4 Dấu Hiệu Nhận Biết Lừa đảo Của 'việc Nhẹ Lương Cao'

4 dấu hiệu nhận biết lừa đảo của việc nhẹ lương cao - Ảnh 1.

Bạn trẻ từ miền Bắc vào TP.HCM tìm hiểu thông tin về tuyển dụng tại Khu chế xuất Tân Thuận - Ảnh: T.T.D.

Sau khi nghỉ việc văn phòng và trở thành lao động tự do, tôi ứng tuyển khá nhiều công việc khác nhau trên Internet. Và cũng chính thời gian này tôi gặp nhiều "công ty ma", nhà tuyển dụng chuyên lừa đảo với rất nhiều chiêu trò.

Sau đây là 4 dấu hiệu để nhận biết "bẫy việc làm":

1. Thông tin công ty, việc làm không rõ ràng

Không khó để tìm được các việc làm ưng ý trên sàn việc làm online lẫn mạng xã hội. Tuy nhiên, đừng vội ứng tuyển ngay, mà nên dành thời gian 5 - 10 phút tìm hiểu về công ty tuyển dụng có thật hay không.

Công ty có địa chỉ không? Có website không? Nếu không thể tìm được địa chỉ và website qua Google thì gần như chắc chắn 100% là công ty ma. Ngoài ra, một số công ty dù có website nhưng thông tin rất sơ sài thì cũng nên cẩn trọng vì đó chỉ là "vỏ bọc".

Thông tin chi tiết về công việc mà nhà tuyển dụng mô tả như thế nào? Nếu chỉ có một số vài gạch đầu dòng như "Tuyển nhân viên kinh doanh…", "Tuyển gấp nhân viên bán hàng…" và kèm một số điện thoại liên hệ hay nhóm Zalo thì đa số là lừa đảo. Trên thực tế, một công ty làm ăn đàng hoàng không bao giờ đăng tải thông tin tuyển dụng mập mờ như thế, mà họ luôn mô tả chi tiết về yêu cầu công việc.

Ngoài ra, hiện nay làm việc online đã trở thành xu thế, tuy nhiên chúng ta cần hiểu rằng, dù làm việc online thì công ty cũng phải có địa chỉ cụ thể rõ ràng, không thể liên hệ qua Zalo, Facebook hay một số điện thoại được.

2. Thông tin tuyển dụng sơ sài, sai chính tả

Dễ dàng nhận thấy sự khác biệt này giữa một công ty chuyên nghiệp và lừa đảo. Với công ty chuyên nghiệp, ngay từ tin tuyển dụng họ viết rất trang trọng, dễ hiểu và không sai chính tả. Ngược lại, một công ty lừa đảo thì những tin tuyển dụng thường viết rất sơ sài, sai chính tả, vụng về và có xu hướng dùng nhiều ký tự đặc biệt để làm nổi bật.

Chúng ta thử nghĩ thế này: Nếu một tin tuyển dụng viết sai chính tả, sơ sài, liệu có đủ thu hút một nhân viên tốt để ứng tuyển hay không? Vì sao các tin tuyển dụng lại viết vụng về đến thế? Phải chăng chính những "nhà tuyển dụng" này viết mà không hiểu mình viết gì? Chuyên "cắt - dán" để lừa càng nhiều người càng tốt?

Ngoài ra, khi đọc các thông tin tuyển dụng, đặc biệt trên mạng xã hội, chúng ta cũng nên "xem mặt" người đăng tin. Một số dấu hiệu tuyển dụng lừa đảo cần nhớ như: ảnh đại diện không rõ mặt hoặc dùng hình người nước ngoài, hình hoa lá…; các thông tin cá nhân không có, hoặc một bản tin tuyển dụng nhưng đăng ở rất nhiều nhóm.

