5 Năm để Ra đời Chỉ Số Trái Phiếu, Liệu Có Quá Muộn?

Xung quanh vấn đề này, phóng viên TBTCVN đã có cuộc phỏng vấn với bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó Tổng giám đốc HNX.

* Chỉ số trái phiếu (Bond index) là một chỉ báo không thể thiếu trong tiến trình phát triển của bất kỳ một thị trường trái phiếu nào. Tuy nhiên, ở Việt Nam, với việc 5 năm mới ra đời được chỉ số này liệu có muộn không, thưa bà?

5 năm để ra đời một chỉ số đầu tiên cho thị trường trái phiếu không phải là ngắn hay dài, mà quan trọng là nó nằm trong kế hoạch, lộ trình của HNX và đặc biệt hơn là tiến trình vận động của thị trường trái phiếu.

nguyen thi hoang lan

Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan

- Đầu tiên phải khẳng định, chỉ số trái phiếu (Bond index) là một chỉ báo quan trọng của thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) trong việc đo lường mức độ biến động giá trái phiếu. Cùng với đường cong lợi suất (ĐCLS), sự góp mặt của chỉ số trái phiếu sẽ tạo ra một bộ chỉ báo hoàn thiện cho thị trường, tạo cơ sở cho Chính phủ, cơ quan quản lý, nhà đầu tư tham chiếu. Nếu như ĐCLS cho thấy, biến động về lãi suất của trái phiếu trong các thời điểm, thì Bond Index đánh giá biến động về giá trái phiếu cho các giai đoạn của thị trường.

Thị trường TPCP đã phát triển đến một quy mô nhất định, cơ sở nhà đầu tư đã bắt đầu đa dạng, nhà đầu tư và các tổ chức thị trường đã quan tâm nhiều hơn đến thị trường trái phiếu và có nhu cầu về các chỉ báo thị trường để phân tích trái phiếu, hỗ trợ cho việc ra quyết định đầu tư, so sánh kênh đầu tư trái phiếu với các kênh đầu tư khác. Do vậy, việc ra đời chỉ số trái phiếu vào thời điểm này là phù hợp với tiến trình phát triển của thị trường.

5 năm để ra đời một chỉ số đầu tiên cho thị trường trái phiếu không phải là ngắn hay dài, mà quan trọng là nó nằm trong kế hoạch, lộ trình của HNX và đặc biệt hơn là tiến trình vận động của thị trường trái phiếu. Hay nói một cách dễ hiểu hơn, đến lúc này mới là thời điểm thích hợp để chúng ta có thể thu thập được đủ nguồn dữ liệu để hình thành chỉ số, cũng như chuẩn bị cho sự phát triển của thị trường trong tương lai.

* Riêng HNX kỳ vọng điều gì từ Bond Index, thưa bà?

- Minh bạch hóa thông tin, đa dạng hóa sản phẩm là mục tiêu được đặt lên hàng đầu trong định hướng phát triển thị trường TPCP thời gian tới. Khi xây dựng và chọn thời điểm ra mắt lúc này, Bond Index được kỳ vọng sẽ giúp minh bạch hóa thông tin trên thị trường TPCP; hỗ trợ Chính phủ, cơ quan quản lý đánh giá tác động của chính sách vĩ mô lên thị trường; hỗ trợ công tác phân tích, dự báo, nghiên cứu, quản trị danh mục trái phiếu của thành viên, tổ chức trên thị trường; là công cụ quảng bá về mức độ phát triển của thị trường trái phiếu Việt Nam tới các nhà đầu tư quốc tế; và trong tương lai, chỉ số trái phiếu là tài sản cơ sở cho các sản phẩm phái sinh như hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn.

* Còn nhà đầu tư, họ sẽ nhận được lợi ích gì từ Bond Index?

