5 Nữ Anh Hùng Của Sử Việt - Báo Nghệ An

5 nữ anh hùng của sử Việt 06/03/2017 09:56

(Baonghean.vn) - Dù thời xưa, phận đàn bà 'ba chìm bảy nổi' nhưng sử sách vẫn lưu danh nhiều người phụ nữ vượt lên 'nữ nhi thường tình' để gánh vác quốc gia đại sự. Nhân ngày 8 tháng 3, Báo Nghệ An điểm lại những nữ anh hùng ghi dấu ấn sâu đậm trong lịch sử Việt Nam.

1. Trưng Trắc, Trưng Nhị

 Khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Khởi nghĩa Hai Bà Trưng.

Xuất thân là con cháu dòng họ vua Hùng đất Mê Linh, vốn con nhà lạc tướng, nhưng mẹ hai bà là bà Man Thiện cũng kiêm cả nông tang. Từ nghề trồng dâu, nuôi tằm của gia đình mà hai chị em được mẹ lấy tên là Trứng Chắc, Trứng Nhị (lép), để chúng ta quen gọi ngày nay Trưng Trắc, Trưng Nhị.

Lớn lên theo dòng đời giữa vận nước rối ren, bị nhà Đông Hán đô hộ, Hai bà chẳng cam chịu ở trói mình trong chốn khuê môn, món võ siêng tập, tay kiếm siêng luyện, hai bà trở thành bậc quần thoa được người trong vùng ngưỡng mộ theo về.

Cuộc hôn nhân liên minh chính trị giữa Thi Sách và Trưng Trắc sau đó được tiến hành. Nhưng rồi, đấng phu quân đất Chu Diên (thuộc Hưng Yên nay) của bà chị cả đã bị đoạt mệnh trong tay tên Thái thú Tô Định, “Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên”, hai chị em nổi dậy khởi nghĩa.

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng nhanh chóng được nhân dân khắp nơi hưởng ứng, hào kiệt quanh vùng theo về, trở thành một cuộc khởi nghĩa đặc biệt khi trong hàng ngũ tướng lĩnh lãnh đạo đa phần là những nữ tướng vang danh, nào Lê Chân, Thiều Hoa, Xuân Nương…:

Cuộc khởi nghĩa thành công năm Canh Tý (40). Nhưng, nền nhất thống, thái bình “ngắn chẳng tày gang”. Qua ba năm đất nước được hưởng cảnh yên ổn, dân vui thú làm ăn, nhà Đông Hán sai Mã Viện sang Nam đàn áp. “Người ấy (chỉ Mã Viện – người dẫn) đánh nhau mấy hai bà ấy ở chỗ hồ Lãng Bạc (bây giờ là hồ Tây bên thành Hà Nội); hai chị em thua, cùng lui về; đến xã Hát môn, huyện Phúc Lộc (bây giờ là Phúc Thọ, ở tỉnh Sơn Tây), bực chí, nhảy xuống cửa sông Hát giang, tự vẫn” , việc ấy xảy ra năm Nhâm Dần (42).

2. Nữ anh hùng Triệu Thị Trinh

 Bà Triệu khởi nghĩa.
Bà Triệu khởi nghĩa.

Theo dã sử, bà Triệu sinh ngày 2 tháng 10 năm Bính Ngọ (226) tại vùng núi Quan Yên (núi Nưa), thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa nay. Dân gian còn kể lại rằng, từ nhỏ cô gái họ Triệu đã tỏ ra là người quyết đoán, chính trực, luôn thể hiện sự căm phẫn trước những cảnh đàn áp, bóc lột dã man của bọn thống trị phương Bắc đối với dân ta.

Đó cũng là lý do vì sao bà nuôi chí lớn “thay trời hành đạo”, không bó mình nơi phòng khuê mà siêng năng luyện tập võ nghệ, bắn cung, cưỡi ngựa giỏi không kém bất cứ trang nam nhi tuấn kiệt nào. Khi có người đề cập đến chuyện chồng con, cô gái trẻ đã khảng khái bày tỏ nguyện vọng của mình: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ. Há lại khom lưng chịu làm tì thiếp cho người ta”.

Năm Mậu Thìn (248), bà Triệu phất cờ khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa từ vùng núi Nưa lan rộng ra khắp quận Cửu Chân rồi quận Giao Chỉ. Đánh đến đâu nghĩa quân thắng như chẻ tre đến đó. Nhà Ngô lo sợ phải điều 8.000 quân do An Nam hiệu uý, Thứ sử Giao Châu Lục Dận (cháu danh tướng Lục Tốn của nhà Đông Ngô) chỉ huy sang đàn áp cuộc khởi nghĩa.

Đối mặt với khí thế ngút trời của nghĩa quân cùng bà tướng trẻ “mặc áo ngắn màu vàng, chân đi giày mũi cong, ngồi đầu voi mà chiến đấu” (theo Giao Chỉ chí) uy nghi lẫm liệt, quân Ngô trở nên khiếp sợ, bạc nhược. Giặc Ngô khâm phục bà Triệu và gọi bà là Nhuỵ kiều tướng quân (vị nữ tướng yêu kiều), rồi Lệ hải bà vương (vua bà vùng biển mỹ lệ).

3. Nữ Đô đốc Bùi Thị Xuân

 Đô đốc Bùi Thị Xuân hiên ngang ngay cả khi đối mặt với cái chết.
Đô đốc Bùi Thị Xuân hiên ngang ngay cả khi đối mặt với cái chết.

