5 Hảo Hán đáng Mặt Bằng Hữu Nhất Lương Sơn: Lâm Xung Không ...

TIN MỚI

Bên cạnh những giai thoại chiến đấu nổi tiếng, giờ đây mỗi khi nhắc tới các anh hùng Lương Sơn trong tiểu thuyết "Thủy Hử", nhiều độc giả vẫn không khỏi cảm phục trước tình cảm huynh đệ sâu nặng và lòng trung nghĩa hiếm có của họ.

Tuy nhiên có nhiều ý kiến cỏ rằng, mặc dù hảo hán ấy vẫn thường xưng huynh gọi đệ, thế nhưng trong đó chỉ có số ít những người có thể được xem là dốc lòng vì bằng hữu.

Còn theo xếp hạng của KKNews, nếu đánh giá tổng quan về 108 đầu lĩnh Lương Sơn thì chỉ có 5 nhân vật dưới đây được xem là "đáng mặt" bằng hữu hơn cả.

Vị trí thứ 5: Mẫu Dạ Xoa Tôn Nhị Nương

 5 hảo hán đáng mặt bằng hữu nhất Lương Sơn: Lâm Xung không lọt bảng, ai mới đứng đầu? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Tôn Nhị Nương là một nhân vật hư cấu thuộc tiểu thuyết Thủy Hử của tác giả Thi Nại Am. Bà có biệt hiệu là Mẫu Dạ Xoa và ngồi ghế thứ 103 trong số 108 anh hùng Lương Sơn Bạc.

Mặc dù có thứ hạng không cao so với các đầu lĩnh Lương Sơn khác, thế nhưng vị nữ hảo hán này được xem là một nhân vật luôn hết lòng vì huynh đệ bằng hữu.

Năm xưa trên đường bị lưu đày, Hành giả Võ Tòng từng có dịp ở lại quán rượu của Trương Thanh và Tôn Nhị Nương. Trải qua một số sự kiện, ba người này đã gạt bỏ nghi ngờ và kết làm bằng hữu.

Sau khi Võ Tòng giết người trong nhà Trương đô giám và bị truy nã, ông đã nương nhờ tại nơi ở của vợ chồng Tôn Nhị Nương một thời gian. Trong suốt khoảng thời gian vị bằng hữu này gặp nạn, Tôn Nhị Nương và phu quân đã tận tâm tận lực giúp đỡ, thậm chí còn không màng tới an nguy tính mạng của mình.

Dưới sự trợ lực của Tôn Nhị Nương, Võ Tòng mới may mắn lên núi Nhị Long và thoát được một kiếp nạn. Vì vậy có thể nói, nếu không có sự cưu mang lúc nguy cấp của vị nữ hảo hán họ Tôn, Lương Sơn sau này chưa chắc đã có được một hành giả Võ Tòng nức tiếng gần xa.

Mặc dù sinh ra trong thân phận của một người phụ nữ bị bó buộc bởi không ít khuôn phép giáo điều dưới thời phong kiến, thế nhưng Tôn Nhị Nương lại hành xử rất mực quảng đại và luôn đặt hai chữ "trung nghĩa" lên đầu.

Đây có thể xem là một ưu điểm mà có lẽ rất nhiều nam hảo hán Lương Sơn khác khó có thể bì kịp với nữ hiệp mang biệt hiệu Mẫu Dạ Xoa ấy.

Vị trí thứ 4: Lãng tử Yến Thanh

 5 hảo hán đáng mặt bằng hữu nhất Lương Sơn: Lâm Xung không lọt bảng, ai mới đứng đầu? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Yến Thanh là một nhân vật có thật trong lịch sử và cũng được Thi Nại Am đưa vào tác phẩm "Thủy Hử". Trong tác phẩm này, ông có biệt hiệu là "Lãng tử", ngồi ghế thứ 36 trong 108 đầu lĩnh Lương Sơn, được sao Thiên Xảo Tinh chiếu mệnh.

Dưới ngòi bút của Thi Nại Am, Yến Thanh là một nhân vật lớn lên trong cảnh mồ côi cha mẹ từ nhỏ, đến năm 13 tuổi thì được Lư Tuấn Nghĩa nhận làm gia nhân và coi như con nuôi trong nhà. Cảm kích trước tấm lòng của chủ nhân dành cho mình, "Lãng tử" họ Yến trước sau đều luôn hết lòng tận tụy để báo đáp ân tình với Lư Tuấn Nghĩa.

