5 Giai đoạn Suy Thận Mạn: Dấu Hiệu, Phương Pháp điều Trị Cho Bệnh ...

Suy thận là bệnh lý nguy hiểm, làm khả năng lọc máu dần suy giảm. Triệu chứng bệnh trong giai đoạn đầu thường diễn ra âm thầm. Khi có biểu hiện rõ ràng, bệnh đã tiến triển tới giai đoạn cuối, chức năng suy giảm nghiêm trọng. Tìm hiểu về các giai đoạn suy thận mạn và triệu chứng sẽ giúp người bệnh chủ động trong việc kiểm soát và phòng ngừa biến chứng bệnh.

Tổng quan về suy thận mạn

Thận là một cơ quan trong hệ tiết niệu, có hai thận nằm ở hai bên cột sống trong hố thắt lưng, đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể. Thận có chức năng lọc máu để bài tiết ra nước tiểu, những chất thải của cơ thể, điều chỉnh những chất điện giải và duy trì sự ổn định của huyết áp, tham gia vào quá trình tạo máu, chuyển hoá xương. Do một nguyên nhân nào đó làm suy giảm chức năng thận, dẫn tới tình trạng rối loạn những chức năng trên, kéo theo nhiều hệ lụy ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, thậm chí gây tử vong.

suy thận mạn

Suy thận mạn là hậu quả cuối cùng của những bệnh thận – tiết niệu mạn tính, khiến chức năng của thận bị suy giảm dần tương ứng với số lượng nephron của thận bị tổn thương, mất chức năng không phục hồi. Suy thận mạn làm giảm mức lọc cầu thận, rối loạn điện giải, tăng huyết áp và thiếu máu mạn tính, loãng xương – nhuyễn xương – gãy xương.

Bệnh tiến triển từ từ, nặng lên theo từng đợt, cuối cùng dẫn tới suy thận mạn giai đoạn cuối. Hai thận khi đó đã mất chức năng hoàn toàn, đòi hỏi người bệnh phải điều trị thay thế thận như lọc máu (chạy thận, lọc màng bụng), ghép thận… Quá trình điều trị tốn kém rất nhiều chi phí, khiến người bệnh mệt mỏi, chán nản. Do đó, bệnh suy thận cần được chẩn đoán, điều trị kịp thời nhằm cải thiện triệu chứng bệnh, đồng thời kéo dài thời gian chuyển thành suy thận giai đoạn cuối, nâng cao tuổi thọ cho người bệnh.

banner tâm anh quận 7 content

Có bao nhiêu giai đoạn suy thận mạn?

Hội Thận học quốc tế (ISN = International Society of Nephrology) và Hội Thận học quốc gia Hoa Kỳ (National Kidney Foundation) đã chia bệnh thành 5 giai đoạn dựa trên độ lọc cầu thận (GFR) gồm: (1)

  • Giai đoạn 1: GFR bình thường hay cao, GFR > 90 mL/phút
  • Giai đoạn 2: GFR khoảng 60 – 89 mL/phút
  • Giai đoạn 3: Suy thận độ 3A (GFR khoảng 45 – 59 mL/phút), suy thận độ 3B (GFR khoảng 30 – 44 mL/phút)
  • Giai đoạn 4: GFR khoảng 15 – 29 mL/phút
  • Giai đoạn 5: GFR < 15 mL/phút

Các giai đoạn của bệnh suy thận mạn tính

các giai đoạn suy thận mạn

Suy thận mạn tính giai đoạn 1 và 2

Tổn thương thận ở giai đoạn này thường chưa nghiêm trọng. Đặc điểm chung của hai giai đoạn này là triệu chứng bệnh chưa rõ ràng, chỉ khởi phát theo đợt. Vì thế, người bệnh rất khó nhận ra bệnh. Trong các đợt khởi pháp cấp tính của suy thận mạn, người bệnh sẽ cảm thấy chán ăn, thiếu máu nhẹ, tiểu đêm nhiều, cảm giác mệt mỏi, đau tức hai bên thắt lưng. (2)

Phần lớn người bệnh rất khó phát hiện mình mắc suy thận mạn ở giai đoạn 1 và 2. Họ chỉ tình cờ phát hiện khi đi kiểm tra sức khỏe hay thăm khám bệnh lý khác. Khi phát hiện bệnh trong giai đoạn này, người bệnh được điều trị đúng phương pháp kết hợp chế độ ăn uống hợp lý, có thể kiểm soát tốt tình trạng bệnh và ngăn ngừa triệu chứng tiến triển.

