4 Giai đoạn Của Quá Trình Lành Vết Thương

Qua bài viết Cấu trúc và chức năng của da, chúng ta đã có cái nhìn tổng quan về vai trò của các thành phần cấu tạo nên da cũng như tầm quan trọng của da đối với cơ thể người.

Trong bài viết kì này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu kỹ hơn về các biểu hiện của da cũng như những cơ chế được khởi phát khi có những tổn thương xuất hiện trên da ( vết trầy xước, rách da,… hay cả những vết thương lâu lành do bệnh mạn tính gây ra).

Khi da bị tổn thương, một loạt các quá trình tự nhiên của da sẽ được kích hoạt (hay còn gọi là sự tương tác giữa các tế bào nhằm tái tạo biểu bì mới và mô da) giúp cho vết thương được hồi phục.

Quá trình đó được tóm tắt qua 4 giai đoạn chính như sau: Giai đoạn Đông – cầm máu; Giai đoạn Viêm; Giai đoạn Tăng sinh; Giai đoạn Tái tạo.

4 Giai đoạn chính của quá trình lành thương bao gồm: Giai đoạn Đông- cầm máu; Giai đoạn Viêm; Giai đoạn Tăng sinh và Giai đoạn Tái tạo

Giai đoạn đông – cầm máu:

Quá trình đông – cầm máu là một quá trình biến đổi tính chất vật lí của máu một cách phức tạp với sự tham gia của nhiều thành phần.

Trong quá trình đó, máu sẽ được biến đổi từ dạng lỏng (khi vẫn còn đang chảy trong lòng mạch), sang dạng rắn (khi đã thoát ra khỏi lòng mạch qua vị trí tổn thương).

Mục đích cuối cùng của quá trình này là nhằm hạn chế mất máu và tạo ra một rào chắn ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn vào cơ thể thông qua vết thương hở.

Quá trình đông máu còn góp phần vào việc giữ cho thành mạch toàn vẹn cũng như duy trì tình trạng lỏng của máu trong mạch.

Giai đoạn cầm máu xảy ra ngay sau khi bị thương và kéo dài trong vài giờ cho đến vài ngày (3-4 ngày), hoặc lâu hơn nếu như đó là vết thương gây ra do bệnh mạn tính ( Đái tháo đường, Suy giãn tĩnh mạch,…).

Yếu tố tham gia: Tiểu cầu, Bạch cầu trung tính và Đại thực bào.

Cơ chế cầm máu:

Quá trình đông và cầm máu trong cơ thể diễn ra gồm 4 giai đoạn chính sau:

  • Co mạch:

Là hiện tượng cơ trơn thành mạch co lại sau khi mạch máu bị tổn thương.

Mục đích của sự co mạch là nhằm hạn cế tối đa lượng máu thoát ra ngoài qua thành mạch bị vỡ.

Đồng thời với quá trình này, quá trình tạo nút tiểu cầu và tạo cục máu đông cũng sẽ diễn ra.

  • Sự hình thành nút tiểu cầu:

Tiểu cầu  (Platelets hay Thrombocytes) là một trong bộ ba Tế bào máu (Hồng cầu – Bạch cầu – Tiểu cầu).

Tế bào máu này có kích thước nhỏ hơn nhiều lần so với Hồng cầu và Bạch cầu (đường kính lớn nhất khoảng tầm 3μm).

Chúng được hình thành ở Tủy xương và thường trú ngụ trong các mạch máu.

Tiểu cầu có vai trò quan trọng trong quá trình đông – cầm máu, hình thành các cục máu đông để bảo vệ sự vẹn toàn của mạch máu.

Cơ chế của quá trình Tạo nút tiểu cầu:

Ngay sau chấn thương, các mạch máu bị tổn thương sẽ bộc lộ rõ lớp collagen dưới nội mạc mạch máu.

Các tế bào Tiểu cầu sẽ được hoạt hóa để biến đổi tính chất nhằm kết dính với các mạch máu và sợi collagen nhờ các “chân giả”.

Bên cạnh đó, chúng còn không ngừng kích thích sự hoạt hóa các tế bào tiểu cầu ở gần đó, làm chúng kết dính với các tiểu cầu đã được hoạt hóa, hình thành nên Nút tiểu cầu.

Nút tiểu cầu cầm máu nhanh chóng đối với những vết thương nhỏ, còn đối với những vết thương lớn thì cần có sự hình thành của cục máu đông.

  • Đông máu và sự hình thành cục máu đông:

Quá trình hình thành cục máu đông tiến triển theo 2 con đường: con đường ngoại sinh và con đường nội sinh.

Quá trình này gồm một chuỗi các phản ứng xảy ra  như sau: phức hệ Prothrombinase lưu thông trong máu sẽ được hoạt hóa chuyển thành Thrombine; Thrombine sẽ tiếp tục chuyển hóa Fibrinogen thành Fibrin làm các Nút tiểu cầu lỏng lẻo ban đầu trở thành các Cục máu đông chắc chắn.

Như vậy, Cục máu đông bao gồm: Fibrin, tiểu cầu kết tập và các tế bào máu.

Cục máu đông bao gồm: Fibrin, tiểu cầu kết tập và các tế bào máu
  • Tan máu đông (hay còn gọi là tiêu sợi huyết):

Sau quá trình hình thành Cục máu đông sẽ là sự phân hủy Fibrin để làm thông thoáng lòng mạch phía dưới, giúp máu được lưu thông và cung cấp chất dinh dưỡng để nuôi dưỡng phần mô bị tổn thương phía trên.

Ngoài ra, sự tan cục máu đông còn góp phần giúp cho việc hình thành mô hạt được diễn ra dễ dàng hơn, giúp vết thương mau lành.

