5 Tháng, Xuất Khẩu Của Doanh Nghiệp Thủy Sản Trên Sàn Tăng Trưởng ...

Xuất khẩu thủy sản tháng 5 chững lại vẫn chạm mốc tỷ đô

Dữ liệu Tổng Cục Hải quan cho thấy, sau khi đạt kỷ lục trên 1,1 tỷ USD trong tháng 4/2022 với mức tăng trưởng trên 50%, bước sang tháng 5/2022, xuất thuỷ sản không duy trì được mức tăng trưởng nóng, nhưng vẫn chạm mốc 1 tỷ USD, tăng trưởng 34,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Luỹ kế 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản của cả nước mang về kim ngạch trên 4,7 tỷ USD, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu thuỷ sản tháng 5/2022 chững lại một chút so với tháng 4 chủ yếu do xuất khẩu tôm. Trong tháng 5, xuất khẩu tôm đạt 457 triệu USD, tăng 30,9%, sau khi tăng nóng 47% trong tháng 4. Tính đến hết tháng 5, xuất khẩu tôm đạt gần 1,9 tỷ USD, tăng 41,4% và chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản.

5 tháng, xuất khẩu của doanh nghiệp thủy sản trên sàn tăng trưởng kinh ngạc - Ảnh 1.

Luỹ kế 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản của cả nước mang về kim ngạch trên 4,7 tỷ USD, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo một số doanh nghiệp, xuất khẩu tôm 4 tháng đầu năm nay tăng đột phá vì 5 lý do: nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường hồi phục mạnh, doanh nghiệp có sẵn nguồn nguyên liệu dự trữ và tồn kho từ năm 2021, nhiều doanh nghiệp ký được hợp đồng từ cuối năm ngoái với mức giá cao trong bối cảnh Covid căng thẳng, tình trạng lạm phát giá trên toàn cầu cũng tác động giá tôm tăng, sự trở lại của doanh nghiệp Việt Nam với các hội chợ thuỷ sản quốc tế tại Mỹ, EU…

Tuy nhiên, từ đầu tháng 5, thời tiết có chiều hướng bất lợi cho tôm nuôi, mưa đầu mùa sớm hơn mọi năm, ảnh hưởng đến sản lượng tôm, do vậy nguồn nguyên liệu tôm không được khả quan như 4 tháng đầu năm. Do vậy, tháng 5 và vài tháng tới, có khả năng nguyên liệu tôm sẽ thiếu hụt hơn. Bên cạnh đó, nhu cầu tôm của một số thị trường NK chính có xu hướng chững lại sau khi tăng mạnh từ cuối năm 2021 tới nay. Do vậy, xuất khẩu tôm quý II dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại so với quý I.

Xuất khẩu cá tra trong tháng 5 tăng 66,7% đạt 247,6 triệu USD, cũng tăng trưởng thấp hơn so với tháng 4. Tuy nhiên, luỹ kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra vẫn giữ được tăng trưởng cao gần 90% đạt trên 1,2 tỷ USD.

Năm nay, lạm phát giá thực phẩm và thuỷ sản cao kỷ lục trên thế giới là một lợi thế cho mặt hàng cá tra xuất khẩu của Việt Nam. Xuất khẩu cá tra sang các thị trường tăng mạnh, nhất là thị trường Mỹ, EU và Trung Quốc.

Xuất khẩu cá ngừ vẫn giữ được tăng trưởng cao 43,3%% trong tháng 5/2022 đạt trên 94,6 triệu USD. Tính đến hết tháng 5/2022, xuất khẩu cá ngừ đạt 462,4 triệu USD, tăng 58,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu các mặt hàng hải sản khác như mực, bạch tuộc, cua ghẹ, nhuyễn thể có vỏ, tuy vẫn tăng so với cùng kỳ nhưng mức tăng đều thấp hơn so với tháng 4.

Doanh nghiệp thủy sản trên sàn có gì đáng chú ý?

Doanh thu xuất khẩu thủy sản của tất các các doanh nghiệp niêm yết đều có mức tăng trưởng ấn tượng.

