5 Lý Do Hình Thành Tâm Lý Ỷ Lại Của Giới Trẻ

Có rất nhiều lý do hình thành tâm lý ỷ lại của giới trẻ như gia đình bảo bọc quá mức, cuộc sống đủ đầy, bản thân không có mục tiêu rõ ràng,… Hiểu rõ nguyên nhân sẽ giúp các bậc phụ huynh điều chỉnh lại cách giáo dục và hướng con cái đến những phẩm chất tốt đẹp.

tâm lý ỷ lại
Tâm lý ỷ lại là tình trạng thường thấy khi làm việc nhóm

Ỷ lại là gì?

Ỷ lại là tình trạng một người có thái độ hoặc hành động dựa dẫm, phụ thuộc quá mức vào người khác mà không muốn tự chủ động hoặc nỗ lực. Người có tâm lý ỷ lại thường không muốn tự mình giải quyết vấn đề, luôn chờ đợi sự giúp đỡ của người khác mặc dù bản thân họ có thể tự làm được.

Tình trạng ỷ lại quá mức khiến một người dễ trở nên lười biếng, thiếu trách nhiệm, thiếu quyết đoán. Họ cũng dễ trở thành người thiếu tự tin, không có chủ kiến, luôn e dè trong hầu hết mọi việc vì sợ mình làm sai, sợ bị trách phạt.

Tâm lý ỷ lại (procrastination) xảy ra trong rất nhiều trường hợp, có thể kể đến như: con cái ỷ lại, phụ thuộc quá mức vào cha mẹ; cá nhân ỷ lại vào đồng nghiệp, ít đóng góp trong công việc đội nhóm; người yêu ỷ lại vào người còn lại, không muốn tự giải quyết khi gặp khó khăn.

Thực trạng thói ỷ lại ở giới trẻ hiện nay

Tâm lý ỷ lại đang là vấn đề lớn của giới trẻ Việt. Tâm lý này cản trở việc phát triển năng lực và kỹ năng mềm ở mỗi cá nhân. Đồng thời gia tăng gánh nặng cho một vài cá nhân và hậu quả là giảm hiệu suất tổng thể của nhóm, doanh nghiệp.

Tâm lý ỷ lại đặc trưng bởi tình trạng lười biếng, phó thác nhiệm vụ cho những người khác trong tập thể. Bản thân người có tâm lý ỷ lại thường không có bất cứ đóng góp nào hoặc chỉ hoàn thành nhiệm vụ một cách sơ sài. Sau đó, những cá nhân có năng lực sẽ chịu trách nhiệm tổng hợp và sửa chữa những sai sót của các thành viên khác.

Tâm lý ỷ lại có thể xuất hiện ở bất cứ môi trường nào, từ gia đình cho đến môi trường học tập và công việc. Trẻ có tâm lý ỷ lại thường thoái thác việc nhà vì cho rằng sẽ có bố mẹ và anh chị hỗ trợ. Học sinh, sinh viên có tâm lý này sẽ luôn nhận những nhiệm vụ dễ dàng, đơn giản và hoàn thành bài tập một cách hời hợt.

Thói quen ỷ lại người khác cũng xảy ra trong môi trường làm việc – đặc biệt là với những công việc phải làm việc theo nhóm. Người có thói quen ỷ lại thường nhận việc nhẹ và tìm lý do để thoái thác những nhiệm vụ khó khăn. Vì luôn cho rằng sẽ có người khác giúp đỡ và hỗ trợ nên họ thường làm việc một cách qua loa, tùy ý.

Ỷ lại là thói quen của không ít người trẻ Việt. Mặc dù chưa có con số thống kê chính xác nhưng bạn hoàn toàn có thể nhận thấy một số cá nhân có tính cách này trong tập thể. Những cá nhân này thường lựa chọn làm việc theo nhóm vì không có khả năng độc lập và tự chủ.

Những người có tâm lý ỷ lại đa phần đều có năng lực kém, khó thăng tiến trong công việc và không có nhiều cơ hội trong cuộc sống. Ngược lại, những người luôn xông xáo, chủ động thường được cấp trên nhìn nhận và đánh giá cao.

