5 Cây Thuốc Giúp Bạn Ngủ Ngon - Thầy Thuốc Việt Nam

Chữa mất ngủ bằng thảo dược là phương pháp được ưa chuộng từ xưa đến nay. Các thảo dược có nguồn gốc tự nhiên có tác hại rất thấp chỉ cần sử dụng đúng cách sẽ tạo được hiệu quả rõ rệt. Dưới đây là 5 cây thuốc chữa mất ngủ an toàn và hiệu quả từ các thảo dược thiên nhiên.

Nội dung bài viết

Toggle
  • 1. Bình vôi
    • Cách sử dụng bình vôi chữa bệnh mất ngủ
  • 2. Cây lạc tiên
    • Một số bài thuốc chữa mất ngủ từ lạc tiên
      • Chữa mất ngủ, tim hồi hộp
      • Suy nhược thần kinh, mất ngủ
      • An thần, dịu thần kinh, giúp ngủ ngon
      • Người cao tuổi khó ngủ, đau mỏi người
  • 3. Long nhãn
    • Một số bài thuốc chữa mất ngủ từ long nhãn
  • 4. Cây vông nem
  • 5. Tâm sen
    • Thành phần có tác dụng an thần của Tâm sen là các alcaloid

1. Bình vôi

Theo y học cổ truyền, bình vôi có công năng an thần, tuyên phế. Công dụng làm thuốc an thần, gây ngủ, chữa nhức đầu, sốt nóng, đau dạ dày (thuộc nhiệt), ho nhiều đờm, hen suyễn, khó thở, hạ huyết áp, chống co quắp. Phối hợp với các vị thuốc khác để trị ho lao, sốt rét, kiết lỵ, ngứa lở ngoài da, mụn nhọt. Ngày dùng 3 – 6g dạng bột hoặc rượu thuốc.

Tuy nhiên, để tránh ngộ độc, chỉ nên sử dụng với liều nhỏ: người lớn ngày uống từ 3 – 6g.

Hình ảnh củ bình vôi Hình ảnh củ bình vôi

Cách sử dụng bình vôi chữa bệnh mất ngủ

Có thể lấy củ bình vôi tán bột, ngâm rượu 40 độ với tỉ lệ 1 phần bột 5 hoặc 10 phần rượu, rồi uống với liều 5 – 15ml rượu một ngày. Có thể thêm ít đường cho dễ uống.

Bài thuốc chữa mất ngủ hiệu nghiệm: hạt sen, long nhãn, nhân hạt táo chua (sao) mỗi vị 10 – 15g, củ bình vôi 8g, lá vông 12g. Sắc uống ngày 1 thang, uống trong ngày và trước khi ngủ 30 phút. Trị mất ngủ ở người gầy yếu, hay hồi hộp, sợ hãi, đánh trống ngực, ngủ không yên, trí nhớ giảm, tinh thần suy nhược, ăn uống kém, gầy sút, mỏi mệt…

Chất Rotundin trong củ có tác dụng trấn tĩnh thần kinh, vì vậy rất có lợi trong việc điều trị chứng bệnh giật kinh phong, chống co quắp. Chất này còn có tác dụng điều hòa tim mạch nên dùng để điều trị bệnh đau tim, chống co thắt cơ vành, hạ huyết áp, có thể dùng để trị hen suyễn vì có tác dụng điều hòa hô hấp. Tác dụng rõ rệt nhất của Rotundin là an thần, nhưng nếu dùng với liều lượng cao sẽ gây kích thích thần kinh trung ương dẫn đến co giật.

2. Cây lạc tiên

Theo nghiên cứu, các hoạt chất trong cây lạc tiên có tác dụng lên hệ thần kinh trung ương, giúp trấn tĩnh, chống hồi hộp, lo âu, mất ngủ. Theo y học cổ truyền, lạc tiên có vị ngọt và đắng, tính mát, có tác dụng tiêu viêm, lợi tiểu, an thần, chữa mất ngủ, viêm da, mẩn ngứa… Thường dùng dưới dạng rau ăn, thuốc sắc hoặc cao lỏng. Nhân dân vẫn hay lấy ngọn non luộc ăn vào buổi chiều hoặc trước khi đi ngủ vài giờ.

