45+ Món Ngon Ngày Tết Cổ Truyền Dễ Làm 3 Miền Bắc, Trung, Nam

Món ngon ngày Tết cổ truyền của người Việt vô cùng đa dạng. Mỗi vùng miền lại mang trong mình những hương vị và nét đặc sắc văn hóa ẩm thực rất riêng. Cùng Nam Long điểm qua những món ăn đậm đà hương vị cổ truyền của từng vùng miền trong ngày Tết Nguyên Đán nhé!

Các món ngon ngày Tết miền Bắc đậm đà hương vị cổ truyền

Ẩm thực miền Bắc mang trong mình hơi thở riêng của một nền ẩm thực lâu đời xứ kinh kỳ. Đồng thời nét văn hóa ẩm thực ngày Tết của mảnh đất kinh kì thương ưu ái các món dành cho mùa lạnh, bởi những ngày Tết miền Bắc thường rất lạnh.

Cũng chính vì thế các món ăn trong dịp Tết cổ truyền của người miền Bắc cũng mang đặc trưng riêng. Có thể điểm qua những món ăn điển hình sau:

1/ Bánh chưng

Nhắc đến món ngon ngày Tết cổ truyền miền Bắc, bánh chưng được xem là nét tinh hoa, đặc sắc nhất trong mâm cỗ. Thức ngon mà mỗi độ Tết về nhà nào cũng phải có dăm ba cặp để đặt lên bàn thờ gia tiên nhằm tỏ lòng biết ơn cho mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đồng thời bánh chưng cũng mang ý nghĩa văn hóa, gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau.  

bánh chưng - 02

2/ Dưa hành

Bánh chưng phải có dưa hành – món ăn kèm không thể thiếu làm nên vị ngon ngày Tết cổ truyền của người Việt. Dưa hành thường được các gia đình muối trước Tết từ 7-10 ngày là có thể ăn. Dưa hành có vị chua, cay dịu nhẹ kết hợp với bánh chưng, thịt đông, thịt kho tàu…  vừa kích thích vị giác, vừa chống ngán cho thịt mỡ lại tốt cho hệ tiêu hóa.

3/ Giò

Nhắc đến Tết miền Bắc thì giò là món không thể bỏ qua. Có vô số loại giò chúng ta có thể bắt gặp trên mâm cỗ như giò lụa, giò bò, giò hoa ngũ sắc, giò gà, giò me, giò ngựa, giò bì… Tùy theo sở thích mà mỗi gia đình sẽ lựa chọn loại giò khác nhau đặt lên mâm cúng gia tiên.

4/ Gà luộc

Gà luộc là món gần như bất di bất dịch để đặt lên mâm cúng Giao thừa, cúng đầu năm mới của mỗi gia đình trong dịp Tết. Gà luộc có da vàng ươm, để nguyên con hoặc chặt thành từng miếng xếp đẹp mắt trên dĩa, rắc thêm ít lá chanh thái chỉ mỏng, một dĩa muối tiêu chanh làm nên nét đặc trưng của món ngon ngày Tết của người Việt, nhất là người miền Bắc.

5/ Thịt đông

Thịt đông được xem là món ngon đặc trưng trong ngày Tết của người miền Bắc. Tùy theo sở thích của mỗi gia đình mà thịt đông có thể làm từ thịt lợn, thịt gà hay đôi khi là chân giò lợn, thêm ít mộc nhĩ, nấm hương, gia giảm gia vị rồi ninh nhừ. Thành phẩm thịt đông ở dạng khuôn, trên bề mặt sẽ có một lớp mỡ màu trắng mịn như tuyết pha thêm sắc vàng mịn. Món này có độ ngậy, mát rất đưa cơm.

Thịt đông - 03

6/ Canh măng

Cũng như bánh chưng và thịt đông, món ngon ngày Tết miền Bắc sẽ thật thiếu sót khi không nhắc đến canh măng. Canh măng thường được nấu từ măng khô (một số gia đình sử dụng măng tươi) ngâm qua đêm, luộc nhiều nước rồi nấu chung với móng giò hoặc cổ, cánh, chân gà… Vị canh măng khá thanh tao, ngọt bùi nhớ mãi chẳng quên.