- Bond Index mang lại cho nhà đầu tư, thành viên và các tổ chức thị trường nhiều lợi ích. Thứ nhất, Bond Index là kênh tham chiếu về giá trái phiếu để các tổ chức tài chính, nhà đầu tư quản trị danh mục của chính mình. Nhà đầu tư cũng có thể sử dụng các trái phiếu trong danh mục chỉ số để xây dựng danh mục đầu tư trái phiếu mô phỏng với tỷ trọng tương ứng trong chỉ số. Ngoài ra, chỉ số trái phiếu còn là công cụ tham chiếu để so sánh hiệu quả đầu tư trái phiếu với các kênh đầu tư tài chính khác.

Thứ hai, thông qua chỉ số trái phiếu, các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài có thể so sánh mức độ hấp dẫn của trái phiếu Việt Nam với các thị trường khác, để ra quyết định lựa chọn thị trường đầu tư hợp lý.

* Sau Bond Index, HNX sẽ tiếp tục làm gì để hoàn thiện hơn cho bộ chỉ số của thị trường trái phiếu, thưa bà?

- Căn cứ trên mục tiêu xây dựng bộ chỉ số trái phiếu Chính phủ tại Việt Nam, bộ chỉ số trái phiếu chính phủ tại HNX dự kiến được xây dựng bao gồm các chỉ số thành phần là: Chỉ số trái phiếu tổng hợp, các chỉ số trái phiếu theo dải kỳ hạn 2 năm, 3 năm, 5 năm, 1-3 năm, 3-5 năm, …

Tiếp theo bộ chỉ số trái phiếu kho bạc, HNX sẽ tiếp tục phát triển các bộ chỉ số trái phiếu khác như trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương, chỉ số trái phiếu chuẩn, chỉ số trái phiếu thanh khoản,…

* Xin cảm ơn bà!

Trên thế giới có nhiều phương pháp để tính chỉ số trái phiếu. Cách tính chỉ số trái phiếu sử dụng giá giao dịch có ưu điểm là nguồn giá phản ánh chính xác tình hình giao dịch trên thị trường. Tuy nhiên do tính thanh khoản của thị trường trái phiếu không cao, nên nguồn giá này thường không ổn định. Để khắc phục tình trạng không có giá giao dịch trái phiếu thường xuyên, một số nước sử dụng giá giao dịch gần nhất để tính chỉ số. Phương pháp này cũng có nhược điểm trong trường hợp không có giao dịch và phải sử dụng giá giao dịch gần nhất trong một thời gian dài, khi đó kỳ hạn còn lại của trái phiếu tại thời điểm có giao dịch và tại thời điểm tính chỉ số đã có sự chênh đáng kể, ảnh hưởng đến tính chính xác của nguồn giá sử dụng. Vì vậy, có thể sử dụng các nguồn giá khác như giá chào của các thành viên, giá mô hình để tính chỉ số hoặc có thể sử dụng kết hợp các nguồn giá nói trên.

Dựa trên đặc điểm, tình hình của thị trường Việt Nam, để chỉ số phản ánh sát thực nhất với diễn biến của thị trường, nguồn giá trái phiếu tính Bond index của HNX sẽ được sử dụng kết hợp giữa các nguồn giá lấy từ giá giao dịch, giá chào trên hệ thống, và giá mô hình tính từ hệ thống đường cong lợi suất của Sở. Việc sử dụng kết hợp nhiều nguồn giá sẽ giúp khắc phục hạn chế của thị trường trái phiếu là tính thanh khoản thấp, số trái phiếu có giao dịch chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng danh mục trái phiếu đang lưu hành. Việc sử dụng kết hợp nhiều nguồn giá cũng sẽ đòi hỏi sự cần thiết của việc xử lý giá trước khi đưa vào tính chỉ số nhằm giảm thiểu sự khác biệt và đảm bảo tính đồng nhất cho dữ liệu đầu vào khi tính toán chỉ số. Phương pháp tính toán này đã được Hội đồng chỉ số HNX gồm các chuyên gia uy tín đại diện cho các thành viên thị trường thông qua theo chuẩn quốc tế./.

Duy Thái (thực hiện)

Từ khóa » Chỉ Số Trái Phiếu Là Gì