Vì dám trải nghiệm và đối mặt với thử thách nên những người có tính cách chủ động sẽ có sự phát triển rõ rệt về kỹ năng và chuyên môn. Họ sẽ có nhiều cơ hội trong cuộc sống và luôn luôn phát triển thay vì bị bỏ lại phía sau như những cá nhân có thói quen ỷ lại vào người khác.

Biểu hiện của sự ỷ lại

Biểu hiện của sự ỷ lại để được hiện qua hành vi và thái độ. Tâm lý ỷ lại xảy ra rất phổ biến trong xã hội hiện nay, đặc biệt là những đứa trẻ được gia đình bảo bọc quá mức, chưa từng trải qua khó khăn, trắc trở trong cuộc sống.

Người có thói ỷ lại ít tham gia đóng góp, chỉ trông chờ vào người khác
Người có tâm lý ỷ lại thường ít tham gia đóng góp, chỉ trông chờ vào người khác

Những biểu hiện của sự ỷ lại có thể đến như:

  • Gặp khó khăn trong việc đưa ra quyết định, có xu hướng chờ đợi người khác giải quyết hoặc đưa ra quyết định thay mình.
  • Thường xuyên dựa dẫm, nhờ cậy người khác giúp đỡ để hoàn thành công việc dù bản thân có thể tự làm được
  • Không chủ động trong công việc, luôn chờ đợi người khác khởi xướng, đưa ra chỉ dẫn
  • Ít thổ lộ ý kiến cá nhân, không dám phê bình, phản biện, không dám làm, không dám dẫn đầu
  • Luôn chọn những việc đơn giản, nhẹ nhàng và hoàn thành một cách qua loa, hời hợt
  • Thường né tránh trách nhiệm, đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc đùn đẩy trách nhiệm cho người khác
  • Không thừa nhận sai lầm, thất bại của bản thân, gặp khó khăn trong việc quản lý thời gian và tài tính
  • Thường yêu cầu sự giúp đỡ của người khác ngay cả với những việc đơn giản, nhỏ nhặt.

5 Lý do hình thành tâm lý ỷ lại của giới trẻ

Tâm lý ỷ lại gây ra nhiều ảnh hưởng đối với cá nhân mỗi người. Nhìn một cách tổng quát, thói quen ỷ lại ở giới trẻ có thể gây ra gánh nặng cho xã hội và làm trì trệ khả năng phát triển kinh tế của nước nhà.

Để thay đổi tâm lý ỷ lại của giới trẻ, bạn cần hiểu rõ những lý do dẫn đến tình trạng này. Dưới góc độ tâm lý và xã hội học, các chuyên gia cho rằng tâm lý ỷ lại vào người khác bắt nguồn từ những nguyên nhân sau đây:

1. Gia đình bảo bọc quá mức

Tâm lý ỷ lại vào người khác có thể xuất phát từ cách giáo dục của gia đình. Thực tế, bố mẹ luôn muốn con cái được sống và học tập trong môi trường lành mạnh, hạnh phúc. Vì sợ con chểnh mảng việc học và nhiễm thói hư tật xấu nên nhiều gia đình bảo bọc con cái quá mức.

tâm lý ỷ lại
Gia đình bảo bọc và chăm sóc quá mức là lý do hình thành tâm lý ỷ lại ở giới trẻ

Họ thường chăm sóc cho con kỹ lưỡng từ quần áo, bữa ăn cho đến việc kết bạn và vui chơi. Vì không yêu cầu con phải làm việc nhà hay tự chuẩn bị những vật dụng cá nhân nên con thiếu đi tính chủ động và tự lập. Nếu duy trì cách giáo dục này trong thời gian dài, trẻ lớn lên sẽ hình thành tâm lý ỷ lại vào người khác. Vì không được rèn luyện tính cách độc lập nên trẻ gần như không thể học tập hay làm việc một mình.

Đây cũng là lý do bố mẹ nên yêu cầu con cái phụ giúp việc nhà và thực hiện một số nhiệm vụ phù hợp với lứa tuổi. Điều này vừa giúp con rèn luyện tính cách độc lập, chủ động, vừa giúp bố mẹ tiết kiệm thời gian chăm sóc gia đình.