Hình ảnh cây lạc tiên Hình ảnh cây lạc tiên

Một số bài thuốc chữa mất ngủ từ lạc tiên

Chữa mất ngủ, tim hồi hộp

Dùng 15g lạc tiên khô sắc nước uống thay trà hàng ngày, hoặc có thể kết hợp với các vị thuốc khác như sau: Lạc tiên 50g, lá vông 30g, lá dâu tằm 10g, tâm sen 2g, đường 90g, sắc uống ngày 1 thang. Dùng 7-10 ngày.

Suy nhược thần kinh, mất ngủ

Dùng cao lỏng lạc tiên, cách chế như sau: Cây lạc tiên 50g, lá vông 30g, lá dâu tằm 10g, liên tâm 2,2g, đường 90g, nước vừa đủ 100ml, axít benzonic để bảo quản và cồn vừa đủ để hòa tan axít benzonic. Ngày dùng 2 – 4 thìa cà phê. Uống trước khi đi ngủ. Ngoài ra có thể  lấy ngọn non cây lạc tiên luộc hoặc nấu canh ăn vào buổi chiều hoặc trước khi đi ngủ vài giờ.

An thần, dịu thần kinh, giúp ngủ ngon

Lạc tiên 20g, lá vông nem 2g, cam thảo 6g, xương bồ 6g, táo nhân sao 10g, hạt sen 12g, lá tre 10, lá dâu 10g. Đổ 600ml nước sắc còn 200ml nước, uống ngày 1 thang. Dùng 7-10 ngày.

Người cao tuổi khó ngủ, đau mỏi người

Cây lạc tiên (cả rễ, dây lá, quả non) 500g, hoa thiên lý 300g, lá mướp đắng non 100g. Tất cả sao khử thổ, tán nhuyễn dạng bột, cho thêm 50g đậu xanh (để cả vỏ), rang chín, cũng tán nhuyễn. Mỗi ngày pha 3 thìa cà phê vào 100ml nước sôi để nguội, uống thay trà hàng ngày.

Ngoài ra, trong nhân dân thường dùng lá lạc tiên để chữa mẩn ngứa rất tốt. Cách dùng: Dây lá lạc tiên nấu nước tắm rửa hàng ngày đến khi khỏi.

3. Long nhãn

Trong Đông y, cùi nhãn (còn gọi là “Long nhãn”, vì có hình dạng giống mắt của con rồng) có tác dụng an thần, bổ kinh tâm và tỳ, chữa suy nhược cơ thể… đặc biệt là chữa mất ngủ kéo dài. Lí do là:

– Thứ nhất, trong cùi nhãn tươi có 77,15% nước, độ tro 0,01%, chất béo 0,13%, protit 1,47%, hợp chất có nitơ tan trong nước 20,55%, đường sacaroza 12,25%, vitamin A và B.

– Thứ hai, trong cùi khô (long nhãn nhục) chứa 0,85% nước, chất tan trong nước 79,77%, chất không tan trong nước 19,39%, đội tro 3,36%. Trong phần tan trong nước có glucoza 26,91%, sacaroza 0,22%, axít taetric 1,26%. Chất có nitơ 6,309%.

Long nhãn chữa mất ngủ Long nhãn chữa mất ngủ

Một số bài thuốc chữa mất ngủ từ long nhãn

Bài thuốc 1:

– Cùi nhãn: 100 gr

– Gạo nếp: 100 gr

Cách làm: Bạn đem gạo nếp đi vo sạch và nấu như cháo bình thường. Đến khi gạo nếp gần nở hết cho cùi nhãn vào. Nêm nếm gia vị cho vừa ăn và sử dụng khi cháo vẫn còn nóng ấm. Công dụng: Giúp bạn an thần và chữa bệnh mất ngủ kéo dài hiệu quả.

Bài thuốc 2:

– Cùi nhãn : 9gr

– Toan táo nhân: 9gr

– Khiếm thực: 15 gr

Cách làm: Rửa sạch và bỏ vào ấm thuốc, sắc các vị thuốc trên với nước lọc sau đó uống trước khi đi ngủ

Bài thuốc 3:

Cùi nhãn điều trị mất ngủ kéo dài

– Long nhãn: 16 gr

– Đương quy: 12 gr

– Hoàng kỳ: 12 gr

– Thục địa: 16gr

Cách làm: Sắc thuốc với nước lọc uống mỗi ngày một lần. Chia làm 2 lần uống, liên tục trong 10-15 ngày. Cộng dụng: Chữa trị dứt điểm chứng mất ngủ thường xuyên cho bạn.

