4 Cách Làm Nước ép Rau Bina – Thần Dược Cho Cơ Thể

Nước ép rau bina có vô số lợi ích cho sức khỏe. Vậy cách làm nước ép rau bina như thế nào? Harper’s Bazaar Vietnam mách bạn ngay dưới đây!

Rau chân vịt là rau gì?

Rau chân vịt là rau gì?

Ảnh: Konstantin Kolosov/Pixabay

Rau chân vịt còn gọi là rau bina, cải chân vịt, cải bó xôi. Đây là một loại rau lá xanh có nguồn gốc từ Ba Tư cách đây hàng nghìn năm, sau đó được du nhập về Trung Quốc và lan rộng ra khắp thế giới, đặc biệt là châu Âu. Từ đây loại rau này được người châu Âu ưa chuộng để làm các món salad, nước ép hoặc xào nấu…

Cải chân vịt là một thành viên trong họ rau dền, có họ với củ cải đường. Vậy nên nhiều người lầm tưởng và thắc mắc rằng rau chân vịt có phải là rau mồng tơi. Tuy nhiên, hai loại rau này hoàn toàn khác nhau.

Ước tính, 100g rau chân vịt sống có giá trị dinh dưỡng như sau:

• Lượng calo: 23 • Nước: 91% • Chất đạm: 2,9g • Carb: 3,6g • Đường: 0,4g • Chất xơ: 2,2g • Chất béo: 0,4g

Rau chân vịt có tác dụng gì?

Rau chân vịt có tác dụng gì?

Ảnh: Alexander Mils/Unsplash

Có rất nhiều tác dụng của rau chân vịt đối với sức khỏe tổng thể. Vậy nên, thường xuyên học cách làm nước nước ép rau bina để uống, bạn sẽ thu được lại được những lợi ích to lớn. Cụ thể như sau:

1. Chất chống oxy hóa cao

Do chứa nhiều axit folic và các chống oxy hóa như beta carotene, axit coumaric, lutein, violaxanthin… rau bó xôi giúp giảm mức homocysteine ​​trong cơ thể, từ đó giảm nguy cơ xơ vữa động mạch. Chất chống oxy hóa cũng có khả năng trung hòa các phân tử gốc tự do, do đó bảo vệ cơ thể chống lại stress và các bệnh mãn tính.

Theo một nghiên cứu được thực hiện ở 8 người trong 16 ngày khi uống 240ml rau chân vịt mỗi ngày đã ngăn ngừa ADN khỏi tổn thương oxy hóa. Các nghiên cứu trên động vật cũng cho thấy kết quả tương tự.

2. Rau chân vịt có tác dụng gì? Ngăn ngừa thiếu máu

Hàm lượng chất dinh dưỡng cao trong rau bina giúp cơ thể tạo ra các tế bào hồng cầu – một chất xây dựng máu. Đặc biệt, lượng sắt trong loại rau này gần như gấp đôi lượng có trong các loại rau khác như cà rốt hoặc bắp cải. Vì vậy, bạn không bao giờ sợ bị thiếu máu nếu thường xuyên sử dụng loại rau chân vịt.

3. Giảm viêm khớp dạng thấp

Do rau chân vịt có tính kiềm cao nên sẽ giảm tình trạng bệnh viêm khớp dạng thấp.

4. Cải thiện các vấn đề về mắt

rau chân vịt cải thiện các vấn đề về mắt

Nước ép rau bina chứa nhiều lutein và zeaxanthin, hai chất chống oxy hóa cần thiết giúp duy trì thị lực khỏe mạnh. Bên cạnh đó, hai chất quan trọng này còn ngăn ngừa nguy cơ thoái hóa điểm vàng – một tình trạng gây mất thị lực.

Ngoài ra, lutein và zeaxanthin có trong rau bina cũng giảm nguy cơ bị bệnh đục thủy tinh thể.

Loại rau này cũng giàu vitamin A (ước tính 1 cốc 240ml nước ép rau bina cung cấp gần 63% giá trị vitamin A hàng ngày), có thể chống lại các vấn đề về thị lực như quáng gà, khô mắt. Vậy nên, bạn hãy thường xuyên học các cách làm nước ép rau bina để uống nhé!

5. Chống lại các tế bào ung thư

Một vài nghiên cứu cho thấy rau chân vịt chứa một số hợp chất nhất định giúp chống lại sự phát triển của tế bào ung thư. Một nghiên cứu kéo dài 2 tuần trên chuột cho thấy nước ép rau bina làm giảm 56% khối lượng khối u ung thư ruột kết.

