5 Cách Giúp Bạn Không Quan Tâm Người Khác Nghĩ Gì Về Mình

Bạn thấy mình quá mệt mỏi khi phải để tâm đến những lời bàn tán và nói xấu từ người khác. Có đôi khi bạn ước ao trở lại thời thơ ấu đầy đáng yêu, với tâm hồn trẻ thơ trong trẻo và thuần khiết mà không quan tâm người khác nghĩ gì về mình.

Càng quan tâm người khác nghĩ gì, bạn lại càng có cái nhìn và suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống. Thậm chí bạn sẽ thấy mình nặng gánh hơn khi phải đánh mất chính bản thân để được mọi người công nhận. Hãy cùng học hỏi 5 cách để không quan tâm người khác nghĩ gì về mình và sống ý nghĩa hơn bạn nhé.

1. Chọn lọc khi xây dựng mối quan hệ

không quan tâm người khác nghĩ gì về mình

Điều cốt lõi để không quan tâm người khác nghĩ gì về mình là bạn hãy dành nhiều thời gian hơn cho những người bạn yêu thương và tôn trọng. Bạn không nên mất quá nhiều thời gian với những đối tượng không xứng đáng.

Nếu bạn không cảm thấy hạnh phúc với chính con người bên trong của mình, thì bạn sẽ chẳng thể nào có được hạnh phúc lâu dài với bất kỳ người nào khác. Vì thế bạn nên ổn định cuộc sống của mình trước và hiểu bản thân mình rồi mới nghĩ tới chuyện chia sẻ cuộc sống đó với người khác.

Bạn có thể dành thời gian chia sẻ những sở thích của mình với những người bạn yêu thương như:

  • Đọc sách với con cái
  • Đi du lịch với bạn thân
  • Học cách khen tặng người khác
  • Nấu những món ăn ngon và bổ dưỡng cho người yêu thương
  • Để tâm và tạo sự bất ngờ cho người yêu trong ngày sinh nhật
  • Tặng quà cho ba mẹ chỉ vì bạn thấy họ đang cần những món quà đó
  • Đồng cảm, chia sẻ và quan tâm khi người bạn yêu thương buồn phiền, lo âu, đau đớn hay bệnh tật…

Bạn sẽ xao lãng những suy nghĩ tiêu cực và duy trì những mối quan hệ tốt đẹp khi dành thời gian để yêu thương những người xứng đáng. Không chỉ vậy, bạn sẽ còn hạnh phúc hơn nữa khi thấy gia đình, bạn bè hay người yêu vui vẻ và cảm động vì những điều bạn làm cho họ.

Những người thích bàn lùi, hay dèm pha và coi thường bạn là những đối tượng bạn dễ dàng gặp trong cuộc sống thường ngày. Tuy nhiên, bạn hãy nhớ: “Đừng để họ cản trở bạn hay thậm chí làm bạn chùn bước” bằng những cách sau:

  • Học cách nhận ra người hay dèm pha.
  • Đối mặt với họ và tập mỉm cười với họ.
  • Luôn sẵn sàng phản bác và đưa ra chính kiến của mình.
  • Bỏ qua bất cứ suy nghĩ tiêu cực nào mà họ gây ra với bạn.
  • Nhận thức rằng luôn có những người hay thích dèm pha và bạn hãy xem những lời nói của họ như “đàn gảy tai trâu”.

Suy cho cùng, trở ngại và thử thách lúc nào cũng có, quan trọng là bạn cần tỉnh táo, suy nghĩ tích cực và tìm kiếm giải pháp để làm bản thân mình hạnh phúc hơn.

2. Học hỏi người có quan điểm sống độc lập

không quan tâm người khác nghĩ gì về mình

Bạn có thể tạo động lực cho bản thân và học cách sống không quan tâm người khác nghĩ gì về mình qua những lời phát biểu truyền cảm hứng của những vị doanh nhân thành đạt trong cuộc sống như:

• Ông Warren Buffett (chủ tịch và CEO ở Mỹ) đã nêu quan điểm của mình về cách học hỏi những người giỏi hơn trong câu phát biểu: “Sẽ tốt hơn nếu bạn giao du với những người giỏi hơn bạn. Hãy chọn những cộng sự hành động giỏi hơn bạn và bạn vô hình trung sẽ đi theo hướng của họ“.