Suy thận mạn giai đoạn 3

Trong giai đoạn này, chức năng của thận đã bị suy giảm rõ. Triệu chứng có thể chưa rõ ràng, nhiều trường hợp vẫn không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào hặc khá mơ hồ, khiến người bệnh nghĩ mình mắc bệnh nào đó “nhẹ nhàng” hơn như mệt mỏi, ăn kém,… Một số người bệnh ở đợt khởi phát cấp có thể xuất hiện các triệu chứng như đau lưng, phù mí mắt, sưng chân và tay, đi tiểu với lượng nhiều hay ít hơn bình thường.

Bác sĩ thường chia bệnh suy thận mạn ở giai đoạn 3 thành 2 mốc là 3A và 3B. Trong giai đoạn 3A, khả năng lọc cầu thận giảm sâu so với độ 2. Người bệnh rơi vào tình trạng thiếu máu, thường gặp các vấn đề xương khớp. Trong giai đoạn 3B, thận đã bị tổn thương nghiêm trọng. Mức lọc cầu thận đã giảm nặng. Người bệnh dễ gặp biến chứng nguy hiểm. Người bệnh trong giai đoạn này sẽ có tiên lượng khác nhau nếu có kèm biểu hiện có hay không có tiểu đạm, tiểu đạm vi thể hay đại thể với mức độ nặng tăng theo lần lượt.

Suy thận mạn giai đoạn 4

Trong giai đoạn 4, biểu hiện lâm sàng đã xuất hiện rõ ràng. Người bệnh có thể gặp một số triệu chứng do suy giảm chức năng lọc máu của thận như da xanh xao, tăng huyết áp, xuất huyết đường tiêu hóa, chán ăn, tiểu đêm nhiều, buồn nôn, phù nề và ngứa toàn thân, thường xuyên đau nhức đầu, đau nhức xương khớp…

Chất độc tích tụ trong máu càng nhiều vì chức năng lọc máu của thận đã suy giảm, triệu chứng bệnh càng rõ ràng, nhất là tình trạng nhiễm độc. Nếu không chữa trị kịp thời, người bệnh có thể gặp một số biến chứng nguy hiểm như suy tim, tăng huyết áp, phù não, phù phổi, đái tháo đường, đau quặn hai bên hông… Để cải thiện triệu chứng và giảm nguy cơ tổn thương nội tạng, người bệnh đôi khi cần được chạy thận sớm, đặc biệt nếu suy thận do nguyên nhân đái tháo đường để giúp loại bỏ nước dư thừa và các chất độc trong máu.

Suy thận mạn tính giai đoạn 5

Đây là giai đoạn bệnh suy thận nghiêm trọng nhất. Thận đã tổn thương vô cùng nghiêm trọng với mức lọc cầu giảm thấp (< 15 mL/phút). Người bệnh xuất hiện nhiều triệu chứng lâm sàng do nhiều cơ quan đã bị nhiễm độc, nhất là tim mạch, tiêu hóa, thần kinh, hô hấp da và máu.

Người bệnh suy thận giai đoạn 5 cần phải chạy thận nhân tạo hoặc lọc màng bụng thường xuyên nhằm duy trì sự sống và cải thiện tình trạng bệnh. Ghép thận ở giai đoạn này sẽ là phương pháp điều trị hiệu quả, mang lại hy vọng sống lâu dài cho người bệnh.

suy thận giai đoạn 5

Một số phương pháp điều trị suy thận mạn

Điều trị nguyên nhân

Đây là phương pháp điều trị suy thận then chốt, giúp người bệnh kiểm soát chặt chẽ đường máu, huyết áp bằng thuốc và chế độ tập luyện, ăn uống, giảm cân và thói quen sinh hoạt hằng ngày. Điều trị từ nguyên nhân giúp làm chậm tiến triển bệnh và các tổn thương do suy thận gây ra.

