40 Năm Cuộc Chiến Vệ Quốc 1979 - Kỳ 5: Đặc Công Tham Chiến
Có thể bạn quan tâm
Đặc công Đào Văn Quân (người đứng trước) trong trận đánh tháng 2-1979 ở thị xã Cao Bằng - Ảnh: NVCC
Trong cuộc chiến bảo vệ biên giới, các đơn vị đặc công đã xuất trận "bí mật bất ngờ, luồn sâu lót sát, lấy ít đánh nhiều, đánh hiểm thắng lớn". Đặc công Việt Nam là một đơn vị tinh nhuệ khiến quân bành trướng Trung Quốc hoang mang, khiếp sợ.
"Dọc đường đi, già trẻ lớn bé người dân tộc Tày, Nùng lũ lượt gồng gánh, dắt díu nhau chạy ngược về, chỉ có mỗi chúng tôi nhằm hướng biên giới đi lên. Nhìn cảnh người dân chạy loạn, cảnh đổ nát, chết chóc của làng quê, chúng tôi chỉ muốn xung trận ngay"
Ông DƯƠNG VĂN LỰC
Đơn vị "bí mật bất ngờ"
Tháng 5-1978, khoảng 200 thanh niên tỉnh Vĩnh Phúc nhập ngũ, được phân về tiểu đoàn 35 (trung đoàn 198, Bộ tư lệnh đặc công).
"Khi đó mình mới tròn 18 tuổi, là con trai duy nhất trong gia đình nhưng vẫn viết đơn xin nhập ngũ như bao người khác" - cựu lính đặc công Dương Văn Lực, quê xã Văn Tiến, huyện Yên Lạc, hiện là trưởng Ban liên lạc cựu chiến binh đặc công tỉnh Vĩnh Phúc, mở đầu câu chuyện.
Chỉ sau sáu tháng huấn luyện ở Hòa Bình, ngày 20-12-1978 tiểu đoàn đặc công 35 của Dương Văn Lực và những chàng trai trẻ Vĩnh Phúc được lệnh cơ động gấp vào mặt trận biên giới Tây Nam, rồi tiến sâu sang đánh quân Pol Pot ở Campuchia.
"Khi đang tiến sâu đánh bên đất Campuchia thì nghe tin hơn 60 vạn quân bành trướng Trung Quốc bất ngờ tràn qua Việt Nam đồng loạt tấn công sáu tỉnh biên giới phía Bắc. Tiểu đoàn đặc công 35 chúng tôi được lệnh cơ động gấp ra Hà Nội để lên Lạng Sơn.
Cả tiểu đoàn mấy trăm lính về đến sân bay Pleiku để bay ra Hà Nội thì bất ngờ được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại sân bay. Đại tướng căn dặn lính đặc công ra trận thì phải thắng".
Ngày 26-2-1979 bay ra Gia Lâm và đi tàu hỏa lên ga Kép (Bắc Giang), chuyển sang ôtô nhằm thẳng hướng Lạng Sơn.
"Dọc đường đi, già trẻ lớn bé người dân tộc Tày, Nùng lũ lượt gồng gánh, dắt díu nhau chạy ngược về, chỉ có mỗi chúng tôi nhằm hướng biên giới đi lên. Nhìn cảnh người dân chạy loạn, cảnh đổ nát, chết chóc của làng quê, chúng tôi chỉ muốn xung trận ngay", ông Lực nói.
Ông Dương Văn Lực, cựu binh tiểu đoàn đặc công 35, kể lại chuyện tham chiến chống quân bành trướng Trung Quốc năm 1979 - Ảnh: HÀ THANH
Chỉ sau 7 phút tập kích, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ
Ông DƯƠNG VĂN LỰC
Trời tháng 2 nơi biên giới mưa phùn, gió bấc, rét buốt thấu xương nhưng lính đặc công vừa đánh địch ở phía Nam, giờ cơ động gấp ra Bắc nên những người lính trẻ như ông Lực không chuẩn bị kịp quân tư trang mùa rét.
"Mỗi người độc mỗi bộ quần áo, nằm ở hậu cứ thì hai người lính ôm nhau xua đi cái rét biên thùy thấm vào da thịt. Khi hành quân trời tối đen như mực, người nọ bấu vào người kia, bám vào nhau mà luồn sâu vào hướng có địch", ông Lực nhớ lại.
Nguyên tắc, kỹ chiến thuật của lính đặc công là "bí mật, luồn sâu đi tìm địch", vì thế nhiệm vụ của lính đặc công hết sức nguy hiểm.
"15h chiều 28-2, tôi cùng đồng đội luồn sâu vào phía sau của địch để trinh sát và phát hiện quân địch đang đóng ở thôn Nà Lệnh, xã Hoàng Văn Thụ rất đông. Sau khi báo cáo, đơn vị quyết định nổ súng trận đầu ngay trong đêm 28-2.
Hơn 30 lính đặc công tinh nhuệ của tiểu đoàn 35 hình thành thế bao vây, áp sát hai mé đồi hai bên, gần với quả đồi địch đóng, tập kích địch bằng hỏa lực B41 tại điểm cao ở thôn Nà Lệnh. Chỉ sau bảy phút tập kích, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ" - ông Lực kể lại.
Người đặc công anh hùng
"Đừng kể riêng tôi, công là của tất cả anh em đặc công" - Anh hùng, trung tướng Đào Văn Quân, phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Hà Nội, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra quân ủy trung ương, kể về các trận đánh ở Cao Bằng cuối tháng 2, đầu tháng 3-1979.