7/ Nem rán

Nem rán cũng là món ăn ngon quen thuộc trong ngày Tết cổ truyền của người miền Bắc. Lớp nhân nem có thịt, nấm, mộc nhĩ, hành khô, giò sống, trứng, hạt tiêu… cuộn bên ngoài bằng lớp bánh đa nem mỏng, chiên lên vàng giòn, ăn kèm với nước mắm chua ngọt vô cùng kích thích.

8/ Canh bóng thả

Canh bóng thả là món ăn đầy đủ màu sắc từ rau củ quả, vừa thanh tao lại bổ dưỡng, rất thích hợp cho tiết trời se lạnh, giúp cân bằng cơ thể.

9/ Chè kho

Chè là món gần như không thể thiếu trong mâm cúng ngày Tết của người Việt. Ở miền Bắc chè kho được ưu ái lựa chọn. Chè kho được làm từ đậu xanh, vừng trắng và đường cát nấu thành dạng đặc nên mới có tên là chè kho.

Chè kho - 04

10/ Nộm

Vị chua chua ngọt ngọt của nộm được xem là cách để cân bằng lại những món ăn nhiều dầu mỡ, nhiều thịt của ngày Tết. Món nộm của người miền Bắc có thể là nộm khô bò, nộm chân gà, nộm sứa hay nộm hoa chuối tùy sở thích mỗi gia đình.

11/ Xôi gấc

Giống như chè, xôi là món không thể thiếu trong mâm cúng tổ tiên ngày Tết. Với người miền Bắc thì xôi gấc được xem là đặc trưng. Màu đỏ của xôi gấc mang ý nghĩa mang lại sự may mắn, chưa kể hương vijcuar xôi gấc cũng chẳng chê vào đâu được.

12/ Miến xào thập cẩm

Miến xào thập cẩm cũng là món ăn khá quen thuộc trong mâm cỗ Tết cổ truyền của người miền Bắc. Miến thường được xào với mộc nhĩ, cà rốt, các loại rau, ớt chuông, để tăng thêm hương vị người ta thường sẽ sử dụng lòng gà xào cùng.

Miến xào thập cẩm - 05

13/ Bò xào rau củ

Thịt bò xào rau củ là món ăn thường thấy trong mâm cúng ngày Tết của người miền Bắc tạo nên nét đặc sắc riêng. Thịt bò thái mỏng được xào với ớt chuông, hành tây, súp lơ, cà rốt…  vừa ngon vừa đẹp mắt.

14/ Hành cuốn tôm thịt

Một số gia đình người miền Bắc còn sử dụng hành cuốn tôm thịt chấm với mắm mặn hoặc mắm me để giải ngấy cho mùa Tết.

>>> Xem thêm: Văn khấn, bài cúng 23 tháng Chạp, 30 Tết, Giao thừa, mùng 1, 2 chuẩn nhất

Các món ăn ngày Tết miền Trung  đậm đà hương vị Tết cổ truyền

Người miền Trung quanh năm chịu cái nắng gắt của gió Lào và mưa bão. Do đó mỗi độ Tết về, người ta lại cầu mong một năm mưa thuận gió hòa để cả năm làm ăn thuận lợi. Chính vì lẽ đó, lối ẩm thực ngày Tết của người miền Trung thường có chiều riêng biệt, phác họa tính cách, thói quen và văn hóa gần gũi của con người nơi đây. Có thể điểm qua các món ăn đặc trưng của người miền Trung trong ngày Tết cổ truyền sau.

1/ Bánh Tét

Nếu miền Bắc là bánh chưng thì miền Trung ngày Tết không thể thiếu những đòn bánh Tét thon dài. Bánh Tét được làm từ gạo nếp, ít thịt, đậu xanh, muối tiêu. Nhiều gia đình không sử dụng thịt hoặc chỉ gói vài đòn bánh Tét có thịt vì có thịt sẽ không giữ bánh được lâu. Bánh Tét được mang đi thờ gia tiên, sau đó sử dụng để ăn dần những ngày sau Tết, ăn kèm với dưa món hoặc chiên giòn chấm mắm vô cùng ngon.

Bánh Tét - 06

2/ Mứt gừng

Mứt là đặc trưng của ngày Tết nên vùng nào cũng có. Mứt đa dạng về thể loại. Ấy nhưng với những người miền Trung thì mứt gừng luôn là chủ đạo. Bởi gừng thứ nguyên liệu với vị ấm nồng được sử dụng trong nhiều món ăn làm nên nét đặc sắc của người miền Trung. 