Điều trị huyết áp

Huyết áp tăng không chỉ là nguyên nhân gây bệnh suy thận mạn mà còn là hậu quả do suy thận gây ra. Về mặt y học, huyết áp tăng là do một phần lượng dịch tăng lên trong máu và các mô cơ quan do thận đã mất chức năng thải dịch. Nếu không điều trị kịp thời, tình trạng tăng huyết áp sẽ tiếp tục hủy hoại thận và dẫn đến những bệnh lý tim mạch khác.

Với phương pháp điều trị suy thận mạn này, người bệnh sẽ được bác sĩ kê toa thuốc huyết áp gồm nhiều nhóm, ưu tiên thuốc nhóm ức chế men chuyển hay ức chế thụ thể nếu không có chống chỉ định. Thuốc giúp giảm huyết áp và tăng cường chức năng cho thận.

dùng thuốc điều trị

Kiểm soát cholesterol

Suy thận mạn là hậu quả của một trong các yếu tố nguy cơ gây ra bởi nhiều bệnh lý tim mạch, trong đó có rối loạn lipid máu. Do đó, khi điều trị suy thận mạn, bác sĩ có thể kê toa thuốc Statin để làm giảm nguy cơ này. Thuốc làm giảm những cholesterol xấu, khiến chúng không thể bám vào thành mạch máu để gây nên những vấn đề về xơ vữa, lâu dài gây tắc nghẽn mạch máu.

Điều trị những vấn đề gây nên bởi suy thận

Điều trị dứt điểm bệnh suy thận mạn là điều không thể. Tuy nhiên, một số phương pháp chữa trị sẽ giúp người bệnh giảm thiểu những vấn đề mà bệnh gây ra cho cơ thể như:

  • Tình trạng ứ dịch: Thận hoạt động kém sẽ gây ra tình trạng tích tụ dịch trong cơ thể. Tình trạng này khiến người bệnh sưng phù, huyết áp tăng cao. Bác sĩ sẽ kê thuốc lợi tiểu nhằm giúp người bệnh đào thải bớt nước dư thừa trong cơ thể qua đường tiểu.
  • Tình trạng thiếu máu: Khi mắc bệnh suy thận mạn, thận sẽ không sản xuất đủ chất erythropoietin (EPO) và người bệnh có số lượng tế bào hồng cầu ít hơn bình thường. Tình trạng này sẽ khiến người bệnh cảm thấy khó thở, mệt mỏi, giảm khả năng làm việc và quan hệ tình dục. Bác sĩ điều trị có thể tiêm một chất có hoạt động giống EPO (chất kích thích sinh EPO), người bệnh có thể uống thêm thuốc sắt hay tiêm thêm sắt.
  • Tình trạng yếu xương: Khi bị suy thận mạn, việc cung cấp các vitamin D, photpho, canxi sẽ bị ảnh hưởng, gây ra những vấn đề về xương. Nồng độ canxi trong máu quá thấp sẽ kích thích sản xuất hormone tuyến cận giáp, gây ra tình trạng mất canxi từ xương. Theo thời gian, xương dần biến dạng, các khớp sưng nề. Khi điều trị, người bệnh sẽ được kê một số thuốc gắn photpho để làm giảm số lượng photpho trong máu.
  • Tình trạng dư thừa axit: Thận không thể loại bỏ hoàn toàn axit ra khỏi cơ thể, làm cơ thể rơi vào tình trạng toan chuyển hóa, tình trạng máu dư thừa axit dẫn đến một số vấn đề như loạn nhịp tim, hôn mê, co giật. Người bệnh sẽ được điều trị bằng các loại thuốc kháng axit.
  • Dư thừa kali: Khi thận hoạt động kém, kali sẽ tăng lên trong máu, có thể dẫn đến tình trạng rối loạn nhịp tim, ngưng tim và những vấn đề khác liên quan đến thần kinh cơ. Người bệnh sẽ được bác sĩ kê các loại thuốc lợi tiểu và một số loại thuốc khác để cơ thể không bị quá tải dịch và kali.
  • Xác định chế độ ăn uống, hoạt động của người bệnh phù hợp với giai đoạn bệnh suy thận mạn.

