"47 Lãng Nhân", Biểu Tượng Bất Diệt Của Những Samurai Chân Chính

Từ thời xa xưa, những võ sĩ Samurai là niềm tự hào của cả dân tộc Nhật Bản. Tài năng, dũng cảm và lòng trung thành của họ là điều khiến cho mọi người trên thế giới phải nể phục.

Một trong những minh chứng rõ ràng, và cũng là câu chuyện nổi tiếng nhất được người dân xứ sở hoa anh đào lưu giữ, truyền tai nhau từ đời này sang đời khác đó là “truyền thuyết 47 lãng nhân” .

Câu chuyện khởi nguồn vào năm 1701 tại Nhật Bản dưới sự cai quản về hình thức của Thiên hoàng ở Kyoto nhưng thực quyền đều nằm trong tay của Chinh di  Đại tướng quân (Shogun) Tokugawa Tsunayoshi tại Edo.

Để tỏ ý kính trọng Thiên hoàng, tướng quân Tokugawa dâng tặng cống vật tới Kyoto vào mỗi dịp năm mới, đổi lại tấm chân tình đó Thiên hoàng cũng cho khâm sai tới Edo.

Năm đó, nhiệm vụ đón tiếp khâm sai được Đại tướng quân giao cho hai vị lãnh chúa là Asano Naganori, chúa tỉnh Harima, thành Ako và Munehare Date, chúa tỉnh Sendai.

Vì 2 vị lãnh chúa được giao nhiệm vụ còn khá trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tiếp đãi khâm sai, nên Đại tướng quân cử Yoshinaka Kira, một vị đại quan lớn tuổi tới để hỗ trợ hai lãnh chúa về các lễ nghi đón tiếp. Thế nhưng Yoshinaka Kira lại là một tham quan kiêu ngạo, đòi hỏi hai vị lãnh chúa trẻ phải hối lộ cho ông ta những món quà giá trị để được yên ổn.

Ban đầu không đạt được mục đích nên Kira luôn tìm cách làm khó dễ, thường xuyên lăng mạ và sỉ nhục cả hai. Lãnh chúa Date là người nổi giận trước, có lần nóng giận ông định giết chết Kira, nhưng nhờ vị quân sư bên cạnh khuyên can ông, sau đó Date đã chấp nhận hối lộ cho Kira một khoản lớn để đổi lấy yên ổn.

Ngược lại, Asano với bản tính chính trực và không thích nịnh bợ, ông đã thẳng thừng từ chối yêu cầu của Kira, vì vậy ông hết lần này đến lần khác bị tên tham quan xúc phạm, lăng mạ thậm tệ.

Sức chịu đựng con người có giới hạn, sau khoảng 2 tháng bị ấm ức, Asano không thể nhẫn nhịn được, ngày 14/3 năm đó tại thành Edo. vị lãnh chúa trẻ đã rút gươm chém tên tham quan, nhưng kết quả chỉ làm hắn bị thương nhẹ.

Không những mục đích không đạt được, mà sau đó Asano còn bị Chinh di Đại tướng quân Tokugawa trừng phạt vì hành động thiếu kiềm chế của mình, kết quả là vị lãnh chúa trẻ được ban cái chết danh dự của các võ sĩ Samurai là Seppuku (tự mổ bụng), còn Kira thì vẫn bình yên vô sự.

Theo luật bấy giờ thì, sau khi lãnh chúa thực hiện Seppuku, thành trì của ông ta sẽ do Tướng quân cai quản, gia tộc cũng bị tước quyền thừa kế, vì vậy các binh sĩ dưới quyền của Asano lúc này (321 người) đều trở thành các lãng nhân (những võ sĩ tự do phiêu bạc).

Cảm thấy bất bình trước việc chủ nhân bị kết tội chết, trong khi Kira vẫn sống an nhàn, vị quan thân tín dưới quyền của Asano là Oishi Kuranosuke đã thỉnh cầu Chính quyền mạc phủ của Tướng quân Tokugawa xem xét ban lại danh dự cho dòng họ Asano, đồng thời cho người em trai của Asano là Daigaku kế vị lãnh chúa, nhưng thỉnh cầu này đã bị từ chối.

Khi triều đình cho quân lính đến lấy lại thành Ako thì phần lớn binh sĩ trong thành đã đào tẩu, chỉ còn lại Oishi Kuranosuke và 59 võ sĩ ở lại đến giờ phút cuối, sau đó họ cũng bị đuổi ra khỏi thành, nhưng lòng trung thành và sự căm thù đã gắn kết mọi người lại, họ quyết định lên kế hoạch lấy đầu của Kira để báo thù cho chủ nhân, cũng như rửa sạch danh dự cho dòng họ Asano.