2. Cuộc sống đầy đủ, chưa bao giờ gặp khó khăn

Ngoài cách giáo dục bảo bọc từ bố mẹ, người có cuộc sống đầy đủ và luôn được đáp ứng nhu cầu vật chất, tinh thần cũng sẽ hình thành thói quen ỷ lại vào người khác. Vì cuộc sống luôn thuận lợi nên bạn hoàn toàn không có sự nỗ lực. Thay vì cố gắng học tập và làm việc để cải thiện cuộc sống, bạn sẽ có xu hướng ỷ lại vào người khác vì cho rằng cuộc sống của bản thân không hề thiếu thốn điều gì.

tâm lý ỷ lại
Gia đình đáp ứng nhu cầu vật chất một cách vô tội vạ là nguyên nhân gây ra tâm lý ỷ lại

Nhiều người trưởng thành vẫn trông chờ vào sự giúp đỡ của bố mẹ. Vì thương con cái nên không ít người sử dụng các mối quan hệ để giúp con có công việc ổn định và cung cấp tiền bạc khi con có nhu cầu. Việc đáp ứng một cách vô tội vạ sẽ khiến con hình thành tâm lý ỷ lại và luôn phụ thuộc vào người khác.

Trong khi đó, những người có cuộc sống khó khăn thường nỗ lực hết mình khi học tập, làm việc với mong muốn tương lai trở nên tốt đẹp hơn. Vì phải đối mặt với nhiều áp lực nên bản thân họ luôn chủ động, mạnh mẽ và kiên quyết. Tuy nhiên, những người sống trong hoàn cảnh khá giả vẫn có thể xây dựng tính độc lập, tự chủ nếu bố mẹ giáo dục đúng cách.

3. Tính cách lười nhác

Tính cách lười nhác là lý do dẫn đến tâm lý ỷ lại của giới trẻ. Lười biếng khiến bạn không muốn làm mọi thứ một mình. Thay vào đó sẽ dựa dẫm và phụ thuộc vào người khác để thoái thác những nhiệm vụ khó khăn. Ngoài ra, người có tính cách lười nhác cũng ngại đối mặt với thử thách và luôn trốn tránh trách nhiệm.

tâm lý ỷ lại
Tâm lý ỷ lại bắt nguồn từ tính cách lười nhác, thiếu động lực và mục tiêu trong cuộc sống

Tính cách lười nhác bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân nhưng phần lớn là do cách giáo dục của gia đình. Gia đình bảo bọc quá mức và yêu thương, chiều chuộng con cái không đúng mực sẽ khiến trẻ khi lớn lên trở nên lười biếng trong công việc. Những người có tính cách lười nhác thường chọn những công việc nhẹ nhàng và luôn giành phần nhẹ nhất khi được cấp trên giao nhiệm vụ.

Những người có tính cách này sẽ khó thành công trong cuộc sống và họ luôn muốn dựa vào công sức của người khác. Nếu không thay đổi, tính cách lười nhác sẽ khiến bạn thụt lùi so với đồng nghiệp và đối mặt với nguy cơ thất nghiệp.

4. Không có động lực và mục tiêu rõ ràng

Tâm lý ỷ lại thường thấy ở những người không có động lực và mục tiêu rõ ràng. Tình trạng này gặp nhiều ở những người lựa chọn ngành học theo mong muốn của gia đình. Vì không có định hướng riêng nên họ sẽ học tập một cách hời hợt và ỷ lại vào những người khác trong nhóm khi làm bài tập.

Ngoài ra, làm những công việc mà bạn thân không yêu thích cũng là lý do dẫn đến tâm lý ỷ lại. Thực tế, học tập hay công việc đều đòi hỏi sự say mê và hứng thú. Nếu không có đam mê, bạn sẽ không có mục tiêu rõ ràng và không có sự chủ động, độc lập khi làm việc.