Điều trị suy thận mạn tính giai đoạn cuối

Khi điều trị suy thận mạn không đáp ứng, thận dần bị suy yếu. Người bệnh sẽ bước vào giai đoạn cuối suy thận mạn. Chức năng thận chỉ còn lại 15%, không còn khả năng lọc bỏ những chất độc, dịch dư thừa khỏi cơ thể. Phương pháp điều trị khi đó sẽ là tiến hành lọc máu và cấy ghép thận.

Người bệnh suy thận cần làm gì?

Thay đổi lối sống

  • Duy trì huyết áp đúng mục tiêu bác sĩ đặt ra. Mục tiêu huyết áp là thường là dưới 130/80 mm Hg, ít hơn 2300 mg của natri mỗi ngày.
  • Người bệnh bị tiểu đường cần kiểm soát tốt nồng độ đường trong máu. Điều này sẽ giúp bạn ngăn ngừa, làm chậm biến chứng của tiểu đường, bao gồm suy thận.
  • Duy trì cholesterol trong máu đúng phạm vi mục tiêu bác sĩ đặt ra. Người bệnh cần lên kế hoạch cho chế độ ăn uống, vận động của mình để duy trì cân nặng hợp lý, ngăn ngừa tình trạng thừa cân, béo phì.
  • Cần từ bỏ thói quen hút thuốc vì có thể làm tổn thương thận nặng hơn.
  • Tăng cường các hoạt động thể chất với cường độ phù hợp, giúp kiểm soát tốt huyết áp, mức độ glucose và cholesterol trong máu của người bệnh.

tập thể dục thay đổi lối sống

Thay đổi trong chế độ ăn uống

Đối với người bệnh suy thận, chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp kiểm soát tốt huyết áp, cân nặng, cholesterol, hàm lượng đường trong máu, làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.

  • Hạn chế ăn muối: Muối sẽ gây nặng hơn bệnh thận mạn tính. Nạp quá nhiều muối sẽ dẫn tới tình trạng giữ nước trong cơ thể, tăng áp suất trong các mạch máu thận, làm tăng gánh nặng cho thận. Người bệnh suy thận cần ăn nhạt, không nạp quá 2 – 3g muối/ngày. Người bệnh bị tăng huyết áp cần hạn chế bổ sung muối tới mức thấp nhất có thể.
  • Hạn chế ăn đạm: Người bệnh suy thận cần hạn chế bổ sung đạm do việc chuyển hóa đạm trong cơ thể sẽ tạo ra nhiều chất độc hại. Những chất này được lọc qua thận, gây quá tải và tổn thương thận. Người bệnh sử dụng đạm thực vật hoặc đạm có lượng ít nhưng giàu năng lượng, có giá trị sinh học cao. Khi chế biến thức ăn, người bệnh nên hạn chế sử dụng dầu mỡ, thay vào đó là ưu tiên các phương pháp chế biến luộc.
  • Hạn chế ăn kali: Hàm lượng kali trong máu của người bệnh suy thận có thể tăng cao. Điều này vô cùng nguy hiểm, có thể khiến cho tim ngừng đập. Các loại thực phẩm giàu kali mà người bệnh cần hạn chế ăn là đậu nành, chuối, nho, trái cây khô, chocolate, cá hồi…
  • Hạn chế ăn photpho: Hàm lượng photpho dư thừa quá nhiều trong cơ thể có thể khiến bệnh suy thận nặng hơn, gây xơ vữa các mạch máu, nặng hơn tình trạng đau tim mạch và các bệnh lý xương khớp. Người bệnh cần hạn chế ăn những thực phẩm giàu photpho như phô mai, da và phủ tạng động vật…
  • Chế độ ăn giàu năng lượng: Người bệnh suy thận cần có chế độ ăn giàu năng lượng, tăng khoảng 30% so với bình thường, đồng thời chia nhỏ bữa ăn thành 4 – 6 bữa mỗi ngày. Bởi ăn không đủ năng lượng sẽ làm thay đổi sự trao đổi chất của cơ thể. Cơ thể sẽ đốt cháy mỡ, đạm của những tổ chức mô, khiến cho cơ thể gầy yếu.
  • Kiểm soát chất lỏng nạp vào cơ thể: Lượng nước nạp vào cơ thể cũng cần được theo dõi kỹ. Với người bệnh không phải lọc thận, nếu còn đi tiểu nhiều (trên 1,2 lít/ ngày), bạn không cần hạn chế lượng nước bổ sung, hãy uống khi cảm thấy khát. Nếu cơ thể giữ nước, bạn cần hạn chế dùng muối. Vì khi nạp muối, bạn sẽ khát, có thể sẽ rất khó kiểm soát lượng nước nạp vào và lúc nào cũng cảm thấy khát.
  • Người bệnh suy thận cần ăn uống đầy đủ bốn thành phần là đường bột, chất đạm, chất béo, chất khoáng và vitamin như người bình thường.