Năm xưa sau khi kế nhiệm chức trại chủ Lương Sơn, Tống Giang vì muốn chiêu nạp Lư Tuấn Nghĩa nên đã phái Ngô Dụng xuống núi giả làm thầy tướng số để bày mưu tính kế.

Bấy giờ, một Yến Thanh vốn thông minh, nhạy bén đã phần nào đoán được đây là mưu kế của Lương Sơn Bạc, liền ra sức khuyên ngăn chủ nhân nhưng không thành. Trước khi Lư Tuấn Nghĩa lên đường lánh nạn, ông vẫn một mực xin đi theo để bảo vệ an toàn nhưng không được đồng ý.

Tới khi chủ nhân gặp nạn, vị lãng tử họ Yến này vẫn không quản ngại nguy nan, luôn tìm đủ mọi cách để cứu được Lư Tuấn Nghĩa, thậm chí nhiều khi còn không màng tới an nguy của bản thân mình mà lao vào hiểm cảnh.

Nét đáng quý trong lòng trung thành của Yến Thanh còn nằm ở chỗ, ngay cả khi chủ nhân không dành niềm tin cho mình, ông trước sau vẫn luôn giữ tấm lòng trọng tình trọng nghĩa.

Sau khi trải qua nhiều biến cố và được các hảo hán giải cứu thành công, Lư Tuấn Nghĩa đã quyết định lên Lương Sơn, Yến Thanh sau đó cũng đi theo chủ nhân để tạ ơn cứu mạng của các đầu lĩnh.

Vị trí thứ 3: Tiểu Lý Quảng Hoa Vinh

 5 hảo hán đáng mặt bằng hữu nhất Lương Sơn: Lâm Xung không lọt bảng, ai mới đứng đầu? - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Hoa Vinh là một nhân vật hư cấu trong tiểu thuyết "Thủy Hử" của Thi Nại Am. Ông ngồi ghế thứ 9 trong 108 đầu lĩnh Lương Sơn, được sao Thiên Anh Tinh chiếu mệnh.

Sinh thời, Hoa Vinh nổi danh với tài bắn cung "bách bộ xuyên dương" (trong vòng trăm bước vẫn bắn tên xuyên lá dương liễu). Cũng bởi vậy mà ông có biệt hiệu là "Tiểu Lý Quảng", trong đó Lý Quảng là tên một danh tướng thời nhà Hán sở hữu biệt tài cưỡi ngựa bắn cung xuất thần.

Sinh thời, vị hảo hán trẻ tuổi này được rất nhiều người kính trọng bởi tài năng hơn người cùng tinh thần dũng cảm trong chiến đấu và đặc biệt là lòng trung thành khó ai sánh bằng.

Ông vốn là người bạn chí cốt của Tống Giang từ thuở còn làm quan và sau này cũng trở thành một trong số ít những tâm phúc hàng đầu khi Tống Công Minh đã kế nhiệm chức Trại chủ Lương Sơn.

Năm xưa sau khi sống sót trở về từ trận tử chiến với Phương Lạp, Tống Giang đã bị gian thần hãm hại và buộc phải uống rượu độc để tự vẫn. Sau đó không lâu, Hoa Vinh cũng đã giã biệt thân nhân rồi đến tự vẫn cùng Ngô Dụng ngay trước mộ huynh trưởng.

Sự ra đi tình nguyện ấy cũng là minh chứng cho thấy lòng trung thành và tình cảm bằng hữu khó ai bì được của vị hảo hán nức tiếng Lương Sơn một thời.

Vị trí thứ 2: Hành giả Võ Tòng

 5 hảo hán đáng mặt bằng hữu nhất Lương Sơn: Lâm Xung không lọt bảng, ai mới đứng đầu? - Ảnh 4.

Ảnh minh họa.

Võ Tòng có thể xem là một trong số những hảo hán nổi danh bậc nhất của tập đoàn Lương Sơn Bạc. Ông ngồi ghế thứ 14 trong số 108 đầu lĩnh và được Thiên Thương Tinh chiếu mệnh.

Bên cạnh 2 giai thoại nổi tiếng là say rượu đả hổ và giết Phan Kim Liên để báo thù cho anh, tên tuổi của Võ Tòng còn gắn với câu chuyện liều mạng báo ân cùng đức tính hết lòng hy sinh vì bằng hữu.