Mục tiêu chính là đích đến giúp bạn có động lực và cố gắng hơn khi học tập, làm việc. Nếu không có mục tiêu, bạn thường sẽ có xu hướng học tập và làm việc một cách hời hợt, không cố gắng. Về lâu dài, bạn sẽ hình thành tâm lý ỷ lại và phụ thuộc vào những thành viên khác trong tập thể.

5. Tâm lý sợ sệt và thiếu tự tin

Ngoài những nguyên nhân trên, một lý do khác dẫn đến tâm lý ỷ lại của giới trẻ mà nhiều người không ngờ đến là tâm lý sợ sệt và thiếu tự tin. Thực tế, nhiều người có thói quen ỷ lại người khác vì cho rằng bản thân không có đủ năng lực để hoàn thành nhiệm vụ. Do đó, thay vì đảm đương nhiệm vụ được giao, họ sẽ thoái thác cho người khác và lựa chọn nhiệm vụ đơn giản hơn.

tâm lý ỷ lại
Ít người biết rằng, tâm lý ỷ lại có thể xuất phát từ tính cách thiếu tự tin và tự đánh giá thấp bản thân

Người có tính cách bi quan và tự đánh giá thấp bản thân cũng có tâm lý ỷ lại. Bản thân họ cho rằng giao nhiệm vụ cho những người giỏi giang hơn sẽ đảm bảo công việc được hoàn thành tốt. Bởi họ cho rằng nếu bản thân thực hiện, công việc có thể bị trì trệ và gặp phải sai sót.

Nhiều người mặc dù có năng lực nhưng thiếu tự tin nên đã bỏ lỡ nhiều cơ hội đáng quý. Đây cũng là lý do gia đình cần phải giáo dục trẻ để con hình thành sự tự tin, nâng cao lòng tự trọng và có nhìn nhận, đánh giá đúng đắn về bản thân.

Dẫn chứng của sự ỷ lại, dựa dẫm

Thực trạng của ỷ lại vẫn đang tồn tại, diễn ra từng ngày, từng giờ trong xã hội hiện nay. Người ỷ lại thường chỉ thực hiện theo mệnh lệnh, chỉ dẫn của người khác, không dám đưa ra suy nghĩ, ý kiến của bản thân. Họ có thói quen “nước đến chân mới nhảy”, thường đổ lỗi cho điều kiện hoàn cảnh hoặc người khác, luôn chậm trễ trong công việc.

Dẫn chứng dễ thấy nhất của sự ỷ lại là nhất chính là tình trạng không phát biểu, không dám đưa ra ý kiến của một số bạn học sinh hiện nay. Rất nhiều bạn trẻ không có ý thức tự giác học tập, khi gặp vấn đề cần suy nghĩ thì im lặng, chờ thầy cô đọc sẵn cho chép. Trong việc làm bài tập thì nhờ bạn làm hộ, tìm kiếm đáp án trong sách giải hoặc nhờ cha mẹ, anh chị làm hộ.

Không chỉ xảy ra trong môi trường học đường, sự ỷ lại còn rất phổ biến trong các gia đình hiện đại. Có những bạn trẻ 15, 16 tuổi nhưng không biết tự sắp xếp quần áo, dọn dẹp nhà ở. Mặc dù điều kiện không khá giả nhưng lại sống trong cảnh “cơm bưng nước rót”, chỉ chú tâm vào việc học tập, không biết tự thực hiện các hoạt động chăm sóc bản thân.

Môi trường xã hội cũng không thiếu các trường hợp xuất hiện sự ỷ lại, quá mức. Một ví dụ minh họa của sự ỷ lại chính là việc một cá nhân ít tham gia, đóng góp vào công việc yêu cầu sự phối hợp đội nhóm. Họ không phát biểu, không đưa ra cách nhìn nhận cá nhân, luôn chờ đợi người khác ra mệnh lệnh chỉ dẫn.

Tác hại của thói quen ỷ lại

Thói ỷ lại không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn là mối hiểm họa khôn lường của xã hội. Sẽ không có vấn đề nếu một vài cá nhân ỷ lại. Tuy nhiên, sẽ rất nghiêm trọng nếu một thế hệ thích dựa dẫm, ỷ lại, không có ý thức trách nhiệm, luôn trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác.