Bùi Thị Xuân (? – 1802) quê ở thôn Xuân Hào, tổng Phú Phong, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn, nay là thôn Phú Xuân, xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Bà là nữ tướng danh tiếng thời Tây Sơn, vợ danh tướng Trần Quang Diệu, cháu Thái sư Bùi Đắc Tuyên.

Là phận gái thân bồ liễu nhưng ở bà không chỉ hội tụ đủ yếu tố cần thiết của người phụ nữ thời phong kiến với luân lý “tam tòng, tứ đức” mà những phẩm chất trí, dũng, liệt… của trang nam nhi tuấn kiệt cũng hiện diện nơi bà, đưa bà trở thành một trong những nữ danh tướng huyền thoại thời Tây Sơn, thậm chí là cả sử Việt cổ kim.

Thuở nhỏ thay vì làm bạn với đường kim, mũi chỉ thêu thùa, với cây đàn tỳ bà thánh thót, cô Xuân đi… học võ với thầy Đô thống Ngô Mạnh ở Thuần Truyền. Trong các môn sinh nam nữ, khả năng võ nghệ của Bùi Thị Xuân nổi bật, học đâu hiểu đó, đặc biệt giỏi môn song kiếm, do đó bà được sư phụ cho làm chức trưởng môn. Theo tương truyền, ngoài giỏi võ, Bùi Thị Xuân còn là người có nhan sắc, khéo tay, biết cả chữ thánh hiền, viết chữ rất đẹp.

Nhờ giỏi võ mà tương truyền có lần bà cùng Trần Quang Diệu giết cả hổ dữ tấn công và cũng từ lần tương ngộ đó hai người nên vợ nên chồng, lại đồng chí hướng phò vua giúp nước, hai vợ chồng đầu quân theo khởi nghĩa Tây Sơn. Từ đây tài năng võ nghệ đã đưa Bùi Thị Xuân trở thành một nữ võ tướng tiêu biểu dưới triều vua Quang Trung.

Cùng với chồng là tướng quân Trần Quang Diệu và các tướng lĩnh khác, Bùi Thị Xuân tham gia phong trào nông dân Tây Sơn, góp công đánh bại 29 vạn quân xâm lược Thanh năm 1789 (Kỷ Dậu) cùng vua Quang Trung, rồi chiến tranh đối đầu với Nguyễn Ánh. Tài nghệ binh bị, giỏi sử dụng quân, can đảm dũng lược trong chiến đấu, bà góp công lớn cho sự tạo dựng vương triều Tây Sơn, được Quang Trung phong là Đô đốc.

4. Nữ tướng Nguyễn Thị Định

Nữ tướng Nguyễn Thị Định.
Nữ tướng Nguyễn Thị Định.

Nữ tướng Nguyễn Thị Định sinh ngày 15/3/1920, là con út trong 10 anh em tại một gia đình nông dân ở xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Lớn lên, cô út Định trở thành một thiếu nữ xinh đẹp, được gia đình nhắm gả cho một nơi giàu có. Nhưng được giác ngộ cách mạng từ năm 16 tuổi, bà quyết chọn ông Bích - một trong số các đồng chí cùng hoạt động với anh mình.

Sau cách mạng, Nguyễn Thị Định được bầu vào Tỉnh ủy Bến Tre. Từ đó, bà cùng các cán bộ lãnh đạo ở địa phương tổ chức cuộc kháng chiến của nhân dân Bến Tre. Sau khi Hiệp định Genève được ký kết Năm 1954, bà quyết định ở lại miền Nam chiến đấu.

Đầu năm 1960, bà một trong những người lãnh đạo Đồng khởi Bến Tre và là người chỉ đạo trực tiếp cuộc Đồng khởi đợt I (17/1/1960) với nòng cốt là các chị em phụ nữ. Cuộc đồng khởi thắng lợi, mở đầu cho phong trào Đồng khởi trong tỉnh và toàn miền Nam sau này.

Tên tuổi Nguyễn Thị Định, mà đồng đội và nhân dân thường gọi là chị Ba Định, gắn liền với cuộc đồng khởi như sóng triều vang dậy, lan khắp miền Nam. Sau này, Bác Hồ gọi đội quân của Nguyễn Thị Định là “đội quân tóc dài”.

Trong những năm sau đó, chị Ba Định được giao những trọng trách mới. Và bà đã khẳng định tài năng của mình trong vai trò nữ tướng. Bà đã chỉ huy các đơn vị văn công, tuyên huấn, du kích các cơ quan, đoàn thể tham gia đánh địch, đẩy trận càn Giônxơn City - trận càn lớn nhất của Mỹ ngụy vào tháng 2/1967.

Năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về Nguyễn Thị Định: “Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta”.

Đây dường như là một lời tiên tri, khi đến năm 1974, chị Ba Định chính thức được phong quân hàm Thiếu tướng. Và đến mùa xuân 1975, trong 5 cánh quân rầm rập tiến về giải phóng Sài Gòn, có nữ tướng Nguyễn Thị Định trong vai trò Phó Tổng tư lệnh quân giải phóng.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN
  • Người phụ nữ 'đáng sợ' nhất thế giới là ai?
  • 15 phụ nữ giàu nhất Việt Nam đang có khoảng 1 tỷ USD
  • Hài hước: Khi phụ nữ 'lùi' xe máy
  • Phụ nữ các nước thích được tặng quà gì ngày 8/3?
  • Vẻ đẹp của phụ nữ miền Tây Nghệ An

Từ khóa » Những Phụ Nữ Anh Hùng Qua Các Thời Kỳ