40 Năm Phục Hưng Di Sản Văn Hóa Cố đô Huế - Báo Nhân Dân
Ngày 10/6, tại TP Huế diễn ra Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế (1982-2022). Tham dự có đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương; Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; Chistian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam; lãnh đạo Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước, Cục Di sản văn hóa; lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế qua các thời kỳ.
Hồi sinh di sản Huế
40 năm trước, ngày 10/6/1982, Di sản cố đô Huế đang đứng trước nguy cơ bên bờ vực bị xóa sổ. Lãnh đạo tỉnh lúc bấy giờ đã kịp thời đề ra giải pháp để cứu vãn di sản Huế, đầu tiên là quyết định thành lập một đơn vị chuyên môn để tham mưu cho lãnh đạo tỉnh trong việc lập kế hoạch phục hưng, cứu vãn Di sản cố đô Huế và chính từ đó Công ty Quản lý di tích lịch sử và văn hóa Huế, tiền thân của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế ngày nay được thành lập, với chức năng và nhiệm vụ chính là tham mưu xây dựng kế hoạch, chiến lược bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị di sản cố đô Huế. Đây cũng chính là bước ngoặc to lớn cho công cuộc phục hưng di sản Huế.
Cùng với hậu quả nặng nề của chiến tranh, những biến động của lịch sử và hoàn cảnh khó khăn của đất nước trong giai đoạn đầu thống nhất đất nước; vấn đề quan điểm, sự lạc hậu về khoa học bảo tồn và nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn hết sức hạn chế nên công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cố đô Huế gặp muôn vàn khó khăn, thách thức. Sau lời kêu gọi cứu vãn di sản Huế của ông Amadou Mahtar M’Bow, Tổng Giám đốc UNESCO, một cuộc vận động quốc tế để hỗ trợ Huế đã được triển khai mạnh mẽ; những giá trị tiêu biểu, nổi bật của những di sản triều Nguyễn đã được nhìn nhận và đánh giá đúng với tầm vóc của nó; từ đó nhận thức về các di sản của triều đại này cũng từng bước thay đổi tích cực.
Từ đây, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã triển khai một loạt giải pháp đồng bộ để cứu vãn di sản Huế, từ chỗ đang ở trong tình trạng lâm nguy và sự quên lãng, Di sản cố đô Huế đã lột xác, hồi sinh mạnh mẽ. Từ sự hoang tàn, đổ nát, Di sản Huế nhanh chóng phục hồi, vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp để bước vào giai đoạn phát triển ổn định và bền vững. Đến nay, Huế tự hào đã có 5 di sản được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, gồm: Quần thể di tích cố đô Huế (1993), Nhã nhạc cung đình (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014) và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016).
Theo đánh giá của UNESCO, công cuộc bảo tồn Di sản văn hoá cố đô Huế hiện đang chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Đặc biệt, việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa đã luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy hiệu quả và tạo điều kiện cho việc phát triển kinh xã hội của tỉnh và khu vực miền trung, trọng tâm là kinh tế du lịch, dịch vụ.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, công tác bảo tồn, trùng tu di tích đạt được nhiều kết quả quan trọng, đến nay các di tích đã bước qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp và chuyển sang giai đoạn ổn định, phát triển. Hầu hết các di tích được thường xuyên bảo quản bằng các biện pháp chống dột, chống sập, chống mối mọt, gia cố và thay thế các bộ phận bị lão hóa... nhờ vậy mà trong điều kiện thiên tai khắc nghiệt xảy ra liên tiếp, các di tích vẫn được bảo tồn và kéo dài tuổi thọ.
