4 Năm Nữa Cấm Xe Máy Vào Nội đô: Người Dân đi Bằng Gì?

Việc rút ngắn lộ trình cấm xe máy từ năm 2025, thay cho năm 2030 sẽ có những tác động ra sao?

Việc chuẩn bị cho kế hoạch này thế nào và liệu dùng biện pháp hành chính để cấm xe máy có đạt hiệu quả không khi mà trong kế hoạch này không đề cập đến những phương tiện để thay thế xe máy?

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Trong đề án Hà Nội không đề cập đến những phương tiện để thay thế xe máy. Trong khi đó, hiện Hà Nội chỉ có mạng lưới xe buýt và một phần nhỏ đường sắt nội đô.

Nhiều năm trở lại đây, chiếc xe gắn máy trở thành "cần câu cơm" đối với ông Đặng Hữu Trung, 55 tuổi ở phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Với phương tiện này, ông Trung trở thành tài xế công nghệ có thu nhập trung bình khoảng 300 nghìn/ ngày để nuôi sống gia đình.

Trong những năm tới, ông Trung vẫn muốn chạy xe để có thêm thu nhập cho gia đình nên nếu cấm xe máy vào nội đô sau năm 2025, những lái xe công nghệ có tuổi như ông không thể kiếm được việc gì khác:

"Chắc chắn sẽ rất khó khăn bởi không có con đường nào khác ngoài chiếc xe máy, bản thân anh là chết dở rồi, bây giờ mình đi bằng cái gì, người lao động shipper là chết hẳn rồi. Các cơ sở trong nội đô giờ ship hàng đi đâu cũng bằng xe máy, trong khi Hà Nội phố nhỏ, ngõ nhỏ là nhiều".

Mới đây, trong đề án của UBND TP Hà Nội về phân vùng hạn chế hoạt động xe máy đã đưa ra đề xuất dừng hoạt động loại phương tiện này trên địa bàn các quận nội đô sau năm 2025, sớm hơn 5 năm so với kế hoạch trước đây. Dự kiến, chủ trương này sẽ tác động khoảng 3,5 đến 6,5 triệu người dân đô thị theo từng thời kỳ.

Khảo sát nhanh của VOVGT cũng cho thấy hầu hết các đối tượng từ nhân viên văn phòng, lái xe công nghệ đến những người nội trợ đều cho rằng chủ trương này sẽ khiến họ phải thay đổi thói quen đi lại, sinh hoạt, mưu sinh:

"Nó ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống người lao động, mình làm nhiệm vụ giao hàng mà cấm thế thì ảnh hưởng đến mình, đến các tiểu thương, ảnh hưởng tới thu nhập của những tài xế công nghệ, đến nhu cầu giao hàng hóa cho các nhà hàng".

"Xe máy vẫn là tiện nhất, phù hợp nhất, cấm xe máy thì trước là bất tiện về việc đi lại, sau là ảnh hưởng về kinh tế".

"Nếu Nhà nước cấm xe máy thì mình phải tìm cách khác để đi, đi xe buýt chẳng hạn nhưng cũng lo là có đủ xe buýt để đi không, xuống xe buýt rồi thì làm sao để đi tới chỗ làm".

Theo GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội chưa bàn đến tính khả thi của đề án cấm xe máy nội đô vào năm 2025 mà chỉ riêng thông tin từ đề án này đã có những tác động lớn tới đời sống kinh tế - xã hội:

"Trước hết nó tác động đến người dân, phải lo chuyển đổi phương tiện đặc biệt với những người vừa đầu tư xe, thứ hai là công ăn việc làm của bao người sử dụng xe máy. Nó tác động rất lớn đến các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất mặt hàng xe máy phục vụ thị trường Việt Nam, do đó ảnh hưởng đến nguồn thu, ngân sách, nó đưa đến những ảnh hưởng kép".

---

Đồng quan điểm ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, chủ trương cấm xe máy liên quan nhiều đến người dân hơn là kế hoạch thu phí ô tô vào nội đô. Một chính sách ảnh hưởng nhiều đến đại bộ phận người dân thì nhất thiết phải bàn bạc, thảo luận kỹ và có lộ trình dài hạn, phù hợp với đời sống dân sinh.

"Hà Nội cần có để án cụ thể, khâu giải quyết phương tiện thay thế xe máy cần được chuẩn bị, như các tuyến tàu điện hướng tâm và các tuyến kết nối vành đai để kết nối cần được thúc đẩy và thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ. Vận tải xe buýt cần có chính sách để tăng tỷ lệ người sử dụng. Chúng ta cũng cần chuẩn bị vỉa hè và các điều kiện khác để tăng tỷ lệ đi bộ trong phạm vi đường ngắn, giảm nhu cầu sử dụng phương tiện cơ giới".

Chuyên gia giao thông, TS. Phan Lê Bình cho rằng, điều đáng lưu ý là trong đề án Hà Nội không đề cập đến những phương tiện để thay thế xe máy. Trong khi đó, hiện Hà Nội chỉ có mạng lưới xe buýt và một phần nhỏ đường sắt nội đô.

Do đó, việc hạn chế xe máy chỉ có thể thực hiện trên các trục có đường sắt đô thị, còn những khu vực khác cần cân nhắc. Bởi nếu không đánh giá kỹ, cấm xe máy sẽ khiến người dân chuyển sang phương tiện ô tô cá nhân.