Bên cạnh đó, cũng nghiên cứu trên chuột, các nhà khoa học phát hiện ra rằng monogalactosyldiacylglycerol có trong rau bina tăng cường tác dụng của xạ trị, từ đó tiêu diệt tế bào ung thư tuyến tụy.

Ngoài ra, trong rau cải bó xôi còn có chất diệp lục và flavonoid, giúp chống lại sự hình thành các tế bào ung thư.

6. Tác dụng của rau chân vịt chữa chảy máu nướu răng

Nước ép rau bina chứa nhiều vitamin C nên giúp chữa chảy máu nướu răng hiệu quả. Một cốc (240ml) nước ép rau bina cũng chứa khoảng 38% DV* vitamin C, là một chất hòa tan trong nước cần thiết cải thiện các vấn đề chảy máu chân răng.

* Daily value: lượng chất dinh dưỡng cơ thể cần mỗi ngày.

7. Cải thiện các vấn đề về dạ dày

rau bó xôi cải thiện các vấn đề về dạ dày

Ảnh: Shingo No/Pixabay

Vì rau bina rất giàu chất xơ nên có thể cải thiện các vấn đề về dạ dày như viêm đại tràng, loét, tiêu hóa kém và táo bón.

8. Ngăn ngừa loãng xương

Vitamin K có trong rau bó xôi giúp giữ canxi trong xương, đảm bảo cho xương khỏe mạnh và ngăn ngừa tình trạng loãng xương.

9. Điều hòa huyết áp

Một trong những lợi ích hiệu quả nhất của nước ép rau bina là cải thiện tình trạng huyết áp cao. Nước ép rau bina chứa nhiều nitrat tự nhiên, giúp làm giãn mạch máu, từ đó làm giảm huyết áp và tăng cường lưu lượng máu.

Một cốc nước ép rau bina cung cấp hơn 14% DV kali – một khoáng chất có khả năng điều chỉnh huyết áp.

Nghiên cứu ở 27 người trong 7 ngày cho thấy rằng ăn súp rau bina hàng ngày đã giảm huyết áp và độ cứng động mạch, so với những người không ăn.

10. Tốt cho phụ nữ mang thai và thai nhi

Rau cải bó xôi rất có lợi cho phụ nữ mang thai vì nó cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu cần thiết cho sự phát triển của thai nhi. Đặc biệt cải bó xôi tốt cho sự phát triển của hệ thần kinh em bé trong bụng mẹ vì rau giàu folate, ngăn ngừa các dị tật như nứt đốt sống, hở hàm ếch.

Bên cạnh đó, loại rau này còn tăng cường số lượng và chất lượng sữa mẹ. Cách làm nước ép rau bina không hề khó, mẹ bầu nên thực hiện để uống vài lần mỗi tuần nhé.

11. Làm đẹp da, một tác dụng của rau chân vịt

Làm đẹp da, một tác dụng của rau câu chân vịt

Nước ép rau cải chân vịt là một nguồn cung cấp vitamin A tuyệt vời (gần 63% DV trong 1 cốc 240ml). Vitamin này giúp điều chỉnh quá trình tạo tế bào da và sản xuất chất nhầy để bảo vệ chống lại các bệnh nhiễm trùng.

Chứa nhiều chất chống oxy hóa, rau bina giúp giữ cho làn da của bạn đủ nước, mềm mại và khỏe mạnh.

Lượng vitamin C dồi dào trong cải chân vịt bảo vệ làn da chống lại viêm nhiễm và tổn thương da. Hơn nữa, nó giúp tổng hợp collagen, một protein mô liên kết thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương và độ đàn hồi của da.

12. Tóc chắc khỏe

Vitamin C có trong rau chân vịt có thể làm tăng hấp thụ sắt và thậm chí giúp ngăn ngừa rụng tóc do thiếu sắt.

Ngoài ra, rau bina có chứa phức hợp vitamin B, giúp kích thích sự phát triển của tóc và giữ cho tóc luôn bóng mượt.

Ngoài 12 tác dụng trên, rau chân vịt còn có một số lợi ích khác như ngăn ngừa xơ vữa động mạch, giảm viêm, tăng cường cơ bắp, điều trị rối loạn đông máu…

>>> Bạn có thể quan tâm: CÁCH LÀM NƯỚC ÉP DỨA GIẢM CÂN

Gợi ý 4 cách làm nước ép rau bina

Các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo rằng với rau bina, bạn không nên nấu. Bởi vì quá trình đun nấu ở nhiệt độ cao sẽ mất rất nhiều chất dinh dưỡng. Vậy nên, hãy tiêu thụ loại rau này ở dạng thô, chẳng hạn như ép nước.