Năm xưa khi đến nhà tù Mạnh Châu, vị hảo hán này từng được Thi Ân chiếu cố. Để báo đáp ân tình cho người bằng hữu ấy, Võ Tòng đã đánh bại Tưởng Môn Thần, giúp Thi Ân lấy lại nơi làm ăn đã bị cướp từ tay hắn. Thế nhưng chính việc làm này đã khiến ông bị ám hại và sau đó phải chịu án lưu đày.

Trên đường đi lưu đày, đồ đệ của Tưởng Môn Thần và hai tên sai nha có âm mưu ám hại, Võ Tòng sau đó đã giết chúng rồi quay về nhà Trương đô giám để báo thù.

Mặc dù sự việc này từng khiến vị hảo hán đả hổ ấy bị truy nã và nhiều lần lâm vào cảnh nguy khốn. Thế nhưng việc ông liều mạng giúp Thi Ân cũng thể hiện tinh thần trung nghĩa và sẵn sàng hy sinh tất cả vì bằng hữu mà ít ai có được.

Vị trí thứ nhất: Hoa Hòa Thượng Lỗ Trí Thâm

 5 hảo hán đáng mặt bằng hữu nhất Lương Sơn: Lâm Xung không lọt bảng, ai mới đứng đầu? - Ảnh 5.

Ảnh minh họa.

Đứng đầu trong bảng xếp hạng những vị hảo hán đáng mặt bằng hữu nhất Lương Sơn chính là Lỗ Trí Thâm. Ông ngồi ghế thứ 13 trong 108 đầu lĩnh Lương Sơn, được sao Thiên Cô Tinh chiếu mệnh và cũng là người huynh đệ chí cốt của những tên tuổi như Lâm Xung, Sử Tiến...

Trước khi lên Lương Sơn tụ nghĩa, Lỗ Trí Thâm đã nổi danh là người thấy việc bất bình quyết chẳng tha. Trong một lần vì ra tay cứu giúp cha con Kim Thúy Liên, ông đã đánh chết tay ác bá Trấn Quan Tây và buộc phải cắt tóc đi tu để trốn lệnh truy nã.

Lỗ Trí Thâm cũng từng quen biết và kết nghĩa với nhóm người Sử Tiến, Lý Trung, Chu Thông. Sau khi Sử Tiến vì cứu người mà ám sát thái thú bất thành và bị bắt, Lỗ Trí Thâm thậm chí còn liều mạng tới tận dinh thái thú để cứu bằng hữu nhưng không thành. May mắn là sau đó cả hai người được Tống Giang và các hảo hán Lương Sơn ra tay cứu giúp.

Giai thoại nổi tiếng nhất về tình bằng hữu của vị hảo hán ấy phải kể tới mối giao tình sâu nặng giữa ông và Báo Tử Đầu Lâm Xung.

Khi Lâm Xung bị hãm hại và phải chịu án lưu đày tới Thương Châu, Lỗ Trí Tâm đã đi theo suốt dọc đường để âm thầm bảo hộ. Tới lúc quân áp giải là Đổng Siêu, Tiết Bá muốn mưu hại Lâm Xung, vị hảo hán họ Lỗ này lại kịp thời ra tay cứu bằng hữu của mình một mạng.

Sau đó, ông đã hộ tống Lâm Xung thẳng đến Thương Châu ngoài bảy mươi dặm. Lỗ Trí Thâm cũng vì vậy mà bị Cao Cầu bức hại, buộc phải chạy trốn lần nữa.

Mặc dù từng bị chỉ trích là kiểu người nóng nảy, lỗ mãng, nhưng Lỗ Trí Thâm lại là một hảo hán thẳng thắn, hào sảng, cả đời dốc lòng vì huynh đệ. Chính những đức tính ấy đã giúp ông có được nhiều bằng hữu chí cốt như Sử Tiến, Lâm Xung, Võ Tòng, Dương Chí...

Đó cũng là lý do mà không ít ý kiến đã cho rằng, những ai có cơ hội kết làm huynh đệ với Lỗ Trí Thâm chính là một may mắn hiếm có trong cuộc đời của họ.

*Theo KKNews

3 câu nói để đời Tư Mã Ý truyền lại cho con cháu, nếu làm được thì đa nghi như Tào Tháo cũng không thể cản bạn thành công

Từ khóa » đổng Siêu Tiết Bá