3/ Bánh thuẫn

Bánh thuẫn hay còn gọi là bánh thửng, loại bánh gần giống với bánh gato nhưng mềm xốp hơn và thơm nức mùi trứng gà. Đây là món bánh đặc trưng của nhiều tỉnh miền Trung ỗi độ Tết đến, gắn liền với tuổi thơ của nhiều người, dẫu đi đâu xa Tết đến cũng thèm thuồng được thưởng thức hương vị của món bánh bình dị ấy.

4/ Bánh in 

Từng chiếc bánh in vuông vuông được gói trong những bìa nilon nhiều màu sắc là nét đặc sắc của ngày Tết miền Trung. Sở dĩ được gọi là bánh in vì trên bánh được in hình, thường là các chữ cái hoặc phượng rồng mang lại may mắn cho gia chủ. Bánh làm từ bột mì và đậu xanh, vị ngọt lịm nhưng ăn hoài chẳng ngán.

5/ Bánh ít lá gai

Bánh ít lá gai là món bánh ngọt khoái khẩu của người miền Trung mỗi độ Tết về. Người miền Trung tự hào khi làm ra được thứ bánh đen như than nhưng dẻo mềm, ngon mê ly chinh phục bất cứ vị khách nào ghé chơi nhà những ngày Tết. 

bánh ít là gai - 07

6/ Dưa món

Nếu người miền Bắc có dưa hành thì người miền Trung lại chuộng dưa món. Thành phần làm nên dưa món đa dạng nhưng thường sẽ có củ kiệu, cà rốt, đu đủ, hành phơi khô, sau đó ngâm với nước mắm đã nấu để nguội. Dưa món thơm nức, dai giòn thường ăn kèm với bánh tét.

7/ Gà bóp

Gà luộc vàng ươm được bày biện lên mâm cúng ngày Tết. Nếu người miền Bắc chặt chúng thành các miếng thì người miền Trung lại cẩn thận và tỉ mỉ hơn xé chúng thành các sợi nhỏ vừa ăn, sau đó bóp với hành lá, ớt, rau răm, lá chanh… vừa ngon lại tiết kiệm. Phần xương gà thường sẽ mang đi nấu cháo loãng, rắc thêm ít tiêu xay thơm nức thì không còn phải bàn cãi về độ ngon. 

8/ Chè kê, chè đậu xanh

Chè kê và chè đậu xanh là 2 món chè quen thuộc của người miền Trung, nhất là mỗi dịp lễ Tết. Chè kê được nấu từ hạt kê, chè đậu xanh nấu từ đậu xanh. Điểm chung là chúng đều được nấu ở dạng đặc, múc ra từng chén để cúng, thường được ăn kèm với bánh đa nướng.

Chè kê, chè đậu xanh - 08

9/ Xôi đỗ xanh

Không phải xôi gấc như người miền Bắc. Người miền Trung chuộng xôi đậu xanh. Phần vì đậu xanh là đặc sản vùng miền, phần vì cách nấu không quá cầu kỳ và hương vị lại đúng chuẩn khi chấm với muối mè.

10/ Nem chua

Nhắc tới nem chua chắc chắn bạn sẽ nghĩ đến nem chua Thanh Hóa. Ấy nhưng người miền Trung lại chuộng nem chua để mời bạn bè nhâm nhi mỗi độ Tết đến.

11/ Măng hầm

Mâm cỗ Tết của người miền Trung không thể thiếu tô măng hầm. Măng sẽ là măng khô được xé sợi hoặc cắt lát nhỏ hầm với chân giò hoặc xương tùy thích, rắc thêm ít tiêu và ngò là chuẩn vị.

12/ Miến xào

Miến xào của người miền Trung thường dùng nấm mèo, cà rốt với lòng gà hoặc thịt lợn, đậm vị cay của ớt, vị nồng của tiêu và thơm của hành ngò.

13/ Thịt heo ngâm nước mắm

Đây là món ăn được người miền Trung khá ưa chuộng để đãi bạn bè ngày Tết, nhâm nhi với bia rất ngon. Thịt được thái lát mỏng, sau đó ngâm với nước mắm ngon cho thấm. Khi ăn sẽ gắp ra từng miếng hương vị vô cùng đậm đà.

Thịt heo ngâm nước mắm - 09

14/ Bò kho mật mía

Với người xứ Nghệ, bò kho mật mía là món lai rai không thể thiếu trong ngày Tết. Vị bò dai giòn, cay nồng của sả, ớt, thơm dịu của mật mía làm nên nét đặc sắc riêng cho món ăn đậm chất vùng miền này.