Dưới đây là một số cách làm nước ép rau bina đơn giản tại nhà:

1. Cách làm nước ép rau bina với táo

Cách làm nước ép rau bina với táo

Ảnh: Jugoslocos/Unsplash

Nguyên liệu

• Rau bina: 300g • Gừng: 1 củ • Táo xanh: 1 quả • Chanh: 1 quả

Hướng dẫn cách làm nước ép rau bina với táo

• Rau bina bạn cắt bỏ chân, rửa sạch sau đó cắt thành khúc ngắn. Gừng rửa sạch và cạo vỏ. Táo xanh rửa sạch. Chanh cắt làm đôi và bỏ hạt.

• Cho tất cả các nguyên liệu đã sơ chế vào máy ép hoa quả, tiến hành ép lấy nước.

• Đổ nước ép rau bina và táo ra ly rồi dùng.

2. Cách làm nước ép rau bina nguyên chất

Cách làm nước ép rau bina nguyên chất

Ảnh: Konstantin Kolosov/Pixabay

Nguyên liệu

• Rau bina: 500g • Muối: một ít

Hướng dẫn cách làm nước ép rau bina nguyên chất

• Rau bina cắt bỏ cuống, rửa sạch cho hết bụi bẩn, ngâm nước muối loãng từ 10 – 15 phút, sau đó cắt thành từng khúc.

• Cho rau đã sơ chế vào máy ép hoa quả và ép lấy nước cốt.

• Đổ nước ép ra ly và thưởng thức. Bạn cũng có thể cho vào ngăn mát tủ lạnh 30 phút cho dễ uống.

3. Cách làm nước ép rau bina, dứa và dưa chuột

Cách làm nước ép rau bina, dứa và dưa chuột

Nguyên liệu

• Rau bina: 5 lá • Dứa: 1/4 quả • Dưa chuột: 1/2 quả

Hướng dẫn cách làm nước ép rau bina, dứa và dưa chuột

• Rau bina cắt bỏ phần rễ, rửa sạch, ngâm muối cho hết chất bẩn và cắt ngắn.

• Dứa và dưa chuột gọt vỏ và lấy với liều lượng như trên.

• Cho tất cả các nguyên liệu vào máy ép và ép lấy nước.

• Đổ nước ép ra ly, bảo quản lạnh và thưởng thức hoặc thêm đá nếu thích.

4. Cách làm nước ép rau bina, cà rốt và củ dền

Cách làm nước ép rau bina, cà rốt và củ dền

Nguyên liệu

• Rau bina: 200g • Cà rốt: 150g • Củ dền: 150g • Chanh: 1/4 quả • Gừng: 1 lát

Hướng dẫn cách làm nước ép rau bina, cà rốt và củ dền

• Rau bina bỏ cuống, rửa sạch và để thật ráo nước. Cà rốt và củ dền rửa sạch, bào vỏ và cắt khúc nhỏ.

• Tiến hành ép các nguyên liệu đã sơ chế với 1 lát gừng.

• Đổ nước ép ra ly, thêm nước cốt chanh và đá (nếu thích), sau đó thưởng thức.

>>> Bạn có thể quan tâm: BẬT MÍ 4 CÁCH LÀM NƯỚC ÉP MƯỚP ĐẮNG GIẢM CÂN

Lưu ý khi uống nước ép rau bina

Lưu ý khi uống nước ép rau bina

Rau bina mặc dù tốt cho sức khỏe, nhưng cũng có thể gây tác dụng phụ. Bạn cần lưu ý một số điều sau khi sử dụng loại nước ép này:

• Nếu muốn sử dụng nước ép rau bina để giảm cân, hãy uống nước ép trước khi ăn sáng khoảng 30 phút. Mỗi tuần nên uống 3 lần để đạt hiệu quả chăm sóc sức khỏe, làm đẹp da giảm cân. Tuy nhiên, bạn cũng cần áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên.

• Rau chân vịt chứa nhiều canxi và oxalat, vì vậy những người bị sỏi thận nên hạn chế ăn.

• Rau bó xôi chứa nhiều vitamin K1, một chất cần thiết cho quá trình làm đông máu. Do đó, nó có thể gây trở ngại cho thuốc làm loãng máu. Những người đang dùng thuốc làm loãng máu, chẳng hạn như warfarin, nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ trước khi sử dụng một lượng lớn loại rau này.

Bạn đã biết tác dụng của rau chân vịt với sức khỏe là vô cùng to lớn. Vậy hãy thực hiện các cách làm nước ép rau bina uống hàng ngày để cơ thể khỏe mạnh và dẻo dai nhé!

>>> Xem thêm: CÁCH LÀM TRÀ BÍ ĐAO GIẢM CÂN

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Từ khóa » Bó Xôi ép