Tâm lý ỷ lại khiến chúng ta có những trải nghiệm tiêu cực, tồi tệ, không có động lực phát triển bản thân
Tâm lý ỷ lại khiến chúng ta có những trải nghiệm tiêu cực, tồi tệ, không có động lực phát triển bản thân

Thói ỷ lại có thể gây ra những tác hại nghiêm trọng như:

  • Khiến một người mất đi sự tự lập, gặp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề, trở nên phụ thuộc vào người khác
  • Kém sáng tạo, chủ động, khiến công việc trì hoãn, hạn chế khả năng phát triển bản thân
  • Gây mệt mỏi, áp lực cho người khác, dẫn đến bất mãn, căng thẳng trong các mối quan hệ, đặc biệt là khi làm việc nhóm
  • Giảm hiệu suất làm việc và học tập, gây ra tình trạng trốn tránh trách nhiệm, giảm uy tín, năng lực cá nhân.
  • Mất cơ hội thăng tiến trong công việc do luôn phụ thuộc vào người khác, hiệu quả làm việc kém
  • Ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình chung, đặc biệt là tiến độ các dự án nhóm, dự án cộng đồng.
  • Gây ra tâm lý tự ti, làm giảm sự tự tin, khiến cá nhân bị lệ thuộc, trở thành con rối bị người khác thao túng.

7 Cách khắc phục tính ỷ hiệu quả

Ỷ lại quá mức không chỉ khiến bản thân trở nên phụ thuộc, kém phát triển mà còn ảnh hưởng đến mối quan hệ cá nhân, khiến người khác trở nên khó chịu. Việc khắc phục tính ỷ lại, không dựa dẫm quá mức vào người khác là cần thiết để phát triển trong cuộc sống.

Dưới đây là 7 cách khắc phục tính ỷ lại mà bạn có thể tham khảo:

1. Nhận thức rõ vấn đề và xác định mục tiêu

Trước tiên, bạn cần hiểu rõ tình trạng, vấn đề mà bản thân gặp phải. Bạn đang dựa dẫm quá mức vào người khác trong lĩnh vực nào, nguyên nhân sâu xa của vấn đề xuất phát từ đâu. Sau khi đã nhận thức được vấn đề, bạn tiến hành đặt mục tiêu và đề ra nguyên tắc cho bản thân.

Trường hợp bạn là cha mẹ và có con ỷ lại quá mức. Hãy xác định được nguyên nhân cốt lõi của vấn đề. Đa phần tâm lý ỷ lại xuất phát từ sự nuông chiều, bảo bọc của gia đình và người xung quanh. Nếu muốn giúp con phát triển, phải biết cách yêu thương, quan tâm ở mức độ phù hợp, để trẻ được tự giác và tự lập.

2. Bắt đầu với những nhiệm vụ nhỏ

Việc thay đổi thói quen là điều không đơn giản, bạn dễ gặp khó khăn khi muốn thay đổi tất cả cùng lúc. Vì thế, thay vì đặt mục tiêu lớn lao, hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt và tăng dần độ khó của công việc.

Cố gắng ghi nhớ mục tiêu, nguyên tắc đã đề ra và thực hiện chúng một cách nghiêm túc. Điều này sẽ giúp bạn rèn luyện tính tự giác, biết các sắp xếp và quản lý thời gian, giảm thiểu mức độ phụ thuộc vào người khác.

3. Khen thưởng để tạo động lực

Người trẻ cần học được cách nhìn nhận thành công của người khác, biến đó làm cảm hứng, động lực để phát triển bản thân. Đồng thời, nên tự tạo động lực cho mình bằng cách đặt mục tiêu kèm theo phần thưởng nhỏ tự thưởng cho chính mình.

Với con trẻ, để thay đổi thói quen ỷ lại, cần cho trẻ nước ra khỏi vùng an toàn, được quyền tự đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm với các quyết định của mình. Trẻ cũng cần được tạo động lực bằng các lời tuyên dương, khích lệ và những phần thưởng nhỏ phù hợp với thành tích trẻ đạt được.

