4 Dược Liệu Quý Từ Sinh địa Hoàng - Báo Sức Khỏe & Đời Sống

Sinh địa hoàng hay còn gọi là sinh địa [Rhemannia gluticosa (Gaertn.) Libosch.], họ hoa mõm sói (Scrophulariaceae). Hiện nay sinh địa được trồng ở một số vùng ở tỉnh Bắc Giang. Từ sinh địa hoàng, có thể cho 4 vị dược liệu quý như sau.Tiên địa hoàng: là rễ sinh địa tươi. Tiên địa hoàng có vỏ ngoài mỏng, màu vàng, đỏ cam, giống như củ cà rốt. Theo YHCT, tiên địa hoàng có vị ngọt, hơi đắng, tính hàn, quy vào các kinh tâm, can, thận. Dùng tốt cho các bệnh mang tính nhiệt như sốt cao, đôi khi phát cuồng, mê sảng... hoặc các chứng bệnh tiêu khát, ban chẩn, táo trệ, xuất huyết... Tiên địa hoàng thái mỏng, nấu cháo ăn, hoặc giã nát lấy dịch tươi, uống, hoặc sắc lấy nước uống, ngày 50 - 100ml, uống 2 lần trước bữa ăn.

4 dược liệu quý từ sinh địa hoàng 1Cây và củ sinh địa.
Can địa hoàng: là tiên địa hoàng sấy nhẹ cho khô. Theo YHCT, can địa hoàng cũng có vị ngọt, tính hàn, quy vào kinh tâm, can, thận. Can địa hoàng có thể dùng cho các chứng bệnh huyết hư gây nóng sốt, các trường hợp xuất huyết: nôn ra máu, chảy máu cam, băng kinh, băng huyết, kinh nguyệt không đều, động thai... Ngày dùng 12 - 24g dạng thuốc sắc, chia 2 - 3 lần, trước bữa ăn. Uống nhiều ngày cho đến khi các triệu chứng thuyên giảm. Sinh địa: là tiên địa hoàng sấy khô, vỏ màu xám, ruột màu vàng nâu. Theo YHCT, sinh địa có vị đắng, tính hàn - lương, quy kinh tâm, can, thận, tiểu tràng. Với công năng thanh nhiệt, lương huyết, dưỡng âm, sinh tân dịch. Tác dụng để loại các tà nhiệt đã nhập vào phần dinh, phần huyết, gây sốt cao, phát cuồng mê sảng, miệng khát, lưỡi đỏ tâm phiền, các chứng âm hư hỏa vượng, trào nhiệt. Thường được phối hợp với các vị thuốc khác: sinh địa, thục địa, nhân sâm, hoàng kỳ, chích cam thảo, thiên môn, mạch môn, tỳ bà diệp, thạch hộc, trạch tả, chỉ xác, đồng lượng, bào chế dạng bột, ngày uống 2 lần, mỗi lần 9 - 12g với nước sôi để nguội, trước hoặc sau bữa ăn 1 - 2 giờ...
4 dược liệu quý từ sinh địa hoàng 2Củ sinh địa đã qua chế biến cho vị thuốc thục địa.
Thục địa: là sinh địa qua chưng hoặc nấu với phụ liệu là gừng tươi, rượu, hoặc gừng tươi, rượu và sa nhân. Theo YHCT, thục địa có vị ngọt, tính ấm, quy kinh tâm, can, thận. Có tác dụng tư âm, dưỡng huyết, dùng trong các trường hợp thiếu máu, da xanh xao, gầy yếu... hoặc khi cơ thể khô háo do âm hư, hoặc chức năng thận âm kém: thục địa 16g, sơn thù du 8g, mẫu đơn bì, trạch tả, phục linh, hoài sơn, mỗi vị 6g sắc uống để trị đau đầu, ù tai, lưng, gối đau mỏi, di mộng tinh, ra nhiều mồ hôi... Hoặc từ phương thuốc này, thêm quế nhục, phụ tử (chế), mỗi vị 3g để trị các chứng dương hư với biểu hiện đau lưng, liệt dương, tảo tiết, tiểu tiện lượng nhiều, hai chân luôn có cảm giác lạnh lẽo.

GS.TS. Phạm Xuân Sinh

Từ khóa » Tác Dụng Chữa Bệnh Của Sinh địa Hoàng