công lắm, mà không biết tại sao phát minh thứ khí giới giết người dữ vậy, thấy dễ sợ. Lần lần đến chế tạo ra bom nguyên tử, thì tôi thấy sáng tỏ lời trong kinh nói. Mà Phật đã nói cách đây hơn 2.500 năm, lúc đó đọc kinh tôi không nghĩ đến được.

Năm 1944 – 1945 có phát minh bom nguyên tử, mà năm 1941 trên thế giới đâu ai biết được bom nguyên tử. Lần lần chế tạo khí giới giết người còn tinh vi hơn nữa, có thể giết nhiều người. Người có ý định giết thì người kia không cách gì đỡ được, biết cũng không trốn được.

*

Rõ ràng như thế, về sau cứ theo cái đà này chỉ mấy mươi năm thôi đã tàn sát như vậy, huống gì cả ngàn năm sau, khoa học phát triển thì phát minh ghê gớm đến bực nào. Vì vậy, mình càng tin lời trong kinh nói về những điểm đó.

Trở lại trong kinh nói có ông Phạm Chí nghe sa môn Cù Đàm là Phật nên thắc mắc về những tướng đặc biệt của Phật. Ông đến nhìn thấy được các tướng của Phật, chỉ còn 1 tướng mã âm tàng thì không thấy được, vì Phật đắp y. Ông ngần ngại nhìn qua nhìn lại hoài. Phật biết ý, làm cho một mình ông thấy thôi; ông vội sup xuống lạy. Thấy 31 tướng rồi, còn một tướng nữa mà người ta chưa chịu lạy.

Còn một ông khác thấy rõ hết rồi, nhưng không thấy tướng dưới lòng bàn chân Phật. Dưới bàn chân Phật có tướng đặc biệt nhất là lằn chỉ xoáy thành khu ốc như vòng xe có 1.000 cây căm vậy. Vì tạc chân Phật bằng đá, người ta làm không được tướng này, nên làm vòng tròn bằng bạc có đủ 1.000 tia.

Tôi có mua một bức ảnh chụp tại đó về làm bức sơn mài treo ngoài đó. Xung quanh lằn chỉ của chân Phật có đủ các tượng Phật tu Bồ tát hạnh trong lục đạo chúng sanh. Ông này không thấy như vậy nên ngần ngại hoài, không đảnh lễ. Đức Phật mới hiện lên hư không để ông nhìn lên thấy lòng bàn chân Phật, lúc đó mới chịu sụp xuống lạy.

*

Người xưa tin Phật mà kỹ như vậy, còn bây giờ người ta thấy ai xưng Phật tổ, Phật thầy là xúm nhau lạy. Hễ xưng Phật thì phải có đủ tướng hảo như vậy, còn hiện thân trong lục đạo độ chúng sanh thì khác. Nếu xưng là Phật trước nhứt phải có 32 tướng tốt, đó là những tướng lộ ra bên ngoài để mình kiểm tra; nếu không thì niềm tin của mình không chánh mà thành tà.

Hóa thân cũng tùy chúng sanh ở trong lục đạo, chỗ nào có duyên thì chỗ đó hiện thân Phật để độ. Hóa thân thì hóa giống như loài đó mà độ. Còn Ứng thân Phật để hóa độ thì phải có đủ 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp tùy hình. Đủ tướng đó rồi, mà phải hơn Đế Thích, Chuyển luân thánh vương. Và thân Phật phải có ánh sáng màu sắc khác thân Đế Thích. Còn Chuyển luân thánh vương không có ánh sáng, vì là người…”

32 Tướng tốt 80 vẻ đẹp của đức Phật

32 Tướng tốt, 80 vẻ đẹp của đức Phật: 32 Tướng tốt trên thân Phật.

1. Nhục kế (đỉnh đầu thịt nổi vun lên rất đẹp).

2. Lông trắng giữa chặn hai chơn mày (bạch hào).

3. Tròng mắt đen trắng phân minh.

4. Lông nheo như của Ngưu vương.

5. Gương mặt tròn trịa đầy đặn như trăng rằm.

6. Răng đủ 40 cái.

7. Răng nhỏ đều khít khao.

8. Răng trắng trong tinh sạch.

9. Lưỡi rộng dài, khi le ra có thể trùm cả mặt đến mí tóc.

10. Tiếng nói thanh tao và nghe được rất xa.

11. Trong cổ hầu thường có chất nước cam lồ rịn ra.

12. Thân mình nở nang tròn suông.

13. Mã âm tàng.

14. Hai bên hông đầy đặn.

15. Hai tay dài quá gối.

16. Cánh tay và bàn tay da thịt mềm dịu như bông.

17. Ngón tay dài và vót 18. Vế như của Lộc vương.

19. Lưng hai bàn chân no tròn.

20. Lòng bàn chân bằng phẳng.

21. Gót chân tròn trịa.

22. Lòng bàn chân có chỉ xoáy rõ ràng như bánh xe nghìn cọng.

23. Ngón tay và ngón chân đều có da mỏng như lưới mịn, trong suốt như pha lê dính liền nhau.

24. Bảy chỗ trong thân đều đầy đặn (hai lòng bàn tay, hai lòng bàn chân, hai vai, yết hầu).

25. Tất cả lỗ chân lông đều có lông đẹp 26. Lông và tóc đều xoắn tròn về phía hữu.

27. Da mịn màng trơn láng 28. Màu da như màu vàng ròng tử kim.

29. Thân hình cao lớn hơn mọi người 30. Hình tướng đoan nghiêm.

31. Thân hình ngay thẳng vững vàng.

32. Thường có ánh sáng sắc vàng ròng chiếu ra một tầm.

32 Tướng tốt, 80 vẻ đẹp của đức Phật: 80 Vẻ đẹp tùy hình

Tám mươi vẻ đẹp tùy hình của đức Phật bao gồm:

  1. Tướng chữ Vạn ở ngực.
  2. Thân mình tỏa hào quang dài 1 trượng.
  3. Khi đi có hào quang chiếu trên thân.
  4. Dáng điệu, dung mạo, cử chỉ như sư tử.
  5. Đi đứng đằm thắm, oai nghiêm như voi chúa.
  6. Tướng đi như ngỗng chúa.
  7. Dung mạo ngay chính không lệch lạc.
  8. Hình thể tốt đẹp đủ đều.
  9. Khi trở mình, xoay người như voi chúa.
  10. Thân không vật gì làm lu mờ hoặc lem luốc được.
  11. Mọi thành phần cơ thể đều đầy đủ và hoàn thiện.
  12. Thân trì trọng, không khuynh động.
  13. Thân mình cao lớn, rắn chắc.
  14. Coi chúng sinh bình đẳng như nhau.
  15. Tuần tự ứng với nhân duyên mà thuyết pháp.
  16. Thuyết pháp chẳng chấp trước.
  17. Tùy theo ngôn ngữ của chúng sinh mà thuyết pháp.
  18. Âm thanh tùy theo chúng sinh chẳng tăng chẳng giảm.
  19. Pháp âm ứng với thanh của chúng sinh.
  20. Tiếng nói vang trầm.
    *
  21. Thân trong sạch, mềm mại, không cong vẹo.
  22. Thân bóng bẩy mượt mà, không uốn éo.
  23. Trụ xứ yên không động.
  24. Oai chấn hết thảy.
  25. Mọi chúng sinh thấy đều vui mừng.
  26. Chẳng khinh chúng sinh.
  27. Chúng sinh có ác tâm khi thấy Ngài cũng đều hòa nhã, vui vẻ.
  28. Chúng sinh ngắm thân tướng Phật mà chẳng thể ngắm hết.
  29. Chúng sinh ngắm mãi không chán.
  30. Nói năng hòa nhã vui vẻ với chúng sinh đúng theo ý thích họ.
  31. Khi đi chân cách mặt đất 4 tấc và hiện ấn văn.
  32. Khối xương chắc như móc khóa.
  33. Lỗ chân lông tỏa ra mùi thơm.
  34. Miệng tỏa ra mùi thơm tuyệt vời.
  35. Lông mềm mại, sạch sẽ.
  36. Lông xoắn theo chiều bên phải.
  37. Lông màu hồng.
  38. Mạch máu sâu ẩn kín.
  39. Không thấy đỉnh tướng. Chỏm đỉnh đầu Phật ngẩng nhìn càng nhìn càng cao, nên không thấy đỉnh.
  40. Đầu rất nở nang.
    *
  41. Tóc xoăn đẹp, có hình những chữ Thánh như chữ Vạn, chữ Kiết / Cát, chữ Đức.
  42. Tóc màu ngọc xanh đen.
  43. Tóc có hàng ngũ vén khéo, rất đều, không rối.
  44. Tóc có mùi thơm, sợi không cứng.
  45. Mặt và trán đối với nhau rất cân phân.
  46. Mắt rộng dài, như cánh hoa sen xanh
  47. Mắt sáng, trong, vui.
  48. Lông mày như trăng non.
  49. Lông mày màu đen.
  50. Cặp lông mày đều nhau, cân phân đều đặn.
  51. Cặp lông mày châu vào nhau.
  52. Mặt mũi thanh tịnh đầy đặn như vầng trăng tròn.
  53. Mũi cao, lỗ mũi không lộ.
  54. Dái tai rủ xuống.
  55. Hai gò má đầy đặn.
  56. Môi đỏ như quả tần bà.
  57. Mấy răng cửa thì bầu tròn.
  58. Mấy cái răng cửa trắng và sắc nhọn đằng đầu.
  59. Mấy cái răng cửa đều với nhau hết.
  60. Lưỡi màu đỏ hồng.
    *
  61. Lưỡi mềm.
  62. Bụng thon.
  63. Bụng chẳng lộ.
  64. Bụng hình cây cung.
  65. Rốn đều.
  66. Rốn sâu tròn đẹp.
  67. Tay chân trắng đỏ như màu hoa sen.
  68. Tay chân tròn trịa.
  69. Tay chân sáng bóng.
  70. Tay chân mịn màng.
  71. Tay chân rất cân phân với nhau.
  72. Tay chân mềm mại, sạch sẽ.
  73. Cánh tay dài.
  74. Ngón tay tròn thon nhỏ.
  75. Móng như màu đồng đỏ, mỏng và láng bóng.
  76. Vân tay sáng thẳng.
  77. Vân tay dài không dứt.
  78. Xương đầu gối rắn chắc tròn đẹp.
  79. Mắt cá ẩn sâu.
  80. Gót chân rộng rãi.

(32 Tướng tốt 80 vẻ đẹp của đức Phật)

Tuệ Tâm 2021.

4.7/5 - (4 bình chọn)
  • Share on Facebook
  • Tweet on Twitter
  • Share on LinkedIn

Từ khóa » Vô Kiến đảnh Tướng