5 Bước Để Xây Dựng Slogan Cho Công Ty Trong Một Tuần

Có rất nhiều các marketer phải ghen tỵ với các công ty nổi tiếng vì họ có những slogan đơn giản nhưng đáng nhớ mà tất cả mọi người đều nhận ra. Việc tạo ra một slogan hấp dẫn cho thương hiệu của bạn là một trong những thách thức lớn nhất với tư cách là một marketer. Slogan của thương hiệu phải dễ nhớ và dễ hiểu cũng như phải truyền đạt chính xác và đầy đủ mục đích và động lực kinh doanh của bạn.

Slogan xuất hiện ở khắp mọi nơi. Nếu bạn cần một chút cảm hứng, đây là một số slogan phổ biến và hiệu quả mà có thể bạn đã biết:

  • “I’m Lovin’ It” (Tạm dịch: "Tôi thích nó") – McDonald’s
  • “15 minutes could save you 15% or more on car insurance” (Tạm dịch: 15 phút có thể giúp bạn tiết kiệm 15% hoặc nhiều hơn cho bảo hiểm xe hơi" – GEICO
  • “Taste the Rainbow” (Tạm dịch: "Nếm cầu vồng") – Skittles
  • “He/She Went to Jared” (Tạm dịch: "Anh/ Cô ấy đã đi đến Jared") – Jared (Jewelry)
  • “America Runs on Dunkin’” (Tạm dịch: "Nước Mỹ chạy trên Dunkin") – Dunkin’ Donuts

Đây chỉ là một danh sách ngắn các slogan nổi tiếng. Nghe thì có vẻ rất đơn giản, phải không?

Nhưng khi bạn ngồi xuống cùng với một cây bút và một tờ giấy, bạn sẽ phải vật lộn với những ý tưởng đấy. Bạn sẽ gặp khó khăn trong việc nghĩ ra một slogan thông minh và đáng nhớ.

Mặc dù việc vật lộn để nghĩ ra được ý tưởng slogan có thể làm bạn chán nản, bạn hoàn toàn có thể cải thiện điều này. Nếu bạn có một nguyên tắc cụ thể, bạn có thể tạo ra một slogan hấp dẫn nhất chỉ trong vòng một tuần. Saga.vn xin giới thiệu năm bước cơ bản để giúp bạn tạo ra được câu slogan mơ ước.

Bước 1: Có một đội slogan riêng

Bạn sẽ được giúp ích rất nhiều nếu như bạn có một đội ngũ riêng bao gồm những người có cùng chung ý tưởng. Bạn có thể có một ý tưởng nào đó nghe có vẻ thú vị ở trong đầu, nhưng bạn có thể nhận ra điều ngược lại khi bạn nói ra điều đó thành lời với những người có thể phản biện ý tưởng của bạn một cách khách quan. Bạn - với tư cách là người sáng tạo ra câu slogan của riêng mình - có thể sẽ cảm thấy thiên vị và không muốn thay đổi nó, nhưng nhóm của bạn thì có thể không. Điều quan trọng là bạn phải có một đội ngũ có thể phê bình, đưa ra đề xuất và chỉ cho bạn hướng đi đúng.

Đội của bạn nên bao gồm:

  • Một vài nhân viên cấp cao đã quen với văn hóa công ty
  • Một vài giám đốc điều hành đã quen với các mục tiêu kinh doanh
  • Những copywriter tài năng
  • Thành viên của đội marketing

Tuy nhiên, bạn sẽ không muốn có quá nhiều người trong nhóm này bởi việc có quá nhiều ý tưởng sẽ khiến việc tìm được một ý tưởng hay trở nên lâu hơn rất nhiều.

Bước 2: Xác định rõ sự khác biệt của thương hiệu của bạn

Mục đích thương hiệu của bạn là gì? Nó có ý nghĩa gì? Việc truyền đạt bản chất thương hiệu của bạn và slogan của bạn thể hiện điều đó như thế nào là một điều rất quan trọng.

Đối với bước này, mỗi thành viên trong nhóm slogan của bạn sẽ đều phải tham gia. Mỗi thành viên viết những gì họ tin rằng thương hiệu của bạn đại diện cho lên một tấm bảng. Tại thời điểm này, các ý tưởng không cần phải thực sự hoàn hảo bởi vì đây mới chỉ là giai đoạn brainstorm mà thôi.