TS. Phan Lê Bình khẳng định, bốn năm tới là không đủ để hệ thống giao thông công cộng có thể đáp ứng đủ nhu cầu cơ bản của người dân Hà Nội:

"Nếu chúng ta có thêm 5 năm nữa đến 2030 với điều kiện Thành phố tích cực xây dựng đường sắt đô thị thì chúng ta có 3 tuyến đường sắt đô thị chạy trong thành phố, cho phép chúng ta kỳ vọng nhiều hơn vào hệ thống vận tải công cộng của Thành phố. Còn ngay từ 2025 thì dung lượng mà hệ thống vận tải công cộng đạt được vào lúc đó không đủ để vận chuyển toàn bộ người đang đi xe máy và chuyển sang giao thông công cộng".

Bên cạnh những ý kiến đồng tình với quan điểm nên sớm đẩy nhanh thời điểm cấm xe máy, không ít chuyên gia lại cho rằng cần làm rõ tính khả thi của việc rút ngắn lộ trình cấm xe máy từ năm 2025, thay cho năm 2030, cũng như năng lực đáp ứng của hệ thống giao thông công cộng trong 5 năm tới.

Mô hình từ một số đô thị có đặc điểm giao thông tương đồng với Hà Nội cho thấy, khi vận tải công cộng đạt 50-60% nhu cầu đi lại của người dân mới có thể triển khai hạn chế xe máy và xe ô tô chứ không cấm.

Chỉ có một vài nước, khu vực cấm xe máy như Bắc Kinh (Trung Quốc), Myanmar. Nhưng khi cấm, người dân rất khổ sở trong vấn đề đi lại. Hà Nội cần nghiên cứu kỹ bài học từ các nước dựa theo tình hình thực tế giao thông Thủ đô để có giải pháp phù hợp.

Mục tiêu giảm thiểu áp lực lên hệ thống hạ tầng khu vực trung tâm của Hà Nội dường như đang dừng ở mức mong muốn nhiều hơn là khả năng thực hiện

Hà Nội đặt ra thời điểm cấm xe máy vào năm 2025, vậy chỉ còn 4 năm nữa để chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng và phương tiện, về tâm lý và thói quen khi hàng triệu phương tiện xe máy ở Hà Nội dừng hoạt động.

Dưới góc nhìn của VOVGT, chủ trương cấm xe máy di chuyển nội đô, thúc đẩy mục tiêu phát triển vận tải hành khách công cộng là cần thiết nhưng xét tới các điều kiện hiện nay, thì chuyện Cấm xe máy nội đô: Cần nhưng thiếu cơ sở thực thi

Chủ trương cấm xe máy vào nội đô không phải tới giờ mới đặt ra mà nó đã được đưa ra bàn bạc, lấy ý kiến từ chục năm trước. Vấn đề này giờ đây được trở lại khi TP Hà Nội thực hiện lộ trình cấm xe máy sớm 5 năm so với dự kiến trước đây. 3 mục tiêu chính cùng những tác động của đề án cấm xe máy đã từng được "mổ xẻ" là:

Nếu cấm xe máy để giảm ùn tắc giao thông, thì phải chăng người đi ô tô cũng sẽ có lúc bị cấm bởi ô tô cũng là nguyên nhân gây ùn tắc. Mặt khác, khi người dân không có xe máy để đi thì một bộ phận sẽ chuyển sang sử dụng ô tô và ùn tắc sẽ nghiêm trọng hơn.

Nếu cấm xe máy để giảm ô nhiễm môi trường, thì sẽ hiệu quả hơn nếu đưa ra các biện pháp kiểm soát khí thải, quản lý và đưa ra mức phí cao đối với các xe cũ nát đi vào trung tâm.

Nếu cấm xe máy vì ảnh hưởng tới sự phát triển văn minh, hiện đại của đô thị thì làm sao để đảm bảo nhu cầu đi lại và mưu sinh của của phần lớn người dân, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế?

Từ 10 năm trước hay ở thời điểm này thì giải pháp căn cơ nhất trước khi triển khai cấm xe gắn máy vẫn là phát triển hạ tầng giao thông, đồng thời với đa dạng hóa hệ thống vận tải công cộng. Bởi khi mà phương tiện công cộng tốt, nhiều tuyến metro, xe buýt chạy chất lượng hơn, đúng giờ thì người dân dần dần sẽ bỏ bớt xe máy, ô tô để đi phương tiện công cộng.

Còn ngược lại, ngay cả trên tuyến đã có metro, nhưng chưa kết nối được xe đạp, minibus ở những điểm đầu cuối thì giao thông công cộng vẫn chưa thể thay thế xe máy.

Mục tiêu giảm thiểu áp lực lên hệ thống hạ tầng khu vực trung tâm của Hà Nội dường như đang dừng ở mức mong muốn nhiều hơn là khả năng thực hiện khi mà việc di dời trụ sở cơ quan, trường học vẫn mãi chần chừ còn những khu đô thị mới trong nội đô mọc lên không theo định hướng sử dụng giao thông dẫn tới quá tải hệ thống hạ tầng.

Vì thế, chính sách hạn chế phương tiện cá nhân của TP Hà Nội đã đề cập gần chục năm nay nhưng để khả thi vào 2025 hoặc xa hơn nữa phải chờ đợi vào các giải pháp từ chính quyền, trên cơ sở căn cứ vào điều kiện thực tiễn của đô thị.

Từ khóa » Bớt Xe Máy