4 Tiêu Chuẩn Chẩn đoán Nhồi Máu Cơ Tim - VnExpress Sức Khỏe

ThS.BS Nguyễn Tuấn Long - Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết, nhồi máu cơ tim là một bệnh lý trong đó mạch máu của tim (mạch vành) bị hẹp nặng hoặc tắc nghẽn hoàn toàn khiến quá trình cung cấp máu cho cơ tim không đảm bảo. Đây là tình trạng nguy hiểm vì khi không nhận đủ oxy, cơ tim sẽ bị tổn thương, không đảm bảo chức năng co bóp vốn có. Trường hợp dòng máu đến cơ tim không được tái lập một cách kịp thời, nhồi máu cơ tim có thể gây ra tổn thương tim vĩnh viễn, dẫn đến choáng tim, suy tim không hồi phục, thậm chí tử vong.

Bác sĩ Long khuyến cáo, thời gian vàng cấp cứu người bệnh nhồi máu cơ tim là từ 2 - 4 tiếng kể từ khi khởi phát bệnh. Do đó, người bệnh nên được đưa tới ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời ngay khi xuất hiện những dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim như: khó thở, buồn nôn, đổ mồ hôi lạnh, mệt mỏi, choáng váng, đột ngột chóng mặt,...

Người bệnh nhồi máu cơ tim cần được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời. Ảnh: Shutterstock

Người bệnh nhồi máu cơ tim cần được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời. Ảnh: Shutterstock

Việc chẩn đoán nhồi máu cơ tim đóng vai trò quan trọng. Các bác sĩ sẽ dựa vào các thông tin sau để chẩn đoán cho bệnh nhân:

Đặc điểm người bệnh

Một người có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim khi có một số đặc điểm: tuổi cao; thường xuyên sử dụng thuốc lá; có các bệnh lý tim mạch nguy cơ cao như tăng huyết áp, đái tháo đường, suy thận, rối loạn lipid máu; bệnh nhân sử dụng chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa; hay sử dụng nhiều chất kích thích có hại như bia, rượu; tiền sử gia đình mắc bệnh động mạch vành hoặc tiền sử cá nhân có bệnh động mạch vành hoặc nhồi máu cơ tim.

Triệu chứng

Những người bị nhồi máu cơ tim thường có các triệu chứng như: đau thắt ngực với biểu hiện nặng tức, bóp nghẹn ở sau xương ức, cơn đau có thể kéo dài 5-7 phút hoặc nhiều hơn (nếu là nhồi máu cơ tim), cơn đau có thể lan lên cằm hoặc cánh tay trái; khó thở; đổ mồ hôi lạnh; buồn nôn, khó chịu hoặc đau dạ dày (có thể cảm thấy khó tiêu hoặc ợ chua); tim đập nhanh (cảm giác khó chịu khi nhịp tim như đang bỏ nhịp hoặc thêm nhịp); yếu, liệt tay chân; cảm thấy lâng lâng, chóng mặt; hoặc thậm chí ngất xỉu.

Khám lâm sàng

Để có thêm thông tin, các bác sĩ có thể tiến hành thăm khám lâm sàng, trong đó, bác sĩ sẽ nghe tim, đánh giá hô hấp, kiểm tra mạch, huyết áp... Sau đó, thông qua người bệnh hoặc thân nhân, bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử để thu thập thông tin về người bệnh, bao gồm chi tiết về lối sống hiện tại, hoàn cảnh cá nhân, tiền sử bệnh lý nếu có.

Các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh

Để hỗ trợ chẩn đoán nhồi máu cơ tim, các bác sĩ sẽ chỉ định một số kiểm tra cận lâm sàng cần thiết:

Điện tâm đồ (ECG)

Điện tâm đồ là một trong những kiểm tra quan trọng để chẩn đoán cơn nhồi máu cơ tim. Nhồi máu cơ tim sẽ gây tổn thương cơ tim, từ đó gây ra những biến đổi về mặt điện học của cơ tim. Thông qua những biến đổi của sóng điện tim, các bác sĩ sẽ chẩn đoán tình trạng tổn thương của tim. Phương pháp này phát hiện hoạt động bất thường của tim, hiển thị dưới dạng sóng. Một cơn nhồi máu cơ tim có thể gây ra những thay đổi trong mô hình, bác sĩ sẽ dựa vào đây để chẩn đoán tình trạng tim của người bệnh.