Sau khi nhóm của bạn viết tất cả các ý tưởng của họ lên bảng, mỗi thành viên đều phải bỏ phiếu cho ý tưởng mà xác định chính xác nhất những gì thương hiệu của bạn đại diện cho. Viết ra ba định nghĩa có nhiều phiếu bầu nhất.

Bước 3: Xác định cảm xúc mà bạn muốn khơi gợi

Một slogan sẽ thực sự ghi điểm nếu nó khơi gợi được cảm xúc. Tại sao? Bởi vì có nhiều khả năng mọi người sẽ lưu lại slogan đó trong đầu ngay khi vừa nghe thấy nó.

Với ba định nghĩa từ Bước 2, mỗi thành viên trong nhóm sẽ viết ra tất cả cảm xúc mà họ cảm nhận được từ các định nghĩa đó. Sau khi mỗi thành viên hoàn thành việc này, hãy thực hiện một vòng bỏ phiếu khác, nhưng lần này, hãy bỏ phiếu cho những cảm xúc phù hợp nhất với cảm xúc mà khách hàng cần phải cảm nhận được khi nghe slogan của bạn.

Capterra đã đưa ra một ví dụ hữu ích về các slogan và những cảm xúc mà chúng gợi ra.

Bước 4: Tổ chức một cuộc họp nhỏ về ý tưởng slogan

Đây chính là bước khó nhất trong tất cả các bước. Lấy kết quả từ hai cuộc bỏ phiếu ở các bước trước và cố gắng biến chúng thành những slogan khả thi. Nhóm của bạn nên được chia thành các nhóm nhỏ hơn, mỗi nhóm kết hợp các ý tưởng về những gì thương hiệu của bạn đại diện và những cảm xúc mà bạn muốn khơi gợi từ các slogan. Không có ý tưởng nào là sai ở điểm này. Tất cả những ý tưởng hay và ý tưởng tồi đều cần được trình bày.

Một khi mỗi nhóm có một danh sách các slogan khả thi, mỗi ý tưởng nên được tổng hợp lại thành một danh sách. Danh sách này sau đó nên được chuyển qua cho từng thành viên trong nhóm để họ có thể bỏ phiếu cho câu slogan yêu thích của họ. Hai slogan được yêu thích nhất sẽ được chuyển tiếp sang bước cuối cùng.

Bước 5: Thử nghiệm slogan của bạn

Hãy thực hiện công tác A/B testing đối với hai slogan hàng đầu của bạn, so sánh hiệu suất của từng slogan để xem slogan nào mang lại kết quả tốt nhất. Bạn có thể thử nghiệm chúng bằng cách chia sẻ chúng với toàn bộ công ty của bạn, với những người trong danh sách email của bạn và những người tham gia khảo sát có trả tiền. Tiếp theo, trình bày một ý tưởng slogan cho một nửa target population (tổng thể nghiên cứu) của bạn và trình bày ý tưởng còn lại cho nửa kia. Slogan nào đạt hiệu quả hơn trong hai bài thử nghiệm là slogan dành chiến thắng.

Tùy thuộc vào phương pháp thử nghiệm của bạn, số lượng A/B testing mà bạn tiến hành và độ dài của mỗi thử nghiệm sẽ khác nhau.

Các cân nhắc về copywriting

Khi viết một slogan, có một số yếu tố về copywriting mà bạn nên lưu tâm:

  • Nó không nên quá dài hoặc quá ngắn. Slogan của bạn cần phải dễ nhớ và mang tính biểu cảm.
  • Nó phải bền vững. Nếu slogan của bạn không thể được áp dụng trong một, năm hoặc thậm chí 50 năm kể từ bây giờ, thì nó sẽ không hiệu quả.
  • Nó phải nhất quán. Sau khi chọn được một slogan hấp dẫn cho thương hiệu của mình, bạn nên đưa nó vào tất cả các mẫu marketing và quảng cáo trong tương lai.

Phần khó nhất trong việc tạo ra một slogan hoàn hảo là phải biết nên bắt đầu từ đâu. Bây giờ, khi bạn đã biết mình cần bắt đầu từ đâu (và kết thúc), bạn không còn phải cảm thấy ghen tị với những marketer của các công ty khác nữa. Đến lượt bạn chứng tỏ khả năng của mình rồi đấy!

Từ khóa » Cách Xây Dựng Slogan