15/ Tôm chua

Thịt luộc, dưa giá, rau sống ăn kèm với tôm chua là đặc trưng của một số tỉnh miền Trung trong những ngày Tết mà chúng ta dễ bắt gặp.

16/ Bánh tổ

Bánh tổ là đặc trưng của người dân quảng Ngãi mỗi độ Tết về. Bánh được làm từ gạo nếp, đường đen, gừng tươi và hạt mè gói trong lá chuối. Khi ăn người ta cắt thành từng miếng dùng ngay hoặc nướng trên bếp than cho dậy mùi.

Bánh tổ - 10

17/ Chả bò

Người miền Trung chuộng chả bò hơn chả lụa. Vị chả bò thơm và có nét đặc trưng riêng rất thích hợp để làm mồi nhậu tiếp đãi bạn bè trong ngày lễ Tết.

18/ Bánh nổ

Bánh nổ là món ăn “chơi” thường thấy trong ngày Tết của người dân miền Trung, là đặc sản của vùng xứ Quảng. Bánh làm từ thóc nếp rang trên than hồng tạo nên tiếng nổ vui tai, nên mới được gọi là bánh nổ.

Những hạt nếp nổ bung, trắng ngần đẹp mắt được ép vào khung gỗ sẵn có hình chữ Nhật. Người ta thắng đường thành keo, thêm ít gừng rồi bôi xung quanh bánh. Chính vì thế, bánh có vị thơm của nếp, của gừng, ngọt thanh của đường, khi ăn lại giòn tan trong miệng.

Các món ăn ngày Tết miền Nam  

Tết của người miền Nam thường gắn liền với khí hậu mát mẻ. Vì lẽ đó ẩm thực của người miền Nam mỗi độ Tết đến cũng mang đặc sắc riêng biệt. Có thể kể đến các món ăn ngày tết miền nam sau đây.

1/ Bánh Tét ngọt

Cũng là bánh Tét nhưng người miền Nam lại chuộng bánh Tét có vị ngọt, với nhiều nhân khác nhau như dưa nạo, đậu đen, đậu đỏ. Đặc biệt bánh có nhiều tạo hình hoa mai, chữ Phú, Thọ để mang lại may mắn cho gia đình.

2/ Củ cải ngâm nước mắm chua ngọt

Nếu miền Bắc có dưa hành, miền Trung có dưa món thì miền Nam có củ cải ngâm với nước mắm ăn kèm với bánh Tét.

Củ cải ngâm nước mắm chua ngọt - 11

3/ Canh khổ qua

Canh khổ qua là món ăn đặc trưng của người miền Nam trong dịp Tết với ý nghĩa mong khổ cực đi qua, chào đón năm mới nhiều may mắn. Canh khổ qua thường là thịt nhồi bên trong, cắt khúc lớn.

4/ Thịt kho tàu

Nhắc đến món ngon ngày Tết của người miền Nam, chắc chắn không thể bỏ sót thịt kho tàu. Món ăn đặc trưng làm nên tuổi thơ của bao nhiêu người mỗi dịp Tết đến.

thịt kho tàu - 12

5/ Canh măng

Canh măng của người miền Nam thường là măng tươi nấu với thịt gà, xương gà hoặc giò.

6/ Chả giò

Từng cuộn chả giò thon gọn, cuộn trò, xếp chồng lên nhau, ăn vào giòn rụm, đậm đà nhân thịt, nấm mèo, miến… làm nên đặc sắc ẩm thực của người miền Nam.

7/ Mứt dừa

Người miền Nam chuộng mứt dừa vì dừa là “đặc sản”. Điểm đặc biệt là mứt dừa thường có nhiều màu xanh đỏ tím vàng chứ không riêng gì màu trắng khiến cho khay mứt trở nên sinh động và hấp dẫn.

Mứt dừa - 13

8/ Củ kiệu trộn tôm khô

Món ăn chơi, làm mồi nhậu của người miền Nam không thể thiếu củ kiệu trộn tôm khô. Vị chua của dưa kiệu, thơm ngọt của tôm đất, càng ăn càng thấy dai ngon ngọt bùi.

