5 BƯỚC ĐỂ CÓ CV HOÀN HẢO ‹ GO Blog - EF Education First

CV hay sơ yếu lý lịch là công cụ hữu hiệu của bạn trong thị trường việc làm. Nó sẽ giúp bạn bước qua một cánh cửa, tạo ấn tượng ban đầu (tuyệt vời) và mang lại cho bạn cơ hội được biết đến bởi chính đơn vị tuyển dụng bạn sau này. Mặc dù chúng ta đều biết cách viết CV (hay lý lịch nghề nghiệp, bản theo mẫu ngắn hơn một chút, thường được sử dụng tại Bắc Mỹ), nhưng nhắc lại một vài mẹo để trau chuốt bản lý lịch chung và thêm chút cá tính sẽ không ảnh hưởng gì.

Thực hiện theo 5 bước sau đây và chắc chắn CV của bạn sẽ lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng.

1. BIẾN TẤU CV CHO PHÙ HỢP

Chắc chắn bạn sẽ không nộp đơn xin thực tập marketing và xin làm nhân viên pha chế tại quán cà phê cùng một lúc. Nếu bạn làm vậy, hãy cố gắng hơn nữa nào! Thậm chí nếu bạn nộp hồ sơ xin làm (cùng) một công việc trong cùng ngành, điều quan trọng là bạn vẫn phải đảm bảo CV của mình phù hợp với mô tả công việc.

Mặc dù không phải mỗi lần bạn đều phải thay đổi CV, nhưng cũng đừng gửi một CV cho tất cả các công việc. Một mẹo nhỏ bạn có thể áp dụng đó là tạo một khung lý lịch liệt kê kinh nghiệm, bằng cấp và thành tích đạt được, sau đó chỉ cần chỉnh sửa nhanh đối với mỗi công việc bạn nộp hồ sơ.

Mẹo: Biến tấu CV cho phù hợp với công việc bằng cách thay đổi thứ tự các kỹ năng hoặc thành tích đạt được sao cho các kỹ năng hoặc thành tích quan trọng đập ngay vào mắt người đọc để họ không phải đi tìm.

2. TRỞ THÀNH MỘT PHẦN CỦA GIẢI PHÁP

Đừng hỏi điều nhà tuyển dụng có thể làm cho bạn: hãy hỏi bạn có thể làm gì cho nhà tuyển dụng. Nói chung, họ không muốn nghe những gì bạn muốn, họ muốn biết bạn có thể hỗ trợ họ những gì.

Một cách để làm được điều đó là thêm phần “mục tiêu” ngắn, khoảng 1-2 câu ở phần đầu CV – đóng vai trò là đoạn giới thiệu nho nhỏ. Thay vì cho nhà tuyển dụng biết những gì họ đã biết (rằng bạn muốn công việc này và bạn có đủ năng lực đáp ứng công việc), hãy dùng CV để cho nhà tuyển dụng biết bạn là ai, niềm đam mê của bạn là gì (điều gì đó liên quan tới công việc bạn đang ứng tuyển), và bạn có thể góp phần vào thành công của công ty như thế nào. Chỉ cần ngắn gọn, xúc tích và đúng trọng tâm.

Mẹo: Làm nổi bật phần mục tiêu bằng cách thay đổi màu chữ (màu nào đó hơi khác, ví dụ như màu xám thay vì màu đen) hoặc in nghiêng. (Mặc dù vậy, đừng làm quá về phần định dạng, hãy đảm bảo CV gọn gàng và chuyên nghiệp từ đầu đến cuối!)

3. THỂ HIỆN KỸ NĂNG

Trước tiên, hãy liệt kê kinh nghiệm, sau đó đến học vấn. Dù bạn có bằng cấp xuất sắc, nhưng bằng cấp không nói lên con người bạn. Kinh nghiệm, kỹ năng và thành tích đạt được mới thể hiện con người bạn. Đó là những tài sản quý giá nhất giúp bạn trở nên nổi trội. Thậm chí nếu bạn mới tốt nghiệp đại học, việc làm thêm, công việc thực tập hay hoạt động tình nguyện cũng giúp bạn trở thành con người có trách nhiệm, biết cách dự toán thu chi, lập kế hoạch và lên lịch trình.

Mẹo: Trình bày phần kinh nghiệm và học vấn của bạn với tiêu đề rõ ràng. Đồng thời, CV sạch đẹp, có các tiêu đề và gạch đầu dòng được trình bày khoa học sẽ dễ đọc và dễ được nhà tuyển dụng xem kỹ thực sự, sau đó mời bạn tới phỏng vấn.

4. NHẤN MẠNH KỸ NĂNG MỀM

Một điều quan trọng có thể giúp bạn có được những kinh nghiệm đó trong hoặc sau giờ học là những chuyến đi nước ngoài, đặc biệt là những chuyến đi mang lại cho bạn cơ hội sinh sống tại nước ngoài, dù học ngôn ngữ hay tham gia tình nguyện. Bất ngờ, bạn sẽ phát triển được kỹ năng lập kế hoạch và tổ chức, nâng cao kỹ năng giao tiếp và học được cách vượt qua trở ngại. Chỉ cần như vậy, bạn sẽ trở thành người có thể giải quyết vấn đề một cách độc lập, linh hoạt và sáng tạo, gây ấn tượng với nhà tuyển dụng bởi các kỹ năng về giao thoa văn hóa!

Mẹo: Nếu bạn đam mê du lịch và khám phá những nền văn hóa mới, hãy đề cập trong phần mục tiêu của bạn và trình bày những trải nghiệm tại nước ngoài trong phần kinh nghiệm hoặc học vấn của bạn. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn xin việc tại một công ty quốc tế hoặc xin việc ở nước ngoài.

5. LẬP DANH MỤC, KIỂM TRA HAI LẦN

Dùng danh mục kiểm tra nho nhỏ của chúng tôi để đảm bảo bản CV đã được trau chuốt, định hướng giải pháp và nhấn mạnh kỹ năng mềm sẽ giúp bạn nổi trội giữa đám đông:

–       Chọn font cổ điển có trong thư viện font chung. An toàn nhất nên chọn Arial hoặc Helvetica.

–       Chọn cỡ chữ dễ đọc. Chữ nhỏ sẽ gây đau mắt và bạn sẽ không được gọi phỏng vấn.

–       Để một số khoảng trắng để tăng độ dễ nhìn và hình thức CV của bạn sẽ chuyên nghiệp hơn.

–       Sử dụng các dấu chấm đầu dòng. Không phải bạn đang viết tiểu thuyết mà đang chỉ ra những thành tích đạt được.

–       Viết ở thể chủ động. Tránh viết theo kiểu “Chịu trách nhiệm với” và “Các nghĩa vụ đã bao gồm”; thay vào đó, sử dụng các động từ chủ động hơn như “Đã thực hiện”, “Đã quản lý”, “Đã giúp nâng cấp chất lượng”…

–       Kiểm tra chính tả và ngữ pháp. Không được phép để còn bất kỳ lỗi sai nào.

–       Đưa cha mẹ hoặc bạn bè kiểm tra một vài lần trước khi gửi đi. (Những lỗi sai ngớ ngẩn sẽ mang lại ấn tượng ban đầu không tốt!).

–       Lưu và gửi lý lịch của bạn dưới định dạng PDF. Mọi người đều có thể đọc PDF và không gặp rắc rối với bố cục như có thể gặp ở văn bản Word.

Từ khóa » Cách Viết Cv Hoàn Chỉnh