• Cựu tổng giám đốc điều hành của hãng Apple Steve Jobs (Mỹ) cho rằng bạn sẽ phí hoài thời gian khi quan tâm người khác nghĩ gì về mình: “Thời gian của bạn là hữu hạn, đừng phí hoài nó bằng cách sống cuộc đời của một người khác“

Như vậy, sống độc lập sẽ mang đến cho bạn sự tự do để làm điều bạn muốn mà không quan tâm người khác nghĩ gì về mình. Dưới đây là những cách giúp bạn trở nên độc lập hơn.

Chấp nhận thiếu sót của bản thân và người khác

  • Rèn luyện trí tuệ cảm xúc
  • Chấp nhận những thiếu sót của bản thân
  • Chấp nhận rằng cuộc sống không công bằng
  • Chấp nhận con người không ai hoàn hảo và đều có thiếu sót
  • Hãy tự tin vào chính mình bằng cách học hỏi và phát triển bản thân ngày càng tốt hơn
  • Phớt lờ việc quan tâm người khác nghĩ gì vì suy cho cùng họ không xứng đáng để ở trong tâm trí và tim bạn.

Độc lập về tài chính và các mối quan hệ

  • Tiết kiệm được nhiều tiền hơn
  • Duy trì những tình bạn bền vững
  • Độc lập về tài chính và có công việc ổn định

Độc lập và tập thích nghi với hoàn cảnh

  • Hãy quen với việc làm mọi thứ một mình
  • Học cách quản lý và cân bằng ngân sách
  • Học cách tự nấu những món ăn ngon cho bản thân
  • Hãy học lái xe hoặc đi lại bằng phương tiên giao thông công cộng
  • Tự mình nghiên cứu học hỏi thay vì lúc nào cũng kêu gọi người khác giúp đỡ.

3. Tập trung phát triển giá trị của bản thân

không quan tâm người khác nghĩ gì về mình

Mỗi cá nhân đều có sự khác biệt riêng, vì thế chỉ có bạn mới hiểu những giá trị của bản thân bạn. Đà điểu chạy rất giỏi còn đại bàng thì có khả năng bay cao. Không ai đánh giá cao đà điểu ở khả năng bay hay huấn luyện đại bàng để chạy nhanh cả. Vì vậy, giá trị bản thân là cốt lõi cho sự thành công về mọi mặt khác trong cuộc sống.

Một cách dễ dàng để bạn phát triển giá trị của bản thân là nhìn lại các trải nghiệm trong quá khứ, điều gì khiến bạn cảm thấy tự hào và tự tin khi thực hiện? Có thể bạn không để ý đến, nhưng luôn có những việc bạn làm, dù rất nhỏ, lại đem đến niềm vui và sự thỏa mãn to lớn. Khi bạn có nhân cách tốt và năng lực giỏi, bạn sẽ có đủ tự tin để lướt qua mọi dư luận. Những người yêu mến bạn sẽ là “đồng minh” giúp bạn trở nên mạnh mẽ hơn.

Bạn có thể nâng cao giá trị của bản thân và sự tự tin bằng cách:

• Trau dồi đạo đức: Bạn cũng có thể đầu tư thời gian để học hành, trau dồi kỹ năng sống và làm đẹp cho tâm hồn. Rất có thể, những người không thích bạn cũng có lúc sẽ thích bạn vì nhân cách tốt của bạn đấy!

Thói quen đọc sách: Chủ tịch tập đoàn Microsoft Bill Gates (Mỹ) đã chia sẻ về thói quen đọc sách của mình: “Tôi thực sự đã có rất nhiều ước mơ khi còn là một đứa trẻ, và tôi nghĩ không ít trong số đó đã trở thành hiện thực chính là nhờ tôi có cơ hội đọc rất nhiều”.

Học cách chăm sóc bản thân: Bạn nên yêu thương bản thân mình bằng cách thay đổi phong cách ăn mặc, làm đẹp da, luôn ăn uống điều độ cũng như ngủ sớm. Nếu bạn muốn người khác yêu thương mình, bạn cần phải học cách yêu thương bản thân mình trước.