>>> Xem ngay: Hướng dẫn cách làm củ kiệu đơn giản tại nhà giòn ngon để được lâu ngày tết

9/ Lạp xưởng

Nếu miền Bắc và miền Trung có nem chua thì người miền Nam có lạp xưởng. Lạp xưởng miền Nam có nhiều loại từ dạng tươi đến khô, lạp xưởng nạp tôm cá…

Lạp xưởng - 14

10/ Chả lụa

Chả lụa là món ăn đặc trưng của người Việt trong dịp Tết, đặc biệt là người miền Nam. Chả lụa được cắt thành từng miếng dày, chấm với muối tiêu chanh hoặc ăn với tương ớt, thêm ít rau dưa là chuẩn ngon.

11/ Gỏi gà

Gỏi gà xé phay là món ăn đặc trưng trong mâm cỗ của người miền Nam. Gỏi thường bóp với hành tây, thêm ít ớt, đậu phộng rang, rau răm.. có thể ăn kèm với bánh đa

Gỏi gà - 15

12/ Xôi vò

Người miền Nam chuộng xôi vò được làm từ nếp, đậu xanh và nước cốt dừa. Món này ăn với gỏi gà hoặc kiệu thì chuẩn không cần chỉnh.

13/ Gỏi cuốn

Gỏi cuốn là nét đặc sắc của ẩm thực miền Nam. Khác với bánh cuốn miền Bắc, gỏi cuốn người miền Nam được làm từ bánh tráng dẻo cuốn với tôm thịt bún, rau dưa chấm với mắm hoặc nước tương tùy sở thích. 

14/ Dưa giá

Dưa giá cũng là món ăn quen thuộc trong ngày Tết của người miền Nam. Chúng được làm từ giá đỗ, hẹ, cà rốt… sơ chế rồi muối xổ. Dưa giá ăn giòn ngon, tươi mát thích hợp để ăn kèm với nhiều món, ngon nhất khi ăn với thịt luộc.

Ẩm thực Việt Nam vô cùng đa dạng và phong phú về hương vị, cách thức chế biến.  Mỗi vùng miền mang một màu sắc ẩm thực riêng biệt gắn liền với tập tục, thời tiết, thói quen của vùng đất. Tuy nhiên điểm chung là chúng đều chứa trọn những tinh túy của văn hóa người Việt, chứa đựng những giá trị thiêng liêng, gắn liền với nhiều ý nghĩa văn hóa, ý nghĩa tinh thần.

Mỗi mâm cúng với nhiều món ăn, người Việt đều mong ước gửi gắm lời cầu chúc cho một năm mới thuận hòa, yên ấm và nhiều may mắn. Chính vì ý nghĩa đó, dù là người miền ngược hay miền xuôi, dù giàu hay nghèo, thì tất cả gia đình đều chuẩn bị rất công phu và tỉ mỉ trong việc chế biến, trình bày các mâm cơm cúng Tết hoặc đãi khách.

Mong rằng với tổng hợp các món ăn ngon ngày Tết cổ truyền 3 miền của người Việt ở trên, Nam Long đã mang đến cho bạn thêm những kiến thức về ẩm thực Tết, hiểu thêm về nét văn hóa đặc sắc của người Việt cũng như để chuẩn bị tươm tất hơn nếu bạn đón Tết ở vùng quê mới chẳng hạn. 

Bài viết liên quan

  • 23 món ăn giải ngấy siêu ngon sau Tết, dễ làm tại nhà23 món ăn giải ngấy siêu ngon sau Tết, dễ làm tại nhà
  • Hiểm họa âm thầm từ thói quen bốc thức ăn bằng tay trầnHiểm họa âm thầm từ thói quen bốc thức ăn bằng tay trần
  • Cách làm mì tương đen ngon chuẩn vị Hàn Quốc bằng mì góiCách làm mì tương đen ngon chuẩn vị Hàn Quốc bằng mì gói
  • Hướng dẫn cách làm củ kiệu đơn giản tại nhà giòn ngon để được lâu ngày tếtHướng dẫn cách làm củ kiệu đơn giản tại nhà giòn ngon để được lâu ngày tết
  • Top 3 cách lau cửa kính siêu nhanh, không bóng mờ, ít tốn sứcTop 3 cách lau cửa kính siêu nhanh, không bóng mờ, ít tốn sức
  • Những món quà Tết độc đáo nên mua ngay từ đầu năm 2023Những món quà Tết độc đáo nên mua ngay từ đầu năm 2023

Từ khóa » Các Món ăn đặc Trưng Ngày Tết Miền Bắc