Cơ chế làm tan cục máu đông:

Khi cục máu đông được tạo thành, có một lượng lớn Plasminogen (hay Profibrinolysin) bị giam giữ trong cục máu đông với các protein huyết tương khác. 

Sau khi cục máu đông được hình thành để ngăn chặn sự mất máu, Plasminogen sẽ được hoạt hóa để biến đổi thành một Enzyme li giải protein gọi là Plasmin (hay Fibrinolysin).

Plasmin làm tiêu các sợi fibrin và một số chất chống đông có bản chất protein khác như Fibrinogen, yếu tố V, yếu tố VIII, prothrombin và yếu tố XII. 

Từ đó, các cục máu đông thừa thải sẽ được dọn dẹp sạch sẽ, lòng mạch máu trở nên thông thoáng.

Giai đoạn viêm

Giai đoạn Viêm là giai đoạn tiếp theo sau Giai đoạn đông – cầm máu.

Sự viêm là phản ứng phức tạp của cơ thể tại mô liên kết khởi phát sau khi tế bào bị tổn thương.

Các Đại thực bào sẽ đến và tiêu diệt các mô hoại tử, vi khuẩn và vật lạ nhằm làm sạch vết thương, chuẩn bị cho giai đoạn tăng sinh tiếp theo.

Giai đoạn này kéo dài trong khoảng từ 3 đến 5 ngày hoặc có thể kéo dài hơn nếu như có xảy ra nhiễm trùng, còn mô chết, vật lạ,…

Giai đoạn viêm thường đi kèm các biểu hiện điển hình như: sưng (do sự tăng sinh tính thấm thành mạch máu), nóng (do tăng tuần hoàn và tăng chuyển hóa) , đỏ (do sung huyết, ứ trệ bề mặt), đau (Do phù nề, dịch viêm chèn ép vào các mạch thần kinh; do các hóa chất trung gian như Prostaglandin, Bradykinin tác động trực tiếp lên dây thần kinh gây cảm giác đau hoặc do nhiễm toan), sốt.

Mặc dù là một quá trình nhằm bảo vệ cơ thể chống lại các yếu tố gây hại, nhưng nếu đáp ứng này xảy ra quá mức, nó sẽ gây hại cho cơ thể như gây đau đớn, tổn thương mô lành, rối loạn các chức năng cơ quan,…

Các Đại thực bào sẽ đến và tiêu diệt các mô hoại tử, vi khuẩn và vật lạ nhằm làm sạch vết thương, chuẩn bị cho giai đoạn Tăng sinh tiếp theo

Giai đoạn tăng sinh

Đây là giai đoạn tái cấu trúc, phục hồi lại những khiếm khuyến mà tổn thương gây ra thông qua sự hình thành mô liên kết mới và cuối cùng là sự hình thành biểu mô che phủ lên bề mặt vết thương.

Quá trình này được tiến hành ngay trong giai đoạn viêm và kéo dài trong khoản 1 đến vài tuần hoặc có thể lâu hơn tùy thuộc vào tình trạng dinh dưỡng và bệnh lí của bệnh nhân.

Thành phần tham dự: Đại thực bào và Bạch cầu trung tính.

Cơ chế: Nguyên bào sợi chính là thành phần đóng vai trò chính yếu trong giai đoạn này, chúng sẽ tổng hợp tạo ra các sợi collagen cũng như các chất của mô liên kết (mô hạt) để làm đầy vết thương, các mạch máu mới cũng sẽ được tái tạo và da non sẽ được sản sinh thông qua quá trình biểu mô hóa.

Khi dinh dưỡng không được đáp ứng đầy đủ, sự tưới máu kém, chấn thương,…chúng ta sẽ thấy tình trạng Mô hạt giả dưỡng.

Ngược lại, khi mô hạt tăng sinh quá mức vượt ra khỏi bờ vết thương, ta sẽ gặp tình trạng Mô hạt phì đại.

Cả hai trường hợp này đều cần được xử lí một cách hợp lí để quá trình lành thương có thể tiến triển tích cực.

Giai đoạn tái tạo

Giai đoạn tái tạo thường kéo dài đến hơn một năm sau tổn thương.

Trong giai đoạn này, mạch máu được phục hồi và bề mặt da sẽ được che phủ bởi lớp biểu mô mới.

Chức năng của các mô sẽ không ngừng được hoàn thiện nhưng sẽ không thể đạt 100% như lúc ban đầu, đồng thời tính đàn hồi của da cũng sẽ giảm đi đáng kể.

Mặc dù lớp da mới được hình thành nhưng phía bên dưới, hoạt động tăng sinh của các sợi collagen vẫn sẽ tiếp tục diễn ra.

Sự tăng sinh lên quá mức cả về số lượng và trật tự này của các sợi collagen trong cấu trúc da sẽ dần dần gây nên tình trạng sẹo lồi tại vị trí bị thương.

Quá trình hình thành sẹo lồi sẽ khởi phát trong vài tháng đầu sau khi bị thương và có thể kéo dài trong suốt 2 năm sau đó.

Vết thương nếu được chăm sóc đúng cách trong quá trình lành thương và sau khi lành thương sẽ hạn chế được tối đa nguy cơ hình thành sẹo lồi, sẹo phì đại.

Thủy Tiên

Tài liệu tham khảo:

https://www.woundsource.com/blog/four-stages-wound-healing

https://www.woundsource.com/blog/phases-wound-healing-breakdown

https://kienthucykhoacuatoi.blogspot.com/2018/09/sinh-ly-benh-qua-trinh-viem.html

Từ khóa » Các Giai đoạn Làm Lành Vết Thương