Theo đuổi niềm đam mê của bản thân: Học giỏi tiếng Anh, học cách kinh doanh online hiệu quả, học cách viết lách thế nào để cuốn hút người đọc hơn, học cách vẽ giỏi và sáng tạo trí óc để xây dựng những ngôi nhà đẹp…

4. Luôn thể hiện thái độ khiêm tốn

không quan tâm người khác nghĩ gì về mình

Ngay cả khi thành công và vượt trội, bạn cũng nên khiêm tốn với những người xung quanh. Điều này không những khiến bạn đáng quý hơn mà còn tránh những thị phi không đáng.

Bạn có thể rèn luyện đức tính khiêm tốn bằng những cách dưới đây:

• Biết ơn: Bạn hãy luôn biết ơn những người đã giúp bạn trong cuộc sống. Hãy luôn tự nhủ rằng “Những cái căn bản nhất ta có đều không do ta mà có”. Bạn thành thạo công việc, hiểu biết hơn ở một lĩnh vực nào đó… không phải do bạn tự có được mà do người khác chỉ dạy, nên thay vì kiêu ngạo thì thãy biết ơn với lòng thành kính.

• Bao dung: Khổng Tử (Trung Quốc) nói: “Nếu bạn khoan dung từ thiện sẽ có được cảm tình của mọi người”. Vì thế, bạn hãy luôn bao dung với mọi thứ và bao dung với người khác.

• Đừng so sánh: Con người chúng ta ai cũng có điểm yếu và điểm mạnh. Vì thế, đừng đem mình đi so sánh với người khác hoặc cố gắng làm điều gì mang tính cạnh tranh. Những việc này chỉ làm bạn bành trướng thêm điểm yếu của bản thân.

• Lắng nghe, thấu hiểu và thành kính: Hãy mở tâm trí và lắng nghe ý kiến của người khác. Hãy làm cho bạn can đảm và đừng thay đổi ý kiến của mình do sợ hãi hay vì cảm xúc. Kỹ năng lắng nghe cũng là một trong những cách giao tiếp thông minh quyết định đến 90% thành công trong giao tiếp.

5. Làm bạn với những người không thích mình

không quan tâm người khác nghĩ gì về mình

Trong cuộc sống, chắc chắn bạn sẽ gặp những tình huống dở khóc dở cười khi phải đối mặt với những người mà mình không thích ngay tại công sở. Cách ứng xử thông minh nhất trong tình huống này chính là vờ tìm đến sự trợ giúp từ phía họ. Đây là một hiệu ứng tâm lý có tên gọi là Ben Franklin Effect. Trong tình huống bạn tiếp cận đối tượng và trao cho họ quyền được giúp đỡ, thay vì tỏ ra khó chịu, họ sẽ tự động thay đổi nhận thức của chính mình và có cái nhìn thân thiện hơn với bạn.

Hơn thế nữa, trong cuốn sách How to Win Friends and Influence People (Đắc Nhân Tâm), ông Dale Carnegie (Mỹ) từng đề cập đến vấn đề này. Khi đó, hành động nhờ vả người ghét mình sẽ giúp cho họ cảm thấy có ích và đôi chút “có lợi thế” hơn bạn. Đây có thể gọi nôm na là tuyệt chiêu “biến thù thành bạn”.

Không quan tâm người khác nghĩ gì không có nghĩa là bạn bỏ qua luôn những sự quan tâm từ những người yêu thương bạn. Bạn sẽ vô tình làm tổn thương những người yêu thương bạn thật lòng bởi chắc chắn họ sẽ không có những ý xấu với bạn. Bạn cũng cần phân biệt không quan tâm người khác nghĩ gì không có nghĩa là bạn trở nên vô cảm với những người xung quanh nhé. 

Người ta vẫn thường nói: “Tĩnh tâm để có cuộc sống an nhiên, để những bão giông cuộc đời không thể nào chạm đến bạn”. Suy cho cùng, cuộc sống sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều nếu chúng ta yêu thương chân thành, sống hết mình và đừng bận tâm quá nhiều đến những vấn đề vụn vặt.

Tuy nhiên, bạn cũng không nên vì vậy mà nhún nhường để người khác làm tổn thương bạn hết lần này đến lần khác. Bạn hãy luyện tập cách kiểm soát cảm xúc và giữ bình tĩnh xử lý mọi tình huống khi cảm thấy quá sức chịu đựng nhé.

Hoa Vũ HELLO BACSI

[embed-health-tool-bmi]

Từ khóa » Chẳng Bận Tâm Làm Gì