4. Trang bị kiến thức, kỹ năng, nâng cao năng lực cá nhân

Một người có xu hướng dựa dẫm, ỷ lại vào người khác khi họ cảm thấy không tự tin về năng lực, khả năng của bản thân mình. Vì thế, để loại bỏ thói quen này, cách tốt nhất là chúng ta nên trang bị kiến thức, kỹ năng và nâng cao năng lực cá nhân.

Nền tảng kiến thức vững chắc khiến trẻ tự tin, tự lập, ít ỷ lại phụ thuộc
Nền tảng kiến thức vững chắc khiến trẻ tự tin, tự lập, ít ỷ lại phụ thuộc

Việc không ngừng tìm kiếm, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm sẽ giúp người trẻ trở nên tự tin, chủ động, có kỹ năng tốt để đối mặt với khó khăn, thách thức. Sự tự tin sẽ giúp chúng ta tích cực, chủ động trong việc khám phá giới hạn của bản thân và không ngần ngại, lo sợ khi mắc sai lầm.

5. Học cách từ chối và xác định giới hạn cá nhân

Khi được người khác đề nghị giúp đỡ với những việc bản thân có thể làm được. Hãy học cách từ chối những sự giúp đỡ không cần thiết, việc chấp nhận người khác giúp đỡ quá nhiều sẽ khiến chúng ta dần trở nên ỷ lại, phụ thuộc.

Cần phải xác định rõ nguyên tắc, lập trường và giới hạn của bản thân. Đồng thời hãy tôn trọng giới hạn của chính mình. Việc bạn có thể làm được, hãy tự mình làm. Việc nằm trong khả năng của mình, dù không chắc có thể làm được cũng nên tự thử sức thực hiện trước khi nhờ cậy người khác.

6. Phát triển tinh thần tự giác và trách nhiệm

Nếu muốn phát triển bản thân, bạn phải có tinh thần tự giác và ý thức trách nhiệm. Đây là yếu tố cần và đủ để một cá nhân được đánh giá cao trong tập thể. Trước hết, bạn cần tập trung vào việc tự đưa ra quyết định và giải quyết những vấn đề nhỏ, trong phạm vi bản thân có thể thực hiện.

Luôn nhận thức rằng bản thân bạn phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình. Nỗ lực hoàn thành tốt mọi vấn đề, khi công việc không như mong đợi, đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc đổ lỗi cho người khác.

7. Nhờ chuyên gia tâm lý hỗ trợ

Tâm lý ỷ lại quá mức không dễ khắc phục, nếu bạn cảm thấy mình đang bị ỷ lại, bị thao túng tâm lý và kiểm soát quá mức, tốt nhất nên tìm đến chuyên gia tâm lý để được gỡ rối. Thông qua vấn đề của bạn, chuyên gia sẽ giúp bạn nhìn nhận, phân tích các mẫu hành vi tiêu cực và đưa ra giải pháp điều chỉnh, thay đổi.

Sự hướng dẫn của chuyên gia sẽ giúp bạn giảm thiểu được tối đa thời gian trong việc thay đổi các thói quen xấu và tâm lý phụ thuộc, ỷ lại vào người khác. Dưới sự theo dõi, đánh giá thường xuyên của chuyên gia, bạn sẽ nhận rõ sự tiến bộ của mình, khắc phục tốt tình trạng phụ thuộc vào người khác.

Nhìn chung, có rất nhiều lý do dẫn đến tâm lý ỷ lại của giới trẻ. Trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất là do gia đình bảo bọc quá mức và giáo dục không đúng cách. Tâm lý này sẽ “giết chết” tương lai của mỗi người và khiến bản thân họ bị tụt hậu so với những người xung quanh.

Tham khảo thêm:

  • Cách giúp trẻ tự tin mạnh dạn trước đám đông cha mẹ nên biết
  • Làm thế nào để trẻ tự tin vào bản thân mình hơn?
  • 6 Cách Rèn Luyện Tư Duy, Suy Nghĩ Tích Cực Trong Cuộc Sống

Từ khóa » Giới Thiệu Về Tính ỷ Lại