Siêu âm tim

Đây là kỹ thuật tiêu chuẩn trong chẩn đoán nhồi máu cơ tim. Dựa trên hình ảnh siêu âm tim, bác sĩ sẽ thấy được những hình ảnh rối loạn vận động của quả tim do hậu quả của tắc mạch vành tim, nhồi máu cơ tim... Bên cạnh đó, siêu âm tim cũng giúp đánh giá chức năng của tâm thất trái, biến chứng sau nhồi máu cơ tim như hở van tim, tràn dịch màng ngoài tim, thủng thành tim.

Ngày nay, siêu âm tim là một công cụ hỗ trợ quan trọng, được sử dụng phổ biến để giúp các bác sĩ chẩn đoán bệnh lý nhồi máu cơ tim.

Siêu âm tim là một trong những phương pháp phổ biến và được sử dụng nhiều nhất để chẩn đoán nhồi máu cơ tim. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Siêu âm tim là một trong những phương pháp phổ biến và được sử dụng nhiều nhất để chẩn đoán nhồi máu cơ tim. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Xét nghiệm men tim

Khi các tế bào cơ tim bị tổn thương hoặc chết đi vì bất cứ lý do gì, một chất hóa học là troponin sẽ được giải phóng và có thể được phát hiện bằng các xét nghiệm máu. Đây là một xét nghiệm quan trọng để chẩn đoán dạng nhồi máu cơ tim không ST chênh lên. Trong đó các bác sĩ có thể dựa và kết quả men tim lần đầu hoặc nhiều lần để chẩn đoán bệnh. Ngoài ra, xét nghiệm này cũng giúp phân biệt nhồi máu cơ tim với một số bệnh lý khác có biểu hiện trên lâm sàng hoặc điện tim như hình thái nhồi máu cơ tim, ví dụ: viêm cơ tim hoặc màng ngoài tim, rối loạn nhịp, rối loạn điện giải, các vấn đề về tim do căng thẳng quá độ hoặc căng thẳng về cảm xúc (bệnh cơ tim takotsubo, còn được gọi là hội chứng trái tim tan vỡ). Do đó, xét nghiệm men tim là một trong những thông tin đáng tin cậy để chẩn đoán nhồi máu cơ tim.

Cách phòng ngừa

Bác sĩ Long cho biết, nhồi máu cơ tim đến đột ngột nhưng bệnh đã khởi phát và tiến triển trong một thời gian dài. Do đó, có thể chú ý phòng ngừa nhồi máu cơ tim như sau: Dành ít nhất 2,5 giờ mỗi tuần để tập thể dục cường độ vừa phải. Một số bộ môn thể thao có thể tham khảo như đi bộ nhanh, bơi lội...

Mỗi người thực hiện theo một chế độ ăn uống lành mạnh cho tim, ưu tiên trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc (chẳng hạn như cá), đậu, các loại hạt và dầu ô liu. Bạn tránh thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn và đồ uống có đường

Nên ngủ đủ giấc, có thể từ 7-9 tiếng mỗi đêm; bỏ thuốc lá; giữ gìn tinh thần thoải mái, giảm sự căng thẳng. Đi khám sức khỏe định kỳ hằng năm, đảm bảo được thăm khám theo dõi kỹ lưỡng.

Gia Hưng

Đầu tư hệ thống máy móc hiện đại như máy siêu âm tim và mạch máu 4D hiện đại, máy chụp cộng hưởng từ 1,5 - 3 Tesla, máy CT 768 lát cắt, hệ thống máy DSA chụp mạch vành với cánh tay robot Artis Pheno..., Trung tâm Tim mạch Hệ thống BVĐK Tâm Anh tiếp nhận và điều trị cho người bệnh bị nhồi máu cơ tim cũng như các bệnh lý tim mạch (tăng huyết áp, bệnh mạch vành, bệnh van tim, thiếu máu cơ tim...).

Phác đồ điều trị xây dựng cá thể hóa, đem lại hiệu quả cao trong việc cải thiện triệu chứng và phòng ngừa biến chứng nguy hiểm, nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

Trung tâm tim mạch, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh:

Hà Nội: 108 Hoàng Như Tiếp, Bồ Đề, Long Biên. Hotline: 1800 6858

TP.HCM: 2B Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình. Hotline: 028 7102 6789

Website: https://tamanhhospital.vn/

Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh

Từ khóa » Chẩn đoán Nhồi Máu Cơ Tim Dựa Vào