Bên cạnh đó, nếu để ý kỹ hơn, chúng ta sẽ thấy một số bản tin tuyển dụng thường xuyên có người "bình luận đăng ký nhận việc" kiểu: "xin job, inxbox". Cũng nên dành ít phút để "xem mặt" một số người bình luận này, vì rất có thể đó là cùng một "nhóm lừa đảo", bình luận với mục đích "lên top", "tạo niềm tin".

Hãy nhớ rằng, một nhà tuyển dụng tốt sẽ minh bạch ngay từ hình đại diện. Vì họ không có nhu cầu lừa đảo nên không ngại việc để người ngoài "biết mình biết ta".

3. Luôn có lời chào mời hấp dẫn

Tôi nghĩ thời tuyển dụng với cụm từ "việc nhẹ lương cao" qua rồi, bây giờ các nhà tuyển dụng lừa đảo có nhiều lời chào mời hấp dẫn hơn kiểu: "cần gấp", "đi làm ngay", "việc nhẹ nhàng", "nhận việc nhanh", "không cần nhập hàng", "không cần vốn", "không cần kinh nghiệm", "được đào tạo miễn phí"…

Nhưng chúng ta thử nghĩ mà xem, một công ty uy tín sẽ không có những nội dung tuyển dụng kiểu như thế. Điều họ cần là tìm một nhân viên làm được việc, dù "cần gấp" thì họ cũng phải sàng lọc, tìm hiểu trước khi nhận làm.

Từ thực tế của mình, tôi thấy với những tin tuyển dụng như thế gần như lừa đảo 100%. Chỉ cần một tin nhắn là được nhận vào làm, nhưng sau đó nhà tuyển dụng ảo này sẽ "bày đủ trò": đóng phí giữ chỗ việc làm, lấy thông tin cá nhân để bắt ký các cam kết…

4. Không cần thử việc hay kiểm tra năng lực

Từ thực tế công việc hiện tại của mình, tôi thấy các công ty có nhu cầu tìm nhân viên thực sự bao giờ cũng kiểm tra năng lực các ứng viên. Cụ thể, trên các bản tin tuyển dụng, ngoài CV họ còn yêu cầu các ứng viên thực hiện bài viết hoặc một số bài kiểm tra khác để chọn ra người phù hợp nhất.

Nhiều công ty, để được nhận vào làm việc (dù làm online) thì số vòng kiểm tra này có khi phải 2 - 3 lần. Tức có nghĩa là các ứng viên phải cạnh tranh, thể hiện được năng lực rồi mới vào làm việc. Trong khi đó, các công ty lừa đảo thì luôn tuyên bố "không cần" bất cứ điều gì - cứ chấp nhận là vào nhận việc.

Ngoài 4 điều trên, còn rất nhiều dấu hiệu khác để chúng ta nhận ra đâu là tin tuyển dụng thật hay lừa đảo. Ví dụ, nếu một ngày bạn nhận được điện thoại, email, tin nhắn… mời chào nhận một công việc nào đó mà mình chưa từng ứng tuyển thì hãy cẩn trọng. Rất có thể, thông tin cá nhân bị lộ và các "nhà tuyển dụng ma" đã nắm rõ điều này!

Ngoài việc giáo dục nâng cao nhận thức để tránh những hậu quả đáng tiếc, theo bạn, còn cách nào để ngăn chặn trong trứng nước những hành vi lừa đảo của các đường dây tuyển dụng?

Mọi phản ảnh, góp ý, hiến kế... kính mời bạn gởi đến Tuổi Trẻ Online qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn và dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

Bẫy Bẫy 'việc nhẹ lương cao': Làm sao để tránh?

TTO - Khác với những chiêu trò yêu cầu người tìm việc phải ứng "lệ phí" (đã lỗi thời) như trước đây, "đơn vị" tuyển chọn còn chủ động gửi tặng lộ phí, trang phục nhằm tạo lòng tin. Và, nhiều người đã dính "bẫy"! Làm sao để tránh?

Từ khóa » Google ứng Dụng Map