Về thứ hạng, 5 tháng đầu năm, "nữ hoàng cá tra" Vĩnh Hoàn (VHC) đã vươn lên đứng đầu bảng xếp hạng với doanh thu đạt gần 201 triệu USD, tăng trưởng hơn 93% so với cùng kỳ năm 2021.

Tiếp đến là "vua tôm" Minh Phú (MPC), trong khi năm ngoái, Minh Phú đứng số 1 thì năm nay tụt xuống thứ 3 với doanh thu đạt 148 triệu USD, tăng trưởng 17,5%.

Công ty thực phẩm Sao Ta (Fimex, FMC) cũng đạt mức tăng trưởng ấn tượng 32% lên 71,8 triệu USD.

Đáng chú ý, trong top 10 năm nay xuất hiện I.D.I Corp (IDI) với doanh thu đạt 61 triệu USD, tăng trưởng hơn 100%, trong khi năm trước doanh nghiệp này xếp thứ 18 trong bảng xếp hạng.

Các doanh nghiệp khác như đại gia thủy sản Navico (ANV), Thuận Phước (THP), Camimex Corp (CMX) có các mức tăng trưởng lần lượt 38%, 22% và 57%.

5 tháng, xuất khẩu của doanh nghiệp thủy sản trên sàn tăng trưởng kinh ngạc - Ảnh 2.

Nguồn Số liệu Tổng cục Hải quan. Đồ họa: Ong Lý

Trên thị trường chứng khoán, khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6/2022, nhóm cổ phiếu ngành thủy sản luôn là tâm điểm của thị trường khi liên tục tăng trần. Các mã như ANV, IDI, ACL liên tục bất phá với mức tăng từ 17-25%.

Đáng chú ý, trên sàn thuộc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), danh sách top 10 cổ phiếu tăng mạnh bậc nhất tuần trước đó đã có tới 3 gương mặt ngành thủy sản.

Các mã thủy sản khác cũng nằm trong top 10 tăng giá sàn này có IDI của Đầu tư và PT Đa Quốc Gia (HoSE: IDI), ACL của Thủy sản Cửu Long An Giang (HoSE: ACL) với mức tăng lần lượt 21,4% và 17%.

Một tuần trở lại đây, thị trường chứng khoán tiếp tục lao dốc. Cổ phiếu ngành thủy sản cũng cùng đà giảm nhưng mức giảm khá nhẹ.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/6, một số cố phiếu thủy sản vẫn giữ được sắc xanh như cổ phiếu ANV tăng 2,08%, MPC tăng nhẹ 0,62%; ABT tăng 1,49%, IDI tăng 1,91%, FMC tăng 1%. Các mã như VHC, ACL, CAT, CMX chuyển sang màu đỏ, một số mã khác như ASM, PAN đều nằm sàn.

  • Thời hoàng kim đã trở lại với đại gia thuỷ sản Navico Doãn Tới?

    Thời hoàng kim đã trở lại với đại gia thuỷ sản Navico Doãn Tới? 13/06/2022 06:25

  • Vì đâu "vua cá tra" một thời - Thủy sản An Giang (AGF) chìm trong thua lỗ, âm vốn sở hữu 169 tỷ đồng?

    Vì đâu "vua cá tra" một thời - Thủy sản An Giang (AGF) chìm trong thua lỗ, âm vốn sở hữu 169 tỷ đồng? 05/06/2022 10:23

  • Giá thủy sản tại thị trường châu Âu tăng vọt, Việt Nam vẫn thu 1 tỷ USD xuất khẩu thủy sản tháng 5

    Giá thủy sản tại thị trường châu Âu tăng vọt, Việt Nam vẫn thu 1 tỷ USD xuất khẩu thủy sản tháng 5 04/06/2022 07:12

  • Đồng loạt đổi màu từ đỏ sang tím, đích nào cho cổ phiếu thủy sản?

    Đồng loạt đổi màu từ đỏ sang tím, đích nào cho cổ phiếu thủy sản? 01/06/2022 17:22

Từ khóa » Doanh Nghiệp Xuất Khẩu Tôm Niêm Yết