Bài thuốc 4:

– Long nhãn: 12 gr                                        – Lá dâu bánh tẻ: 80 gr

– Hạt sen: 120 gr                                           – Hoài sơn (củ mài): 80 gr

– Đậu ván trắng : 80 gr

Cách làm: Bạn lấy lá dâu, hạt sen, đậu ván trắng và củ mài sao thơm tán nhỏ. Cùi nhãn (long nhãn) nấu thành cao sau đó trộn với các vị đã tán nhỏ, vo thành viên khoảng 10-12 gr. Ngày uống 1-2 viên trước khi đi ngủ.

4. Cây vông nem

Cây vông còn có tên là cây vông nem với tên khoa học là Erythrina variegata L, là một loại cây thân cao tầm 10m đến 20 m và trên thân có gai ngắn. Lá vông gồm 3 chét dài có màu xanh bóng với kích thước không giống nhau. Hoa vông có màu đỏ tươi và thường tụ thành chùm.

Hình ảnh cây vông nem Hình ảnh cây vông nem

Đông y cho rằng, lá vông có vị hơi đắng và hơi chát, tính bình, có tác dụng an thần, dễ ngủ, hạ huyết áp, hạ nhiệt, tiêu ích sát trùng, trừ được bệnh phong thấp, bệnh trĩ và nhiều bệnh khác. Dân gian thường hay dùng lá vông để chữa chứng mất ngủ, đau đầu bằng cách làm rau ăn hay sắc nước uống.

Bài thuốc 1: Lấy 20g lá vông tươi đem rửa sạch, vò hơi nát chút rồi cho vào nồi cơm hấp. Trước khi đi ngủ thì ăn lá vông này để dễ ngủ hơn.

Bài thuốc 2: Lấy 15g lá vông đã phơi khô và cắt nhỏ sắc với 2 chén nước sao cho còn nửa chén. Mỗi ngày uống 1 lần, trong vài ngày sẽ chữa mất ngủ.

Bài thuốc 3: Lấy 1 nắm lá vông + 1 nắm lá dâu non + 1 nắm hoa thiên lý đem nấu canh ăn hàng ngày chữa mất ngủ hiệu quả.

Bài thuốc 4: Chuẩn bị 50g lá vông + 50g hoa thiên lý + 300g cá diếc đem nấu thành canh ăn nóng vào bữa tối. Thực hiện liên tục trong 5 ngày sẽ khỏi bệnh.

5. Tâm sen

Tâm sen (Tim sen) là mầm của hạt sen, còn được y học cổ truyền gọi là Liên tâm. Theo Đông y, Tâm sen được cho là có tác dụng thanh tâm, giải nhiệt, trấn kinh an thần nên thường được dùng trị mất ngủ

Tâm sen hỗ trợ điều trị mất ngủ hiệu quả Tâm sen hỗ trợ điều trị mất ngủ hiệu quả

Tâm sen có vị đắng, tính hàn, quy kinh tâm. Vì thế, Tâm sen dùng tốt cho người mất ngủ thể nhiệt với biểu hiện: mất ngủ kèm theo bốc hỏa, ù tai, miệng khô, chất lưỡi đỏ, mạch tế sác….

Thành phần có tác dụng an thần của Tâm sen là các alcaloid

Alcaloid trong tâm sen có tác dụng ngủ ngon tốt nhưng cũng dễ gây độc với cơ thể.

Cụ thể, ở liều phù hợp, Tâm sen sẽ giúp an thần nhưng nếu hãm quá đặc (liều cao) có thể gây lo âu, hồi hộp, tim đập nhanh, khó ngủ hơn, thậm chí mất ngủ trắng đêm. Nếu hãm quá loãng (liều quá thấp) thì vừa chưa có tác dụng gây ngủ lại vừa gây tiểu đêm làm chứng mất ngủ nặng hơn.

Alcaloid có tác dụng an thần là chính, giúp tạo giấc ngủ ngay nhưng tác dụng phục hồi thần kinh chưa mạnh. Người bệnh khi dùng có thể ngủ tốt một thời gian nhưng dễ mất ngủ trở lại do thần kinh vẫn yếu, quá trình điều tiết giấc ngủ chưa được phục hồi.

Dùng lâu ngày thì dễ gây nhờn thuốc.

Thaythuocvietnam.vn

Xem thêm: Phương pháp để có giấc ngủ ngon

Từ khóa » điều Trị Bệnh Mất Ngủ Bằng Thuốc Nam