5 Cổng Chào Tiền Tỷ Trên 21 Km đường

> Lời chào bạc tỷ > Tơi tả tại cổng chào trị giá 40 tỷ đồng > Công trình nghìn tỷ chưa hoàn thành đã xuống cấp

Hội chứng cổng chào

Từ trung tâm Hà Nội đi Sơn Tây theo quốc lộ 32, cổng chào đầu tiên mà chúng tôi dừng lại đó là tại địa phận Nhổn thuộc huyện Hoài Đức. Cổng chào được xây dựng trên 3 cột trụ cỡ lớn gắn với màn hình điện tử nằm vắt ngang qua đường hai chiều và vỉa hè. Trên cổng chào ghi dòng chữ lớn “Huyện Hoài Đức - Thành phố Hà Nội”, bên trên cùng cắm khoảng 15 lá cờ loại nhỏ.

Chỉ đi thêm 6 km nữa là cổng chào thứ 2 đặt tại điểm đầu của thị trấn Phùng thuộc huyện Đan Phượng. Trên cổng chào gắn thêm cả hệ thống đèn chiếu sáng cao áp. Đi tiếp khoảng gần 3 km tiếp theo, đúng đến hết địa phận thị trấn Phùng, chúng tôi tiếp tục gặp cổng chào thứ 3 trên đó ghi dòng chữ “Chúc quý khách thượng lộ bình an”.

Và cũng chỉ cách cổng chào của huyện Đan Phượng khoảng chục cây số nữa là hai cổng chào liên tiếp của huyện Phúc Thọ và với dòng chữ lớn “Huyện Phúc Thọ - Thành phố Hà Nội”. Tổng cộng có tới 5 cổng chào lớn trên đoạn đường 21km!

Ông Nguyễn Công Khương, Trưởng phòng Văn hoá Thông tin (VHTT) huyện Đan Phượng cho biết, chỉ riêng cuối năm 2012, đầu năm 2013, cùng với xây dựng nông thôn mới, nhiều xã đã đua nhau xây cổng chào. Riêng thời gian này đã xây tổng cộng có 106 cổng chào tại các xã.

Có xã làm cổng chào bằng inox, nơi đường rộng thì xây gạch, có nơi làm bằng sắt. Đầu tư cho một cổng chào ít cũng vài chục triệu đồng, nhiều thì hết cả trăm triệu đồng. Cũng theo ông Khương, hoành tráng nhất phải kể tới xã Phương Đình, đầu tư cổng chào hết 200 triệu đồng. Cổng làng thôn Đông Khê (xã Đan Phượng) đầu tư hết 800 triệu đồng.

Theo Phòng Quản lý đô thị huyện Đan Phượng, khi các xã gửi hồ sơ có ảnh chụp kèm theo thì huyện hỗ trợ xã mỗi cổng chào vài triệu đồng, còn lại do người dân tự đóng góp.

Không chỉ có vậy, tại trung tâm huyện Đan Phượng còn mới xây hai cổng của Trung tâm Văn hóa thể thao có vốn đầu tư lên tới 4,2 tỷ đồng. Phòng quản lý đô thị huyện Phúc Thọ cho hay, hai cổng chào lớn do huyện xây dựng vào năm 2010 với vốn đầu tư là hơn 2,4 tỷ đồng/2 cổng chào, chưa kể bảng điện tử.

Xây cổng chào hoành tráng để làm gì?

Cổng chào huyện Phúc Thọ ảnh: Hà anh
Cổng chào huyện Phúc Thọ ảnh: Hà anh.

Gặp gỡ nhiều người dân địa phương, nơi xây dựng những cổng chào hoành tráng, PV Tiền Phong ghi nhận được nhiều điều đáng suy ngẫm. Chị Nguyễn Thị Hoàn, nhà tại cụm 3 xã Thọ Lộc huyện Phúc Thọ, ngay sát chân cổng chào của huyện này cho biết: Ngày nào chị cũng phải trả lời cho hàng chục người hỏi đường nhưng khi nhìn lên cổng chào thì chẳng thấy thông tin gì.

“Người dân cần biển chỉ dẫn giao thông, tại sao lại xây cổng chào?”, chị Hoàn đặt câu hỏi. Cũng theo chị Hoàn, do lâu ngày nên những khi mưa bão, nhiều tấm tôn, nhựa trên cổng chào đã lao thẳng xuống đường giao thông rất nguy hiểm.

Mặc dù ông Hà Đăng Thự, Trưởng phòng VHTT huyện Phúc Thọ cho rằng cổng chào là một “kênh” để tuyên truyền nhân các sự kiện chính trị, dịp lễ tết hằng năm nhưng ông Nguyễn Công Khương, Trưởng phòng VHTT huyện Đan Phượng thì lại khẳng định, xây cổng chào chủ yếu để trang trí, chứ hiệu quả khai thác sử dụng rất thấp.

“Ngồi trên xe đi đường quốc lộ mấy ai đọc được gì. Cổng chào chủ yếu để cắm cờ và bật đèn dịp lễ tết”, ông Khương nói. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đinh Hữu Hạnh, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết, hai cổng chào của huyện gắn biển điện tử xây năm 2010, vốn đầu tư khoảng 4 tỷ đồng/2 cổng chào.

Về nguyên nhân quyết định xây cổng chào, ông Hạnh giải thích: Năm 2009, tuyến đường 32 rất xập xệ. Huyện phải chủ động chỉnh trang lại, hoàn thiện dải phân cách, nhất là trung tâm thị trấn muốn đầu tư cho đẹp lên.

Cũng theo ông Hạnh, khi xây dựng huyện chỉ mong để nhiều người biết đến Đan Phượng. Đất thì phải có đai nên huyện quyết định đặt tại hai đầu thị trấn. Đây là công trình đầu tư không lớn nhưng làm bộ mặt thị trấn khang trang lên.

“Nói thật, đầu tư như vậy là thấp. Nhiều nơi còn làm biển “Kính chào quý khách” hoành tráng hơn nhiều. Nhiều anh em đi qua không biết huyện Đan Phượng, thị trấn Phùng chỗ nào nên chúng tôi phải làm một công trình gì hay biểu tượng gì đó”- ông Hạnh nói thêm.

Góp ý về tình trạng đua nhau xây cổng chào, ông Hoàng Duy Kiên, Trưởng phòng quản lý đô thị huyện Phúc Thọ kiến nghị: Hiện nay mỗi nơi làm một kiểu khác nhau. Cần có mẫu thiết kế, hướng dẫn xây cổng chào để đảm bảo mỹ quan và an toàn giao thông.

Cổng chào phải có ngôn ngữ kiến trúc

Trao đổi với PV Tiền Phong, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho biết, về nguyên tắc, cổng chào được xây dựng để chào mừng nhân một sự kiện hoặc là tuyên ngôn của một khu vực hoặc một địa phương mang tính thông điệp với mọi người về giá trị ý nghĩa văn hóa.

Rõ ràng là nhiều huyện của Hà Nội chưa hiểu hết ý nghĩa của cổng chào. Cổng chào phải xây ở những nơi diễn ra những sự kiện lịch sử, có ý nghĩa lịch sử. Việc xây dựng cổng chào trên các tuyến giao thông phải gắn với chức năng về giao thông.

Thành phố cần tăng cường kiểm soát, hướng dẫn việc đầu tư xây dựng cổng chào.

Theo Báo giấy

Từ khóa » Cổng Chào Hoài đức Hà Nội