Với những thành tựu to lớn đã đạt được trên tất cả các lĩnh vực, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý như vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba (2017); Huân chương Lao động hạng Ba (1996), hạng Nhì (2001) và hạng Nhất (2006); nhiều năm liền nhận Cờ thi đua xuất sắc về bảo tồn bảo tàng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; nhiều tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động, Bằng khen của Chính phủ, Bằng khen của các bộ ngành Trung ương…
“Nhìn lại chặng đường 40 năm phục hưng Di sản văn hóa cố đô Huế là cơ hội để mỗi chúng ta có cơ hội chiêm nghiệm về những bài học vô giá, đó là sự nhận thức ngày càng sâu sắc về vai trò đặc biệt của văn hoá trong đời sống đương đại; đó là những bài học quý giá về những chuẩn mực trong quy trình trùng tu và sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp các ngành từ trung ương đến cơ sở; là bài học về việc phát huy tính tự lực tự cường, về kêu gọi, vận động sự chung tay, góp sức của cộng đồng và cốt lõi là cần xây dựng được chiến lược phát triển bền vững trên nền tảng kết hợp chặt chẽ giữa bảo tồn và phát triển”, ông Trung chia sẻ.
Tri ân những đóng góp to lớn của cá nhân, tập thể
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương mong muốn trong giai đoạn sắp đến, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tiếp tục nỗ lực phấn đấu, phát huy hơn nữa những gì đã đạt được. Sáng tạo và tham mưu cho lãnh đạo tỉnh nhiều giải pháp nhằm phát huy giá trị di sản Huế, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của tỉnh. Đặc biệt, cùng lãnh đạo tỉnh và nhân dân trong toàn tỉnh quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị nhằm xây dựng thành phố Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô Huế và bản sắc văn hóa Huế.
Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cần phối hợp các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn chỉnh Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 theo Quyết định số 42/QĐ-TTg ngày 11/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo tồn, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Đẩy mạnh kết nối, mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội quảng bá các giá trị di sản văn hóa Huế. Tập trung huy động tối đa các nguồn lực kể cả nguồn lực từ cộng đồng, xã hội để chung tay phát triển Di sản văn hóa cố đô Huế thành một thương hiệu “phát triển bền vững”. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để Quần thể di tích cố đô Huế trở thành điểm đến luôn mới lạ và hấp dẫn du khách, quyết tâm đổi mới để phát triển, đây thực sự là vấn đề cốt lõi trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay.
Thay mặt cho UNESCO, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, ông Chistian Manhart chia sẻ: “UNESCO đã có nhiều năm hợp tác với Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế. Sự hợp tác lâu dài này bắt đầu từ hai thập kỷ trước với những nỗ lực chung trong việc huy động sự hỗ trợ quốc tế để trùng tu các di tích. Chúng tôi rất cảm kích vì Trung tâm đã chia sẻ kinh nghiệm của mình cho nhiều di tích khác ở Việt Nam và trong khu vực châu Á, đặc biệt là trong việc bảo vệ di sản gỗ và tích hợp di sản vật thể và phi vật thể”.
Dịp này, nhằm tri ân và tuyên dương những đóng góp to lớn đó của các tập thể, cá nhân cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tặng Bằng khen cho 1 tập thể, 9 cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp về công sức, trí tuệ, vận động tài trợ quốc tế vào sự nghiệp bảo tồn Di sản cố đô Huế.
Từ khóa » Di Phục
-
Điện Di Phục Hồi Da Thương Tổn - Phòng Khám O2 SKIN
-
Điện Di Là Gì, Chăm Sóc Da Có Tốt Không, Có Những Phương Pháp Nào
-
Điện Di Lạnh Phục Hồi Matrix Repair Concentrate (Ngưng Dịch Vụ)
-
[Gcaothu] Chính Thức Ra Mắt Trang Phục Grakk Đi Vào Lòng Đất
-
Phục Hồi Chức Năng Di Chuyển - Đối Tượng Đặc Biệt - MSD Manuals
-
Di Chứng Hậu Covid-19 Kéo Dài Bao Lâu? Cách Khắc Phục Ra Sao?
-
Nguyên Nhân Và Cách Khắc Phục Tình Trạng điện Thoại Bị đơ Hiệu Quả
-
Tùy Chọn Phục Hồi Hệ Thống Trong Windows Là Gì? - Microsoft Support
-
Thảo Dược Thổ Phục Linh Có Tác Dụng Gì? - Vinmec
-
Phục Linh: Loại Nấm Chuyên Chữa Suy Nhược, Mệt Mỏi, Phù Thũng
-
Xóa Biểu Mẫu Hoặc Khôi Phục Biểu Mẫu đã Xóa - Microsoft Support