49 Days | Ohanami

Thể loại: Giải trí

Mục đích: Xem cho biết vì sao ầm ỉ (copy của HH ^^)

Nhân vật Han Kang

Vốn dĩ tôi không định review 49 days, đến giờ cũng chưa có ý định sẽ review phim nhưng vì đoạn kết ầm ỉ của nó nên quyết định viết đôi dòng để lảm nhảm bày tỏ quan điểm.

Phim hay chẳng hay, dở chẳng dở, làng xàng đúng điển hình phim Hàn, thứ gì cũng muốn có một chút. Nhưng điều đó chính là ưu điểm của phim Hàn nên ai hợp cứ tiếp tục hợp thôi không cần bận tâm ý kiến này.

Một chút của hành trình khám phá bản thân đã từng sống thế nào ở nhân vật Ji Hyun. Một cô gái sống vô tư nên nhiều khi vô tâm không hiểu lòng người. Rồi vô tình bị sống thực vật do một tai nạn dây chuyền nên Ji Hyun cần tìm được 3 giọt nước mắt ‘’thuần khiết’’ để tỉnh dậy. Tất nhiên điều chính yếu mà biên kịch muốn thể hiện là hành trình nhìn lại bản thân của Ji Hyun để cô hiểu cuộc sống mình đã từng trãi qua có gì và không có gì.

Nhưng mà yếu tố đó theo cảm nhận của tôi thì không được biên kịch thể hiện đầy đủ, tôi nhận thấy biên kịch chú tâm đến câu chuyện tranh đoạt nhà đất câu khách xoáy vào ham muốn của bản thân nhiều hơn. Tôi không cảm nhận được ý muốn tìm hiểu cuộc sống mình đã từng trãi qua của Ji Hyun, cũng như cách cô muốn tìm hiểu những ý nghĩ của những người thân thương. Lớp ý nghĩa mà biên kịch gởi gắm qua giọt nước mắt ‘’cao cấp’’ dành cho một cuộc đời không được triển khai phù hợp với mục đích khám phá trong sâu thẳm bản thân những người mà cô đã từng bỏ lỡ. Quay đi quay lại thì cô vẫn chỉ nhìn thấy một mặt của con người trong câu chuyện tranh đoạt nhà đất và cô cũng không muốn tìm hiểu về người khác đủ để nhận diện nhân sinh quan sống khác biệt. Chắc trong câu chuyện của Ji Hyun, biên kịch còn bận đặt nhân vật của mình lên bàn cân sinh tử cho khán giả hồi hộp chơi.

Thú thật tôi vẫn luôn tự hỏi Ji Hyun yêu thật khôn hết biết, chỉ chọn người tốt để yêu, người xấu cô sẽ không yêu đâu, và cô yêu đặc biệt ai giúp ba cô phát triển hay giữ gìn công ty. Thì đấy thôi, lúc đầu là Min Ho vì cô nghĩ Min Ho là người tốt, lúc sau là Han Kang vì cô biết Han Kang là người tốt cùng lúc cô phát hiện Min Ho thật xấu xa. Tình yêu là gì là câu hỏi tôi muốn hỏi biên kịch, câu hỏi đầu tiên. Tình yêu đơn giản đến thế sao, đến cuối cùng thì Ji Hyun có yêu Min Ho thật sự không?

Nhân vật Min Ho được xây dựng phiến diện đến nỗi nhiều lúc tôi hiểu biên kịch đang nổi giận một tay buônbán công ty vì công ty của chị bị thâu tóm hay sao mà không thả lòng ngòi bút một chút. Nếu nhân vật này thiếu trọng lượng đến vật thì sao không lơ qua luôn để không khí bớt nặng nề? Phức tạp thêm hàng loạt nhân vật đến cuối cùng tôi không thấy được nhân vật nào đủ trọng lượng để nên hiểu họ cả. In Jung cũng vậy, nhân vật này được xây dựng nhạt nhẽo không kém nhân vật Min Ho, vậy thì sao không lơ qua luôn để có đủ đất miêu tả lại hành trình nhìn xung quanh thế giới của Ji Hyun. Có lẽ vì biên kịch còn bận thả hồn mình vào câu chuyện nhân quả cố tình được sắp xếp.

Con người ta có quên được mới có nhớ, chắc chắn vậy. Hành trình tìm kiếm bản thân cũng cần lắm bỏ qua góc nhìn của bản thân mà hiểu người khác một cách triệt để, để tha thứ thì không hẳn, cũng không hẳn để thông cảm, mà là để hiểu cuộc đời luôn có những quy luật vô hình chứ không phải lúc nào quy luật nhân quả cũng nhãn tiền.

Tôi không buồn bàn đến câu chuyện tình yêu dang dở của một chàng Thần Chết và một cô người yêu chết lên chết xuống vì mất người yêu, bởi thật sự tôi không rõ biên kịch truyền đạt tư tưởng gì ở hai tuyến nhân vật. Tương tác tôi thích nhất ở phim chính là tương tác giữa một linh hồn tìm sự sống và một thể xác tìm cái chết thì lại được biên kịch thể hiện vụng về nên cảm xúc cũng ngang ngang và thấy nó kịch tính thế nào giữa hồi hộp sống chết chứ không phải sống thế nào. Thay vì để hai thực thể va chạm vào nhau thì biên kịch cứ lo bận tâm thể hiện kịch tính chia tách họ ra nên cuối cùng chẳng đâu vào đâu là điều rất tiếc.