Sinh năm 1954, Quân là lính tiểu đoàn đặc công 31, Bộ tư lệnh đặc công, vào chiến đấu ở Quảng Trị trong cuộc chiến chống Mỹ. Năm 1974 Quân được chọn đi học sĩ quan đặc công rồi phân về tiểu đoàn 45.
Trung tướng Quân nhớ lại khi các đơn vị khác được điều động vào mặt trận biên giới Tây Nam thì riêng đơn vị ông vẫn được lệnh ở lại đất Bắc.
Chính vì thế, ngay sau khi súng nổ đồng loạt trên dặm dài biên cương phía Bắc, tiểu đoàn đặc công 45 của ông với gần 500 người đã nhận nhiệm vụ phối thuộc với Bộ tư lệnh Quân khu 1 tham gia chiến đấu, hành quân ngay trong đêm.
Rạng sáng 22-2-1979, tiểu đoàn đến vị trí tập kết, chốt chặn ở thị xã Cao Bằng.
Sau nhiều ngày trinh sát, lực lượng đặc công biết được quân bành trướng Trung Quốc đã tiến sâu vào nội địa, vào đến tận cầu Tài Hồ Sìn cách thị xã Cao Bằng hơn 10km.
"Sau trinh sát, nắm được quy luật của địch, sáng sớm 10-3-1979 tiểu đoàn chúng tôi quyết định xuất quân. Đại đội 1 do tôi phụ trách chỉ huy được giao nhiệm vụ tổ chức phục kích nhằm tiêu diệt đoàn xe cơ giới của địch trên quốc lộ 3, cách thị xã Cao Bằng 3km" - Anh hùng, trung tướng Đào Văn Quân kể lại.
Anh hùng, trung tướng Đào Văn Quân - Ảnh: HÀ THANH
"Khi chiếc xe đầu tiên tiến vào trận địa phục kích, chúng tôi được lệnh nổ súng, nhằm ngay chiếc xe đầu để phóng một quả đạn B41. Sau phát súng này, chiếc xe địch bốc cháy.
Khi xe đầu của giặc bốc cháy thì cũng là lúc chiến sĩ đặc công Nguyễn Văn Sinh "bắn khóa đuôi" làm cháy chiếc xe cuối cùng.
Đội hình giặc hoảng loạn, địch nhảy xuống chạy dạt và chui hết xuống gầm xe. Đích thân tôi xông lên ôm súng B41, lần lượt bắn sáu quả vào đội hình xe của địch.
Cũng lúc này, các đồng đội từ trên sườn núi cao ném lựu đạn, bộc phá vào chúng khiến đoàn xe tan tác.
Khi quân địch từ các điểm cao gần đó đổ quân đến tiếp viện, chúng tôi đã rút đi trong tiếng súng cối 82mm bắn chặn của một đơn vị phối hợp Quân khu 1.
"Sau trận đánh mở màn ngay sau khi tới Cao Bằng, tôi tiêu diệt được 10 tên địch, bắt sống 3 tên, được tặng Huân chương Chiến công hạng ba nên viết thư gửi về khoe với vợ" - trung tướng anh hùng Đào Văn Quân cho biết.
Sau các chiến công lẫy lừng, được báo Quân Đội Nhân Dân viết bài ca ngợi, Đào Văn Quân được mời đến các đơn vị để phổ biến cách đánh địch. Thậm chí, ngay sau một trận đánh ông còn được mời về Hà Nội để dự hội nghị "Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc".
"Đặc công VN đánh trận rất giỏi, nhờ lực lượng này tham chiến kịp thời cùng sự chi viện của các đơn vị chủ lực từ chiến trường Campuchia nên cục diện chiến tranh chuyển biến có lợi cho quân dân ta.Kết thúc chiến tranh, 200 lính Vĩnh Phúc chúng tôi thì 7 người hi sinh, nhiều người khác bị thương, nhưng có 17 người trở thành các sĩ quan quân đội, trong đó có Đỗ Thanh Bình sau này là thiếu tướng, tư lệnh đặc công" - cựu binh đặc công Dương Văn Lực cho biết.
____________________________________
Kỳ tới: Những cuộc chuyển quân cấp tốc
Từ khóa » đặc Công Việt Nam đánh Sân Bay Trung Quốc
-
Cuộc Chiến Biên Giới Năm 1979 - đặc Công Việt Nam đánh Sân Bay ...
-
Lính Đặc Công Kể Chuyện Trinh Sát Nghẹt Thở Ở Biên Giới Việt
-
Tướng TQ Thừa Nhận Bị Đặc Công VN đột Kích 1984 - YouTube
-
Đặc Công Việt Nam Đánh Sân Bay Trung Quốc, 40 Năm Cuộc ...
-
Báo Nga,Trung Quốc: Đặc Công Việt Nam Thiện Chiến 'ngoài Sức ...
-
Chiến Tranh Bảo Vệ Biên Giới 1979: Khi đặc Công Việt Nam Xuất Trận
-
Đặc Công Việt Nam - Tin Tức Mới Nhất Hôm Nay Và Những ... - Sputnik
-
Những Vụ Tấn Công Của Lực Lượng Biệt động Quân Giải Phóng Miền ...
-
Đài Trung Quốc Nói '1.400 Bộ đội Trung Quốc Hy Sinh ở Việt Nam'
-
Lối đánh Của Bộ đội đặc Công Việt Nam Qua Ngòi Bút Của Cựu Binh ...
-
Người Lính đặc Công Năm Xưa Và 3 Trận đánh để đời
-
Những Trận đánh Xuất Quỷ Nhập Thần : Bài 4: Bão Lửa ở Pochentong
-
Đặc Công - Tin Tức Mới Nhất 24h Qua - VnExpress
-
Ký ức Về Trận Chiến Tại Sân Bay Mường Thanh - Bộ Quốc Phòng