Trung tâm Tiết niệu Thận học, Khoa Nam học – Tiết niệu của Hệ thống BVĐK Tâm Anh quy tụ đội ngũ các chuyên gia đầu ngành, Nội khoa và Ngoại khoa, giỏi chuyên môn, tận tâm. 

Nhà giáo nhân dân GS.TS.BS Trần Quán Anh, Thầy thuốc ưu tú PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên là những cây đại thụ trong ngành Tiết niệu Thận học Việt Nam. Cùng với các tên tuổi Thầy thuốc ưu tú TS.BS Nguyễn Thế Trường Thầy thuốc ưu tú BS.CKII Tạ Phương Dung, TS.BS Nguyễn Hoàng Đức, TS.BS Từ Thành Trí Dũng, ThS.BS.CKI Nguyễn Đức Nhuận, BS.CKII Nguyễn Lê Tuyên, ThS.BS Nguyễn Tân Cương, ThS.BS Tạ Ngọc Thạch, BS.CKI Phan Trường Nam…

Các chuyên gia, bác sĩ của Trung tâm luôn tự tin làm chủ những kỹ thuật mới nhất, phát hiện sớm và điều trị hiệu quả các bệnh lý về thận và đường tiết niệu, giúp người bệnh rút ngắn thời gian nằm viện, hạn chế nguy cơ tái phát, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Với hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại hàng đầu trong nước và khu vực; Phòng mổ đạt tiêu chuẩn quốc tế; Cùng với khu nội trú và dịch vụ cao cấp 5 sao… Trung tâm Tiết niệu Thận học nổi bật với các dịch vụ thăm khám, tầm soát và điều trị tất cả các bệnh lý đường tiết niệu. Từ các thường gặp cho đến các cuộc đại phẫu thuật kỹ thuật cao. Có thể kể đến phẫu thuật nội soi sỏi thận, ghép thận, cắt bướu bảo tồn nhu mô thận; cắt thận tận gốc; cắt tuyến tiền liệt tận gốc; cắt toàn bộ bàng quang tạo hình bàng quang bằng ruột non; cắt tuyến thượng thận; tạo hình các dị tật đường tiết niệu… Chẩn đoán – điều trị nội khoa và ngoại khoa tất cả các bệnh lý Nam khoa.

Để đặt lịch khám và phẫu thuật tuyến tiền liệt với các chuyên gia đầu ngành tại Trung tâm Tiết niệu Thận học, Khoa Nam học – Tiết niệu Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, quý khách có thể đặt hẹn trực tuyến qua các cách sau đây:

HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH

  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội:
    • 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, Hà Nội
    • Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM:
    • 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Quận 8:
    • 316C Phạm Hùng, P.5, Q.8, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7:
    • 25 Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Hưng, Q.7, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh/
  • Website: https://tamanhhospital.vn

Nhận biết, hiểu rõ những giai đoạn và triệu chứng bệnh suy thận sẽ giúp người bệnh ổn định tâm lý để an tâm điều trị, mang lại kết quả khả quan hơn. Dù ở giai đoạn suy thận mạn nào, người bệnh cũng cần đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời để làm chậm tiến trình của bệnh, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. Khi suy thận nặng, người bệnh sẽ được bác sĩ tư vấn lựa chọn phương pháp điều trị thay thế thận như lọc máu (thận nhân tạo hay lọc màng bụng) hoặc ghép thận.

Từ khóa » điều Trị Suy Thận Mạn Giai đoạn 4