Có lẽ nếu chú ý bạn đã nhận thấy điều tôi ý kiến nhất từ nãy đến giờ tựu chung lại là sao những thực thể như linh hồn lại được chạm vào, thay đổi cuộc sống trên trần gian vậy. Tức là những linh hồn được thay đổi số mệnh, khuấy động số mệnh của người khác một cách gián tiếp nhưng cuối cùng lại không thoát khỏi số mệnh của bản thân được biên kịch áp đặt một cách …trên trời rơi xuống trong tập cuối.

Đến đoạn trọng tâm vì sao phim này ầm ỉ với đoạn kết rồi. Đừng bảo tôi tin số mệnh không tránh khỏi mà biên kịch áp đặt, vì tôi thấy chị ấy đã xáo trộn số mệnh của hàng loạt người lên cho bằng được với câu chuyện chiếm nhà chiếm đất, bằng câu chuyện-có ngoại lệ Yi Kyung tự tử khiến Ji Hyun chết trước ngày. Tưởng tượng cả thôi mà nên đừng ép tính hiện thực vào câu chuyện này, số mệnh nếu đã chỉ để lặng nhìn thì đừng khuấy động điều gì lên cả, hãy để nó êm xuôi chảy theo dòng chảy mặc định của nó, còn nếu muốn khuấy động hãy khuấy động thật đều và thật khéo, điều đó biên kịch hoàn toàn có thể làm được và được toàn quyền làm để số mệnh được tung tăng bay lên khỏi dòng chảy mặc định mà hòa vào không trung như cơn gió ôm ấp những nỗi đau.

Tôi không phải khán giả anti phim buồn với sad ending, nhưng tôi nhận thấy sự gượng ép một sad ending đối với 49 days. Nếu chúng ta phân tách quá trình lữ hành 49 days ở 19 tập đầu và đoạn kết được cố tình ấn tượng quá mức ở tập cuối sẽ thấy biên kịch vụng về thế nào trong cách triển khai đề tài và bố cục câu chuyện. Đoạn kết với cái chết của Ji Hyun thật sự không liên quan gì đến hành trình 49 days cả, nó là câu chuyện hậu 49 days, một câu chuyện rời rạc so với ý nghĩa của 49 days. Ji Hyun sau 49 days có sống hay có chết không liên quan đến hành trình đấy, không tô thêm mảng màu nào trong hành trình nhìn lại bản thân cả. Vì vậy đoạn kết chẳng ảnh hưởng đến ý nghĩa của 49 days, nó hoàn toàn không tác động đến cách thức Ji Hyun đi tìm và tìm kiếm được những giọt nước mắt của ai. Xin đừng nhầm lẫn nâng tầm bộ phim lên vì đoạn kết rời rạc-chỉ có tác dụng dẫn dắt câu chuyện bằng cách rẽ sang một con đường cá biệt mới chứ không thể thay thế con đường đã qua. Hai quá trình liên tiếp nhưng khác biệt được gán ghép vào nhau nhằm tạo sự ấn tượng và bất ngờ của khán giả mà thôi. Tôi thích cách biên kịch can đảm tạo đoạn kết ngược với thị hiếu của khán giả, nhưng rất tiếc tôi không thích đoạn kết được cố tình ấn tượng lạc lõng này.

Thật sự Ji Hyun được cho là đi tìm nhưng chưa bao giờ đặt trọng tâm tìm kiếm mà rõ ràng vẫn thấy được. Cuộc sống của Ji Hyun vốn dĩ nhẹ nhàng, và có lẽ hành trình 49 days thật sự là một thử thách có tương quan mở rộng quá mức vấn đề như một món quà mà thượng đế dành tặng cho sự vô tư trong sáng của Ji Hyun, nên khiến câu chuyện được trầm trọng hóa trên ranh giới sống chết. Nếu đã gọi là số mệnh thì không thể tránh khỏi, nếu đã gọi là số mệnh thì nên chấp nhận nhưng số mệnh không liên quan gì đến trọng tâm của cuộc hành trình thì hoàn toàn có thể rẽ sang một hướng khác.

Tôi nghĩ đoạn kết đanh nhất-nếu không có được giọt nước mắt của Min Ho mà biên kịch có thể viết là cho sự việc diễn ra đúng như cách công ty sẽ phá sản, và Ji Hyun với bản năng và góc nhìn đã chú ý tới người khác sẽ đối diện với cái gọi là số mệnh bằng một cách khác chứ không phải là tự sát, cái đó mới gọi là số mệnh mà con người không thể với tới, hoàn cảnh không thay đổi nhưng bật được ý tưởng con người thay đổi được hoàn cảnh. Tôi nghĩ như thế mới đúng là trọng tâm mà biên kịch cần xây dựng.

Số mệnh ảo diệu hơn với cách người ta sống như thế nào chứ không phải số mệnh người ta sẽ sống hay sẽ chết. Con người chỉ có thể nắm số mệnh của mình khi sống, chứ không thể biết lúc nào mình sẽ chết như trong tưởng tượng. Tất nhiên ngoại trừ người ta biết mình bị bệnh ung thư gì đó cò sống khoảng 6 tháng rồi đi trãi nghiệm cuộc sống thật sự. Phim Hàn sắp tới có một phim như thế, Scent of woman với sự tham gia của Lee Dong-wook và Kim Sun-ah. Tôi đang đợi Scent of woman làm nên chuyện với cách người ta trãi nghiệm cuộc sống khi biết mình sắp chết, hy vọng không não nùng lấy nước mắt mà sẽ được nhìn ngắm những nụ cười.

Like Loading...

Related

Từ khóa » Cái Kết Của Phim 49 Ngày