Sau hai năm vất vả chờ đợi chịu mọi khổ cực, cuối cùng cơ hội cũng đã đến, các võ sĩ nhận được thông tin Kira sẽ tổ chức một buổi tiệc mà không có sự phòng bị và bảo vệ của binh sĩ. Vì vậy, Oishi Kuranosuke đã thông báo cho 59 lãng nhân còn lại tổ chức cuộc họp bí mật vạch ra kế hoạch báo thù.

Oishi Kuranosuke và 59 lãng nhân còn lại nhận thấy đây là cơ hội bằng vàng để tấn công Kira. Họ tiến hành một buổi họp kín, Oishi Kuranosuke chỉ cho phép 46 lãng nhân tham dự trận đánh, 13 người còn lại được lệnh trở về đoàn tụ với gia đình.

Cuối cùng đêm định mệnh cũng đến, ngày 30 tháng 1 năm 1703), 47 lãng nhân chia thành 2 nhóm, tiến hành đột nhập vào 2 cửa chính và phụ vào thủ phủ của Kira khi ông ta đang tổ chức tiệc.

Trận chiến đẫm máu giữa 47 lãng nhân với 61 binh sĩ của Kira diễn ra trong khoảng một giờ rưỡi, và phần thắng cuối cùng thuộc về các lãng nhân.

Trong lúc mọi người chiến đấu thì Kira đã tìm cách chạy trốn, nhưng không thoát được và bị bắt khi đang ẩn nắp ở trong góc của nhà kho.

Các lãng nhân đã cho Kira cơ hội được bảo toàn danh dự như chúa Asano, bằng cách thực hiện Seppuku, nhưng vì quá nhút nhát nên tên tham quan không thể thực hiện được hành động cao cả nhất của một võ sĩ đạo chân chính. Sau đó các lãng nhân đã chặt đầu Kira mang trở về đặt trước mộ của Asano để tế vong hồn chủ nhân.

Sau khi báo thù, 47 lãng nhân đã không bỏ trốn mà báo sự việc lên Đại tướng quân và sẵn sàng chịu mọi hình phạt.

Tướng quân Tokugawa rất cảm kích trước tấm lòng trung thành dũng cảm của các Samurai chân chính, nhưng cũng không thể bỏ tha tội cho họ vì phải bảo vệ luật pháp để răn đe mọi người.

Sau 47 ngày suy nghĩ, Tướng quân ban cho Oishi Kuranosuke và 45 lãng nhân hình thức Seppuku, nhưng không phải dành cho những tội phạm, mà như các Samurai chân chính nhất. Ngoài ra lãng nhân trẻ nhất, cũng chính là người mang tin về cái chết của Kira, được miễn tội.

Ngày 4 tháng 2 năm 1703, 46 lãng nhân chia làm bốn nhóm, mỗi nhóm được một lãnh chúa làm người giám sát, chứng kiến nghi lễ Seppuku. 46 lngười đã thực hiện Seppuku cùng một lúc, họ ra đi một cách xứng đáng, trong sự tôn trọng cùng với lòng cảm phục của tất cả mọi người.

Sau đó, thi thể của 46 lãng nhân được mang về chôn cất bên cạnh chủ nhân của mình là lãnh chúa Asano, tại chùa Tuyền Nhạc Tự, hiện nay là ngôi đền Senkakuji nằm ở Tokyo.

Câu chuyện về 47 vị lãng nhân đã trở thành biểu tượng của lòng trung thành và khí chất các võ sĩ Samurai dưới thời Edo. Đến nay, câu chuyện vẫn được lưu truyền khắp nơi và thu hút du khách mọi nơi đến ngôi đền Sengakuji , nơi thờ phụng 47 lãng nhân.

Vào ngày 14 tháng 12 hàng năm, nơi đây còn tổ chức một lễ hội để tưởng niệm cái chết của các Samurai chân chính và tôn vinh tấm lòng trung thành, dũng cảm của người dân đất nước Mặt trời mọc.

Ngoài ra câu chuyện này còn đi sâu vào đời sống của người Nhật như một nét văn hoá, và cứ mỗi dịp tết đến là các đài truyền hình đất nước này lại phát sóng bộ phim “truyền thuyết 47 lãng nhân”.

Tôi đã nghe một người Nhật nói rằng “vì bộ phim rất dài nên thông thường họ không có đủ thời gian để xem, vì thế cứ tết đến là họ lại xem bộ phim này, mặc dù mỗi lần xem thì cứ lại rơi nước mắt”.

Hải Âu

Samurai là người lưỡng tính?

Kỳ lạ tình yêu đồng giới của Samurai thời Edo

Nữ Samurai có hay không?

Từ khóa » đền Thờ 47 Samurai